Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MUA DANH BA VẠN...

Trần Bất Bình
Thứ hai ngày 12 tháng 12 năm 2016 3:41 PM




Việc xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 đã được thông báo dự kiến trao giải vào ngày 30 tháng 9 năm2016 trên phương tiện thông tin nhưng lại đình lại cho đến nay vì có một số hồ sơ đã bị dư luận khiếu nại, kiến nghị gay gắt về tác giả và tác phẩm không xứng đáng (Trong đó có hồ sơ của nhà văn Kiều Vượng). Việc Kiều Vượng không gửi hồ sơ đăng ký xét tại Hội đồng cơ sở Thanh Hóa mà gửi qua Hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt nam là một “Hiện tượng bất thường”. Dư luận Văn nghệ Thanh Hóa rộ lên chuyện ông Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là “Cha đỡ đầu - Người chống lưng” cho Kiều Vượng đã nhiều năm nay, nay lại bật đèn xanh cho Kiều Vượng.

Đùng một cái trên trang 18 báo Văn nghệ số 47 ra ngày 19 tháng 11 năm 2016 và trang 60 Tạp chí Xứ Thanh số 256 ra tháng 11/2016 xuất hiện một bài viết cái gọi là: “Sự trần trụi chân thành” của Chu Lai nhà văn khi đọc “Hoài niệm những dòng sông” của Kiều Vượng. Người ta không hiểu ba cái gạch đầu dòng với vài trăm con chữ, Chu Lai cố công kênh tô điểm cho Kiều Vượng là thể loại gì? Công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học chăng (?!) hay là “khua môi, múa mép” cái gọi là “đàm đạo văn chương” (?!). Lý luận phê bình văn học thì chắc chắn là không phải rồi, cổ kim xưa nay chẳng ai viết thế cả. Viết thế thì liệu khuất phục được ai? Cái lai lịch của Kiều Vượng chỉ có Chu Lai không rành chứ những người ở ngành Giao thông vận tải Thanh Hóa những năm chống Mỹ và những năm sau này thì không ai còn lạ gì Kiều Vượng. Theo Quyết định của Trung Ương, Thanh Hóa thành lập Công trường 217B (trực thuộc Ty Giao thông vận tải) hai lần điều sang giúp tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào mở đường. Lần thứ nhất là năm 1961 đến năm 1962 phải rút về nước (do liên quan đến Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào). Năm 1964 Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam và Lào. Công trường 217B lại được điều động sang giúp Lào lần thứ 2 và một năm sau (tháng 12/1965) để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ Trung Ương quyết định chuyển Công trường 217B sang Quốc phòng. Toàn bộ nữ giới và một số nam giới có lý lịch không trong sạch được trả lại Ty Giao thông vận tải (trong đó có Vượng). Vượng được phiên về Đội Vận tải thuyền nan rồi sau đó về Đơn vị mở đường ở miền tây Thanh Hóa. Dù ở đâu Vượng cũng chỉ là lính lác giúp việc chứ đâu có đủ tầm để làm “chỉ huy kiên cường” hay “binh đoàn trưởng binh đoàn thuyền nan năm xưa” như Chu Lai “phong tặng”. Hoặc có kẻ còn gán cho Kiều Vượng cái chức to đùng “Bí thư Đảng ủy Đoàn Vận tải Lam Sơn” thì mới nực cười làm sao (!!!). Đã nửa thế kỷ trôi qua rồi, lớp trẻ bây giờ làm sao biết được chuyện đó nên mới tha hồ mà khoác lác.

Trong bài viết Chu Lai “xa gần”: Một số kẻ bị nhồi nhét, bị tuyên truyền, bị đầu độc đứng ngoài cuộc buông lời phán xét... Vậy ai là kẻ nhồi nhét, ai là kẻ tuyên truyền, ai là kẻ đầu độc? Và ai là người bị nhồi nhét, tuyên truyền, đầu độc? Phải chăng chính là Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước của mình là người tuyên truyền và tổ chức (nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam)? Và dĩ nhiên đối tượng bị nhồi nhét, tuyên truyền, đầu độc phải là người đọc, là nhân dân rồi? Thế mới biết Chu Lai là người “can đảm” như thế nào(!). Chu Lai còn khen Kiều Vượng “tử tế” nên con chữ của Kiều Vượng cũng “tử tế” (!!!) thử hỏi văn đàn Việt Nam từ xưa đến giờ có ai không tử tế (?) Tử tế cả đấy chứ (!) Có điều bất luận thời nào và ở đâu trên thế gian này những kẻ bồi bút không bao giờ là người tử tế. Những kẻ bồi bút là những kẻ dã tâm nhất, đê tiện nhất (Chu Lai đã quên mất lô gich ấy). Vì để đạt được mục đích họ phải bóp méo, thậm chí chà đạp thô bạo lên sự thật, chà đạp lên sự cao thượng, phủ nhận các giá trị. Do đó họ phải bẻ cong ngòi bút của mình (chí ít Kiều Vượng trong “Bão không có gió” là như vậy). Phải chăng có chuyện khuất tất ở đây? Chu Lai đã từng “Ăn mày dĩ vãng” bây giờ lại “Ăn mày danh tiếng” của mình chăng (?!). Mượn tên tuổi, mặt mũi “Đã nổi đình đám” của mình để tung hô, biện minh, bao đậy cho Kiều Vượng với những ngôn từ, lời lẽ mới “hay ho” làm sao (!). Người ta chỉ thấy sự xuất hiện của Chu Lai trên mặt chữ báo Văn nghệ và Tạp chí Xứ Thanh với ba cái gạch đầu dòng là một thứ “đại ngôn - lộng ngôn” - vô lối, vô phép tắc, coi người đọc không ra gì.

Thời đại chống tham nhũng chuyện làm tiền, kiếm tiền là rất tinh vi mà. Tục ngữ có câu “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”. Người đọc chỉ thấy buồn, buồn đến nát lòng khi thấy “những con người như thế mà lại như thế...” (!) Có kẻ mượn quyền lực để chà đạp lên công lý, có kẻ mượn danh tiếng để “làm tiền”. Ôi chao!

Nhân tình thế thái ngẫm mà kinh

Nằm đêm mà nghĩ đỗi giật mình

Đầu dê thịt chó ai mà biết

Mưu ma, chước quỷ hơn thần linh...

Thanh Hóa, 2 - 12 - 2016

T.B.B