Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“MINH TRIẾT” NĂM GÀ

Nguyễn Khắc Phê
Thứ năm ngày 2 tháng 2 năm 2017 6:01 AM




Kết quả hình ảnh cho Tranh Gà

 

Trước thềm năm Dậu, ông già 77 tuổi lần mở trang sách cũ, bắt gặp những thành ngữ nói đến con gà chứa đựng minh triết dân gian thật đáng suy ngẫm.

Trong hàng loạt chuyện nổi cộm cuối năm cũ, như vụ thủy điện xả lũ hại dân, rồi thảm họa môi trường… công chúng ngao ngán trước những tuyên bố khác nhau của mỗi cấp, mỗi ngành; cái cảnh ấy dân gian đã mỉa mai là “ông nói gà, bà nói vịt”, cảnh báo nguy cơ gia đình, xã hội “vô chủ” khiến mọi sự trì trệ, rối ren.

“Đá gà đá vịt” cũng là sự cảnh báo lối làm việc tắc trách, qua quýt mà không ít “công bộc” của dân đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Có thể dẫn ra vô số ví dụ, như cán bộ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra có đủ ở các cấp, các địa bàn, nhưng vì làm việc theo lối “đá gà đá vịt”, nên thực phẩm bẩn, hàng lậu và nhiều thứ gian dối khác vẫn lọt lưới, khiến cuộc sống của dân chúng bất an, thậm chí là di họa cho đời con, đời cháu.

Vẫn là chuyện “thời sự” và mọi dân Việt ai cũng lo âu là đang có không ít kẻ công khai hoặc khéo ngụy trang làm cái việc… mà người xưa gọi là “cõng rắn cắn gà nhà”. Trong lịch sử, ở tầm quốc gia, nhân dân ta đã từng lên án những kẻ đó như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… Ngày nay, trong mối quan hệ đa chiều phức tạp, nhiều khi trắng-đen lẫn lộn, không dễ chỉ mặt đặt tên kẻ “cõng rắn”. Để khỏi phạm vô điều gọi là “nhạy cảm”, chúng ta chỉ cần nhắc tới một số dự án mà dư luận xôn xao cuối năm Bính Thân vừa qua sẽ thấy. Cái việc “rước” dự án này khác vô, tưởng là để làm giàu cho miền đất khô cằn, nghèo khó, nhưng lại gây ra thảm họa môi trường cho đất nước thì liệu có xem đó là những “con rắn độc” không?... Và đâu chỉ các nhà máy xả chất độc, những kẻ đem mấy trò giải trí rẻ tiền, nhảm nhí từ nước ngoài về mê hoặc lớp trẻ, đã bao giờ bị coi như “rắn” chưa? Còn loại con buôn mờ mắt vì lợi nhuận “cõng” thương lái ngoài biên giới về tận các vùng quê lừa gạt bà con ta đào rễ, bứt lá, lột móng trâu đem bán thì khó chối tội, chỉ thua bọn buôn ma túy thôi. Vậy nên “cõng rắn cắn gà nhà” là sự nhắc nhở con người hãy tỉnh táo, đừng quá tự ve vuốt nhau và ngây thơ nghĩ rằng thế gian đều tốt đẹp. Cái thiện và cái ác là cặp đôi đã tồn tại muôn đời rồi.

Cho dù vậy, đừng nên quá lo lắng, nhìn cuộc đời với cặp mắt nghi kỵ, rồi “trông gà hóa cáo”, đang yên lành lại nổi còi báo động, đến nỗi “quân ta đánh phải quân mình” sứt đầu mẻ trán rồi mới biết là nhầm lẫn! Không chỉ thời chiến hay trong điều kiện “tranh tối tranh sáng” mới có cuộc chuyện “xử” oan người tốt. Trong những năm vừa qua, nhiều vụ bị bắt, bị tù đày oan trái khiến bao gia đình tan nát đã được công luận phơi bày ra ánh sáng hẳn cũng làm những ai được giao nhiệm vụ bắt “cáo” tĩnh tâm và cẩn trọng mỗi khi ký quyết định quan hệ đến sinh mạng của lương dân. Chỉ một vụ án oan như ông Huỳnh Văn Nén, cùng với danh dự, sự nghiệp của một gia đình bị hủy hoại, nhiều tỷ đồng tiền công quỹ phải bỏ ra để đền bù cho nạn nhân. Đó là chưa nói đến những số phận oan trái chịu bao cay đắng và mất mát, không có gì “đền bù” được. Như với nhà văn Phùng Quán, làm sao “đền bù” được những năm tháng ông phải làm lũi “câu cá trộm, viết văn chui” bên Hồ Tây?

Trí tuệ và kinh nghiệm dân gian được đúc kết bằng thành ngữ - chỉ kể những câu nhắc đến con Gà - còn nhiều điều thú vị, có thể bàn đến… Tết Đinh Dậu cũng chưa hết. Ví như câu “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” (dị bản: “…mọc đuôi tôm”) liệu có phải là sự cảnh tỉnh tình trạng “dân chủ quá trớn” không? Hay một câu có thể ít người biết - “Thóc chắc nuôi gà rừng” - là tiếng kêu tiếc xót và cũng là tiếng cười chế nhạo những kẻ ngớ ngẩn, dại dột đem thứ ngon lành dâng cho loại không bao giờ kiểm soát được, không bao giờ thuộc về mình…

Xin được kết thúc bài phiếm luận này với câu “Một tiền gà ba tiền thóc” để nhắc nhở những nhà kinh doanh và nhất là mấy vị giỏi “vẽ” các “dự án” hãy cẩn trọng xem xét toàn cục, biết nhìn xa trông rộng và nhất là đừng ham khoản “lót tay” hay giá bán “gà” rẻ rồi rước về, gây hậu họa khiến bao người “lúng túng như gà mắc tóc”, không dễ tìm được cách gỡ như các nhà máy xây xong rồi “trùm chăn” hay càng hoạt động càng thua lỗ nặng mà Quốc hội, trong kỳ họp cuối năm con Khỉ phải đưa ra “mổ xẻ”, truy tìm thủ phạm…