Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÓ TỪ NGOÀI THỔI VÀO

Vinh Anh
Thứ hai ngày 6 tháng 2 năm 2017 4:40 PM



Tôi có hắn và lão làm bạn. Bạn ất ơ tuổi xế chiều. Hai đứa đó cùng tôi thuộc một thế hệ của “cái thời cuộc” hôm nay. Tôi biết hắn trước khi biết lão. Hắn tài, lão cũng tài, đều có nhiều chức danh của giới nghệ sĩ, tất cả đều là người trong giới tự phong cho nhau: nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nhà báo và đôi khi hứng lên… nhà láo nháo. Lão thích nhạc và chuyên phổ những bài thơ của mình rất mùi mẫn với những biểu lộ tình cảm, tràn trề lai láng đậm sức lực thanh xuân và đôi lúc giữa chốn bạn bè đang vui, “tự sướng” lên những bài ca của mình. Thêm nữa, lão bạn hắn cũng có hoa tay, đắp lên toan trắng những cái dân ngoại đạo gọi là nguyệch ngoạc rồi đặt trên giá những bức vẽ để người đời chiêm ngưỡng, nhưng những gì lão vẽ, người trong giới gọi là trường phái trừu tượng, đôi khi có bạn thân bổ xung thêm từ, nhưng chưa thật ấn tượng… Đại loại là lão bạn hắn, người được giới chuyên môn (cũng tự phong cả thôi) đánh giá là một kẻ tài ba: cầm, kỳ, thi họa đủ cả, cái gì cũng “đá” được hết. Còn riêng hắn, để cho đơn giản, lúc nào hứng lên, hắn gọi lão bạn hắn là thằng “đa năng hay đa… dâm”. Lão bạn hắn chỉ cười hô hố.

Hắn chắc chắn không “tâm phục, khẩu phục” lão bạn đ tài, nhưng khi gặp gỡ ai đó chưa biết lão bạn hắn, hắn sẽ giới thiệu lão bạn với vẻ rất trịnh trọng ngợi ca tất cả các chức danh lão bạn hắn có được. Hình như hắn ngầm lấy cái việc giới thiệu để làm cái nền cho hắn, hắn chơi với những người cao sang như vậy nên hắn cũng là người tài ba, cao sang không kém.

Lão bạn hắn có cách sống phiêu du, lãng tử đúng cái chất con người lão. Cái này thì bạn hắn thể hiện đúng “chăm phần chăm” bản chất thật của con người. Nghĩa là, bạn hắn, có bề ngoài thế này: râu tóc rất dài, tuy mới chỉ hơn bốn chục nhưng tóc đã rất nhiều sợi bạc, tất nhiên là râu cũng bạc. Vì lão để cho râu tóc phát triển tự nhiên nên trông lão nhiều khi rất hoang dã, hoang dã kiểu thằng dở dở, dại dại, còn nếu đượ chải chuốt tử tế thì lại rất giống thủ lãnh Al queda. Cũng vì cái hoang dã đó, lão đa năng này trông rất già, ai gặp lần đầu đều kính nể, ngay lập tức gọi bằng ông, bằng cụ. Thứ nữa, thể hiện cái chất nghệ sĩ là qua cái sự ăn mặc. Lão đa năng này có dáng đẹp đàn ông. Cao trên mét bảy, không béo, bụng không to (bụng to là cái xấu của giới nam nhi thời nay). Quần áo không ly lai gì hết, nhàu nhàu, cũ cũ rất phong trần. Chân luôn đút vào đôi giày màu vàng da bò như chất chứa bụi đường nhưng sạch sẽ chứ không lê lết dép dủng bao giờ hết. Tóm lại là cái mã ngoài của lão đẹp. Đẹp hiện đại, dân dã, bụi trần, phong sương.

Lão hay rượu, hắn cũng hay rượu. Vậy là hai người ngoài máu nghệ sĩ tự phong còn có cái chung mà đàn ông thường đôi lúc thể hiện, là tài uống rượu. Cái tài này không để khoe nhưng lại là cách để thiên hạ hiểu ngầm, thế mới là nghệ sĩ, nghệ sĩ thì phải rượu.

Tôi chơi với cả hai vì biết nhau ở “chốn văn chương”. Cách nói đó cũng làm mình sang lên. Không thân, không sơ. Cung cách quen biết đó có đầy trên đời. Cách sống của người Việt hiện đại hôm nay là như thế, anh chả là gì với tôi và tôi cũng chả là gì với anh. Nhiều khi ngẫm ngợi, thấy đau xót và bỗng nhận ra điều tào lao đó. Ngồi chơi nói chuyện ba lăng nhăng với nhau thì được, nói chuyện có dính đến một chút liên quan thế sự thời cuộc là y như rằng hai thằng đó chán. Cả hai thằng đó không xứng là em út để tôi đối thoại. Còn hai thằng đều bảo tôi là đồ dở hơi, không dưng đi lấy chuyện thiên hạ để buộc chân (thực ra là buộc đầu) mình. Chẳng là tôi hay nói với hai thằng, nhiều lúc nhìn cảnh đời, tôi đau đầu lắm, ngứa mắt lắm chỉ muốn văng mồm chửi toáng lên. Nhìn cái cảnh kia (tôi dẫn cái cảnh mấy chị bán hàng bị công an với dân phòng gom thu hết hàng hóa, vất tung lên chiếc xe tải bé tí chuyên đi càn quét giữ trật tự) thấy uất ức lắm.

Những lúc đó cả hai đều ngậm tăm, không nói gì hết. Ừ, vậy là cả lão và hắn đều biết điều đấy chứ. Cái gì thì cái chứ cái việc làm thất đức thế kia chịu sao nổi, ai mà chẳng ngứa mắt.

“Chẳng ai được là chính mình” là câu nói như châm ngôn ở xã hội này mà tôi thích. Cứ đôi khi bực tức, tôi lại tuôn ra câu đó. Tuôn ra để xả cái nỗi bức bách với hai thằng bạn chốn văn chương (nói cho oai). Hai thằng tự dưng phải chịu cái cơn điên của tôi. Chúng biết và chúng không chấp. Được thể tôi cũng hay “làm già” với chúng. Những lúc đó, cái thằng trông đẹp mã dáng phong sương đó lại hề hề với tôi: Sao ông bảo tôi là thằng thể hiện mình thật nhất, đúng chất con người nhất?

Thằng phong sương đẹp mã khích tôi. “Vậy là chỉ có tôi được ông công nhận là người thật. Bọn nó đều giả hết. Đất nước này giả hết!”

Tôi biết thằng này lại muốn chọc ngoáy.

Cái ngày lão Ồ bá mà sang thăm nước ta, tự nhiên hai thằng này quan tâm. Chúng rủ tôi đi bia bụi. Được ngọn gió từ ngoài thổi vào nên nổi hứng. Tôi cũng đang muốn xả vì lây cái bực vô duyên cớ với lãnh đạo nước nhà. Dân kiểu đâu lại đi yêu thằng Mỹ hơn yêu lão Tàu họ Tập. Lạ đời, bạn thì ghét mà thù lại yêu! Chẳng ở đâu như ở đất này. Vậy mà có cảm tưởng dân sướng như lên đồng. Rõ cả lũ dở hơi... giống tôi.

“Sướng thật cơ…!”. Hai thằng thi nhau nói cứ như thể tôi là thằng ngố ngồi ngóng chuyện chúng. Mà sao, chính tôi cũng không ngờ, chúng cập nhật tin về lão Ồ bá mà nhanh thế. Nào là dân tình đội mưa, thức đêm đón lão, nào là khẩu hiệu, ảnh lão phóng to, nào là câu Kiều lão lảy, nào là lão hát ráp, hát riếc với thanh niên… nhiều quá, kể cả chuyện mấy thằng dịch dọt dịch phá câu nói của lão Ồ, hai thằng cũng biết. Nhưng thú nhất là cái chuyện lão đi ăn bún chả Hà Nội: “ Đây mới là “lãnh tụ của nhân dân!”. Lão đa năng hùng hồn tuyên bố. Nghe truyền thông nước mình chán bỏ mẹ… Đời có quá nhiều cái hay mà sao dân mình không biết nhỉ?

-Này, ông biết những cái “hay” đó từ khi nào?

-Từ lâu rồi nhưng nay mới có dịp nói… Nhờ cái lão Ồ bá mà của ông.

Tôi chẳng buồn truy vấn hắn nữa, nhâm nhi bia với lạc… mặc xác bọn mày. Tao chẳng lạ gì cái đất này. Có điều hôm nay tôi thích vì những gì chúng nói, tôi chỉ không nói ra thôi, bởi về những chuyện này, từ trước muôn thuở, tôi chẳng đã coi chúng nó không đáng em út của tôi rồi sao. Nhưng cớ sao vì có mấy ngày lão Ồ bá mà… mà chúng nó thay đổi thế?

Tôi lơ đãng nhìn mấy vị mặt đỏ tía tai vì bia ngồi xung quanh. Đất mình quả là rất hay. Tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Uống bia đã thành văn hóa, phải say, phải uống mới dễ nói chuyện… uống bia được mới dễ đồng cảm, mới dễ làm việc. Lúc đó con người ta cởi mở hết, dốc bàu hết.

Vậy là nhờ bia mà chúng nó mới nói ra được cái điều khó nói, cái điều ấm ức từ lâu vẫn bị vướng họng, nói ngọng.

Tôi nhìn chúng nó khác đi một tí vì tôi cho rằng chúng nó vẫn chỉ “phổi bò” một lúc, một nhát mà thôi. Hết men bia thì lòng dũng cảm cũng tiêu tan. Lúc đó lại đáng khinh như bất cứ một nhà thơ hoặc một công dân nước Nam nào thời hiện tại chỉ biết co ro cúm rúm trong vỏ ốc cuộc sống riêng của mình

Ngồi bia mà tôi chỉ nghe, không tham gia góp ý gì hết. Phần vì tôi thì tôi đã nói, phần vì chúng nó, hai thằng cũng chẳng thiết. Chúng nó có chuyện của chúng nó, có tâm tình của chúng nó. Tôi bỗng cảm thấy tôi ngồi lạc chốn này. Vậy mới biết hoạt động xã hội khó làm sao! Nhưng có điều tại sao chúng lại ới tôi uống bia.

Tại sao tôi vẫn cô đơn trong cuộc chiến mà tôi đã tích cực tham gia. Tôi từng muốn mọi người nhìn tôi, noi theo hoặc chí ít cũng có một chuyển biến trong đầu họ. Ấy vậy mà kết quả là con số chẳng khác gì số “không”. Tôi tự hỏi, vì sao, người như tôi, bạn bè gọi là chơi được, cũng chẳng mấy ai nhiệt tình hưởng ứng những việc làm của tôi? Điều gì đang cản trở để có thể đi đến hiểu nhau hơn?

Tôi ngồi và suy nghĩ miên man. Những lộn xộn của tư duy khiến tôi mong một ngọn gió mát, một ngọn gió từ bên ngoài thổi vào, ngọn gió có thể làm cả tôi và hai thằng đang ngồi kia mát mẻ, dễ chịu.

Tôi lại nghĩ đến lão Ồ bá mà. Lão này có mang ngọn gió mát đến được không? Hình như có. Không phải! Lão sang và đâu đã thấy gió mát. Có chăng chỉ là cái mong muốn của dân xứ ta được biểu hiện.

Không! Ối người nói và chính lão ta cũng nói ra cái ý đó rồi. Không thể trông chờ gió mát dễ chịu từ bên ngoài được. Phải tự mình xoay sở thôi. Nhưng cái lão Ồ đó vẫn là một điểm nhấn, một chỗ dựa mà người mình mong muốn. Mong muốn và hy vọng.

Nhưng nói là nói vậy thôi chứ hiện tại, tôi chẳng trông chờ một điều bất ngờ xảy ra từ cái gọi là sức mạnh quần chúng hiện nay. Tâm lý trông chờ vào một sự màu nhiệm từ bên ngoài luôn có sẵn trong suy nghĩ của người Việt. Nó có từ những năm chiến tranh. Đói ăn là bàu đoàn thê tử lên đường đi xin. Thói quen đó đến bây giờ vẫn nặng nề lắm… có cảm tưởng như trong cách nói, cách hiểu hay mong muốn của người Việt là trông chờ và ỷ lại. Sức mình thế, nó thế, muốn thay đổi ư…Khó lắm! Tiếp nhận được những luồng suy nghĩ đó, đã mòn mỏi trong tôi ý muốn thúc đẩy phong trào.

Nhưng tôi nghĩ, nếu cứ “trường kỳ” kháng chiến, chờ gió từ bên ngoài hoặc rõ hơn là ngồi trông chờ, rồi uống bia tán gẫu thế kia thì đời tôi chắc chẳng có thể nhìn thấy cái gọi là tương lai tươi sáng đó. Tôi bi quan ghê gớm bởi quanh tôi rải đầy lời khuyên mang tính răn đe và dạy bảo “mọi việc cứ phải từ từ, để thong thả rồi tính…” hoặc “đường còn dài, phải lượng sức…” hoặc “đường dài mới biết ngựa hay…” Chung quy chỉ có thể nói, đó là những lời ngụy biện rất đúng với thực trạng hiện tại của con người Việt, được ẩn dấu bởi lớp vỏ bọc ươn hèn, bóng bảy. Họ vẫn muốn chứng tỏ họ là những con người tỉnh táo nhận biết được điều hay lẽ phải của cuộc đời và vẫn luôn là người buông ra những câu giáo huấn thâm thúy cho đời nhưng cũng là những con người rất “kiên nhẫn” chờ đợi người khác mang đến sự thay đổi.

Thực ra những lý lẽ có mang tính đấu tranh đó rất rời rạc. Nhưng đó lại cũng là biểu hiện rất thực của trí thức Việt trước cuộc đời đòi hỏi nhiều hơn nữa tiếng nói phê phán. Việc phê phán hiện nay của trí thức Việt cũng mới chỉ dừng ở tầm cỡ “chiến đấu trong quán nhậu”, trong sa-lông máy lạnh với những lời lẽ phù phiếm “thùng rỗng kêu to”, và muốn thể hiện cho người ngoài biết sự “dũng cảm” như vậy mà thôi. Nếu có chút nào gọi là chiến đấu thì cũng chỉ là sự chiến đấu trong sợ hãi, cốt sao cho mình và gia đình mình vẫn được yên ổn.

Vậy là vẫn cứ thấy mâu thuẫn, vẫn cần phải có gió từ ngoài thổi vào. Kết cục là như vậy và cái kết cục ấy tôi không thích. Tôi thích “tự lực cánh sinh” là chính, “gió” ngoài kia cũng cần, nhưng ít thôi.

Khốn nỗi vì cái cuộc đời nó đã bắt mình làm thằng dân An nam rồi. Tự hào cũng có rồi, có nhiều là đằng khác, từ ba lần đánh đế quốc Nguyên Mông đến giã hai thằng đế quốc lớn, nghĩa là đã “lên voi”, còn bây giờ thì đến lượt “xuống chó” cầu cạnh đưa người đi khắp thế giới. Cuộc đời ai cũng có những khúc quanh, dân tộc nào cũng có những khúc quanh là thế.

Nhưng vẫn thấy cái gì đó ấm ức, khó nói. Nghĩ mãi, lại nhớ đến cụ Phan Chu Trinh. Đâu như cụ phê phán dân mình lắm, phê lâu lắm rồi, có lẽ đã qua chiều dài cả thế kỷ. Vậy mà chẳng thấy ai rút kinh nghiệm hết. Nói “rút ra bài học” thì cũng để mà nói, cái dân An nam mình nói có ai nghe ai đâu. Muốn có người nghe, phải mượn oai mấy thằng tây râu xồm và những con người uy danh có cái đuôi học hàm, chức vụ nhét thêm vào. Nhưng cũng nên nhớ một điều, học hàm chức vụ phải là Tây nó phong, nó cho mới oai, mới tác dụng, còn học hàm mấy ông ở xứ nhà phong cho nhau, nó mất thiêng từ lâu rồi.

Lão và hắn, cái thằng đa tài ấy, hình như hết chuyện để “phô” cho nhau, bọn nó quay sang phía tôi vẫn đang nhẩn nha nhâm nhi bia, lạc: “ Này ông, hỏi ông một cái về “cái sự” dựa dẫm của người xứ mình, ông thấy thế nào về “cái sự” gọi là thông minh, sáng tạo… và “cái sự” chịu đựng, cần cù. Về bản chất, nó khác nhau cái gì, chứa đựng những “nỗi niềm” gì trong đó?

Một loạt những “cái sự” mà thằng đa tài nói ra chứng tỏ hắn rất đa tài, hắn cũng chẳng lơ mơ, hời hợt như “kiểu tâm hồn treo ngược cành cây”. Thật ra, tôi cũng đã nghĩ đến sau khi rất nhiều người khác đã nói về vấn đề mang tính “dân tộc” này. Đây là đặc tính dân tộc. Nói về nó là động chạm tới tính cách con người, tức là nói đến cái gì đó sâu xa như truyền thống văn hóa, cái cốt lõi thể hiện bản tính con người của một vùng, một dân tộc.

Tôi bất ngờ, nên ậm ừ. Phản ứng của tôi chậm, chưa vào guồng. Tôi câu giờ bằng cái cười vô duyên, bằng ngụm bia lạnh nhạt thếch của loại bia cỏ vỉa hè, bằng hạt lạc bùi ngậy. Chính hạt lạc lấy lại vị thế cho tôi. Tôi thấy chất dân tộc trong hạt lạc bùi ngậy đó, rồi hạ giọng: “ Dân mình tồn tại thực sự với tư cách là dân mình đã được bao lâu? Nói theo lịch sử là bốn ngàn năm, bốn ngàn năm đó cũng mông lung lắm, nào ai xác định được cụ thể? Chúng ta cứ truyền miệng nhau nói như vậy và bảo nhau như vậy thôi. Hơn nữa, ngàn năm Bắc thuộc, và rồi những cuộc khởi nghĩa với những cuộc chiến tranh… Nói dân mình thiện chiến vì lịch sử đặt lên vai nó vấn đề tồn tại, vấn đề sống mái, có khi lại thích hợp hơn cách nói cũ kỹ, sách vở là dân mình thông minh, cần cù, dũng cảm…”

Tôi ngừng và xem thái độ hai thằng, thấy chúng nó không lơ đãng lắm. Yên tâm, tôi tiếp: “ Vậy thì văn hóa dân ta là thứ văn hóa lai tạp. Cái gọi là dân tộc nó cứ bị chìm đi trong xô bồ cuộc sống, trong gầm rú thác loạn bom đạn ngày trước và của kèn trống nhảy nhót hôm nay. Cả “quan họ” cũng loa lủng choáng tai phát khiếp, chứ đâu có mấy liền anh liền chị áo mớ ba mớ bảy tha thướt, níu kéo, dùng dằng. Mình không hiểu văn hóa người Mông lắm nhưng thấy thằng con trai thổi khèn nhảy, đá chân đứa con gái xòe ô, có vẻ dân tộc hơn. Chất dân tộc ở đây còn có hương vị hoa lá, núi rừng, sương sớm,mây trời bảng lảng vùng cao tô điểm.”

Tôi uống một ngụm bia, nhặt một củ lạc và lại nhẩn nha bóc vỏ: “Các ông có nhận ra điều này không, dân xứ mình, cả người khen và người chê đều không có trình độ khen chê, mà chỉ là nói theo, nói dựa. Cú ngọt như đường và bùi như lạc là lọt tai. Mà đã nói theo, nói dựa thì là nói cái điều người khác đã nói, người biết nghĩ nói lại làm “đếch” gì. Ấy vậy mà chúng ta toàn hô một giọng nhất trí với nhất trí cao. Thật không gì ngán ngẩm hơn khi nghe các ông bà dân biểu “nhất trí cao”. Đã “nhất trí cao” thì họp làm đếch gì nữa. Các ông thấy không, dân xứ ta nhiều cái xấu lắm. Lười suy nghĩ là một cái xấu. Chúng ta luôn muốn chấp nhận những cái của người khác cũng là cái xấu. Kiến thức của các vị dân biểu hay của vô vàn tiến sĩ, giáo sư ngoài kia cũng chỉ là những kiến thức cóp nhặt của thiên hạ. Cả dân tộc này đều lười suy nghĩ, trí óc đều tê liệt. Họa may có một ý kiến ngược chiều thì bị xã hội coi như thằng tâm thần, người dở hơi ngay. Chính các ông cũng từng coi tôi là thằng dở hơi, tâm thần đấy thôi.”

Tôi xả nỗi ấm ức cứ như chưa bao giờ được xả. Tôi ngẫm về “cái sự” mơ hồ bạn thù địch ta và thấy quá ư ngột ngạt. Tôi nghĩ về niềm tin. Niềm tin trong tôi cũng cứ lơ mơ, nhờ nhạt như tôi vẫn tin và gửi gắm niềm tin của mình vào Đức Phật hay Đức Chúa gì đó. Niềm tin đó chẳng có gì sâu sắc hết, nó là một đống hổ lốn những nhận thức trong cuộc đời muôn màu hỗn tạp, mà tôi tiếp nhận được theo cách của riêng tôi.

Cũng sẽ chẳng có ngọn gió nào thổi từ bên ngoài vào đâu khi trong mỗi con người chúng ta cứ níu kéo cái cũ, nhìn cái mới như một thứ bệnh. Bệnh cổ hủ, trì trệ, giáo điều sẽ làm tổn hại đất nước ta….

Tôi tự nhủ, hãy thử ngẩng cao đầu, lấy lại khí phách thuở Đông A mà suy nghĩ xem, chúng ta có đau với thân phận thuần phục khi chấp nhận rước giặc vào phòng Diên Hồng?

Không đâu, chúng ta vẫn yên phận nằm yên trong nỗi sợ hèn mạt và nói những điều nhảm nhí, rỗng tuếch về lòng yêu nước.

Làm thế nào bảo vệ được đất nước khi ngóng chờ gió từ ngoài thổi vào?

Chẳng nhớ là tôi và hai thằng uống thêm bao nhiêu bia, về lúc nào và hóng được bao cơn gió. Nhưng tôi biết đoạn sau này là vô bổ. Có lẽ chúng tôi ngồi nói những chuyện nhảm nhí, phù phiếm và phô trương như vô số những kẻ vẫn tự cho mình chất đầy trí tuệ trong đầu và “chém” chuyện tình yêu đất nước trên vỉa hè chất chứa xô bồ những ngổn ngang nỗi đời và ngập tràn cát bụi.

Vẫn ngóng chờ đâu đó một luồng gió mới và vẫn nghĩ đừng tránh né số phận mà cuộc đời đã ban trao. Hãy đứng lên dũng cảm nhận trọng trách con người.

Vinh Anh 6/2/17

Ấm áp một ngày đầu xuân.

Chuyện có thật ở quán bia