Triều đại nhà Lý có rất nhiều vị quan nổi tiếng về tài năng và lòng trung thành. Nói về tài dùng binh thì Lý Thường Kiệt bình Chiêm, phá Tống được ngàn đời ngợi khen. Nói về tài kinh bang tế thế chăm lo triều chính thì ai cũng biết đến Lý Đạo Thành... Nhưng nói đến người biết giữ phận thanh quan, không ngại cường quyền giữ đúng phép tắc, không vì tình riêng mà tiến cử bừa thì đời sau phải nhắc đến Tô Hiến Thành.
Dưới thời vua Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành tỏ ra là một viên võ tướng giỏi, từng nhiều lần lập công lao. Năm 1140, Thân Lợi tự xưng là con trai Lý Nhân Tông và nổi loạn chống vua Lý Anh Tông ở khu vực phía bắc (nay là Thái Nguyên). Quân của Thân Lợi cuối cùng đã bị quân nhà Lý do Đỗ Anh Vũ chỉ huy đánh tan, Thân Lợi bị Tô Hiến Thành bắt và bị chém đầu theo lệnh của Lý Anh Tông tháng 10 năm 1141. Tiếp nối gương của Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Tô Hiến Thành nam chinh bắc chiến dẹp loạn các nơi, từ Như Hống đến Ai Lao, mở mang bờ cõi thêm về phía Tây bắc. Phía nam thì chống Chân Lạp xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành, phía Bắc thì làm nhà Tống không dám vọng động. Nhờ Tô Hiến Thành giỏi dùng binh mà vị thế của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh, lân bang kiêng dè.
Với công lao và lòng trung son sắt, Tô Hiến Thành được Lý Anh Tông cất nhắc làm Thái úy, nắm binh quyền trong tay, có thể nói là người dưới một người mà trên muôn người. Khi Lý Anh Tông lâm chung năm 1175 thì có gửi gắm con côi cho Tô Hiến Thành.
Thời điểm đó, hoàng tử trưởng là Lý Long Xưởng đã trưởng thành nhưng hư hỏng nên bị vua Anh Tông phế chức Thái tử. Thay vào đó, vua có di chiếu lập hoàng tử Lý Long Trát mới có 1 tuổi lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông), đã giao cho ông phụ chính. Nhưng Chiêu Linh thái hậu, tức mẹ của Long Xưởng thì không đành lòng.
Đại việt sử ký toàn thư chép: Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?". Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu". Việc bèn thôi.
Cần phải nhắc rằng quyền lực của Thái hậu ngày xưa rất ghê gớm, nhất khi vua còn nhỏ. Thời nhà Hán, Lữ Hậu muốn làm việc thí nghịch mà ngay cả kẻ lắm mưu như Trần Bình cũng không dám cãi. Nói thế để thấy Tô Hiến Thành còn hơn Trần Bình nhiều lắm.
Khi Lý Cao Tông nối nghiệp vua cha, phong Tô Hiến Thành làm phụ chính Thái sư. Ông cố sức giữ cho nghiệp đế nhà Lý được vững, nhưng trời không chiều người, Lý Cao Tông non trẻ, ông già yếu lâm bệnh nặng.
Khâm định Việt sử cương mục thông giám chép: Những ngày Tô Hiến Thành ở trên giường bệnh, chỉ có quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ phục dịch. Quan gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ rảnh rỗi tới thăm Tô Hiến Thành được. Khi bệnh tình đã thành nguy kịch, Đỗ thái hậu (mẹ vua Cao Tông) tới thăm và hỏi ông:
- Nếu có mệnh hệ nào thì ai thay thế ông được?
Tô Hiến Thành trả lời:
- Trần Trung Tá có thể làm được.
Thái hậu nói:
- Tán Đường ngày hầu thuốc thang, sao ông không nói đến?
Tô Hiến Thành đáp:
- Bệ hạ hỏi người có thể thay tôi, nên tôi mới cử Trần Trung Tá; nếu hỏi người săn sóc nuôi dưỡng tôi thì không phải Tán Đường thì còn ai nữa?"
Thái hậu khen Hiến Thành là trung, nhưng cuối cùng vẫn không làm theo lời của Hiến Thành.
Trước Tô Hiến Thành không theo lời của Chiêu Linh thái hậu để giữ ngôi báu cho vua Cao Tông. Sau Tô Hiến Thành quyết không theo ý của Đỗ Thái hậu mà tiến cử người bừa. Có thể thấy vị quan họ Tô không hề sợ cường quyền trong việc chọn người gánh vác nước nhà. Người như thế thì được muôn đời ngưỡng mộ là đáng lắm. Lại dám gạt đi tình riêng với người cúc cung chăm sóc bên giường bệnh đến cuối đời để chọn người theo phép công thì càng lạ.
Anh Tú*
*Tên bài TNc đặt lại