Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CHIA SẺ BUỒN VUI CỦA NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG

Nguyễn Thị Như Trang
Thứ năm ngày 8 tháng 12 năm 2016 6:41 AM


Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Thị Như Trang

TNc: Hôm nay lễ tang nhà văn Nguyễn Thị Như Trang vào lúc 10 giờ tại Nhà tang lễ Viện 108, Hà Nội. Trang nhà xin đưa lại bài viết của Chị ghi lại về những kỉ niệm đời văn. Trong bài viết này chị có nhắc đến tôi. Ấy là vào năm 1972 khi chiến dịch Quảng Trị đang vào giai đoạn quyết liệt, tôi là cán bộ tuyên huấn Cục Vận Tải biệt phái vào Binh trạm 17 tại Làng Ho. Đêm ấy tôi vượt 30 km bom đạn ra đón chị Trang tại Thạch Bàn Vĩnh Linh. Tôi và chị Trang còn có chuyến đi cùng nhau lênh đênh trên biển với đoàn tầu Hải quân. Vậy mà hôm nay chị đã đi xa. Cầu mong chị thanh thản về cõi Phật !


Vậy là đã 27 năm tôi công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Gần một nửa đời người đã đi qua. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra, những cuộc gặp gỡ rồi chia tay, vui buồn và đau khổ, thành công và thất bại, nhũng cuộc ngộ nhận rồi chối bỏ, những cuộc ra đi rồi trở về… Không bao giờ hết, không thể đếm xuể. Thế nhưng cái ngày đầu tiên tôi thành người của nhà số 4 Lý Nam Đế thì mãi mãi không thể quên. Bởi vì, mỗi người mới cầm bút đều có một cái ngưỡng cửa phải vượt qua, phải luôn luôn mơ tưởng, ao ước. Điều này có thể chỉ là một ngụy chế bất thành văn, nhưng chính vì thế nó càng lung linh, có sức ám ảnh, khơi ngợi mãnh liệt. Đó là cái giờ phút anh từ chỗ chỉ là người yêu thích văn chương, là người viết nghiệp dư, lúc nào cảm hứng đến có thể ngồi trước trang giấy thâu đêm, nhưng sự thành công thì còn rất bấp bênh, vì nghề nghiệp với anh thì còn rất bỡ ngỡ, việc cầm bút hàng ngày chưa thành thói quen, bạn bè cùng chí hướng còn thưa vắng. Giống như một người mù cứ rờ rẫm mà bước, có thể sa chân bước tụt xuống hố, có thể va vấp bươu đầu sứt trán mà chưa chắc mình đã đi đúng hướng cái đích phải đến. Rồi hoang mang đau khổ. Rồi ngẫm ngợi hoang tưởng đến ngớ ngẩn cả người mà không thể hé môi với bất kỳ ai ở xung quanh. Bởi vì, cái mục đích của riêng mình nó cũng còn khuất lấp lắm, cái con đường mình định ấy còn xa vời vợi. Nhưng rẽ đường khác lại không thể, vì tất cả tâm tưởng, kỳ vọng mình đã trao gửi vào mục đích tối thượng rồi. Nó cũng giống như tình yêu lúc người ta trẻ, những tưởng thiếu vắng nó trên đời này tất cả chỉ bằng không. Tất nhiên sau này khi đã là người từng trải, chín chắn rồi, những suy nghĩ non dại như thế không xảy ra nữa, nhưng cái thời nông nổi nào ai cấm cản được những ý tưởng có khi rất cực đoan như vậy?

Bởi thế, với tôi, khi có trong tay tờ quyết định về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội, sau khi tôi mới có một tập truyện ngắn, một giải thưởng văn xuôi, thì đây là một việc hết sức trọng đại trong đời. Được về một cơ quan văn nghệ chuyên nghiệp ở trung ương, có nghĩa là anh đã được xã hội công nhận. Tầm suy nghĩ của anh rồi sẽ mở mang ra, không còn tình trạng luẩn quẩn trong cái ao hẹp quen thuộc nữa. Mấy đêm liền mất ngủ, tôi cứ suy nghĩ miên man về cái cơ may hiếm có này. Rồi tinh mơ ngày 16-7-1969, từ một làng thuộc vùng đồi núi huyện Chí Linh (Hải Hưng), nơi tòa soạn báo Quân khu 3 sơ tán, tôi phơi phới đạp xe về Hà Nội, trong lòng không mảy may vướng gợn những vấp váp có khi rất gay gắt đang chờ mình ở phía trước, với tư trang rất đơn giản, chỉ một ba lô với một vài bộ quần áo, một cặp ba dây đựng giấy tờ bản thảo. Đồ đạc buộc gọn trên chiếc xe đạp cũ, tôi lên đường. Đúng ra, cái ngày hôm ấy sẽ là một ngày rất vui nếu không có những phút giây bịn rịn chia tay với bạn bè. Bấy giờ, tòa soạn báo Quân khu 3 chúng tôi tất cả có năm người thì có tới ba đang tập tọng viết văn. Người thứ nhất phải kể là thư ký tòa soạn Văn Đạt. Anh đã có một tập truyện anh hùng và mấy truyện ngắn được đăng báo trung ương - một người tốt bụng và cả nể. Anh ngại cấp trên cho mình là chân trong chân ngoài. Cứ mê mải văn chương, một việc cấm kỵ ở cơ sở, chứ không toàn tâm toàn ý cho việc làm báo. Nhưng lại nể bạn bè, anh sẵn sàng mang giúp suất cơm tập thể đi vòng hai ngọn đồi về cho “người ốm”. Mặc dù anh thừa biết, lúc ấy chúng tôi đang dấm dúi viết văn… trộm, nên rất ngại gặp mặt cấp trên.

Người thứ hai là chuẩn úy Lê Lựu đang được nhà văn Nguyên Hồng và Nguyễn Khải rất chú ý. Tôi và Lê Lựu là bạn viết cùng trang lứa, giữa chúng tôi vẫn thường có cuộc thi đua ngấm ngầm. Ngày ấy điều kiện vật chất khá cực. Bữa ăn tập thể thường xuyên có hai bát cơm và một nắm bột mỳ luộc, chúng tôi gọi là “bánh nắp hầm”, viết khuya, đói lắm mới ăn, nhưng làm việc hăng lắm, ai viết hơn một truyện ngắn hay bút ký là người kia buồn đến hàng tuần.

Khi tôi in Màu tím hoa mua thì Lê Lựu có ngay Người cầm súng. Chúng tôi cùng gửi truyện ngắn dự thi trên báo Văn nghệ, cả hai cùng được giải nhì với Ma Văn Kháng, lại cùng về dự hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ I. Đã mấy năm cùng làm việc với tờ báo Quân khu, nay tôi may mắn được về Tổng cục, Văn Đạt và Lê Lựu có vẻ buồn. Anh Văn Đạt giành dắt xe giúp tôi đến tận đầu xóm sơ tán: “Bà đi, cẩn thận máy bay nhé”. Còn Lê Lựu bắt tay tôi, vội quay đi. Lúc ấy, cả tôi và Lê Lựu không ai biết, chỉ ít lâu sau Lê Lựu cũng về tạp chí Văn nghệ quân đội trong đợt văn nghệ sĩ đi phục vụ chiến trường những năm đánh Mỹ gian nan nhất. Ngày hôm ấy, hai lần tôi gặp máy bay Mỹ oanh tạc dọc đường, nên chiều muộn tôi mới về đến đầu phố số 4 Lý Nam Đế. Dựng xe ngoài bờ tường, tôi ghé mắt nhìn qua cái cổng sắt uy nghi, trong lòng cứ rộn lên những cảm giác thật khó tả, vừa vui vẻ phấn khởi, lại vừa e dè ngần ngại, nhưng phần e ngại thì còn nhiều hơn. “Đầu gà hơn đuôi trâu”, ở cơ sở có thể tôi đã ít nhiều tự tin, ngó lên nhìn xuống vẫn là những bạn bè “điếc không sợ súng”. Giờ lên đây, đứng ngấp nghé trước trước căn nhà đồ sộ, trong đó bao gồm những tên tuổi sáng giá tự nhiên thấy run quá, ngại quá. Phần nữa, mình lại là đàn bà – một người đàn bà độc nhất lạc lõng giữa cái thế giới nam nhi tài giỏi, uyên bác, phải nhẽ?... Càng nghĩ càng thấy sợ, thấy run, lại cảm thấy cô đơn quá, nhưng muốn quay về thì đã muộn. Tôi hoảng đến mức mi mắt đã nóng lên thì vừa lúc anh Thanh Tịnh từ trong nhà mở cửa đi ra cùng một người cao lớn, trắng trẻo, răng hơi vổ. Anh Thanh Tịnh vai khoác cái túi vải đựng đôi vợt bóng bàn. Có lẽ họ vừa tan cuộc chơi ở câu lạc bộ đi ra. Hai người vừa đi vừa nói chuyện gì sôi nổi lắm. Họ không mảy may chú ý đến tôi. Nhưng anh Thanh Tịnh thì tôi đã được gặp được biết qua một lần anh về quân khu nói chuyện. Tôi bèn rụt rè gọi:

- Anh Thanh Tịnh. Anh Thanh Tịnh…

Anh Thanh Tịnh quay ra thấy tôi, vui vẻ mở cổng, rồi giới thiệu với người đứng cạnh:

- Nguyễn Khải này, đây là chị Như Trang về đây cùng làm việc với bọn mình.

Chẳng hiểu sao tôi thấy nhà văn Nguyễn Khải thoáng đỏ mặt, chào tôi xã giao rồi anh lấy xe đạp vội ra cổng. Còn anh Thanh Tịnh nhiệt tình dẫn tôi đến gặp anh Mạn – một đồng chí công vụ kiêm bảo vệ cơ quan. Sau đó, biết tôi đã đạp xe cả ngày, rất mệt và đói nữa, giờ này nhà ăn tập thể chắc chắn đã đóng cửa, anh Thanh Tình liền chiêu đãi tôi một bát mỳ “không người lái”, và một gói lương khô – những món ăn phổ biến của thời bao cấp.

Như thế, lễ “nhập gia” nhà số 4 Lý Nam Đế trong tưởng tượng của tôi thì rất khác, nhưng thực tế nó diễn ra chỉ đơn giản như vậy.

Thoạt đầu tôi được phân công làm trợ lý tổ văn xuôi do anh Từ Bích Hoàng phụ trách. Anh Hoàng bấy giờ là phó chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà thơ Vũ Cao là chủ nhiệm (như Tổng biên tập bây giờ). Anh Từ Bích Hoàng tính điềm đạm, kiệm lời. Anh viết ít nhưng đọc rất tinh, lại là người rất cẩn thận trong công việc. Những bài vở của các phóng viên tạp chí, của các nhà văn quen biết gửi đến, anh Từ Bích Hoàng để riêng ra, tự mình đọc. Còn tôi chỉ được đọc những bài vở của bạn viết mới, nhũng người mới lần đầu gửi sáng tác cho tạp chí. Số bài vở này tồn đọng khá nhiều, nhưng chất lượng thường là yếu kém. Có khi phải đọc hàng năm, bảy chục trang mới tìm được bài khá, còn phải cắt sửa công phu lắm mới sử dụng được. Đọc bài tôi mới biết có người gửi đến bảy, tám lần không được vẫn kiên trì viết tiếp. Tôi phục tính kiên trì của họ. Nhưng, nghề văn đòi hỏi phải có năng khiếu, không chỉ lấy cần cù mà bù đắp được. Tuy nhiên, trong số bài vở lai cảo đó, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những bài viết khá, chứng tỏ tác giả của nó là người có văn tài đích thực. Mỗi khi tìm được một bài như thế tôi vui sướng lắm. Không chỉ tôi vui, cả tòa soạn đều mừng. Rồi thư từ trao đổi. Rồi có dịp cơ quan còn cử người về tận cơ sở, đơn vị, đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ để bạn viết phát huy được khả năng vốn có. Tôi còn nhớ, trong thời gian tôi làm biên tập văn xuôi, có những anh chị lần đầu được in bài trên tạp chí, sau này đã trở thành những nhà văn như anh Triệu Huấn, Lê Minh Khuê, Lê Huy Khanh, Nguyễn Quốc Trung…

Nhân đây tôi cũng xin nói rõ cái ý này, bởi vì vẫn có người cho rằng, người mới cầm bút rất khó xuất hiện nếu không có “ô dù” nâng đỡ. Theo tôi đấy chỉ là sự hiểu lầm, hoặc là một biện giải sai lệch. Với người viết văn, việc anh có lóe sáng hay lu mờ trên văn đàn là hoàn toàn do tài năng bản thân anh quyết định. Ví thử trong anh đã có sẵn một Trần Đăng Khoa, thì dễ gì ai có thể chèn lấp được. Bởi vì, may thay, số lượng báo, tạp chí, nhà xuất bản ở ta chưa phải quá nhiều, nhưng cũng đủ thênh thang cho ngòi bút anh tung hoành ngang dọc. Anh gửi báo này không in, nào ai cấm anh gửi nơi khác? Có thể một, vài biên tập viên thiếu công tâm, nhưng không có lẽ mọi tờ báo đều vùi dập anh? Mà vùi dập để làm gì? Ngược lại, nếu anh là người thiếu văn tài, thì không một ai dù tài giỏi đến mấy, có thể giúp anh mài gỗ thành kim được. Muốn có cây kim nhỏ bé, trước hết phải có một đoạn dây thép trong tay.
Ở tạp chí Văn nghệ quân đội, công tác bạn viết từ trước đến nay vẫn nhiệt tình và chu đáo.

Một năm đầu đến cơ quan mới, về công việc sáng tác, tôi viết không có gì thành công nào đáng kể. Một phần, tôi như người từ sông ngòi bơi ra biển lớn, nhìn xung quanh thấy các anh đều tài giỏi quá, bay lượn quá. Các anh ấy nói cái gì cũng hay, viết gì được nấy. Như anh Nguyễn Minh Châu đang được trầm trồ với mấy chương đầu Dấu chân người lính, anh Nguyễn Khải mới ra Cồn Cỏ đã có Họ sống và chiến đấu y như người sống thành tinh ở đảo, lại còn có người chưa hề ra Cồn Cỏ vẫn có sách Chúng tôi ở Cồn Cỏ như anh Hồ Phương, anh Nguyễn Thi đi chiến trường mới gửi ra Người mẹ cầm súng được coi là một tác phẩm xuất sắc… “Gần lửa thì rát mặt”, ngẫm lại tôi lúc ấy, thấy câu tục ngữ nay tài tình quá. Tôi như bị choáng, đúng thế, lại nghĩ tới những người đã nhiệt tình ủng hộ việc tôi về tạp chí công tác, giờ mình làm ăn chẳng ra sao, càng khổ tâm. Hai lần nộp truyện ngắn lên ban phụ trách đều hỏng. Tại sao thế? Tôi tự hỏi và cố tìm ra nguyên nhân. Cứ âm thầm mà tìm kiếm. Day dứt vô cùng, có lúc những tưởng mình đã nhầm đường. Có ngày tôi đóng cửa ngồi lì trước bàn viết cả ngày, đến bữa cũng cố tình đến nhà ăn muộn vì ngại chỗ đông người. Bởi vì, tôi viết không tốt nhưng là người rất nhạy cảm, chỉ cần thoáng thấy các anh ấy nói cười vui vẻ, thấy tôi đến, cuộc nói chuyện bỗng trở nên gượng gạo là tôi đã khổ tâm rồi. Hoặc giả có người buông lời đùa bỡn là tôi đã cảm thấy mình bị xúc phạm. Lúc ấy, tôi ngu dại đâu biết rằng, những băn khoăn của tôi họ nhìn thấu gan ruột nhưng không giúp được gì được nên cũng khó xử, bởi vì ít nhiều các anh ấy đều trải qua những vật vã giống tôi bây giờ. Chỉ có điều, những người đàn ông họ tự tin hơn, hoặc là họ biết cách giả vờ cứng rắn che đậy những dao động trong lòng chứ khống yếu đuối như tôi. Tính cách đàn bà đã làm khổ tôi rất nhiều. Song, sự nhạy cảm đàn bà sẽ trở thành một lợi thế không nhỏ nếu người viết đã có bản lĩnh, có tay nghề vững. Nhưng điều đó mãi sau này tôi mới nhận ra. Kinh nghiệm viết phải viết là sự tích lũy chiêm nghiệm suốt một đời cầm bút. Cũng đừng ngại mình viết không giống ai, văn đàn, nói một cách nôm na, ví như cái chợ, anh có thịt, tôi có rau, người khác bán đậu… Cuộc sống có thể mới muôn màu muôn vẻ, phong phú, đa dạng. Chỉ có điều, mọi thứ thực phẩm rau quả dù đắng ngọt chát chua đều phải là các chất bổ dưỡng, đừng có bỏ thuốc sâu quá độ cho cuộc đời, đó là lương tâm của người cầm bút.
Cuối năm 1970, để thử sức mình trước chặng đường mới, tôi xin đi thực tế chiến trường. Tôi nói rõ với các anh Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, tôi muốn đến với một đơn vị thanh niên xung phong phục vụ hỏa tuyến trên đường Trường Sơn. Đi chiến trường, biết là vất vả, nguy hiểm nữa, nhưng tôi đã quyết, vì cứ bị câu nhận xét của tổ trưởng văn xuôi Hải Hồ ám ảnh mãi từ lúc tôi nộp bài viết không đạt: “Viết salon quá”. Tôi hiểu, nhà văn Hải Hồ chê tôi thiếu thực tế, thiếu từng trải, cứ mang cái tôi còn non nớt ra mà làm điệu làm bộ. Dạo đó, nhận xét ấy như gáo nước lạnh dội xuống đầu tôi. Bây giờ mới thấy cái cách nói cay nghiệt của bác Lý Mèo (tên của anh Hải Hồ do cánh trẻ chúng tôi đặt ra) không phải là không có tác dụng.

Được tòa soạn đồng ý, tôi bồn chồn chờ ngày lên đường. Đã xác định, một là đi, phải viết cho ra hồn. Hai, bỏ nghề dứt khoát, chứ không thể sống vật vờ mãi như cái bóng ở nhà số 4 Lý Nam Đế được. Bây giờ nghĩ lại mới thấy tức cười, chuyện cũng nhỏ mà làm như trời sập, ấy thế, nhưng khi còn ít tuổi, nếu không có những ý nghĩ cực đoan, xốc nổi ấy có khi lại chẳng làm nên trò tróng gì. Việc nào cũng có thời của nó vậy.

Nói cho cùng, chuyến đi xa lần đầu tiên ấy tôi cũng gặp may. Được Bộ tư lệnh Thông tin cho đi nhờ xe đến trạm 17 ở làng Ho. Nhưng còn cách binh trạm khoảng nửa ngày đường, xe thông tin được lệnh rẽ ngả khác. Tôi phải xuống cửa rừng. Trời vừa sập tối. Rừng đầy đom đóm. Xung quanh rải rác những hố bom. Lạnh lẽo hoang vắng quá. Trong bụng rất run, tôi vác bao gạo và ba lô bước thập thõm về phía cái trạm barie sau gốc lim cụt ngọn. Gần đến nơi, bỗng thấy có người gọi mừng rỡ:

- Chị Trang phải không? Tôi ra đón chị đây.

Tôi mừng đến suýt phát khóc, vội bắt tay anh Trần Nhương (bây giờ là phó giám đốc quỹ Văn học – Hội nhà văn). Ở giữa nơi bom đạn bất trắc, gặp được bạn bè cùng nghề còn gì vui bằng! Sau đó tôi và Trần Nhương xin đi nhờ một xe tải vào binh trạm. Ở đây chúng tôi còn gặp anh Dân Hồng, phóng viên báo Quân đội nhân dân, và Thanh Thủy, bây giờ là phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô. Từ đấy, cả bốn chúng tôi hợp thành một nhóm đi ngang dọc Trường Sơn, khi đến với đơn vị thanh niên xung phong, lúc ở đơn vị công binh, rồi đại đội xe và các trạm quân y tiền phương. Trong chuyến đi này tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp hy sinh rất xúc động của bộ đội phá bom, của các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường rừng. Và tôi đã gặp em - cô thanh niên xung phong đã hy sinh trong trường hợp phải cứu xe hàng. Chúng tôi đã chôn em trên một ngọn đồi bị bom phát quang chỉ có rải rác những cụm hoa chạc chìu vàng như màu nắng. Đấy là Khoảng sáng trong rừng. Đấy là tiểu thuyết đầu tay của tôi. Đấy là cuộc thử sức lần đầu của tôi trong chặng đường mới ở tạp chí Văn nghệ quân đội.

NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG

Ảnh: Ngọc Tú, Như Trang, Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh (trái sang)