Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI QUÊ RA PHỐ

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu
Thứ năm ngày 2 tháng 2 năm 2017 10:24 AM


(Đọc tập truyện ngắn “Những nẻo đường tu” của Y Mùi – NXBHNV,

năm 2015)


Hiện lên trước mắt tôi là những cảnh đời, những kiểu người có cùng gốc gác từ nông thôn ra thành phố lập thân, lập nghiệp.

Đó là cô giáo tiểu học, may mắn được dạy học ở thành phố, lại may mắn có được người chồng yêu thương vợ. Cô vẫn giữ được nét sống đẹp của người quê: luôn nhớ mua quà là vỏ ngon ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua cho mẹ và hằng tháng dành thời gian lên chùa cúng Phật. Mẫu người ấy, nếp sống ấy vẫn cứ va đập với cuộc sống với người thành thị. Và trớ trêu thay, sự va đập xảy ra ngay khi cô hành xử hai nét sống đẹp ấy…

Đó là một cô gái bước vào đời với may mắn “có chút duyên thầm trời cho” và “tấm bằng tốt nghiệp đại học loại khá”, nhờ vậy cô “lấy được tấm chồng ra chồng” và có việc làm suôn sẻ. Thế là cô bằng lòng làm một “công chức hạng ba”, xác định đi làm chỉ để “đẹp đội hình”. Cô thực hiện tốt “tám giờ vàng ngọc”, không quan tâm chuyện cơ quan cất nhắc, đề bạt, dành thời gian cho gia đình vì nghĩ “cái gia đình nhỏ bé của cô mới quan trọng. Cô tự nguyện làm hầu hết việc nhà để chồng “thả sức thi thố ngoài xã hội”. Một lối sống đầy sự “nhường nhịn” như thế hóa ra vẫn không ổn trong đời sống thị thành; trước hết là không ổn ngay trong quan hệ vợ chồng. Chồng cô được rảnh rang đi làm kiếm thu nhập tốt, đưa tiền cho cô đủ chi tiêu cho gia đình nhưng ngày càng coi thường cô khiến cô âm thầm đau khổ chỉ còn biết bấu víu vào đứa con làm nguồn vui sống. Nhưng rồi đến một ngày như con giun xéo lắm cũng quằn, thấy danh, dự nhân phẩm bị xâm hại quá đáng cô vùng lên tự giải phóng cuộc đời mình. Cô xách va li ra khỏi nhà, nhảy lên taxi mà không biết đi đâu. Rồi tỉnh dậy do câu quát nạt thường nhật của người chồng cô mới hay hành động quyết liệt vừa rồi “hóa ra chỉ là giấc mơ thôi” và đứa con đã neo cô lại, để cô tiếp tục sống chung với người chồng cộc cằn đến độ vũ phu. Câu kết truyện: “Chỉ còn lại người mẹ ngồi nhìn cái bóng của chính mình đổ xuống giường trong khuya khoắt” gợi một sự chịu đựng…

Rồi một phụ nữ khác, tên Hoa “với cả chục năm có lẻ sống nơi phố xá”. Hoa “được học hành đến nơi đến chốn” và thoát ly ruộng đồng từ năm mười sáu tuổi, nhưng vẫn giữ được đức tính chăm chỉ, thật thà, chất phác, chân quê. Hoa lấy được người chồng cũng “trí thức gốc quê” nên cô cùng chồng phải xoay xỏa cuộc sống gia đình, thêm bà mẹ chồng ra trông con giúp và thỉnh thoảng còn phải chi viện cho nhà chồng ở quê. Từng ấy nhu cầu, đồng lương công chức của hai vợ chồng không đủ chi tiêu. Hoa không nề hà, ngoài giờ làm việc ở cơ quan cô ra ngã ba đường ngồi buôn bán vặt. Vậy mà rồi vẫn xảy ra chuyện từ khi chồng Hoa kiếm ra tiền. Hoa không còn phải bán mặt ngoài đường sau giờ hành chính; “Không phải lo lỗ lãi với mấy bao thuốc lá hết mùi”, hết giờ làm Hoa “chỉ còn việc đi chợ nấu bữa cơm chiều, chăm chút cho đứa con gái yêu và chờ chồng”… Khi suôn sẻ trên đường quan lộ, có tiền và thăng tiến chồng Hoa thay đổi tâm tính, nhìn cô với con mắt coi thường không chỉ là ánh mắt, thái độ, lời nói mà dần quên cả đời sống chồng vợ. Cho đến một ngày, tột đỉnh bi kịch đến với Hoa. Cô vợ chui của chồng Hoa xuất hiện cùng đứa bé trai giống con gái của Hoa như hai giọt nước. Chồng Hoa chìa lá đơn đồng ly hôn do anh đã đánh máy sẵn. Chao ôi! Sống thật thà, chịu thương chịu khó, tận tụy, hết lòng, nghĩa là sống đúng nghĩa một người phụ nữ chân quê, chỉ biết nhường nhịn, chịu đựng nhưng vẫn hứng chịu bi kịch cuộc đời khi nhẹ dạ cả tin đến quên cả danh dự và phẩm giá...

Bài học xót xa này thì vẫn cứ còn mãi, bởi người quê, nét quê muôn đời vẫn vậy, đâu dễ khác đi?! Thêm một bài học nữa, chuyện về chàng trai quê Đới Hữu Vinh. Vinh cũng được gia đình cho ăn học để có trong tay tấm bằng trung cấp Nông - Lâm. Nhưng muốn bám thị thành làm người phố, không thể sử dụng kiến thức học được, Vinh làm đủ các nghề, từ tiếp thị điện thoại di động, đưa nước khoáng đến việc nhặt cầu ở sân ten - nít để có tiền chung sống với “em Hồng” cũng từ quê ra phố bán hàng thuê ở siêu thị. Cách sống buông thả, chạy theo lối sống “hiện đại” nơi phố xá, biết nay không biết mai, có mới nới cũ… Cuối cùng, Vinh trả giá bằng cả mạng sống của mình trong một tai nạn giao thông.

Có bốn mẫu người trẻ từ quê ra phố sinh sống, tuy khác nghề nghiệp và hoàn cảnh, nhưng mỗi trường hợp để lại một cảnh báo về cuộc sống nơi đô thị để người ta suy ngẫm. “Những nẻo đường tu” còn cho tôi gặp một số nhân vật phụ nữ “nhà quê” khác: hai “bà cụ”, một người đàn bà mang ba đứa con ra thành phố mưu sinh bằng nghề bán quà vặt với mục đích tìm lại bố cho những đứa con và đã sẵn sàng giúp đỡ, “nhường cơm sẻ áo” cho một nữ “công chức xịn” cũng đi bán quà vặt ngoài giờ hành chính để vượt qua khó khăn thời bao cấp. Cuối cùng là anh chàng nghệ sỹ rởm, tên Cao Nguyên, cũng bỏ quê ra Hà Nội, tự sưng là “giảng viên dạy nhạc”, trình độ học vấn thì “chữ viết hoa, dấu chấm, dấu phảy dùng vô tội vạ”. Chàng “nhạc sỹ Cao Nguyên” tự giới thiệu “chuyên phổ nhạc cho thơ” của những tác giả chưa nổi danh tức đang ở cấp câu lạc bộ. Và “Người mắc chứng chập IC” - nhạc sỹ Cao Nguyên đã làm một việc trên đời chưa ai từng làm là chuyển thể truyện ngắn “Những nẻo đường tu” của Y Mùi thành bài hát.

Nhân vật trong “Những nẻo đường tu”, bốn phụ nữ gốc quê, tuổi tác khác nhau, mỗi người mỗi cảnh, nhưng đều giống nhau ở tính căn cơ. Lối sống nhà quê của họ khiến ta yên lòng, tin cậy - ấy là tính cách hiền lành, nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Riêng anh chàng học đòi làm nghệ sỹ khiến ta nghi ngại. Cũng rời quê từ một thành phố tỉnh lỵ ra phố lớn mưu sinh, nhưng Cao Nguyên là người chập mạch kiểu tự huyễn hoặc mình là nhạc sỹ. Kiểu mưu sinh của những người mắc chứng tâm thần phân liệt như “nhạc sỹ Cao Nguyên” đâu đó trong đời sống ta vẫn thấy, báo động một kiểu kiếm tiền bằng lừa đảo nhưng đáng thương hơn là đáng trách. Có lẽ đấy là những gì tiến sỹ y học, bác sỹ Đào Thị Mùi với bút danh Y Mùi muốn chia sẻ cùng độc giả qua tập truyện ngắn đầu tay “Những nẻo đường tu”.

Đề tài “Người làng ra phố” báo chí đã đề cập nhiều, nhưng chủ yếu là ở khía cạnh rung chuông báo động nạn thiếu lao động ở nông thôn cùng với nạn tăng dân cư khó kiểm soát ở các đô thị, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây dăm bảy năm nhà văn Đào Quang Thép đã viết một se - ri truyện “Bỏ làng ra phố” đăng nhiều kỳ trên báo “Người Hà Nội cuối tuần”, sau đó xuất bản thành sách. Nay Y Mùi trình làng tác phẩm đầu tay cũng đề tài này, liệu có đem đến điều gì mới cho bạn đọc?

Cầm “Những nẻo đường tu” trên tay, tôi có băn khoăn câu hỏi đó. Mở nhanh ít trang truyện, liếc nhìn mấy dòng tác giả ghi dưới các truyện, tâm tưởng tôi có phần được giải tỏa: hóa ra Y Mùi không phải người đi sau. Truyện ngắn “Những nẻo đường tu” được viết từ mùa đông năm 1998 và được chị lấy làm tên cho tập. Truyện “Hôn nhân thời mắc dịch” viết cuối năm 2009. Truyện “Ở ống muốn tròn thì khó” viết năm 2010… Thêm một lý do nữa để tôi không bị phân tâm khi được biết: bác sỹ Đào Thị Mùi vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, nhưng ở tuổi học sinh đã rời làng quê lên thị xã Phú Thọ học lớp toán đặc biệt của tỉnh Vĩnh Phú. Chị tốt nghiệp đại học y tại Liên xô cũ, từng thuyên chuyển công tác qua nhiều cơ quan. Tiến sỹ Đào Thị Mùi có một quá trình công tác, học tập bền bỉ và trải qua không ít thăng trầm trên đường đời, luôn vượt lên để thay đổi số phận. Chính cuộc sống đầy sóng gió mà chị đã trải qua là chất liệu quý giúp chị viết nên những thiên truyện ngắn về đề tài “Người quê ra phố”, để có tập truyện ngắn “Những nẻo đường tu”.

Không kể truyện cuối cùng “Người mắc chứng chập IC” - chị thẳng thắn tự xưng danh tác giả, thì cả 8 truyện ngắn còn lại trong tập người đọc vẫn nhận ra chị đang làm cái việc của con tằm rút ruột nhả tơ. Thêm nữa, vốn sống dày dặn, từng trải, cộng thêm vốn kiến thức văn hóa phong phú giúp tác giả “Những nẻo đường tu” có ngôn từ hiện đại, mới mẻ, có những câu đối thoại rất sinh động hấp dẫn người đọc. Đó là những cuộc chém gió của nhân vật Hoa với lũ bạn gái đồng môn trong “Liệu có thể khác đi không”; là những cuộc điện thoại qua lại giữa nhân vật cụ Cội và lũ con cháu trong “Cụ Cội và con dế hồng”; là những đối đáp giữa hai nhân vật trong “Người mắc chứng chập IC”.

Lẽ dĩ nhiên, là tác phẩm đầu tay nên “Những nẻo đường tu” cũng bộc lộ những khiếm khuyết. Người đọc thấy tác giả chỉ dùng thủ pháp kể chuyện là chính. Các thủ pháp khác như: dựng truyện, miêu tả, đồng hiện, hiện thực huyền ảo… chưa được sử dụng. Điều này chắc tác giả cũng đã biết rồi vì chị đã từng tham gia một số khóa học bồi dưỡng viết văn do Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức.

Người đọc hoàn toàn có cơ sở hy vọng vào những tác phẩm của tác giả Y Mùi sẽ xuất bản nay mai.

Hà Nội, 20/11/2016




Cô Gấm

Truyện ngắn của Y Mùi

1.

Trong cuộc đời này, tôi đã từng mắc nợ nhiều người và cô Gấm là một người trong số đó. Tôi rất nhớ lời mẹ dạy: “Nợ đời khó trả dễ vay” từ khi tôi còn là cô gái mười bốn, mười lăm tuổi. Và tôi càng cố gắng tránh để không mắc nợ thì tôi lại càng mắc nợ nhiều hơn. Trong hành trình vượt qua bể khổ cuộc đời, xem ra từ lúc chưa ý thức được tôi đã bắt đầu mắc nợ. Tôi mắc nợ mọi người, khi thì vô tình, khi thì có chủ ý mà mắc nợ. Cô Gấm là người vừa do vô tình vừa là cố ý mà tôi mang nợ.

Món nợ cô Gấm là món nợ tôi không dễ gì trả; bởi vì có muốn trả thì cũng chưa biết tìm người ở đâu bây giờ? Cô tên gì tôi không biết, chỉ biết mọi người gọi cô theo tên của đứa con gái đầu lòng. Tôi cũng gọi: cô Gấm. Ấy là tôi gọi thế chứ thực ra cô Gấm chỉ hơn tôi khoảng mươi, mười hai tuổi. Vì trông cô lam lũ và cách ăn mặc thì cũ kỹ, rất quê nên lúc đầu tôi không đoán đúng tuổi của cô.

Thời bao cấp, giống như số đông công chức nhà nước, kinh tế gia đình tôi cực kỳ khó khăn. Mỗi người, mỗi nhà đều tìm cách tạo thu nhập thêm ngoài lương để tồn tại qua ngày. Rất nhiều người nhà nước, nhìn bề ngoài trông cái quần, tấm áo trên người thì ai cũng có vẻ no lành, nhưng bên trong cái vỏ lành lặn ấy ẩn giấu một tinh thần rệu rã, một thể lực đói chất, kém nạp những thứ nghèo dinh dưỡng cả về số lượng nên thành đói kinh niên. Nhà nhà cố gắng. Người người cố gắng. Không ai muốn cho người khác biết mình khốn đốn, bần cùng. Tôi cũng không nằm ngoài số đó.

Tôi đã giấu giếm mọi người việc phải kiếm sống thêm bằng nghề bán quà vặt sau giờ hành chính. Hằng ngày cứ hết giờ làm ở cơ quan là tôi tất tưởi về nhà, thay bộ đồ công chức lượt là ra, mặc bộ đồng phục nhà binh màu cỏ úa xin được của một cô em họ đang tại ngũ; bỏ cái nón mới hằng ngày vẫn đội đến công sở lại nhà, đội cái nón cũ kỹ, lá nón đã ố vàng và mốc thếch; bê rổ hoa quả và cái mẹt ra chợ gần nhà để bán. Sau khi thử thay đổi mặt hàng vài ba lần tôi quyết định bán mấy thứ hoa quả rẻ tiền; mùa nào thứ ấy, chủ yếu là: bưởi, chuối, ổi, khế, nhót, mít, hồng xiêm...

Những ngày đầu ra chợ, tôi bị xua đuổi đến khốn khổ. Rổ hàng chỉ lèo tèo cắp nách không có thứ gì đáng tiền nhưng không ai cho tôi đặt xuống gần chỗ họ ngồi; từ các bà bán cùng một mặt hàng đến mấy bà bán những thứ chẳng liên quan gì với quà vặt. Người xua đuổi tôi quyết liệt nhất là ông quản lý chợ. Tôi đoán ông ấy chỉ cỡ đàn anh, hơn tôi năm, bảy tuổi là kịch kim. Không trông thấy tôi thì thôi, chứ cứ hễ thấy bóng tôi là ông ta lao đến, vênh cái mặt quắt, quầy quậy xua như thể tôi đang mang cái mầm bệnh nguy hiểm dễ lây lan ra cộng đồng vậy. Tôi rất muốn cãi nhau với ông ta nhưng vì miếng cơm nên vẫn phải nén lòng nỉ non: “Cháu là người nhà nước. Nhà ở gần đây. Hết giờ làm bán lặt vặt kiếm thêm chút tiền nuôi con. Chú thông cảm”. Ông quản lý chợ giảng giải: “Chị là người nhà nước thì có nhà nước lo. Chợ là chỗ kinh doanh của tiểu thương. Chị ra đây buôn bán là chị cướp cơm của người ta đấy. Biết không?”. Ông ta nói quá chuẩn, quá đúng. Tôi chỉ còn cách chui lủi để tránh chạm mặt với người quản lý chợ khó tính. Nhưng hình như càng cố tránh mặt thì càng hay gặp. Thế nào rồi ông ta cũng vẫn thấy tôi. Lại đuổi. Lại xin xỏ. Lại nài nỉ. Chỉ đến chiều muộn, khi chợ đã vãn người mua, người bán ông quản lý chợ mới hết hứng thú với việc đuổi tôi.

Mãi sau này tôi mới hiểu lý do vì sao người bảo vệ chợ lại ghét mình như thế. Mọi người bảo bất kỳ ai muốn buôn bán ở chợ ấy đều phải biết đến ông. Tôi thì ngây thơ, cứ tưởng chợ là chỗ công cộng, chỗ của chung mọi người, ai muốn bán mua thì đến thôi. Ông ấy thể hiện như vậy là muốn hỏi khéo người mới bước chân vào lãnh địa do ông cai quản: “Mi không biết ta là ai à?”.

2.

Hồi mới ra chợ bán hàng, chiều nào tôi cũng phải bê cái rổ khi thì mấy quả bưởi, khi thì vài tấm mía lượn ngược, lượn xuôi, lúc đầu chợ, lúc cuối chợ. Mỏi chân muốn ngồi ghé xuống đâu đó một lúc cũng khó vì không ai cho tôi đặt cái rổ bên cạnh chỗ họ ngồi. Tất nhiên, tôi cũng đủ ý tứ cố tránh xa mấy bà bán hàng quà giống với mình. Mấy bà bán trầu vỏ, chả liên quan gì cũng không muốn cho tôi lại gần. Thế mới kỳ lạ!

Nhưng người kỳ lạ hơn tất cả là cô Gấm. Cô ngồi ở đầu chợ, ngay dưới dốc bên trong cổng chính của chợ. Hàng của cô Gấm cũng là quà vặt rẻ tiền nhưng đa dạng về chủng loại và nhiều về số lượng; trong đó có mấy thứ y chang những thứ có trong mẹt hàng của tôi. Mỗi khi đi qua khu vực cô Gấm ngồi tôi đều cố đi thật nhanh và trong đầu thường trực mấy câu giãi bày: “Cháu chỉ bán thêm sau giờ làm việc. Cháu sang phía bên kia ngay đây”… để đối phó nếu bị cô ấy đuổi. Chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đối phó như thế, nhưng sau một tuần liền cắp rổ quà đi qua, đi lại chỗ cô Gấm ngồi tôi vẫn chưa một lần bị xua đuổi. Thế chả là rất lạ sao?! Nhưng như thế vẫn chưa phải là chuyện lạ nhất.

Một chiều, khi tôi đang đi nhanh qua cổng chợ thì cô Gấm vẫy tôi lại. Tôi lễ phép chào xã giao và định nói câu đã thuộc lòng: “Cháu chỉ bán thêm sau giờ làm việc. Cháu sang phía bên kia ngay đây ạ”, nhưng chưa kịp thì cô Gấm bảo:

- Cứ ngồi cạnh tôi này mà bán. Đi lại như thế mỏi chân lắm.

Miệng nói tay làm, cô thu gọn hai mẹt hàng của cô sát lại gần với nhau. Tôi quá bất ngờ, không thể tin vào tai của mình nữa. Tôi rón rén bước lại, sung sướng đến luống cuống giẫm cả chân lên cạp cái mẹt hàng của cô làm lật tung lũ ổi và quả thị bày trong mẹt, bắn tóe ra đất. Tôi sợ quá mặc dù cô Gấm xua xua tay bảo không sao. Cô nhặt nhanh lũ quả rơi ra đất rồi đón cái rổ của tôi đặt xuống chỗ cô vừa thu xếp cho. Tôi lí nhí:

- Cháu vô ý quá. Cảm ơn cô ạ.

Cô giúp tôi nhặt mấy loại quả còm cõi, héo hắt trong rổ bày lên cái mẹt lúc nào tôi cũng mang theo nhưng ít có cơ hội bày hàng ra. Vừa làm cô vừa nói:

- Cảm ơn gì. Từ mai cứ ra đây ngồi với tôi. Khi mua hàng thì chọn kỹ đừng lấy những quả để lâu rồi hoặc sâu bọ đã ăn. Lấy phải hàng xấu không bán được là lỗ vốn đấy.

Tôi cảm động quá. Khóe mắt cay cay. Một người hoàn toàn xa lạ, bán đúng những thứ giống như tôi đang cắp bên nách đã nhường chỗ cho tôi ngồi sát ngay bên cạnh. Như thế chẳng phải cô Gấm đã tự nguyện sẻ chia niêu cơm của nhà mình cho tôi?! Làm sao mà không cảm động cơ chứ!

Sau này thì tôi biết cô Gấm đã ngồi ở chợ ấy mấy năm liền đến độ cả chợ quen mặt nhớ tên. So với những người buôn bán cùng mặt hàng tại chợ này thì cô Gấm là người ít vốn, nhưng có duyên và nhiều lộc nên không phải mời chào, chèo kéo ai mà khách vẫn mua hàng của cô. Hàng cất buôn ngày nào cô bán hết trong ngày ấy luôn. Mấy bà bán cùng mặt hàng, vốn lớn hơn nhiều so với cô Gấm đôi khi cũng phải phát ghen.

Việc cô Gấm cho tôi bày mẹt hàng ngay bên cạnh đã làm một bà bán hàng thuốc nam và lá xông, tên Hoa ngồi trong gian chợ có mái che nhìn thẳng ra cổng chợ tức thay cho mấy đứa con của cô Gấm. Cái vụ ghen ăn ghét ở của bà lá xông vô duyên, vô dạng ấy là sau này do chính cô Gấm kể lại.

Một tối, khi bốn mẹ con ăn cơm xong đứa con gái đầu của cô Gấm bảo mẹ:

- Bác Hoa nói mẹ dốt quá. Buôn bán cùng mặt hàng mà lại cho người ta ngồi ngay bên cạnh thế thì bán cho ai nữa? Thương người thì khó vào thân đấy mẹ ạ.

- Thương người thì khó vào thân. Là con nói hay bác Hoa? - Cô Gấm hỏi lại cô con gái.

- Là con. Mẹ cứ nhường nhịn cả người dưng như thế thì bao giờ nhà mình mới khá lên được? - Con Gấm, đứa con gái đầu lòng, tuổi mười lăm, mười sáu đã trải qua bao sóng gió gia đình cùng người mẹ nghèo khó lam lũ cự lại mẹ.

- Con còn bé chưa hiểu hết việc đời đâu, cứ lo việc bán hàng của con cho tốt đi. Mẹ làm gì mẹ biết, con không phải lo.

Vẫn buổi chợ hôm cô Gấm kể về chuyện đứa con gái và bà Hoa lá xông không vui khi cô cho tôi ngồi bán hàng bên cạnh, cô giải thích vì sao cô nhường chỗ cho tôi. Cô bảo người nhà nước mà phải phơi mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật buôn bán vặt thì cũng là cực chẳng đã; thấy tôi bê cái mẹt hàng vốn liếng không đáng mươi đồng bạc mà đi đến đâu cũng bị đuổi nên mủi lòng. Cô nói:

- Mới đi buôn, đi bán mà ai cũng đuổi như đuổi tà thế thì bán cho ai. Mà buôn bán có được hay không còn do cái duyên của mình. Đâu phải tại người ngồi bên cạnh…

Tôi hơi ngỡ ngàng về những suy nghĩ, những nhận định của cô Gấm, một tiểu thương, buôn bán quà rẻ tiền và chắc là ít học lắm. Tôi thầm cảm ơn ông Trời đã phù hộ để tôi gặp được một người là ma cũ ở cái chợ ấy, đã không những không bắt nạt tôi mà còn thương cảm, nâng đỡ khi tôi phải làm cái việc chưa từng được học bao giờ. Cô đã quá tốt với tôi, dù trước đó tôi và cô chả quen biết, thân sơ gì.

Từ hôm được cô Gấm vẫy lại và cho chỗ ngồi, ngày ngày đến cơ quan tôi chỉ mong nhanh hết tám tiếng vàng ngọc để nhanh ra chợ bán hàng. Chiều chiều, cứ hết giờ làm là tôi lại vội vã trở về nhà, vội vã thay đồ, rồi vội vã đi kiếm sống cạnh cô Gấm. Bản chất vấn đề là tôi cấu véo một tiểu thương nghèo là cô Gấm mỗi buổi chiều, sau khi hết những giờ oai ở cơ quan nhà nước.

Mỗi khi có khách hỏi mua gì, nếu là thứ mà mẹt của tôi đang có thì cô nhường cho tôi bán. Cô nói nhỏ: “Mời đi”. Tôi còn chưa kịp phản ứng thì cô chỉ vào cái mẹt của tôi nói với khách: “Đấy, nhặt ở đó đi”. Thiệt tình, lúc đầu tôi cũng thấy ngại quá nhưng không có lựa chọn khác nên tôi đành lòng vậy, cầm lòng vậy mà nhận sự giúp đỡ như là nhận phần cơm cô Gấm bớt ăn mỗi bữa sẻ cho mình. Thấy tôi cứ cắm đầu xuống mẹt hàng cô Gấm mắng: “Phải ngẩng mặt lên, thấy ai qua còn chào mời chứ. Cháu cứ cắm mặt xuống thế bán cho ai. Cái nón nữa, đội làm gì? Chiều tối rồi, nắng đâu nữa mà phải đội xùm xụp như thế?”...

Cô đâu có biết tôi không dám ngẩng mặt lên là vì sợ gặp người quen. Hồi đó buôn bán là chuyện xấu lắm. Đặc biệt, công chức viên chức nhà nước thì càng phải tránh xa những chuyện mua đi bán lại kiếm lời. Tôi lại là công chức xịn hẳn hoi. Cơ quan gần nhà. Nhà gần chợ. Chợ gần nơi chồng tôi hay lui tới, giao du. Người quen, người cùng cơ quan có thể bắt gặp bất cứ lúc nào. Điều tôi sợ nhất là gặp bạn bè, người quen của chồng. Chỉ một thời gian ngắn thì việc tôi ngồi bán hoa quả ở chợ ấy cũng không giấu được bạn bè, người quen nữa. Tôi lại càng phải cúi mặt thấp hơn để tránh gặp người quen. Mà không hiểu sao tôi cũng ít thấy họ lắm. Đôi khi tình cờ nhìn thấy ai đó quen biết thì tôi cũng giả bộ làm ngơ và họ hình như cũng làm ra vẻ không thấy tôi. Tôi thầm cảm ơn vì họ đã không lại gần, không nhận người quen.

3.

Quả thật, tôi ít thấy có người buôn bán lam lũ, phơi nắng phơi mưa suốt ngày mà đẹp được như cô Gấm. Càng gần cô, tôi càng thấy cô đẹp hơn. Ngồi phơi mặt ở cổng chợ suốt từ sáng sớm đến tối mịt không còn rõ mặt người, thế mà làn da của cô Gấm vẫn trắng nõn nà và mịn màng y như da con gái. Suốt ngày phơi mặt giữa trời đất, nhưng bụi bặm nơi cổng chợ cùng sương gió, nắng mưa không hề ảnh hưởng gì đến nước da của cô. Thời con gái chắc cô Gấm đẹp lắm. Tôi chả dám hỏi gì nhiều về cô và cũng không muốn ai hỏi thăm gì về mình. Kể cả tên tôi cũng mãi gần nửa năm ngồi chợ, nhận sự giúp đỡ của cô mỗi ngày, thì tôi mới miễn cưỡng nói cho cô biết. Còn tôi làm gì, ở đâu thì cô Gấm cũng không hỏi. Cô Gấm chẳng tò mò, bận tâm xem đã nhường cơm sẻ áo cho một người có danh tính, thân thế ra sao. Cô chỉ thấy thương hại một người yếm thế, là tôi bị đông đảo người hắt hủi giữa những bon chen nơi góc chợ để kiếm ăn, thế là nhường nhịn. Vậy, có lạ không chứ!

Tôi láng máng biết cô Gấm một mình nuôi ba người con: hai gái, một trai. Cô con gái đầu như đã kể trên, bán dầu hỏa dạo. Hai đứa em của cái Gấm tuy còn nhỏ tuổi, đứa nọ hơn đứa kia chỉ vài tuổi nhưng đã phải bỏ học theo mẹ lên thành phố này và mỗi đứa mỗi nghề, cũng buôn bán vặt, rong ruổi đến tận các ngõ ngách, phố nhỏ.

Ban ngày, thỉnh thoảng cả ba chị em chỉ rẽ qua chỗ mẹ bán hàng chốc lát. Đôi khi chúng về chỗ cô Gấm để cùng mẹ ăn một bữa trưa tạm là bún, bánh linh tinh. Bữa tối mới là bữa chính của cả nhà khi bốn mẹ con trở về căn phòng trọ đơn sơ, vừa đủ che mưa, che nắng do người lấn chiếm đất công nhảy dù dựng tạm, thuộc một “xóm liều” cách chợ, như cô nói: “chỉ mấy bước chân”. Ấy là cô Gấm tính theo đường chim bay, chứ từ chợ về chỗ mẹ con cô Gấm thuê trọ phải khoảng hơn một cây số.

Thỉnh thoảng, cô Gấm cần đi đâu đó phải ăn mặc tươm tất thì cô mang theo quần áo, để vào khu tập thể gần chợ thay nhờ cho khỏi mất thời gian về nhà trọ. Khi cô Gấm thay bộ đồ tươm tất, khác bộ thường ngày cô mặc ngồi bán hàng, tôi thấy cô đẹp lên rất nhiều. Trông cô đằm thắm, tươi tắn hẳn lên. Chẳng son phấn, không chải đầu bới tóc gì khác lạ nhưng cô cứ như người khác chứ không phải người phụ nữ ngồi bên hai mẹt hàng hoa quả nơi cổng chợ mà mọi người vẫn thấy hàng ngày.

Một lần ngưỡng mộ vẻ đẹp nền nã của người phụ nữ trung niên sau khi phục trang, tôi nói:

- Trông cô đẹp lắm, cô ơi!

- Hồng nhan thì bạc phận, cháu ạ. - Cô Gấm xác nhận lời tôi khen cô đẹp. Tuy đã rất thân gần, nhưng tôi không dám hỏi vì sao cô lại nói đến câu bạc phận.

- Người đẹp sao hay khổ thế nhỉ? - Tôi giả đò vu vơ.

Cô Gấm là người tỉnh lẻ. Cô đưa ba đứa con rời quê hương, từ một tỉnh vùng chiêm trũng về Hà Nội kiếm sống không hẳn do miền quê ấy không còn kế sinh nhai cho mẹ con cô. Rời quê đã hai năm nhưng ruộng đất, nhà cửa, ao vườn của cô Gấm vẫn nguyên xi. Cô bảo sẽ lại về quê sống khi mục đích của cô đạt được. Hà Nội chỉ là chỗ tá túc tạm thời của bốn mẹ con cô mà thôi.

Mục tiêu cuộc di rời gia đình từ quê ra Hà Nội của cô Gấm là để đi tìm người chồng lạc bước ngã vào chốn mê đã hơn bốn năm rồi. Cô bảo cô không cần gì nhưng các con cô thì cần có bố. Đặc biệt, thằng con trai thì càng lớn càng cần có người cha bên cạnh.

- Con gái thì còn dạy được, chứ thằng con trai không có bố ở bên, thì nó sẽ lớn lên thế nào đây? - Cô thở dài khi nói về chuyện nhà.

- Cô có biết hiện giờ chú ấy ở đâu không? - Tôi hỏi.

- Đang ở thành phố này đấy nhưng chính xác ở chỗ nào thì chưa tìm ra. Mấy đứa trẻ đi bán hàng rong như thế cũng là mục đích kiếm tìm cha của chúng.

Hà Nội rộng thế. Người đông thế. Phố phường đâu phải làng xã mà có thể hỏi thăm. Tứ xứ tụ về, ở trong cùng một ngõ ngách nhưng nhà nào biết nhà đó. Có khi toàn người đi thuê trọ ở cùng một con hẻm. Chả ai quan tâm, quen thân với ai. Ở quê, hỏi thăm lại là chuyện khác, đến đầu xã có thể hỏi thăm về người ở cuối xã cũng dễ dàng. Ở phố, tuy nhà liền kề, san sát, ra trông thấy nhau vào trông thấy nhau, nhẵn mặt đấy nhưng có khi cũng không biết tên nhau, chả chào nhau bao giờ là chuyện bình thường. Các con của cô Gấm tìm làm sao được người cha bạc tình nếu ông ta cố mai danh ẩn tích nơi phố xá người chen người thế này. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi chẳng dám nói ra vì sợ làm cô buồn.

4.

Tôi kiếm ăn quẩn bên cô Gấm được gần hai năm thì phải bỏ việc nhà nước đi làm ăn xa, vì lời lãi từ cái mẹt hoa quả bán sắp vào cuối mỗi buổi chiều không thể nuôi nổi cả nhà khi có thêm nhân khẩu. Tôi lẳng lặng rời Hà Nội, ra đi như chạy trốn nên chẳng chia tay với ai, kể cả cô Gấm.

Một số năm lang bạt xứ người tôi kiếm được đủ tiền mua một căn nhà đúng nghĩa là nhà ở một con phố nhỏ của thành phố. Về nước, ổn định được chỗ ở tôi lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp dài dài vì cơ quan cũ nhất định không nhận tôi trở lại làm việc.

Dịp mới về nước, tôi đã có ý định đi tìm cô Gấm. Một lần tôi đến ngôi chợ nơi tôi làm tiểu thương bất đắc dĩ một thời gian, nơi được cô Gấm cưu mang chia sẻ. Chợ ấy đã khác xưa. Người buôn bán cũng đã khác xưa. Mấy bà bán trầu vỏ cũng không còn là người cũ. Những hàng hoa quả rẻ tiền đã thay bằng các sạp hàng hoa quả nhập ngoại và hoa quả đắt tiền. Chủ các quầy hàng hoa quả cũng lạ hoắc. Không tìm thấy cô Gấm đâu nữa. Cả bà Hoa lá xông cũng không còn thấy ở chợ ấy nữa. Tôi hỏi thăm đến mươi người nhưng không ai biết bà Gấm là ai nên nản lòng không đi tìm tiếp.

Thời gian cứ thế cuốn tôi vào cuộc mưu sinh với cơm gạo áo tiền sau khi bỏ việc nhà nước đi cứu nhà đến nỗi hết cơ hội quay lại làm người nhà nước. Dù cho đến thời điểm quay về Việt Nam, tôi vẫn là người nhà nước một trăm phần trăm trên cả danh nghĩa, lẫn thực tế, nhưng tôi đã bị những người nhân danh tổ chức của cơ quan nhà nước thẳng thừng từ chối. Những người có quyền sinh, quyền sát ấy bảo rằng không còn chỗ cho tôi; rằng quy hoạch nhân sự trong kế hoạch năm năm tới của cơ quan đã có rồi, nhận lại tôi thì không biết xếp vào đâu. Mặc dù khi ra trường, tôi và các bạn cùng lứa từng được gọi là những hạt giống quý của đất nước nhưng tôi trở thành một người thừa, một người dôi dư trong công cuộc cải tổ giảm biên lúc ấy. Liệu tôi còn có thể xin việc ở đâu nữa đây? Mải bươn chải mưu sinh vô tổ chức, tôi cũng quên luôn việc đi tìm cô Gấm.

Tôi mất liên lạc với cô Gấm hơn hai mươi năm. Đôi lúc tôi định đánh liều đưa chuyện của mình lên chuyên mục “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên Tivi để nhờ tìm mẹ con cô Gấm nhưng chưa dám vì chuyện của mình quá nhỏ nhoi so với bao nhiêu chuyện quan trọng khác còn chưa được quan tâm. Nhà đài có đâu thời gian để quan tâm đến tất thảy mọi người và những vụn vặt quá riêng tư.

Đôi khi ký ức lại đưa tôi về căn nhà cũ, về cái túp lều bên mương nước thải. Nhớ lại những ngày ngồi lê ở cổng ngôi chợ ấy, lăn lóc bán mấy quả bưởi bổ, chia nhỏ đến một phần tư quả vẫn bị ế đến héo khô; những tấm mía cắt khúc để đến rệu đỏ cả hai đầu vẫn không bán được vẫn chẳng dám ăn... Người đầu tiên tôi nhớ đến là cô Gấm. Không biết cô Gấm đã đạt được mục đích của chuyến di rời cả nhà lên thành phố này chưa? Không biết cuộc sống của cô Gấm sau đó có khá lên không? Cô có còn ở thành phố này hay đã về quê như dự định ban đầu? Bây giờ các con của cô Gấm thế nào rồi?

Tôi chẳng có cách nào để tìm lại cô Gấm vì quê cô ở đâu tôi cũng không biết. Tên cô là gì tôi cũng không biết. Tôi đích thị là một người quá vô tâm và vô ơn. Tôi chỉ còn biết tự trách mình. Tôi kể lại câu chuyện này để tự sám hối vì đã ở bên kia dốc cuộc đời rồi mà chưa trả được nợ cho những người đã nhường cơm sẻ áo, ghé vai đỡ tôi cái gánh đời quá nặng.

Đ.T.M.