Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐIỀU ƯỚC CỦA BỆNH VIỆN PHONG!

Võ Văn Dũng
Chủ nhật ngày 27 tháng 11 năm 2016 1:11 PM



 

Trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai - Nghệ An đang có Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quỳnh Lập, trực thuộc bộ Y tế, với 2 cơ sở ở Phường Quỳnh Thiện và xã Quỳnh Lập.

Tiền thân, Bệnh viện là Khu điều trị, nuôi dưỡng bệnh nhân Phong tại xã Quỳnh Lập- huyện Quỳnh Lưu, được thành lập từ năm 1957. Khu điều trị nằm khuất sau những dãy núi cao, cây xanh mướt mát, trước mắt là biển, sau lưng là núi, giống như nơi nghỉ dưỡng.

Theo thời gian, nhu cầu của bệnh nhân ngày một đa dạng, Khu điều dưỡng đổi tên thành Bệnh viện với chức năng: chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị các bệnh nhân Phong - Da liễu cho các tỉnh Bắc Trung bộ (Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên- Huế).

Năm mươi chín tuổi (2016) Bệnh viện đã trải qua bao thăng trầm, đồng hành cùng nhân dân chịu đựng gian khổ và mất mát của chiến tranh. Từ năm 1965- 1973 cán bộ viên chức lăn lộn vất vả trong rừng, tìm cách che chắn bom đạn cho bệnh nhân. Nhưng thật đau xót, trong khoảng thời gian ấy, chiến tranh ác liệt đã cướp đi mạng sống của hơn 200 bệnh nhân, vĩnh viễn họ nằm lại với mảnh đất xã Quỳnh Lập. Hiện tại, trên con đường ngoằn nghèo chạy vào nơi điều trị, nuôi dưỡng bệnh nhân phong có tấm biển và ngôi nhà đổ nát là di tích, “chứng chỉ” cho một thời nơi đây đã từng bom rơi, đạn nổ.

Hòa bình lập lại, những tưởng các thầy thuốc, yên tâm chuyên chú vào việc khám chữa bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân bằng chuyên môn của mình. Nhưng không, thời chiến tranh có khó khăn của chiến tranh, thời bình có khó của thời bình.

Thời nào có khó khăn của thời ấy.

Cán bộ, viên chức của Bệnh viện đã nổ lực hết khả năng của mình xây dựng Bệnh viện ngày một phát triển, khởi sắc, nên đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An và nhiều cơ quan đoàn thể tặng thưởng huân chương và danh hiệu cao quý.

Để thu hút nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, và với vị trí của Bệnh viện nơi heo hút, khó đi lại của bệnh nhân, Bệnh viện mở thêm cơ sở khám đa khoa tại Phường Quỳnh Thiện - Thị xã Hoàng Mai, đi vào hoạt động từ năm 200. Với cơ sở mới này, vị trí gần đường quốc lộ 1A, trở thành “tiền tuyến” đón khám, phân loại bệnh nhân. Xã Quỳnh Lập, “chốn xưa” của Bệnh viện giờ trở thành cơ sở 2, điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân. Nơi ấy có hơn 200 bệnh nhân đang điều trị và gần 100 bệnh nhân nặng cần có hộ lý chăm sóc với chế độ đặc biệt, không thể tự ăn uống và sinh hoạt.

Gần 60 năm trôi qua, một số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh không muốn về quê nữa, tình nguyện ở lại Bệnh viện cho đến hết đời. Cái kỳ thị, mặc cảm, ánh mắt của người đời với “bệnh hủi”, sợ lây nhiễm đâu đã hết. Và bệnh nhân điều trị bệnh cũng chưa khỏi hẳn hoàn toàn, đành chấp nhận ở lại đến hết phần đời còn lại.

Hàng trăm mối tình của bệnh nhân Phong nảy nở trên mảnh đấy ấy, những đứa trẻ ra đời, có gia đình riêng, trẻ em, trường học, và các mối quan hệ xã hội khác phát sinh.

Tên gọi “làng phong” bắt đầu như thế.

Bệnh viện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của thời kỳ bao cấp chấm dứt, chuyển sang hạch toán, kinh doanh“nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các hoạt động của Bệnh viện bây giờ đều được soi dưới kính của“kinh tế thị trường”.

Tôi đến Bệnh viện vào lúc gần trưa, nơi được gọi là “tiền tuyến”, cơ sở mới ở phường Quỳnh Thiện. Trời bắt đầu oi ả, phòng làm việc của Giám đốc, bác sĩ Nguyễn Việt Dương đang nóng, quạt trần quay chậm chạp. Hỏi, sao không dùng máy điều hòa, bác sĩ Dương cười, cái nóng mình đang chịu được thì dùng quạt trần cho tiết kiệm, điều hòa chỉ dùng vào những ngày “nóng lửa” nhất của mùa hè.

Tôi nghĩ thầm, tư duy của người thầy thuốc ở Bệnh viện, bây giờ không hẳn chỉ chuyên chú vào việc nghiên cứu và chữa bệnh, mà còn bao vấn đề khác về cuộc sống của bệnh nhân Phong khiến phải tình toán chi li!

Bác sĩ Nguyễn Viết Dương cho biết, bộ máy lãnh đạo, cán bộ, viên chức của Bệnh viện hiện có 296 người, trong đó có 52 bác sỹ. Mỗi ngày Bệnh viện nhận khám và điều trị khoảng trên dưới 300 bệnh nhân.

Nơi Khu điều trị, làng Phong có trên 200 bệnh nhân đang điều dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Việt Dương kể, để có được một cuộc sống ổn định với người bình thường đã là vất vả. Con người ở Bệnh viện Phong, bệnh tật nan y, lại nghèo, nỗi vất vả còn gấp bội. Một bệnh nhân khi đến với Bệnh viện để chữa bệnh Phong- Da liễu, được miễn phí, có thẻ Bảo hiểm Y tế do chính Giám đốc cấp. Bệnh tạm ổn, họ không về quê, ở lại làng Phong, nảy nở tình yêu, có gia đình, con cái, thêm bao vấn đề nữa, Bệnh viện phải lo.

Mà có phải tất cả bệnh nhân ở làng Phong, chỉ mắc mỗi bệnh…Phong. Nhiều bệnh nhân còn bị thêm nhiều bệnh khác nữa, như: ung thư phổi, dạ dày…Có lần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên điều trị đúng chuyên môn, họ nghèo, không có thẻ bảo hiểm Y tế, tiền lại càng không. Thẻ bảo hiểm chữa bệnh Phong chỉ có giá trị trong Bệnh viện…Phong. Các đồng sự tuyến trên lại còn nghi ngờ Bệnh viện Phong muốn tính Bảo hiểm Y tế cho bệnh nhân 2 lần. Rõ khổ.

Thế là bệnh nhân bị trả về, Bệnh viện Phong - Da liễu lại phải chi từ quỹ, kêu gọi quyên góp cứu lấy “công dân” của làng mình.

Đúng là chuyện cười ra nước mắt.

Trước một thực trạng khó khăn như vậy, lãnh đạo Bệnh viện đã nhiều lần gửi công văn đi khắp nơi xin cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho gần 200 bệnh nhân. Và rồi, lời kêu mãi cũng có kết quả, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã ủng hộ toàn bộ số tiền mua gần 200 thẻ Bảo hiểm Y tế cho bệnh nhân Phong trong năm 2015. Đó là điều chưa bao giờ có được ở Bệnh viện Phong - Da liễu, Quỳnh Lập.

“Thật nhẹ cả người”, bác sĩ Dương cười tươi.

“Bác sĩ có ước thêm điều gì nữa không?” Tôi hỏi.

Đây là Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động phải xứng với tầm của nó. Thế nhưng, với thực trạng hiện nay, cần phải có nhiều điều kiện nữa. Muốn Bệnh viện được công nhận Bệnh viện loại 1, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp cho đồng sự, mở rộng tầm nhìn, quan hệ rộng…và Bộ Y tế cũng đã đồng ý về nguyên tắc.

Còn cộng đồng dân cư ở trong Khu điều dưỡng bệnh nhân tại Quỳnh Lập chuyển về quản lý hành chính thuộc xã Quỳnh Lập, hòa nhập với cộng đồng. Đừng tách riêng biệt, hồi sinh những bệnh nhân bị cộng đồng hắt hủi, xa lánh, là nơi không còn khoảng cách giữa trẻ em làng phong với trẻ em bên ngoài. Bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, như: dạy nghề, giải quyết việc làm, chính sách cho hộ nghèo…

Điều ước của Giám đốc, bác sĩ Nguyễn Việt Dương là có cơ sở. Trong khi chờ đợi cấp trên, các ngành, các cấp đồng lòng ủng hộ Bệnh viện thực hiện được điều ước, thì cán bộ, viên chức vẫn kiên nhẫn, đổ mồ hôi chăm sóc yêu thương bệnh nhân Phong - Da liễu, góp phần mang lại cho họ một tâm hồn lành lặn!

10/2016

Võ Văn Dũng- Thị ủy Hoàng Mai- Nghệ An- ĐT: ĐT: 0913312717