Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI “VỀ THĂNG LONG TỨ TRẤN”

Phùng Thành Chủng
Thứ ba ngày 15 tháng 11 năm 2016 1:42 PM



Kết quả hình ảnh cho Thăng long tứ trấn


(Trao đổi với Đỗ Tiến Bảng, tác giả bài viết “Về Thăng Long Tứ trấn”, đăng trên trannhuong.com, ngày 11 tháng 11 năm 2016)

 


Phản hồi bài “Thăng Long Tứ Trấn” của tôi đăng trên trannhuong.com trước đó 4 ngày, bài “Về Thăng Long Tứ Trấn” của tác giả Đỗ Tiến Bảng gồm nhiều ý, song để độc giả tiện theo dõi và đối chiếu, xin được bám sát vào văn bản để hồi đáp từng ý một.

1. Tác giả Đỗ Tiến Bảng viết: “Gần như toàn bộ bài viết là lấy từ Wikipdia, mục “Thăng Long Tứ Trấn”, kể cả phần ghi chú thích tài liệu “tham khảo”.

Xin thưa với tác giả Đỗ Tiến Bảng: Bài “Thăng Long Tứ Trấn” của tôi đã in trên “Văn hóa dân gian” từ hơn chục năm về trước (số 5 (107) năm 2006). Hẳn anh nghĩ là tôi đã “ăn sẵn” từ “Từ điển mở” Wikipdia(?) Sao anh không đặt vấn đề ngược lại là sau khi bài viết được đăng, “nó” đã được đưa vào “Từ điển mở” Wikipdia?!

2. Tác giả Đỗ Tiến Bảng viết: “Vấn đề tác giả đặt ra: “hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu”, chưa thấy dẫn nguồn tài liệu để bàn luận, mà chỉ dựa vào trình bày trong mục ở “Từ điển mở” này.

Xin thưa: Như vậy thì chí ít giữa “Từ điển mở” Wikipdia và tác giả Đỗ Tiến Bảng đã chẳng “tồn tại hai cách hiểu” là gì? Chưa kể trên thực tế, nếu không có chuyện “tồn tại hai cách hiểu” thì việc gì phải cất công lý giải và cũng chẳng có lý do nào để một bài viết tầm phào như thế được bạn đọc quan tâm. Song, nếu như nệ vào sách vở để minh chứng cho cách hiểu “Thăng Long Tứ Trấn” với nghĩa là 4 đơn vị hành chính, sao tác giả Đỗ Tiến Bảng không tra cứu các tài liệu đã được ghi ở dưới bài viết của tôi, phần “Tài liệu tham khảo”. Cụ thể là cuốn “Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam” của Nguyễn Văn Tân (Nxb Văn hóa Thông tin - Hà Nội 1998) mục viết về Hải Dương: trang 485, mục viết về Kinh Bắc: trang 631, mục viết về Sơn Nam: trang 1016; mục viết về Sơn Tây: trang 1017.

3. Tác giả Đỗ Tiến Bảng viết: “Khi đặt vấn đề tìm hiểu “nội hàm” cụm từ “Thăng Long Tứ Trấn”, cần đặt với cụm từ “Thăng Long Tứ Quán”. Còn “Tứ trấn” phải đặt trong quan hệ khác. Lại nữa, cần thiết phải xét từ “Trấn” - Nôm hay Hán-Việt, mặt chữ ra sao, mới có cơ sở để luận giải”

Tiếp đến, tác gải Đỗ Tiến Bảng giải thích từ “Tứ Trấn” và đưa ra mặt chữ của chữ “Trấn” (bộ “kim” bên chữ “chân”) rồi viện dẫn “Hán- Việt tự điển” của Thiều Chửu và “Hán - Việt từ điển” của Đào Duy Anh là “Từ Hán Việt này có tới 7 nghĩa, trong đó có 2 nghĩa liên quan tới vấn đề đang bàn là “Yên”, là “một khu đất đủ năm vạn người trở lên gọi là Trấn”.

Xin thưa: Nếu “Thăng Long Tứ Trấn” không tồn tại hai cách hiểu mà chỉ duy nhất có một cách hiểu là 4 ngôi đền (Trấn Vũ, Kim Liên, Bạch Mã và Voi Phục) thì khi khảo sát về nói mới “cần đặt nó với cụm từ liên quan là “Thăng Long Tứ Quán”, còn khi đã tồn tại hai cách hiểu, sao “Tứ trấn” là 4 ngôi đền lại không được đặt trong quan hệ với “Tứ trấn” là 4 kinh trấn (hay nội trấn”. Đến đây thì tôi đã lờ mờ nhận ra một điều (không hiểu vô tình hay cố ý) tác giả Đỗ Tiến Bảng chỉ hiểu 4 kinh trấn (hay nội trấn) với nghĩa là 4 đơn vị hành chính mà bỏ qua nghĩa (nội hàm) đã được tôi nói rõ ở đầu bài viết: “… có nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành ngay từ vòng ngoài khi kinh thành trực tiếp bị đe dọa. Ngoài ra, vì ở gần kinh thành nên bốn kinh trấn còn là những lực lượng có nhiệm vụ “cứu giá” và dẹp yên nội loạn khi kinh thành có biến”! Bởi nếu hiểu “Tứ trấn” chỉ thuần là một đơn vị hành chính thì hiển nhiên đó là 4 kinh trấn (nội trấn) chứ không thể là 4 ngôi đền (Trấn Vũ, Kim Liên, Bạch Mã và Voi Phục). Và như vậy thì đã không có chuyện “tồn tại hai cách hiểu” về “Thăng Long Tứ Trấn”. Còn bàn về mặt chữ, chữ “Trấn” với bộ “Kim” bên chữ “Chân” ngoài các nghĩa không liên quan tới vấn đề đang bàn; vừa có nghĩa là một đơn vị hành chính, vừa có nghĩa là “trấn an”, “trấn giữ”. Song nếu chỉ với nghĩa “trấn an”, “trấn giữ” mà không có nghĩa là một đơn vị hành chính thì đó là chữ “Chấn” với bộ “Tài gảy” bên chữ “Thìn - Thần”.

Tiếp đến, tác giả Đỗ Tiến Bảng dẫn cuốn “Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long Hà Nội” của Tô Hoài và Nguyễn Vinh Phúc, giải thích cụm từ “Thăng Long Tứ Trấn” và “Thăng Long Tứ Quán”.

Xin thưa: Nếu tác giả Đỗ Tiến Bảng căn cứ vào cách giải thích về cụm từ “Thăng Long Tứ Trấn” của Tô Hoài và Nguyễn Vinh Phúc (Tứ Trấn là 4 ngôi đền - một trong hai cách hiểu về “Thăng Long Tứ Trấn” trong bài “Thăng Long Tứ Trấn” của tôi) thì đó là quyền của anh, song không thể lấy đó làm căn cứ để độc quyền chỉ có một cách hiểu “Tứ Trấn” là 4 ngôi đền, chứ không có cách hiểu thứ hai “Tứ Trấn” là 4 kinh trấn! Còn với “Thăng Long Tứ Quán” vì không thuộc vấn đề đặt ra trong bài viết của tôi, xin không lạm bàn!

Tác giả Đỗ Tiến Bảng viết: “Còn phần thứ hai bài viết, phải nói ngay: Không có cụm từ “Thăng Long Tứ Trấn” với nghĩa “Trấn” là đơn vị hành chính. Tác giả Phùng Thành Chủng viết: “Tứ Trấn” (4 kinh trấn hay nội trấn): Năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 xứ Thừa Tuyên (sau đổi là Trấn). Đến đây mới xuất hiện tên gọi các Trấn như: Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây” rồi tác giả Đỗ Tiến Bảng “chua” thêm đoạn mở đóng ngoặc đơn (Lưu ý: Đoạn này nguyên văn “Từ điển mở”, có chăng, chỉ đảo một số đoạn!)

Tiếp theo, Đỗ Tiến Bảng viện dẫn “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, và “Đất nước Việt Nam qua các đời…” của Đào Duy Anh để minh chứng là từ thời Trần Thuận Tông (1388-1397) đã có tên “Trấn” chứ không phải đợi đến năm 1490 mới có tên “Trấn” và khuyến cáo tôi “Đừng có tin ở Wikipdia! Bởi đó chỉ là “kênh” tham khảo”. Rồi, hình như thấy (như vậy) vẫn còn chưa đủ “đô”, anh còn bồi thêm: “Dấu tích tên “Trấn” trong thơ văn cũng có. Đó là bài “Thiên Hưng trấn phú” của Nguyễn Bá Thông, tác giả đời Trần”.

Xin thưa:

1. Việc tác gải Đỗ Tiến Bảng khẳng định “không có cụm từ “Thăng Long Tứ Trấn” với nghĩa “Trấn” là đơn vị hành chính” là quyền của anh. Nhưng tôi nghĩ là anh cũng nên tôn trọng những ai hiểu khác với mình.

2. Không hiểu vô tình hay cố ý, tác giả Đỗ Tiến Bảng đã hiểu sai ý tôi! Bởi khi tôi viết: “Năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 xứ Thừa Tuyên (sau đổi là Trấn). Đến đây mới xuất hiện tên gọi các Trấn như: Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây” là cho đến thời điểm đó mới có các Trấn nói trên chứ không phải mới có tên “Trấn” (theo nghĩa là một đơn vị hành chính).

3. Về đoạn mở đóng ngoặc đơn kèm theo tặng cho tôi một dấu chấm than (!): “Lưu ý: Đoạn này nguyên văn “Từ điển mở”, có chăng, chỉ đảo một số đoạn!). Rồi sau đó nhắc nhở tôi: “Đừng có tin ở Wikipdia! Bởi đó chỉ là “Kênh tham khảo”.

Xin thưa: Đến đây thì tôi ngờ rằng động cơ của tác giả Đỗ Tiến Bảng là chỉ nhằm truy vấn tôi tội “ăn sẵn”, nhưng tác giả Đỗ Tiến Bảng hãy yên tâm đi, bởi nếu đúng như những gì anh đã dẫn thì bài của tôi đã được đưa vào “Từ điển mở” Wikipdia, chứ không có chuyện tôi lấy từ “Từ điển mở” Wikipdia.

Cuối cùng, là những luận bàn của tác giả Đỗ Tiến Bảng về “Tứ trấn” và “Tứ chiếng”, về các “Trấn” (với nghĩa là một đơn vị hành chính) quanh trung tâm kinh thành Thăng Long rồi Bắc Thành sau này (thời Nguyễn) và anh vẫn không quên “đai” lại một lần nữa cái gọi là “Từ điển mở” Wikipdia: “Những giải thích của tác giả PTC (theo Wikipdia) về tên gọi “Trấn” này cũng bị giới hạn, vì chỉ kê tên các phủ, huyện của các Trấn vào đầu thời Nguyễn (Gia Long).

Xin thưa: Về hai cụm từ “Tứ trấn” và “Tứ Chiếng” cùng tên gọi và sự phân bố các Trấn quanh trung tâm kinh thành Thăng Long rồi Bắc thành sau này vì không liên quan tới bài viết của tôi, xin không lạm bàn và để khép lại bài viết này, một lần nữa xin được lưu ý tác giả Đỗ Tiến Bảng hãy yên tâm vì chỉ đến khi đọc bài viết của anh, tôi mới biết đến cái gọi là “Từ điển mở” Wikipdia và với trình độ chưa qua xóa mù về vi tính của tôi, tôi còn chưa nắm được để “vào” được cái gọi là “Từ điển mở” ấy phải thao tác như thế nào, nên không thể có chuyện “Những giải thích của tác giả PTC (theo Wikipdia). Lại nữa, để tác giả Đỗ Tiến Bảng khỏi phải quá bận tâm về cái gọi là “Từ điển mở” ấy, xin thưa: Nếu là “ăn sẵn” không phải là “chính chủ” thì gặp trường hợp “được” tác giả Đỗ Tiến Bảng “sinh sự” (cùng sinh hoạt trong một hội nghề nghiệp, tôi và tác giả Đỗ Tiến Bảng không phải là không biết nhau!) hẳn là tôi đã không biết phải hồi đáp như thế nào (bởi đã “ăn sẵn” là “ngọng”, biết gì mà hồi đáp!). Còn khi Đỗ Tiến Bảng cho rằng: “Về tên gọi các Trấn này cũng bị giới hạn, vì chỉ kê tên các phủ, huyện của các Trấn vào đầu thời Nguyễn (Gia Long) thì xin thưa: Chẳng lẽ với thời nhà Nguyễn khi về mặt địa lý đã được mở rộng, các phủ, huyện lại bị giới hạn so với thời Lê?