Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG “HỢP TUYỂN THƠ” ĐẦU TIÊN Ở NƯỚC TA

Phùng Thanh Chung
Thứ tư ngày 16 tháng 11 năm 2016 7:47 PM





1. Phan Phu Tiên với “Việt âm thi tập”.

Phan phu Tiên (không rõ năm sinh, năm mất) tự Tín Thần, hiệu Mặc Hiên, người làng Đông Ngạc (tục gọi là làng Vẽ), huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông đỗ Thái học sinh khoa Bính Tý, niên hiệu Quang Thái thứ 9 (1396) đời Trần Thuận Tông (khoa thi cuối cùng của triều Trần) và trúng tuyển kỳ thi Minh kinh năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời Lê Thái Tổ (khoa thi đầu tiên của triều Lê). Làm quan đã từng trải qua các chức: An phủ sứ phủ Thiên trường (Nam Định), Quốc tử giám bác sĩ tri Quốc sử viện rồi An phủ sứ Hoan châu (Nghệ An). Là nhà sử học, tác giả của bộ: “Đại Việt sử ký tục biên”, Phan phu Tiên còn là soạn giả của bộ “Việt âm thi tập”, một “Hợp tuyển thơ” đầu tiên ở nước ta. Sách hoàn thành năm 1433 và được khắc in năm 1459 (có sự bổ sung của Chu xa và lời phê điểm (hiệu đính) của Nguyễn Tử Tấn). Theo như bài tựa, “Việt âm thi tập” gồm 6 quyển và một quyển phụ lục, tập hợp hơn 700 bài thơ của hơn một trăm tác giả từ Trần, Hồ, đến Lê (theo “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, bản của thư viện khoa học (in năm 1979, ký hiệu A.1925) chỉ có 624 bài của 119 tác giả).

2. Dương Đức Nhan với “Tinh tuyển thi tập”.

Dương Đức Nhan (không rõ năm sinh, năm mất) người làng Hà Dương, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Ông đỗ tiến sĩ năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Hình bộ hữu thị lang, tước Dương xuyên hầu. Nối theo những bài không có trong “Việt âm thi tập”, Dương Đức Nhan soạn: “Tinh tuyển chư gia luật thi” (gọi tắt là “Tinh tuyển thi tập”) 5 quyển, gồm 472 bài thơ của 13 tác giả từ cuối Trần đến Lê (có lời phê điểm - hiệu đính) của Lương như Hộc).

(Theo “Lược truyện các tác gia Việt Nam”, bản chép tay ở thư viện Khoa học, ký hiệu A.574, chỉ còn 362 bài của 11 tác giả).

3. Hoàng Đức Lương với “Trích diễm thi tập”.

Hoàng Đức Lương (không rõ năm sinh, năm mất) quê làng Cửu Cao, huyện Văn Giang; sau di cư sang làng Ngọ Kiều, huyện Gia lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông Đỗ hoàng giáp khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến Tả thị lang bộ Hộ. Đã từng được cử làm phó sứ sang sứ nhà Minh. Bổ khuyết cho “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên và “Tinh tuyển thi tập” của Dương Đức Nhan, Hoàng Đức Lương soạn bộ: “Trích diễm thi tập” (15 quyển), trong đó có các thi tập: “Đoán sách” của sư Pháp Loa, “Ngọc tiên” của sư Huyền Quang (2 tác giả triều Trần) và các tập: “Tiết trai” của Lê Thiếu Dĩnh, “Tiên Sơn” của Nguyễn Vĩnh Tích, “Chí hài tập” của Phùng Thạc, “Vân biều tập” của Doãn Hành, “Tống khê tập” của Vương Sư Bá, “Phục hiên tập” của Trần Khản,, “Tố cầm tập” của Vũ Quỳnh, “Cưu đài tập” của Nguyễn Húc (8 tác giả triều Lê).

(Trong “Kiến văn tiểu lục”, ở mục “Thiên chương”, Lê quý Đôn cho biết những tập sách kể trên đến thời ông đã không còn!)

4. Lê Quý Đôn với “Toàn Việt thi lục”

Lê Quý Đôn (1726 – 1784, thuở nhỏ tên là Lê Danh Phương) tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (nay là làng Phú Hiếu, huyện Diên Hà, tỉnh Thái Bình). Ông đỗ bảng nhãn khoa Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời Lê Hiển Tông. Làm quan đã từng trải qua các chức: Toản tu Quốc sử quán, Hàn lâm viện thị giảng, Hàn lâm viện thừa chỉ kiêm Học sĩ Bí thư các, Đốc đồng (Kinh Bắc), Tham chính (Hải Dương), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám, Tán lý quân vụ, Thị phó Đô ngự sử, Công bộ hữu thị lang, rồi Bồi tụng (dưới tể tướng một bậc), tước Dĩnh thành hầu, Lại bộ tả thị lang, Tổng tài Quốc sử quán, Hiệp trấn tham tán quân cơ, Hành bộ phiên cơ mật sự vụ kiêm Chưởng tài phủ, Hành tham tụng, Hiệp trấn (Nghệ An). Năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760) đã từng được cử làm phó sứ sang sứ nhà Thanh. Khi mất được tặng Công bộ thượng thư, tước Dĩnh quận công. Là nhà văn hoá lớn thế kỷ 18, Lê Quý Đôn đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm đủ mọi lĩnh vực: Triết, sử, thơ văn, biên khảo, chú giải, kinh điển, tổng loại, tạp lục,... trong đó có bộ: “Toàn Việt thi lục”

Nhận xét về những công trình (thơ) được biên soạn trước đó, Lê Quý Đôn đã viết ở mục: “Thiên chương” trong “Kiến văn tiểu lục”:

“Hồi quốc sơ, Phan Phu Tiên chép những bài thơ của vua chúa, công khanh và sứ thần về đời nhà Trần, lại chép những bài ngự chế của Cao đế (Lê Thái Tổ), Văn đế (Lê Thái Tông) cùng những bài ngâm vịnh của các nho thần về bản triều, thành quyển “Việt âm thi tập”; Dương Đức Nhan lại chép nối theo những bài không có trong “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên làm “Tinh tuyển thi tập”; Hoàng Đức Lương lại chép nối theo những bài còn thiếu trong hai tập kể trên làm “Trích diễm thi tập”. Hợp cả ba tập thơ ấy mà xem, thì văn thơ nước Nam có thể tìm được đầy đủ. Nhưng vẫn còn có chỗ bỏ sót...”

Tập hợp các công trình trên và biên sắp lại, đồng thời bổ khuyết những tác giả, tác phẩm mà các công trình đó còn bỏ sót, và chép nối thêm những tác giả, tác phẩm mới xuất hiện về sau, Lê Quý Đôn soạn bộ “Toàn Việt thi lục”. Sách soạn xong năm Mậu Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768) đời Lê Hiển Tông, gồm 20 quyển, trong đó ngoài bài “Lệ ngôn” nói về nội dung và thể lệ làm sách, Lê Quý Đôn đã bổ sung thêm 897 bài thơ của 73 tác giả từ Lý, Trần đến Lê Tương Dực (Xin xem thêm bài: “Về tác quyền bộ Toàn việt thi lục”- PTC).

Như vậy, với “Việt âm thi tập” của Phan Phu Tiên, “Tinh tuyển thi tập” của Dương Đức Nhan, “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương và “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn (với tư cách là một tập đại thành), chúng ta đã có một “Tổng tập thơ Việt Nam 5 thế kỷ” gồm trên dưới 3000 bài thơ của trên 200 tác giả từ Lý, Trần, Hồ đến Lê sơ. Đây là những “Hợp tuyển thơ” đầu tiên, có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi đó chính là những viên gạch dựng nền xây móng – mà nếu không có nó, có thể nói rằng – chúng ta không thể có được ngôi đền thơ hiện đại nhưng cũng rất dân tộc hôm nay...

Địa chỉ liên hệ: Phùng Thành Chủng

Khu Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội