Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MÙA MỚI

Vinh Anh
Thứ tư ngày 1 tháng 2 năm 2017 3:43 PM




Tản văn

Thực ra chẳng có gì là mới. Có chăng chỉ là sự háo hức nhất thời của bọn trẻ chưa biết nghĩ, còn sống dựa vào bố mẹ. Người ở độ tuổi trung niên, số này hơi nhiều, cỡ từ ba chục đến gần sáu mươi (đã đi gần hết cuộc đời sự nghiệp với buồn vui bon chen trên cõi đời) thì vẫn mải miết cho sự nhàm chán không thể dứt bỏ, ngụp lặn với cuộc mưu sinh. Số còn lại là số phải chấp nhận nghỉ ngơi an phận (chỉ là công chức nhà nước) thì nhìn đời bàng bạc ánh mắt lắm, ra cái điều muôn sự đã trải, chẳng còn thích thú nỗi gì. Đông có tới hay xuân có đến, cuộc đời vận xoay vẫn chỉ là vậy, tất cả là vòng xoay mòn mỏi, cô đơn, lạc lõng, rền rĩ, cũ rích… Những kẻ cố tạo tìm nụ cười đón xuân chỉ là những kẻ cố níu vớt cuộc đời, kẻ thực tâm vui với đời, chẳng có mấy.

Vậy ra, cái mới chỉ là chu kỳ vòng quay trái đất bước vào vòng mới. Với chúng ta, những người sống trên trái đất, có cảm nhận được cái mới đó không? Nghe chừng khó. Nếu ai đó cảm nhận được ngày hôm nay khác ngày hôm qua(về sự sống trên trái đất) thì e chừng lại thành giả dối.

Cây bằng lăng trước hồ dính với tuổi học trò vẫn khô khốc với những cành chìa ra cằn cọc với độ chục chiếc là khô chuyển sang màu đỏ tía khá bắt mắt từ khi nào, vẫn chưa chịu lìa cành, vẫn nhẫn nại chịu đựng các đợt gió rét và vẫn run rảy trong luồng gió xuân. Xuân về và nhựa sống đang âm thầm chảy trong từng thớ gỗ để đem lại sự sống ngày mai? Sự sống đó là sức sống, là sự trỗi dạy, là sự phục sinh sau một thời gian như bị lãng quên, khi các cánh hoa tim tím bắt đầu nhạt màu thương nhớ.

Một ý nghĩ thoảng qua và dường như có điều mâu thuẫn khó giải thích, chỉ có thể tự ngẫm và tự hiểu. Nghỉ tết dài ngày làm cho con đường vốn chật như nêm ở Hà Nội bỗng nhiên rộng ra hay con người như đã co lại, nhỏ bé đi. Tiếng động ngày thường đã bị hút lại, nén lại trong các bàn tay của phù thủy. Sự ồn ào đâu đó diễn ra chốc lát hoặc có kéo dài đôi ba tiếng cũng chỉ là những giờ phút sống hoang phí, vô ích và vô nghĩa. Trong các cuộc vui ồn ào đó, người ta cố tạo ra tiếng ồn để cho quên đi cái ý nghĩa chân chất, minh khôi của cuộc sống ngày thường. Cuộc sống cần sự trong sáng, tinh khiết trong cái tình người chân thành. Chỉ có sự đam mê trong tình yêu của tuổi trẻ là một sự tinh khôi còn có thật trên đời. Chẳng hiểu sao ý niệm về sự chân thành ngày nay không còn đậm nét. Nhìn những bộ mặt ngoài đời, cứ cảm thấy những bộ mặt của ngày hội hóa trang, mối liên hệ chẳng bỗng dưng mà có.

Chợt nhận ra bóng dáng nhỏ thó, khô khốc, gầy guộc của ông già vô gia cư vẫn bất chấp tất cả, cả thời tiết, thời gian và nhiều cấp chính quyền, vẫn cả chục năm nay định cư dưới gốc một cây si già, đang loay hoay đốt lửa. Một sự ngậm ngùi hay là lòng trắc ẩn vốn có lại tưởng như đã bị chôn vùi nơi sâu thẳm của tâm hồn bỗng lại lóe sáng, khi thấy một đứa bé mang đến cho ông già tấm bánh chưng. Sự chia sẻ nào cũng ấm lòng người nhưng sự chia sẻ từ một tâm hồn thơ ngây đáng trân trọng và quý yêu hơn nhiều. Lòng nhân hậu phải được vun vén, nâng niu, chăm sóc từ những bước đi chập chững mới mong có một xã hội tốt đẹp và mới có thể tạo trong đó những tấm lòng nhân hậu, vị tha, những con người biết nghĩ “sống trong đời cần có một tấm lòng”.

Miên man lại nghĩ đến những bà mẹ phải xa những đứa con còn non nớt như những chú chim non trong những ngày này. Cuộc đời vẫn nhiều oan trái quá và những tấm lòng vị tha, biết rung động theo các nỗi đau con người vẫn ít ỏi trong xã hội ta quá. Bé Phú, Tài, bé Nấm gấu… vẫn mỏi mắt trông chờ một ánh mắt trìu mến, một vòng tay, những cái ôm ấm áp từ những người mẹ. Nếu như chúng ta dạy dỗ lòng nhân ái, đôn hậu, biết sẻ chia những mất mát, biết xót xa những đau khổ cho trẻ nhỏ từ ngày đầu chập chững, thì đâu có những cảnh này.

Lang thang đi vào phố Láng Hạ rồi nhận ra cái nhà chờ xe buýt nhanh nằm giữa phố. Sự chải chuốt của một chỗ gọi là bến đợi của xe buýt nhanh như tạo dáng cho đồng điệu với sự tuyên truyền, theo nhiều người đánh giá, là khá ầm ĩ. Một suy nghĩ lại lóe sáng nhanh hơn mọi sự nhanh “ừ thì đấy là buýt nhanh, một đột phá mới của giao thông Hà Nội(vì người đời đang luôn mong ngóng chờ đợi và ngợi ca cái mới) và cái mới nào chẳng hứng chịu những va đập chống lại của cái cũ, thủ cựu. Thấy hình ảnh của lão phó tổng thống Mỹ Joe Biden lóc cóc gần cả đời người đi xe lửa từ quê nhà đến nơi làm việc bằng xe lửa Amtrak. Nói ông ấy đi xe lửa cho thấy vẻ bình dân của một quan chức cao cấp của nước Mỹ (xin đừng hiểu là xe lửa nước Việt mà là xe lửa Amtrak của nước Mỹ đấy ạ). Dẫu vẫn biết so sánh là thiếu sự công bằng và có phần mang ấn tượng phản biện cũng như phản cảm, vẫn thấy lão đó bình dân, khi đập vào mắt bàn dân thiên hạ là cảnh quan chức nhà ta tự dưng hứng chí trong một ngày xuân đẹp, kéo nhau lên xe buýt, vi hành dịp tết.

Ở đây chỉ bình một vấn đề về các vị quân sư đạo diễn chương trình: khi các bác giao thông la lên là xe buýt nhanh BRT đúng giờ, đạt yêu cầu thiết kế. Vậy các bác có biết bao nhiêu người đang chen chúc trên đường đông, đã chật hẹp, còn chật hẹp hơn và họ sẽ tốn thêm bao nhiêu thời gian để đến được cái nơi họ cần đến. Chắc các bác không trả lời được, các bác thua. Còn với việc đi xe buýt lượn bờ Hồ, thiết nghĩ các bác nên dùng một chiếc xe ca du lịch hạng sang ấy đi. Xe buýt không có tuyến lượn quanh Bờ Hồ, chỉ có xe buýt trực ở Bờ Hồ bắt người biểu tình thôi. Người biết thấy buồn cười lắm.

Ngày xuân, cứ nao nao hình ảnh một dáng Kiều tha thướt bên Hồ Tây sáng ngày mồng một tết. Cái đẹp con gái làm lòng người mềm lại, làm dịu đi những nỗi niềm còn chứa chất, những băn khoăn còn nghi ngờ . Đấy có phải là “dáng Kiều thơm” mà người Tây Tiến năm nao mơ về Hà Nội?

Chẳng biết những gì nữa khi đầu óc cứ mung lung đan xen giữa thực và ảo, giữa cái hiện diện nhiều bất trắc, lắm rủi ro và cái mơ cái ước về một tương lai nặng tình nhân ái, đậm lòng vị tha. Lại nghĩ đến Kiều, lại nghĩ đến văn hóa Việt, lại nghĩ đến mấy cái lão Tây bên kia đại dương, bọn nó có bọn quân sư rất am hiểu văn hóa nước mình. Chẳng thế mà mấy vị tổng và phó tổng của nó đều lảy Kiều, mà nghe đâu toàn chọn những câu “cự phách” đẹp nhất trong hơn ba nghìn câu của Nguyễn Du. Ừ thì “Sen tàn, cúc lại nở hoa/sầu dài ngày ngắn đây đà sang xuân” Ừ thì “Trời còn để có hôm nay/sương tan đầu ngõ, vén mây cuối trời” cũng là chỉ về một ngày mới, một ngày mới ấm áp khi xuân về, khi sương tan, khi mây đen đã bị ánh nắng hoặc những làn gió xuân ấm áp thổi bạt.

Tôi nghĩ về một mùa mới, mùa thứ năm trong cái tiết trời Hà Nội còn se se hôm nay.

Vinh Anh-1/2/17(sáng 5 tết, hội Gò, Quang Trung đại thắng quân Thanh)