Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ VỀ MỘT TRẠI VIẾT VĂN THỜI CHIẾN TRANH

Hào Vũ
Thứ sáu ngày 9 tháng 12 năm 2016 10:43 AM



Đó là trại viết văn do Tạp chí Văn Nghệ Quân giải phóng Miền Nam tổ chức. Tờ Tạp chí lúc ấy do nhà văn Nguyễn Trọng Oánh giữ chức Tổng biên tập.Vào năm 1972, từ chiến trường Long An tôi được gọi lên rừng miền Đông, lúc ấy gọi là “ R” , dự trại. Lần thứ 2 là vào năm 1974. Cũng vẫn tại địa điểm cũ, trong rừng. Một cái lán lớn mái lợp lá trung quân, là nhà bếp, nhà ăn của anh em trong Tạp chí, cũng là của các trại viên mỗi khi dự trại. Xung quanh là những cái lán nhỏ mái lợp lá trung quân, không vách, không giường, chỉ có cột giăng võng, thường là hai chiếc cho hai người,.Ở khoảng trống giữa hai chiếc võng là một cái bàn nhỏ, mặt bàn là những thân cây tròn nhỏ ghép lại, ghế ngồi cũng là thân cây ghép thành, chân bàn, ghế đóng luôn xuống đất. Đó là các phòng riêng dành cho các trại viên nằm, ngồi để sáng tác . Hẳn nhiên căn cứ của Tạp Chí cùng nơi ở chính thức của anh em làm việc trong Tạp chí thì chúng tôi không được phép “mò” vào. Gọi là khu vực bí mật. Gần trại viết có một con suối. Muốn xuống suối tắm giặt phải đi theo đường cầu thang được khoét vào vách đất. Cầu thang xuống suối khá dốc và cũng khá sâu. Cũng tại con dốc xuống suối ấy có một câu chuyện vui về nhà thơ Trần Mạnh Hảo tôi sẽ kể sau.

Lần đầu tiên được dự trại viết văn, được gặp những tên tuổi trong làng văn mà bấy lâu mình ngưỡng mộ, thật là một hạnh phúc không gì sánh bằng. Phải đến cả hơn một tuần lể làm quen, dần dần tôi mới đủ can đảm để rụt rè nói chuyện với các anh ấy. Đầu tiên là anh Nguyễn Trọng Óanh. Lúc ấy anh Oánh chưa viết Đất Trằng, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của anh. Tôi chỉ đọc anh trên Văn nghệ quân đội hồi còn đi học và sau này trong quân ngũ. Anh vốn ít nói, lại hay hỏi tôi những câu bất ngờ, những câu hỏi hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nghề viết, khiên tôi càng… sợ anh. Tỷ như anh hỏi tôi: “ Những lần đột kích vào ấp gặp dân, “ông” có quen cô gái nào không?” Hẳn nhiên là có, nhưng lúc ấy tôi chỉ cười trừ im lặng. Bởi vì tôi không biết phải trả lời anh như thế nào cho xuôi. Vả lại việc làm quen một cô gái, lại là dân trong ấp, thì phải thận trọng. Ở đơn vị, các vị chính trị viên thường xuyên nhắc nhở chúng tôi phải cảnh giác với tư tưởng sống gấp, tư tưởng cầu an hưởng thụ, thậm chí là nguy cơ…sa bẫy kẻ địch. Những thứ tư tưởng như thế hình như lại có một sợi dây vô hình luôn gắn với hình ảnh một cô gái. Nói tóm lại chuyện “chuyện quan hệ nam nữ” là một thứ cấm kỵ, đặc biệt với đám lính trẻ. Dính vào chuyện này sễ nảy sinh tiêu cực lắm. Một mặc định không thành văn dối với lính trẻ lúc nào cũng hừng hực lửa.. yêu. Thành ra, nói chuyện với anh Oánh, một sĩ quan quân đội, cấp tá cơ mà, tôi sợ lắm. Tôi tự nhủ cần phải thận trọng. Nhưng sau này khi quen biết anh lâu hơn, tôi mới hay anh cũng … lãng mạn lắm. Nói như anh Trần Ninh Hồ hối ấy là, ông này tẩm ngẩm tầm ngầm nhưng mà có khi “ đấm chết voi” lúc nào không biết. Ấy là chuyện tào lao của cấp dưới đối với cấp trên. Lại hỏi tiếp, vậy ông có bà má nuôi nào không. Má nuôi thì thật sự tôi không có, nhưng các má nuôi mình thì nhiều lắm, Cũng chẳng biết anh hỏi theo nghĩa nào? Đành cuời.Riêng anh Tràn Ninh Hồ, lúc ấy là cán bộ hướng dẫn của trại, thì dễ gần hơn, nhưng tôi vẫn còn rụt rè lắm.

Anh Trần Ninh Hồ lúc ấy đã có truyện ngắn giải thưởng báo Văn Nghệ, truyện

“ Trong những món ăn truyền lại”. Với đám lính trẻ chúng tôi anh là một đẳng cấp khác, cao cấp và sang trọng. Cũng sợ. Trại còn có anh Thanh Giang, nhà thơ, sau này tôi thỉnh thoảng vẫn gặp lại anh tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh Thanh Giang rất dễ mến, tính tình hiền lành, đặc biệt anh có cái cười rất đẹp, môi đỏ chói như môi con gái. Ở trong rừng, căn bệnh sốt rét làm hầu hết lính tráng, nam cũng như nữ, môi thâm sì. Anh Thanh Giang thì không, môi lúc nào cũng như thoa son. Lạ như thế.Sau này Tạp chí còn bổ sung thêm anh Triệu Bôn từ ngoài Bắc vào. Anh Triệu Bôn lúc ấy đã có tập truyện “ Mầm Sống” được dư luận báo chí khen ngợi. Và nhiều bạn khác nữa.

Trại làm việc như sau. Sau khi nộp đề cương hoặc bản thảo cho trại,các anh Tràn Ninh Hồ, Triệu Bôn về văn xuôi, anh Thanh Giang về thơ, sẽ trao đổi trực tiếp với từng trại viên. Sau đó anh em sửa chữa, lại đọc tiếp, thấy được, cán bộ hướng dẫn sẽ nộp lên anh Oánh và nghe anh phê bình hay “ khuyên đỏ” tùy theo chất lượng. Chữ “ khuyên đỏ” là do anh Oánh nói, anh còn giải thích thêm là, ngày xưa, các cụ đồ Nho, đọc thơ văn, chỗ nào hay thì khuyên đỏ, ( khoanh một vòng tròn nhỏ như cái khuyên tai, màu đỏ bên cạnh.) Trại còn có một thông lệ trao đổi nghiệp vụ rất đặc biệt tại “ hội trường”. Ấy là sau bữa cơm trưa.Sau bữa trưa, chàng lính nào cũng thấy phởn chí. Bởi vì, những ngày ở đơn vị ăn uống kham khổ, về trại, được bồi dưỡng hơn chút đỉnh thành ra như thế. Và sự phởn chí này bộc lộ ra hết sau bữa cơm trưa. Anh em gọi vui với nhau đó là khoảng thời gian “ dễ thăng hoa”

nhất. “Hội trường” thực ra cũng chỉ là cái chòi nhỏ như mọi chòi cá nhân khác, lợp lá trung quân,không vách che. Một cái bàn dài, hai cái ghế dài dọc theo bàn, đủ cho măm người ngồi mỗi bên. Bàn, nghế cũng là những thân cây ghép lại, đóng luôn xuống đất. Tại sao các lán đều không có vách che? Vì ở trong rừng sâu, không có gió mạnh nên mưa không tạt. Về mưa rừng, hình như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong một bài thơ của mình gọi đó là những trận mưa của lá. Tàn cây rừng dày đặc, mưa chỉ rơi chạm vào tầng lá trên cùng. Sau đó nước mưa rơi xuống các tầng lá bên dưới, cứ thế cho tới khi thoát khỏi các tầng lá, xuống đất.Những cơn mưa của lá thường nhẹ nhàng, nhưng dai dẳng , và không tạt ngang như ở ngoài đồng trống.

Tại “ hội trường” ấy, anh em uống trà, hút thuốc rê. Và bắt đầu trao đổi nghiệp vụ, thực ra là nghe anh Oánh nói về nghiệp vụ văn chương. Hẳn nhiên với cá nhân từng tác giả thì anh cũng như các anh hướng dẫn của trại không bao giờ khen chê ai công khai tại “ hội trường” vì tế nhị. Nó chỉ được trao đổi riêng với từng người viết, tại một địa điểm cũng rất riêng.

Duy có trường hợp Trần Mạnh Hảo là ngoại lệ. Hảo cũng từng dự trại viết ở đây như chúng tôi, nhưng tôi chưa gặp Hảo vì dự trại lệch ngày. Với anh em cán bộ trại, sau đó lan sang các trại viên, thơ của Trần Mạnh Hảo là một hiện tượng rất đặc biệt của trại. Các anh ở trại, kể cả anh Oánh là người kiệm lời, cũng không tiếc lời khen thơ Hảo. Cứ thế lớp trại này đi, lớp khác tới, tên của Trần Mạnh Hảo

“lưu truyền” trong anh em tham gia trại viết rừng Miến Đông lúc ây. Tôi còn nhớ một giai thoại về Hảo do anh Tràn Ninh Hồ kể trong lần đi dự trại như thế. Chuyện rằng, Hảo xuống suối tắm, vừa tắm vừa “nghĩ thơ”. Lúc tắm xong là lúc bài thơ đã xong, cao hứng, Hảo từ suối không thèm bận quần, bước lên hội trường,cứ tồng ngồng như còn đang tắm, miệng ngân nga những câu thơ chợt tới. Trại không có phụ nữ, kể cả chuyện bếp núc cũng do đàn ông con trai đảm nhận, nên chuyện Hảo có”“tồng ngồng” như thề, cũng không có gì quan trong,. Tuy nhiên cũng “hơi kỳ”. Dĩ nhiên, có thể là lần đầu tiên trong đời “ bí mật” của Hảo đã bị “công khai” .Anh em trại viên được trận cười cười nghiêng ngả. Lúc ấy Hảo mới cúi xuống nhìn và nhận ra rằng, mình đang ở trên … mặt đất. Sau này hòa bình hơn chục năm, đọc bài thơ “ Chiếc ô trời của mẹ” của Hảo in trên Văn nghệ quân đội, tôi cứ ngơ ngẩn hết mấy ngày. Bài thơ cứ ám ảnh tôi mãi cho đến tận bây giờ.

Trại có một quy định bất thành văn, hình như là do anh Oánh khởi xướng. Ấy là chuyện hút thuốc. Sau bữa ăn, lính tráng ai cũng như ai, phải phì phèo một điếu thuốc mới có thể nói chuyện được. Lúc ấy anh em trại viên, kể cả anh Óanh nữa, mỗi người được phân phối một lượng “thuốc rê” nhất định, tạm dùng trong một tháng. Tất nhiên nếu ai “chơi” quá tiêu chuẩn thì bỏ tiền sinh hoạt phí ra mua thêm. Mà chuyện mua thuốc cũng chẳng dễ dàng gì, phải năn nỉ ỉ ôi với mấy tay cán bộ hậu cần. Bí quá xin bè bạn thì cũng được, nhưng mà, cái câu “lính tráng có suất”. nó cứ lơ lửng trên đầu, thành ra cũng ngại.Thuốc rê hồi ấy được mua từ các ấp của đồng bào. Những lá cây thuốc lá, lớn bằng bàn tay, đã phơi khô, vàng rượm, chia thành từng xấp nhỏ xếp đều nhau, chia cho mỗi người một túm.. Anh em phải tự dùng dao thái nhỏ phần thuốc đựơc chia thành sợi, rồi dùng giấy báo hay giấy “pơluya” cuộn lại thành từng điếu để hút. Những buổi lên “ hội trường” thì có khác hơn. Anh Oánh tuyên bố, mỗi người khi đi ăn cơm trưa, phải đem theo thuốc hút của mình, một gói nhỏ đựng những sợi thuốc lá được thái cẩu thả, sợi lớn sợi nhỏ, với vài ba mảnh giấy báo hoặc giấy xé ra từ một cuốn sổ nào đó để cuộn, đặt trên bàn uống nước. Anh em cùng hút chung cho vui, mà cũng công bằng. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có trại viên hay “quên” đem thuốc theo, sự “ quên” này có dấu hiệu “cố ý” . Thành ra anh Oánh mới quy định thêm rằng, mỗi ngày lên “ hội trường”, chỉ có ba người được phép “ quên” đem thuốc theo. Ai tới lượt mà “quên” dứt khoát phải trở về lấy. Phải đúng một tuần, sự “quên” ấy mới chấm dứt. Và cứ vậy, anh em trại viên háo hức, say mê và có phần lo lắng, hồi hộp nữa, lao vào viết. Rồi khi đêm về, cả trại quây quần bên nhau cùng thức đợi tới 10 giờ để nghe chương trình Tiếng Thơ và chương trình Đọc Truyện Đêm Khuya của đài tiếng nói Việt Nam.

Sau ngày hòa bình, Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền nam trở về Hà Nội nhập với Văn nghệ quân đội ở số 4 Lý Nam Đế. Anh Oánh sau đó được đề bạt Tổng Biên Tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Và rồi từ trại viết ấy, các trại viên trở về đơn vị, với những gì thu lươm được,tiếp tục học hỏi, sáng tác. Rồi hòa bình, nhiều người trong số họ vẫn say mê sáng tác, tự học thêm qua sách báo, qua đồng nghiệp, có người tu luyện tại trường đại học viết văn Nguyễn Du. Nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, góp phần xứng đáng của mình vào thành tựu chung của văn học nước nhà. Có thể kể ra đây những cái tên trưởng thành từ trại sáng tác Lộc Ninh như Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Lê Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Mộc… Và nhiều tác giả khác nữa.

Và tất cả chúng tôi, khi nhắc đến trại sáng tác ấy , lại rưng rưng nhớ về nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, người thầy, người đồng nghiệp, người anh tận tình, chu đáo.

Tháng 12/2016

H.V

Dưới đây là một vài hình ảnh tôi còn giữ được về những ngày dự trại.