Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NAM CAO GẶP THẦY

Phạm Văn Chữ
Thứ sáu ngày 18 tháng 11 năm 2016 2:59 PM



NAM CAO GẶP THẦY

Trần Lê Văn


                                 Đã bao năm thầy trò xa nhau

Đường kháng chiến thầy trò gặp lại

Nam Cao sững sờ trước thầy giáo Đại*

Trống ngực đập như trống trường

Như năm xưa,ngày khai giảng ngỡ ngàng

Mới bước chân vào lớp

Thầy giáo Đại cũng thấy mình hồi hộp

Đứng trước một tài năng

Thầy và trò nay cùng nghiệp văn

Ôi, quả vậy, “người sinh sau là đáng sợ!”**

Thầy chợt nhớ về trong trí nhớ

Thành Nam, lớp Nhì, trường Trong***

Chú học trò nghèo dù nắng hạ mưa đông

Cũng áo thâm chân đất

Gương mặt thông minh, u buồn, phảng phất

Như nắng sớm mai lấp loáng hơi sương

Thầy Đại mừng vui nẩy ý bất thường

Trìu mến nhìn Nam Cao, thầy nói:

“Chú đã trưởng thành, văn tài chói lọi

Đừng gọi tôi là thầy, cứ gọi là anh!”

Nhà văn Nam Cao lễ phép nghiêng mình

“Xin cho em được gọi thầy như trước

Em cầm bút vững vàng một chút

Là nhờ thầy dìu dắt từ xưa

Em lắng nghe thầy sảng khoái những vần thơ

Giúp vượt đường mòn trong cuộc sống

Xây đời thực và cũng xây đời mộng

Cho Chí Phèo và Thị Nở biết thương nhau.”

(Thơ Thầy giáo và Nhà trường-

NXB Giáo dục- 1999)

Lời bình của Phạm Văn Chữ

Bài thơ của nhà thơ Trần Lê Văn(1923- 2005) kể câu chuyện nhà văn Nam Cao (1917-1951) gặp thầy giáo- nhà thơ Lê Đại Thanh (1907- 1996) là một trong số ít những bài thơ hay viết về Thầy giáo và Nhà trường.

“Thiên dặm tha phương ngộ cố tri”*, người xưa đúc kết đó là một trong bốn thời điểm sung sướng nhất ở đời*. Trong hoàn cảnh nước nhà binh lửa, quê hương đang bị giặc Pháp chiếm đóng, cùng “xa nhà đi kháng chiến”, ở nơi đất khách quê người, gặp được người quen biết đã là sung sướng lắm. Đây lại là cuộc hạnh ngộ của thầy- trò. Chắc là thầy ngoại tứ tuần, mà trò cũng đã ngoài ba mươi, chừng hai mươi năm li biệt. Bao chuyện vui, buồn để hàn huyên tâm sự. Thơ chỉ cần ghi lại những phút ban đầu khi thầy- trò ngộ kiến. Tác giả vừa kể vừa miêu tả tâm lí nhân vật với những nét chọn lọc, tinh tế. Để nói sự quá xúc động mừng vui của trò, dùng chữ “sững sờ” và so sánh hình ảnh “Trống ngực đập như trống trường” là đắc địa. Nhưng với thầy, sao lại “hồi hộp”? Vì thầy luôn dõi theo trò và giờ đây đang “đứng trước một tài năng” của đất nước, mà năm xưa mình đã từng dạy dỗ. Bao kỉ niệm đẹp đẽ một thời đã xa bỗng chốc sống dậy. Mây câu thơ vẽ chân dung Nam Cao thời học sinh- niên thiếu thật đẹp và dễ thương, như cảm đoán về Tài- Mệnh của nhà văn: “Gương mặt thông minh, u buồn, phảng phất” (Ông hi sinh mới 34 tuổi}. Cầu nối kí ức đưa trở về thực tại. Cùng theo đòi nghiệp văn, lại cùng đem ngòi bút phụng sự kháng chiến, thầy nhận ra trò đã vượt xa mình, ở độ “văn tài chói lọi”, đúng như lời người xưa: “Hậu sinh khả úy”. Khả úy là đáng sợ, với nghĩa nể phục lớp người sau tài giỏi hơn người trước. Đó là điều phúc đức. Thán từ “Ôi” được đặt đầu câu như diễn tả thêm niềm xúc động vì tự hào và khiêm tốn. Thầy trìu mến bảo học trò cũ một điều bất thường:“ Đừng gọi tôi là thầy, cứ gọi là anh”. Có một chút kịch tính. Người đọc rưng rưng xúc động.

Lẽ thường, thầy bảo, trò phải nghe. Đây không như vậy. Và sự khác thường dẫ thành thơ. Môt nhà giáo dục học bảo rằng, những ai không vượt được hơn thầy mình là đáng xấu hổ. Nhưng đó là khoa học, còn đây là câu chuyện thuộc phạm trù đạo đức. Thầy tự thầy mình không còn dạy học nữa, lại muốn xóa đi sự cách bức lễ nghĩa để gần gũi thân tình hơn, nên đã nói thực lòng. Dĩ nhiên, trò không thể nghe theo. Tầm cao văn hóa của một trí thức, một nhà văn như Nam Cao quá biết rằng, Nhất tự vi sư bán tự vi sư và Nhất tự vi sư, chung thân vi phụ. Cái hành vi “lễ phép nghiêng mình”, xin được thưa lại với thầy bằng những lời tri ân chân thành như làm rực sáng lên hình ảnh một người thầy và nhân cách cao đẹp của nhà văn Nam Cao. Nhờ thầy và các thầy khác dìu dắt mà em biết sống tử tế, biết sáng tạo “vượt đường mòn trong cuộc sống”. Đúng vậy, trong văn nghiệp của mình, tuy xuất hiện muộn trên văn đàn nhưng Nam Cao đã không hề lặp lại các nhà văn lớp trước. Tác phẩm của ông không chỉ nói đến sự đói cơm rách áo cùng cưc của người nghèo khổ mà ý nghĩa hơn, ông đã xoáy sâu vào một điều đau khổ rất lớn: cả một xã hội bần cùng đang tha hóa, người không còn ra người, muốn sống cho lương thiện, tử tế cũng không thể được. Trong kiệt tác “Chí Phèo”, để “Cho Chí Phèo và Thị Nở biết thương nhau” là một sự sáng tạo độc đáo mang đậm tính nhân bản, nhân văn chưa từng có.

Cách xử sự của thầy- trò ở đây không chỉ đúng, hay mà còn… rất đep! “Một người thầy tốt giống như ngọn nến- cháy hết mình để soi sáng đường đi cho những người khác” (Mustafa Kemal Antaturk). Niềm hạnh phúc lớn lao của thầy và trò có gì sánh cho bằng! Cho nên, dù có hiển đạt, quyền sang, bất cứ ai, cũng không được vong ân bội nghĩa, mà luôn phải giữ lễ nghĩa, kính trọng và biết ơn đối với thầy- cô của mình.

Đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kể trồng cây” và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong bài thơ đã tới tầm cao thẩm mĩ.

Tặng những ai đã và đang làm học trò!

Phạm Văn Chữ

phamvanchu@gmal.com

ĐT:0915807028

Ghi chú:

- Thầy giáo, nhà thơ Lê Đại Thanh (1907- 1996)

- Dịch từ câu “Hậu sinh khả úy”

- Trước 1945, ở thành phố Nam Định có hai trường Tiểu học: trường Ngoài và trường Trong

- Bốn sự sung sướng lớn đó là: Thất niên cửu hạn phùng cam vu/ Thiên dặm tha hương ngộ cố tri/ Thiếu nữ động phòng hoa chúc dạ/ Thiếu niên kiến bảng quải danh đề.