Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN THANH TUYÊN - MỘT NHÂN CÁCH SỐNG

Nhà thơ : Phạm Xuân Trường
Chủ nhật ngày 11 tháng 12 năm 2016 5:06 AM




23h15’ ngày 28/9/2016 tôi đang lơ mơ ngủ, thì giật mình bởi chuông điện thoại đổ dồn. Đầu đằng kia Vũ Quốc Văn (người bạn tri kỉ với nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên) sau vài câu thăm sức khoẻ và hỏi có sáng tác nào mới không. Tôi bảo “không, bận lắm”. Một thoáng hoài nghi, tại sao Văn lại gọi điện lúc nửa đêm hỏi thăm sức khỏe... Sau giây lát Vũ Quốc Văn ngập ngừng “tôi đắn đo mãi vì Tuyên không muốn ai biết”. Tôi cuống quýt “Tuyên làm sao? Ông nói nhanh lên”. Quốc Văn chậm rãi “Tuyên bị K, Hà Nội xét nghiệm chính xác rồi. Đã nghỉ khám bệnh thuê tại Trung tâm Y cao Hà Nội. Về Hải Phòng đã nửa tháng nay rồi”. Tôi choáng váng “Sao khổ thế Tuyên ơi”. Có lẽ giờ này Tuyên đã ngủ. Kệ! Tôi cứ gọi xem cụ thể ra sao. Tuyên vẫn thức. Sau cơn ho dữ dội “Ông Văn nói đúng đấy. Tôi bị K phổi”. Giọng Tuyên vẫn tỉnh táo pha chút giễu cợt. “Đành phải sống chung với lũ vậy thôi. Khốn nạn nhất mình bị u loại tế bào vẩy, đường kình đã 5,2cm, nó ở đỉnh phổi trái, tai ương là bám sát quai động mạch chủ nên hết cơ may phẫu thuật, nên đành phải bó tay .com thôi. Bao nhiêu dang dở! Tôi đang cố chạy nước rút với thời gian đây”. Tiếng ho khan kéo dài.
- “Thôi ông nghỉ đi, mai tôi đến”.
Tắt đèn đi nằm mà trằn trọc mãi. Tôi tự vấn. Có trời thật không? Có Phật thật không? Có Bồ Tát cứu độ chúng sinh thật không? Có số phận thật không? Tại sao tốt như Tuyên mà nỡ nào lại mang trọng bệnh. Chẳng nhìn đồng hồ, tôi liền gọi báo tin cho nhà văn Bão Vũ, nhà biên kịch Long Khánh và nhà thơ Lâm Cẩn, Thúy Ngoan biết. Mọi người đều giật mình và bàng hoàng.
Xâu chuỗi quá khứ từ ngày biết nhau. Làm thơ in chung với nhau đã hơn 20 năm rồi. Tôi “yêu” Tuyên chân tình, thật lòng, Tuyên giầu lòng vị tha, hiền lành, độ lượng và khiêm tốn. Bạn bè văn chương mắc mớ sức khoẻ đến với Tuyên, được Tuyên tận tình ngay cả khi đã về hưu. Tôi cũng vài lần đến khám bệnh ở bệnh viện tư nhân nơi Tuyên làm thuê. Bao giờ Tuyên cũng ghi ở dưới phiếu khám bệnh: Không thu lệ phí. Chuyện ấy, đâu phải chỉ riêng tôi. Tôi ái ngại, Tuyên chỉ cười “Lương hưu tôi cao hơn ông, lại có lương làm ở đây nữa.Cứ về đi.” Thậm chí sau hỏi bệnh, Tuyên nhắn tin các loại thuốc vào điện thoại cho đỡ phải đi bệnh viện. Lĩnh hộ tiền nhuận bút cầm xuống nhà cho Tuyên. Tuyên rủ đi uống bia. Vì nhiều lần quá tôi phải mặc cả “Nếu lần này nữa ông không để tôi trả tiền. Tôi không đi”. Thế rồi nửa chừng Tuyên lấy lý do đi vệ sinh, Tuyên lẻn ra quầy trả tiền trước...
Hai chục năm trước nhà thơ Nguyễn Đình Kiên lại bị tai biến lần hai. Thanh Tuyên trực tiếp vào khoa cấp cứu nhờ đồng nghiệp tận tình giúp đỡ. Kiên ngày ấy sống một mình vất vưởng, các con ở xa, vợ chồng chia tay. 30 tết nào Tuyên cũng chia đôi nhờ tôi cầm nửa chiếc giò và một cái bánh chưng cho Kiên (vì Tuyên phải về quê). Bởi Kiên không có lương hưu, sau này Kiên có “tập hai” thì thôi.
Tuyên là người thủy chung, nhân hậu nhất mực. Đã có lần Tuyên thổ lộ: “Hoàn cảnh bà xã tôi buồn lắm. Bố mẹ ly tán. Ông ngoại đón về nuôi từ tấm bé. Lam lũ với bùn ruộng, con trâu và sách vở... Hai người học cùng Trường Viện Sốt rét. Chúng tôi yêu nhau từ cuối 1969. Đến tháng 9/1971 tôi có lệnh đi B, gia đình và nhiều bạn giục cưới, nhưng tôi đã khước từ. Chiến tranh biết thế nào! Lỡ mình hy sinh cô ấy thành đàn bà góa thì cái khổ sẽ đeo bám trọn đời ư. Sau khi kí kết hiệp định Pa ri, vào dịp ra Bắc công tác tôi mới xây dựng gia đình. Vợ làm trong bệnh viện Việt Tiệp, còn tôi sau khi học 6 năm học đại học chính quy được chọn về Ban bảo vệ sức khỏe công tác”.
Thời ấy, cái “chuồng” tập thể của mồ ma bao cấp là nhà giấy dầu vách liếp rộng 7m2, ra vào vạng đầu. Diện tích ấy nhốt 4 sinh vật gọi là người, gồm một cặp vợ chồng và hai đứa con, chen chúc.Mùa đông thì rét mướt, mùa hè hầm hập ngột ngạt, có lẽ khí thở cũng phải dè sẻn . Với đồng lương như bố thí, vợ chồng làm đủ các nghề để tồn tại và nuôi con. Chụp ảnh đám cưới. Kẻ vẽ. Thuộc da. Làm men rượu. Nuôi lợn.Móc cước, Đêm đêm xay đậu nành bán cho chơ Sắt... Thượng vàng hạ cám, miễn là làm ra tiền để cùng cả nước đợi chờ giai đoạn “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”…đến giờ cũng đang mất hút.
Vài người bạn thơ lên nhà ngồi chơi thì vợ Tuyên lo cho một hai chai bia hơi với đĩa lạc rang cả vỏ. Rồi lấy lý do lặng lẽ ra khỏi nhà để cho chồng tiếp khách. Có lẽ cái lam lũ và thiếu thốn tình mẫu tử từ tấm bé, cộng với sự vật lộn áo cơm của một thời đói và đói. Mà Đông (vợ Tuyên) ngay cả ngày cưới của các con dẫu tươi cười đón khách mà nét mặt vẫn chẳng tươi hơn được là bao. Chứ nói gì đến bây giờ lại nhận được hung tin căn bệnh của chồng. Tôi thương Tuyên và thương cả Đông. Lần vợ chồng Tuyên mời tôi và Vũ Quốc Văn về quê ăn giỗ. Đứng ở góc vườn Đông kể hết cho tôi nghe hoàn cảnh của vợ chồng làm con trưởng mà phải sống xa quê còn bố mẹ già. Tuyên 8 lần phóng về cứu mẹ, nhưng thoát chết được có 7 lần. Nước mắt Đông rân rấn, mí mắt đỏ lựng. Tôi cũng không cầm được. “Có những lần nhận tin ở quê điện ra, vì tất cả đều trông cậy vào ông anh bác sĩ. Tuyên thương mẹ thương cha khóc như đứa trẻ con. Tiếng khóc ồ ồ của người đàn ông thương lắm. Em cũng nức nở. Nhưng cố gượng dùng những lời an ủi nhau. Số chúng mình như thế thì phải chịu” (những chi tiết ấy tôi không tiện viết ra đây). Thì ra trông Tuyên bề ngoài có vẻ an nhiên, tự tại, mặt lúc nào cũng tươi. Kể cả khi tranh luận về một vài chữ trong thơ. Tuyên vẫn cười, trình bày một cách khúc triết, điềm đạm.
Có lần chắc là bế tắc lắm, không biết giải quyết sự việc thế nào cho vẹn toàn, tình nghĩa. Về chuyện của con gái. Gặp tôi Tuyên kể “tiết kiệm ki cóp được 600 triệu để cuối năm vợ chồng cháu xây nhà. Tin họ hàng nó cho vay... rồi mất trắng” (vàng ngày ấy khoảng 500 ngàn đồng một chỉ). Tất cả con tôi định lôi lũ ấy ra Tòa.Cho đi tù vì chiếm dụng tài sản. Nhưng vì tình ruột rà máu mủ Tuyên đã khuyên can. Nhưng khó thuyết phục. Đến lúc Tuyên xây xong nhà của mình. Ông chú ruột mang tặng hai chậu vạn tuế rồi về? Một buổi tối ăn cơm, Tuyên hỏi “ Vạn tuế” là gì? Cả nhà không ai trả lời được. Tuyên nói : Đó là vái vạn lần. Chú cũng như cha. Ông biếu cây ấy tức là “ Phụ bái tử .“ Cha bái con đấy.Ông xin tha tội cho con gái. Tuyên bảo: Tôi bịa chuyện lý giải ý nghĩa về hai cây vạn tuế của ông chú ruột biếu để an lòng các con.
Bởi mất của thì khó bề lấy lại, nhưng cần phải giữ được cái tình. Điều đó đến bây giờ cả họ hàng ít người biết( kể cả nhà ông chú ruột)
Rồi lần đi trại viết văn tháng 5 năm 2016 ở Mộc Châu. Vũ Quốc Văn còn cho biết thêm một chuyện buồn của Tuyên đến nẫu ruột. Thật đau đớn và xót xa, những sự việc tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích. Tuyên là người chu đáo, ân tình với mọi người. Có những người bạn đồng nghiệp bỏ Tuyên về với trời xanh mây thẳm. Dẫu 19 năm rồi nhưng không giỗ nào vợ chồng Tuyên “giả quên”... và Tết nào cũng mang rượu, bánh đến thắp hương ông bạn vong niên. Gia đình bạn bè văn chương ở Hải Phòng có chuyện buồn. Dù biết muộn Tuyên cũng đến chia buồn thắp một nén nhang. Chứ tuyệt đối không giả vờ coi như mình không biết.
Sau cuộc điện thoại đêm của Vũ Quốc Văn báo tin. Sáng sớm hôm sau tôi đạp xe xuống nhà Tuyên. Vóc dáng đã gầy, đôi mắt đã sâu hơn. Suốt hai tháng trời tôi lo giúp con gái ở Hà Nội. Cứ đi đi về về như con thoi. Có lần ở Hà Nội buổi tối tôi viết được vài câu thơ thấy hay hay. Gọi điện thoại đọc cho Tuyên nghe, thì Tuyên bảo “tôi đã về Hải Phòng rồi, không làm ở Hà Nội nữa”. Thì ra Tuyên dấu tôi. Bệnh viện nơi Tuyên làm thuê khi chia tay nhiều người cảm động xụt xùi tiễn Tuyên lên xe. Bạn bè ở Hà Nội là những y bác sỹ cùng khoá hầu hết đều đến với Tuyên, động viên an ủi. Nhiều người khuyên Tuyên đi Singapore để kiểm tra. Nhưng là bác sỹ và biết được bệnh của mình Tuyên không đi. Mặc dù các con dâu, rể cũng động viên. Nhưng Tuyên một mực từ chối...
Kiểm tra sức khoẻ Hà Nội biết mình trọng bệnh. Tuyên giấu vợ con, lặng lẽ những ngày nghỉ ở nhà sửa chữa lại toàn bộ điện đóm, chỗ dột trên mái. Lợp tại tôn nhựa sáng dọc hành lang cho vợ con có chỗ để xe không bị nắng mưa đầy đoạ. Tuyên muốn phòng khách đàng hoàng, mắc bệnh rồi mà vẫn đi mua tranh tứ quý bằng men nổi tận Bát Tràng lặng lẽ về treo ở phòng khách nguyện vọng “cho bền”.
Chuyện lộ ra. Do Tuyên nhập vào viện U bướu Hà nội, không có người nhà đi kèm. Bệnh viện đã điện cho con trai lên kí cam đoan chọc sinh thiết (họ lấy điện thoại từ mục khi cần báo tin cho ai). Vợ Tuyên lập tức cho gọi dâu, rể và các cháu nội ngoại về hết thông báo bệnh tình của bố. Các con bàng hoàng sợ hãi, Tuyên bình tĩnh động viên an ủi “sống thế này là lãi rồi. Bao nhiêu người bạn của bố nằm lại ở chiến ở độ tuổi 18-20. Mình sống sót thêm 42 năm, có nhà có của có vợ có con, có nghề có nghiệp. Bao nhiêu ngừời bị bệnh nan y qua tay bố cũng phải ra đi. Đời ai chả chết một lần. Cứ vui vẻ làm ăn, lạc quan chữa bệnh bình thường. Nếu phải ra đi “vẫn chào thân ái…”. Cần giữ không khí gia đình thật bình thường.
. Sáng nay mồng 2 tháng 12 ngồi uống cà phê tại Quán Vườn ở Văn Cao cùng với vợ chồng Tô Hoàng Vũ (chủ tịch Hội liên hiệp văn học) cùng vài người bạn, tôi thấy tóc Tuyên đã thưa nhiều. Để lộ ra lớp sọ đầu cũng mai mái như nước da trên khuôn mặt. Tuyên đọc cho mọi người nghe bài thơ “Đừng để vàng rơi” mới sáng tác. Bài thơ buồn quá nhưng nhân hậu. Chân thật như lời nhắn nhủ. Là con người hãy thương lấy nhau. Thời gian một đi không trở lại. Những gì bong tróc gắng bả trát cho hoàn hảo. Tuyên có biểu hiện chạy đua với thời gian, viết bình thơ trước cả truyền hóa chất ở bệnh viện.Đêm ngày chợt nghĩ được tứ thơ nào mới là vội vàng ghi chép lại. Nghe đọc xong bài thơ tôi cảm thức trong tôi nhoi nhói. Bài thơ khác nào câu nói của cổ nhân “con chim sắp chết cất tiếng kêu thương, con người sắp chết nói lời chân thật”. Lặng đi khá lâu, nửa cốc cà phê không ai nhấp môi. Phá tan bầu không khí nặng nề sau khi nghe Tuyên đọc xong bài thơ. Tô Hoàng Vũ có một nhận xét làm mọi người giật mình “có bố nhận được quyết định về hưu mà ốm cả tháng trời. Đang hoành tráng bỗng xẹp lép như quả bóng bay, mảnh mai vóc hạc. Lại còn lạy lục xin ở lại làm cố vấn bởi lo đàn em còn “non nớt”. Còn “bố” Tuyên nhà mình chấp nhận trọng bệnh vẫn thanh thản cười tươi. Lạ thật!”...
Nhìn đồng hồ đã 10h30’ mọi người giải tán. Tôi dắt xe định về Tuyên khẩn khoản mời về nhà ăn cơm. “Ông có về cũng một mình một mâm, về ăn cơm với vợ chồng tôi cho vui. Vài tháng nữa muốn mời ông cũng không được” . Tôi bủn rủn vì câu nói ấy của Tuyên mà lặng lẽ đạp xe cùng Tuyên về nhà.
Vợ Tuyên vui lắm. Trong lúc chờ cơm chín cả ba đều ngẫu nhiên bàn đến chuyện linh hồn, tâm linh, số phận. Tôi khoe: “Tạ Duy Anh vừa tặng tôi cuốn sách NHỮNG GIẤC MƠ CỦA TÔI mới xuất bản. Đọc vừa sợ, vừa tin, vừa hoài nghi”. Cái khối u của Tạ Duy Anh ở dạ dày cũng to 4cm. Đi Singapore kiểm tra rồi về. Trong những giấc mơ của Tạ Duy Anh có người đến bắt đi thì bị các cụ tổ và mẹ gạt phắt. Cũng thuốc thang điều trị ở Việt Nam mấy tháng sau đi kiểm tra khối u teo lại bằng hạt đậu xanh. Các bác sĩ không tin ở mắt mình. Bây giờ trong bữa nhậu vui cũng cụng li được vài chén rượu mạnh.
Tuyên thì hoài nghi. Tôi thì cho là có. Theo NGU ý của tôi tôi lập luận thế này: Ngày xưa trẻ con chơi trò Kim - Mộc - Thủy - Hoả - Thổ và các cụ cổ nhân lập luận cho rằng vạn vật sinh ra là do âm dương và ngũ hành. Tôi bảo là lục hành (tức 6 hành). Bởi vì các cụ cho rằng cái gì nhìn thấy, cầm được thì mới gọi là vật (chất). Còn những gì không nhìn thấy, cầm được thì không cho là vật. Vạn vật sinh ra bởi 5 định dạng kia. Nhưng nếu không có khí thì có sống được không? Vậy khí là hành thứ 6. Ví như nấu quặng (kim) mà không cung cấp cưỡng bức khí (ôxi) thì quặng kia có thể chuyển hoá thành thể lỏng được không. Cây cối (mộc) không có khí có sống được không. Thủy (nước) không có khí ôxi và khí hiđrô có thành nước được không. Hoả (lửa) ngọn nến để dưới đáy giếng cạn có cháy được không. Thổ (đất) không cày xới cho khí hoà tan vào đất liệu cây cối có sống được không. Người ta nhịn ăn, nhịn uống vài ngày chưa chết. Nhưng nhịn thở vài phút là tèo. Khí không nhìn thấy nên các cụ cho rằng vạn vật sinh ra bởi 5 hành. Cho nên bàn đến tâm linh tôi cho là có linh hồn. Có thể là dạng khí hoặc là gì thì không biết được. Tôi khẳng định là có linh hồn còn số phận thì cũng có. Giỏi như cụ Nguyễn Trãi chỉ làm thần. Tài như cụ Nguyễn Du vượt xa cả thơ của vua Tự Đức cũng chỉ là bậc công khanh. Dạy con cái hai triều vua, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thần cơ diệu toán khác nào Khổng Minh bên Tàu, mà cũng chỉ là bậc bề tôi của những triều đình thối nát. Nên tôi cho là có số phận. Sống, chết, giầu, nghèo, sang, hèn, công hầu, khanh tướng... là có số cả. Tuyên chỉ lên tường chỗ bàn làm việc hỏi: Tôi chụp bức ảnh kia để chuẩn bị cho ra đi đấy. Ông trông có được không... Tôi rời ghế ra ngắm... Buồn thật! Ông chu đáo quá!
Cơm dọn ra Tuyên lấy chai rượu sâm rót cho mình tôi. Bữa cơm đạm bạc mà vợ chồng Tuyên vui. Tiễn tôi ra cổng, vợ Tuyên trầm tư “cứ như anh nói thì em cũng tin là có linh hồn, có tâm linh và số phận”.
- “Ừ, có đấy. Tôi về đây”.
Tuyên gọi với lại, tay xách can rượu hấp tấp đặt vào giỏ xe: “Đây là rượu ngâm con ngài đực của tằm. Tôi ngâm đã 6 năm rồi từ hồi ông cụ mất. Tôi chưa uống, bây giờ không được uống, ông mang về giúp tôi. Bữa tối làm một chén. Tuyệt !”.
Vài chén rượu trong bữa cơm chừng như đã ngấm, tôi bô lô ba la. Khi đã ghếch một chân lên yên xe, tôi bá vai Tuyên “Này ông. Thi hào cuối cùng của đồng quê nước Nga S.Exenhin đã nói “Trên đời này, chết là điều chẳng mới/ Nhưng sống, thực tình cũng chẳng mới gì hơn” và cố thi sĩ Lê Đại Thanh của Hải Phòng có một câu xanh rờn “Sống là nợ những gì vay mượn trước/ Chết là trở về với tinh thể sao trời và câu thơ Chuyến ga đời gửi lại vé quê hương” đã ăn sâu vào tâm thức của không biết bao người. Mười năm trước ngày thơ Nguyên Tiêu tôi đã đọc “Chôn dọc” rồi. Cái quán trọ của ga xép cuộc đời này người trước kẻ sau thôi “Ăn của đất uống của giời (*)/ Chết là trả nợ một đời đã vay” mà ông”. Tôi về nhé. Tuyên bỗng víu vai tôi: “Tôi đã trả giá đau cho bệnh cả tin vào bè bạn, còn ông cẩn thận đấy”. Cả ba cùng cười. Nắng ngả chiều bóng chúng tôi đổ nghiêng trên mặt đường.
Và sau này dù thân xác đã tan vào với đất. Tôi tin rằng người đời sau sẽ còn nhớ đến Tuyên với bài thơ nổi tiếng của anh

TÌM LẠI CHỮ MÌNH
Ta đào bới nét chữ mình thời trẻ
Trong vỏ kháng sinh chôn theo bạn cuối đồi
Làn hương mỏng bồi hồi gọi hộ
Sao chữ mình mà bạn mãi không "ơi" !!!
( Tập thơ Tiếng vọng)
NXB Hội nhà văn 2003)
Hơn hai mươi năm trời Thanh Tuyên có hai tập thơ in chung với chúng tôi và hai tập thơ in riêng “Tiếng vọng” NXB Hội Nhà Văn 2003 và “Nhịp thầm”NXB Hội NHà Văn 2013. Anh đã nhận 6 giải thưởng. Bài “Tiếng vọng được chọn in vào tuyển “ Nửa thế kỉ thơ”của Tạp chí Văn nghệ Quân Đội.
Nghe tin Thanh Tuyên trọng bệnh. Hầu hết bạn bè văn chương đều bàng hoàng xôn xao, xót xa tiếc cho Tuyên. Điện thoại và đến nhà thăm hỏi. Được mọi người thương yêu như thế. Là bởi ở Tuyên có nhân cách một nhà thơ. Một bác sỹ như “Từ mẫu”. Và, hơn cả là nhân cách con người.
Cho dù ai khắt khe xét nét đến mấy. Mang sợi tóc chẻ tư. Tôi đủ tự tin nói rằng : Hai chữ “nhân cách”tôi viết về Tuyên không chút ân hận, nuối tiếc mảy may nào.
__________________________
(*) Thơ Nguyễn Long (Bài Thường dân)
Hải Phòng, ngày 09 tháng 12 năm 2016

HAI BÀI THƠ CỦA PHẠM XUÂN TRƯỜNG VỚI NGUYỄN THANH TUYỀN


ƠI THANH TUYÊN
.

Tin như sét đánh ngang người

Nặng tâm làm PHÚC sao trời không thương

Rời vai cây súng chiến trường

Thịt da thành sẹo vết thương chẳng lành

Trở trời cơn gió heo hanh

Lại nghe buốt giá năm canh rã rời

Ngộ ra đời bạc như vôi

“Cắn đôi con chấy” vàng mười hóa thau

Biết là thật giả nông sâu

Biết là rút ván qua cầu sang sông

Biết là giun đội lốt rồng

Áo tơi nón lá giữa đồng cũng vua

Áo cơm đâu phải trò đùa

Giang tay làm những hạt mưa cho đời

Nụ cười được sẻ làm đôi

Dẫu rằng ai nhớ và người giả quên

Lạy giời bệnh quỷ thuốc tiên

Chắp tay tôi khấn mọi miền tâm linh.

Rạng sáng 28/9/2016




TUYÊN ƠI
.

Về hưu tưởng được nhàn thân

Áo cơm giông bão cứ vần vũ xoay

Thơ như con nợ đêm ngày

Tuyên ơi! Ta sống là vay cuộc đời

Nợ hạt gạo đẫm mồ hôi

Hai sương một nắng tay người vãi phân

Nợ con đường đã hành quân

Nắm xương vô định dẫu ngần ấy năm

Soi mình đáy nước sông Gianh

Thấy hồn Trịnh Nguyễn vẫn tanh máu người

Cùng chung một bọc chao ôi

Mẹ Âu Cơ ở trên trời có đau...

Nợ bao trinh nữ cơ cầu

Tranh đi xuất khẩu sang Tàu sang Tây

Kiếp người như thể cỏ cây

Khác nào súc vật đọa đày tấm thân

Nợ: Thơ vạch mặt công thần

Những phường bội nghĩa vong ân dối lừa...

Tượng đài như nấm sau mưa

Máu dân đã hóa tiền chùa chia nhau

Bọn mình tóc ngả màu lau

Lấy thơ trả nợ nỗi đau cho đời

Vui thì khóc, buồn lại cười

Bởi nhìn rõ quỷ nói lời nam mô.

30/9/2016 - Ngày Tuyên nhập viện

Phạm Xuân Trường