Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÊN ĐÔI CÁNH THI CA

Bùi Việt Thắng
Thứ tư ngày 16 tháng 11 năm 2016 7:51 PM




VỢ CHỒNG THI NHÂN

Trong tay tôi là hai tác phẩm thơ có sức nặng: Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Ảnh (Nxb Hội Nhà văn, 2007) và Thơ Nguyễn Thị Lan Thanh (Nxb Hội Nhà văn, 2015). Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã “đi xa” 10 năm. Nhưng con người ông và thơ ông vẫn sống giữa lòng người thân ruột thịt và bạn bè đồng nghiệp văn chương. Ông hạnh phúc vì có người nối nghiệp thơ ca là người bạn đời - nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh.

Tôi dám chắc hiếm có ở xứ sở nào mà thi ca thịnh vượng như ở nước Nam ta ngày nay. Tôi cũng dám chắc hiếm có ở xứ sở nào mà nhiều cặp vợ chồng nhà văn như ở ta ngày nay. Những cặp vợ chồng viết văn còn được ghi trong lịch sử văn chương nước Việt thời hiện đại rất nhiều: Vũ Ngọc Phan – Hằng Phương, Vũ Tú Nam – Thanh Hương, Chế Lan Viên – Vũ Thị Thường, Bùi Minh Quốc – Dương Thị Xuân Quý, Hoàng Quốc Hải – Nguyễn Thị Hồng, Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, Chu Lai – Vũ Thị Hồng, Lê Quang Trang – Trần Thị Thắng, Nguyễn Mạnh Tuấn – Hà Phương, Nguyễn Sỹ Đại – Trần Kim Hoa, Sương Nguyệt Minh – Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Thanh Mừng – Trần Thị Huyền Trang, Phạm Khải - Lê Hồng Nguyên,…Nhưng vợ chồng thi nhân và những trùng phùng duyên văn như Nguyễn Đình Ảnh – Nguyễn Thị Lan Thanh, lại không nhiều. Không nhiều nên hiếm và quý.

Thường khi người ta hay nói về những nét giống nhau của các cặp vợ chồng, từ tâm tính đến cả dung nhan (rất nhiều cặp vợ chồng chẳng đã hao hao giống nhau đấy thôi!?). Ít nhất thì tôi thấy hai thi nhân này rất nhiều cái “cùng”: Cùng quê (cùng một làng có cái tên nghe rất đặc trưng miền trung du - Sơn Dương), cùng họ …Nguyễn (một họ rất phổ biến ở Việt Nam), cùng học Sư phạm, cùng yêu thơ và cùng trở thành nhà thơ, cùng sống chậm, cùng đắm đuối với đời, với người. Và có vẻ ngẫu nhiên, khi cả hai nhà thơ đều sở hữu con số 9 gia tài thơ (nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh sở hữu 9 tập thơ: Chào Đất Nước, Trăng rừng, Hoa cỏ miền đồi, Trước cổng trời, Giã biệt một ánh sao chiều, Sắc cầu vồng, Vầng sáng và những kỳ tích, Thăm thẳm cõi người, Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Ảnh; nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh cũng sở hữu 9 tập thơ: Mùa thu, Ký ức trường xưa, Khúc ca thời con gái, Thức mãi trong nhau, Tiếng gọi bầy, Lời mùa thu, Buồm chiều trong nắng mai, Lửa từ đâu tới, Thơ Nguyễn Thị Lan Thanh). Chín cộng chín bằng mười tám (9+9=18) là một con số đẹp! Các cụ ngày xưa nói về tuổi vợ tuổi chồng, ứng vào hai thi nhân này thì đúng là “gái hơn hai trai hơn một” (Nguyễn Đình Ảnh sinh năm 1942, Nguyễn Thị Lan Thanh sinh năm 1943).

Và cả hai nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh – Nguyễn Thị Lan Thanh, tôi nghĩ, đã đến với thơ như là một cái “nghiệp” hơn là “nghề”, hơn thế như là: “Vần thơ định mệnh đã dành cho ai” (Nguyễn Thị Lan Thanh: Lỗi mùa). Nói thế có vẻ to tát quá chăng? Còn Nguyễn Đình Ảnh thì hầu như: “Đi khắp từ Bắc chí Nam/Lấy thơ là bầu là bạn (…). Sống - còn có lúc cơ hàn/ Nhưng thơ chẳng bao giờ thiếu” (Chân dung tự họa). Trong bài Thơ, nhà thơ - vợ viết: ‘Thơ đã chắp cho ta đôi cánh (…).Thơ đã nối hai ta thành bạn đời tri kỉ”. Hai người thơ này gây ấn tượng về những “tao nhân mặc khách” xưa nay. Họ ít khi lập ngôn. Nhưng khi cần thiết thì vẫn phát ngôn một cách dè sẻn nhưng chí lí: “Thơ chính là tiểu sử tâm hồn của thi sỹ” (Nguyễn Đình Ảnh: Suy nghĩ về nghề văn).

NGHĨA TAO KHANG

Nếu chỉ là hai nhà thơ đồng hương thì lại là chuyện khác. Nếu chỉ là hai nhà thơ đồng nghiệp thì cũng lại khác. Nhưng họ là vợ, là chồng của nhau. Là hai thi sỹ. Nên tất nhiên trong thơ họ cái “nghĩa tao khang” như cổ nhân nói, rất rõ, rất mạnh, rất sâu. Riêng tôi thấy thì nó “toàn dân toàn diện trường kỳ”. Nhà thơ - chồng viết về nhà thơ - vợ, và ngược lại, xưa nay đâu hiếm. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới bài thơ nổi tiếng Enxa ngồi trước gương của L. A-ra-gông (nhà thơ Cộng sản Pháp nổi tiếng). Sẽ có người cho rằng sự so sánh này, sự liên hệ này là khập khiễng. Thì đành lòng vậy cầm lòng vậy. Nhưng cứ thử đọc kĩ thơ của họ mà xem, thơ là cầu nối, thơ là giăng tơ hồng, thơ là con đường đi chung và là đích đến của cả hai người: “Anh làm thơ em cũng làm thơ (…). Thơ đã chắp cho ta đôi cánh (…). Thơ đã nối hai ta thành bạn đời tri kỷ” (Nguyễn Thị Lan Thanh: Thơ). Hãy đọc thơ Nguyễn Đình Ảnh trước. Sẽ thấy Em (tức vợ) tràn trề trong thơ. Cả trong thực lẫn trong mộng. Cả khi vui lẫn khi buồn. Cả khi được lẫn khi mất. Cả khi gần lẫn khi xa. Cả khi tóc còn xanh lẫn khi đã ngả sương. Ít nhất thì tôi “đếm” được 20 bài thơ nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh viết tặng Em (Vợ). Đó là: Tâm sự với em về hạnh phúc, Đêm Thái Nguyên, Sắc cầu vồng, Đợi, Tạm biệt miền rừng, Cây tường vi mùa đông, Trưa hè bên sông, Lời thương, Viết cho em bên chân núi Đúng, Nghĩ ngợi trước cơn giông, Tâm tình sau lúc em đi, Buổi tối ở Đại Từ, Đồi cọ em về, Ngày mai trời nắng, Điều khó nói, Hoa tặng, Chiều Tam Đảo, Qua xóm Phủ Tây Hồ, Ơi người đi xa có nhớ bến phà không? Thành phố đêm trăng. Ở đây tôi không nói về số lượng (tất nhiên cũng quan trọng). Mà là về chất lượng thơ. Thơ Nguyễn Đình Ảnh, theo tôi, viết có tình. Tình và Tứ. Tạo nên tình tứ thơ. Và điều này nữa cũng rất đặc trưng cho thơ Nguyễn Đình Ảnh: giọng thơ chất phác, khỏe khoắn, trong sáng, nồng hậu, lạc quan trong mọi tình thế, khi nói về tình yêu, hạnh phúc. Lại cũng cứng cỏi, mạnh mẽ, xốc tới ngay cả khi nói về mất mát, đau thương. Phải chăng đó là chất “lính” của nhà thơ?! Tâm sự với em về hạnh phúc là một ví dụ. Đọc bài thơ này tôi cứ váng vất nhớ tới Bài thơ về hạnh phúc của Dương Hương Ly một thời cả thế hệ thuộc lòng vì nó chân thành, gan ruột, ngời sáng chất mật ong lý tưởng. Thơ Nguyễn Đình Ảnh viết cho Em (Vợ) nhiều chia sẻ, động viên, nâng đỡ “một nửa” của mình. Tôi đặc biệt thích những câu thơ giản dị, ấm cúng: “Chiều quê hương gà rúc rích lên chuồng/em cặm cụi ngồi thổi cơm dưới bếp/mưa. Khói ẩm, không thể bay lên được/quấn quanh anh làm mắt cứ cay xè/Những hạt lạc đỏ và tròn xoe/cứ thơm dần lên khi nồi rang bén lửa/anh bế con ngồi bên bậc cửa/nhìn em, nhìn mãi, thế thôi”. Người ta cứ tưởng Nguyễn Đình Ảnh trong bài thơ này triết lý về tình yêu và hạnh phúc. Nhưng không. Và may mắn là độc giả không bị những “triết lý vặt” làm nhụt tình yêu thơ ca. Gia đình, vợ con là một phần máu thịt cuộc đời nhà thơ. Là một niềm hưng phấn của thơ ca. Là phần hay nhất trong thơ Nguyễn Đình Ảnh, dẫu cho nhà thơ có mở rộng biên độ sáng tạo đến bao nhiêu đi chăng nữa (như phần thơ viết về quê hương, về các danh nhân, về những bài thơ dịch như là cách vượt ra khỏi biên giới tinh thần).

Thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh viết về Anh (Chồng) - nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh - có cái vị, cái hương khác. Bởi là nữ thi nhân, nên “mượn lời mùa thu” (tiêu đề phần II trong Thơ Nguyễn Thị Lan Thanh) để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, cả lúc gần cũng như lúc xa, cả trong thực lẫn trong mộng, cả lúc còn cũng như lúc nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh “đi xa”. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên và thú vị khi tôi “đếm” được 20 bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh viết về Anh (Chồng) – nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh (Mắt, Kỷ niệm vẫn còn đây, Không anh, Ngày này, Thiếu, Một mình (2), Lạnh, Nửa kia cuộc đời, Sau lúc anh đi, Em – Anh, Cùng chờ, Khi em có anh, Thơ, Đi biển vắng anh, Xuân này vắng anh, Thương, Anh dặn, Lời anh, Mưa, tâm sự với anh, Tâm sự của người hút thuốc lào). Những bài thơ này đậm đà một “điệu nói”, dân dã, bình dị, nhiều dư vị của giãi bày, chia sẻ, tâm sự. Nói cách khác là nhà thơ “mở lòng” với đời, với người. Tôi gọi thi pháp thơ của Nguyễn Thị Lan Thanh là “thi pháp chân thành”. Hãy cùng nhau nhau đọc lại bài Cùng chờ: “Thế là anh nhập ngũ/khoác súng vào chiến trường/Có những đêm/em nằm chung với mẹ chồng/tay ôm gối vì ngại mình mê ngủ/hai cái thiếu sao cho thành cái đủ/nên em và mẹ cùng chờ…!”. Bài thơ có ghi niên đại 1964-1975. Bài thơ ngắn, có cả thảy 7 dòng 41 chữ, mà ấp ủ trong những 11 năm thì cũng là một kỷ lục. Thơ, vì thế, như được chắt ra từ ký ức đã trở nên đặc quánh, thăng hoa và phóng chiếu. Và không còn gì thành thực hơn khi ngủ cùng mẹ chồng mà “tay ôm gối vì ngại mình mê ngủ” (biết đâu trong cơn mê, cơn mơ cứ tưởng người bên cạnh là chồng!?). Đó là tình cảm thực của người vợ trẻ, khi mới hơn hai mươi tuổi chưa bén hơi chồng đã phải xa. Mà đâu có một năm. Dằng dặc 11 năm trời (nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh có 11 năm trong quân ngũ từ 1964 đến 1975). Không biết trong gần 4000 ngày khói lửa, trận mạc ấy có lần nào nhà thơ - chồng Nguyễn Đình Ảnh ngâm nga bài thơ Đợi anh về của nhà thơ Nga C. Xi-mô-nôp, để vợi nỗi nhớ nhà thơ - vợ tương lai? Bài thơ này đã được nhà thơ Tố Hữu chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt từ những năm kháng chiến chống Pháp. Bộ đội ta thời kỳ ấy rất thích bài thơ này cũng như đặc biệt thích Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Thăm lúa của Trần Hữu Thung,…Sau khi nhà thơ - chồng “đi xa” thì nhà thơ - vợ lại càng nhờ thơ mà giãi bày chia sẻ tâm tình của một góa phụ, của một khối cô đơn đè lên đôi vai bé nhỏ như núi Thái Sơn. Từ nay làm gì, ngồi đâu, nghĩ gì, mong muốn gì trong đời sống cũng thấy thiếu, chỉ thấy có “một mình một ngựa”. Cái sự thiếu này của người vợ khi không còn chỗ dựa tinh thần được nhà thơ Hữu Thỉnh, đã viết rất hay về cái cách thế hàng ngày người vợ mỗi lần ngồi vào mâm cơm thấy “ngồi bên nào cũng lệch”. Với nhà thơ - vợ Nguyễn Thị Lan Thanh thì nỗi trống trải còn ghê gớm hơn nữa khi mà “Một lưng mà những hai giường/Lạnh từ cái sắc vôi tường lạnh ra” (Lạnh). Tôi đã lên một cơn rùng mình nhẹ khi đọc bài thơ này. Nhưng nếu một mình chèo chống mưu sinh thì rồi đến một lúc nào đó con cái phương trưởng, cuộc sống đỡ bí bách hơn chí ít con người ta có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng còn gánh nặng Thơ ca? Khi mà “Một mình gánh chữ vào mơ” như trong bài thơ Một mình (2) thì phần sung sướng tự hào là có, nhưng ít. Phần nặng nhọc, vất vả là nhiều bởi phái gánh vác nghiệp thơ cả cho người “đi xa”. Bởi gánh nặng tinh thần bao giờ cũng gấp trăm nghìn lần gánh nặng mưu sinh vật chất.

TÌNH CẢM CỐ HƯƠNG

Hồi đang còn là sinh viên Đại học Tổng hợp Văn, tôi rất thích truyện Cố hương của văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn. Đọc rồi mới thấm thía cái tình cố hương như là cội rễ của con người ta dù ở bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào. Dù ta thuộc sắc tộc gì, tôn giáo gì, giới tính gì, nghề nghiệp gì. Đọc thơ của hai nhà thơ chồng, vợ Nguyễn Đình Ảnh và Nguyễn Thị Lan Thanh, không riêng tôi, mà văn giới đều nhận ra cái ngọn lửa ấm áp của thơ ca được đốt lên trong lòng độc giả chính là tình cảm cố hương. Ở mỗi nhà thơ vợ, nhà thơ chồng, theo tôi, có 2 phần thơ hay nhất: một viết về người thân yêu ruột thịt, một viết về tình cảm cố hương. Đây là phần sở trường của cả hai nhà thơ. Trong bài thơ Cố hương, nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh khơi dậy trong mỗi chúng ta tình cảm cố hữu về nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Đó là những “làng” ở miền xuôi/ hay “bản” ở miền núi. Và nếu ai đó ở miền xuôi thì sẽ nhớ mỗi làng đều có những “ký tự văn hóa” như mái đình, cây đa, giếng nước, hội làng…Thậm chí đến cả những hương ước riêng độc đáo. Thơ viết theo lối chân quê: “Về quê thăm lại mái đình/Cây thị giờ bay đâu mất?/Cây sấu đã cao chất ngất/Thấy mình lá vẫy rung rinh/Hai ông hộ pháp canh đình/Vẫn đứng nguyên hai bên cột/Mái đình xưa bị Pháp đốt/Hai ông đứng buồn lặng thinh/Tuổi thơ vui rộn sân đình/Xúm chơi bắt dê, thả đỉa/Ao đình tập bơi một thuở/Lũ bạn bây giờ ở đâu?”. Thời gian có thể làm phôi pha nhiều giá trị, nhất là trong thời đại bão tố thị trường. Nhưng với những người sống chậm như nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh thì: “Khôn nguôi nỗi nhớ cố hương/Dẫu bấy nhiêu năm phiêu bạt/Cây thị, ao đình có khác/Vẹn nguyên một mảnh hồn quê”. Nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh có khoảng 20 bài thơ hay về tình cảm cố hương (ví như: Ký ức, Không gian, Đất quê, Chiều hôm, Bến Gành, Ngày xưa, Quê, Tháng mười, Chiều, Khoảng trời trung du,…)

Cũng là tình cảm cố hương nhưng có lẽ trong thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh có những hình hài, hương vị, đường nét và giai điệu khác đặc trưng cho quê hương cũng là miền Trung du mến yêu. Tôi cũng “đếm” được khoảng 20 bài thơ hay về tình cảm cố hương trong thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh (ví như: Đêm trăng vùng chè, Vào thăm Đền Giếng, Ga trung du, Gửi mẹ quê nhà, Dạo gót dưới trời xuân, Mùa xuân trên đất núi, Ao sân, Thăm quê, Hoàng hôn trung du, Nơi tôi sinh ra và tôi sống, Mười ba năm âm vang sông Thao, Sông đồi trung du, Giọng quê,…). Đi đâu, làm gì, trở thành ông thành bà gì đi chăng nữa thì cái làng Sơn Dương - nơi chứa đựng tuổi thơ - vẫn cứ hiển hiện trong thơ Nguyễn Đình Ảnh. Những lần đọc Raxun Gamzatôp, tôi nhớ nhất cái ý tưởng văn chương sâu sắc của nhà văn Nga về cái làng của mình. Đó là cái nhân của một cái quả. Đó là cái rễ của một cái cây. Đó là thượng nguồn của một con sông. Đó là những bước đi đầu tiên của một con người trên mặt đất. Viết về cố hương với giọng thơ hào sảng, tươi sáng là nét đặc trưng trong thơ Nguyễn Đình Ảnh: “Nơi tôi sinh ra và tôi sống/cũng là nơi bà Âu Cơ sinh ra trăm trứng/giống Rồng và nòi Tiên/dạy các con trồng mía trên bãi sông/dạy đào giếng, trồng dâu, dệt vải”. Có lẽ gần 4000 ngày balô trên lưng hành quân qua nhiều miền đất Tổ quốc đã cho nhà thơ cái cảm thức, cảm hứng lớn về quê hương của mình. Đọc những bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh về cố hương thấy một tâm hồn, tấm lòng phóng khoáng, hào hiệp. Ông trải lòng mình với quê hương, nơi sinh thành, và rộng hơn là quê hương đất nước của đồng bào mình. Không có gì lạ khi tập thơ đầu tay của ông mang tên Chào đất nước (1970). Rộng và hẹp, rộng và sâu, hướng ngoại và hướng nội là một kiểu bện kết tình cảm trong thơ Nguyễn Đình Ảnh khi viết về cố hương.

CHƠI LỤC BÁT

Đã cầm bút làm thơ ai cũng hơn một lần “chơi” lục bát – một thể thơ đặc trưng, đặc sản dân tộc Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh có 41 bài lục bát trên tổng số 232 bài sáng tác trong tuyển tập. Nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh có đến 82 bài lục bát trên tổng số 200 bài thơ chọn trong tuyển tập. Đó là một con số biết nói. Đọc lục bát thấy một nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đa tình (đôi khi cả đa đoan, đa sự?): “Không yêu mười tuổi cũng già/còn yêu – trăm tuổi vẫn là thanh xuân” (Ngẫu cảm hai dòng). Nhưng cứ suy ra thì thi nhân nào mà chẳng đa tình, nào có riêng gì nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh. Nhân vật Em (sau này là Vợ) chính là nguồn cảm hứng cho thơ, đã đành, lại còn là nguyên cớ cho những câu lục bát tinh tế, đằm thắm, kiểu như:“Trăng lên…cứ ngỡ là em/hóa ra cây lá buông rèm trước sân…/dẫu không có bóng tình nhân/hương hoa…kéo cả sắc xuân vào nhà” (Hương sắc đêm xuân). Nếu với nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh lục bát chưa đến độ tràn bờ thì với nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh, lục bát có cái vẻ sục sôi của nó. Con số 82 bài lục bát nói lên điều đó. Về vẻ đẹp của lục bát trong thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh thì nhà thơ Trần Quang Quý đã viết trong Lời giới thiệu tuyển tập thơ. Quá đầy đủ. Tôi không có phát hiện gì thêm. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới bài viết của nhà phê bình Chu Văn Sơn về “Nguyễn Duy thi sỹ thảo dân” giới thiệu Tuyển tâp thơ Nguyễn Duy do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Lục bát đem lại vẻ đẹp hồn nhiên, tinh khiết, dân dã, cổ truyền cho thơ ca. Nó cứu nguy cho thơ ca khỏi nguy cơ bị khô héo, xơ cứng vì suy lí, vì biện luận, vì thậm chí “triết lí vặt”. Làm lục bát hay (kiểu như Đồng Đức Bốn) thì vẫn có thể mê hoặc độc giả ngày nay vốn thông minh nhưng hơi khó tính, thậm chí đôi khi hơi…đỏng đảnh.

VĨ THANH

Thực tình thì tôi không phải là người sành thơ. Nguyên do viết bài này là từ lời mời nhiệt thành của nhà thơ Trần Quang Quý “Viết rồi về Phú Thọ chơi!”. Nhưng khi đọc thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh và Nguyễn Thị Lan Thanh thì tự nhiên tôi quên đi lời mời của nhà thơ Trần Quang Quý. Chỉ còn hòa điệu với thơ. Chỉ còn muốn khám phá vẻ đẹp của thơ. Chỉ còn muốn viết điều gì đó về hai nhà thơ mà mình chưa hề gặp. Một người thì mãi mãi không bao giờ gặp. Một người thì biết sẽ gặp. Nhưng tôi đã nhìn thấy người này trong người kia, qua thơ. Có lẽ sự kì diệu của thơ ca chính là ở đó. Tôi đặt tên cho bài viết của mình là Trên đôi cánh thi ca là có cái nguyên cớ, cái cơ duyên của nó. Chúng ta hay bàn về tác phẩm đỉnh cao. Đã đành là lí tưởng. Nhưng chúng ta ít quan tâm tới việc nhà văn đã sống và viết như thế nào? Đọc thơ của hai nhà thơ chồng - vợ Nguyễn Đình Ảnh và Nguyễn Thị Lan Thanh, riêng tôi, thấm thía bài học muôn thưở “sống đã rồi hãy viết”. Sẽ có người nói “cũ như trái đất!”. Thậm chí “xưa rồi Diễm ơi!”. Không sao. Vì nghệ thuật không có “thời”. Không hề cũ nếu nó làm ta ám ảnh, nghĩ khác, sống khác, xúc động khác. Ít nhất thì thu hoạch của riêng tôi sau khi đọc thơ của hai nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh và Nguyễn Thị Lan Thanh đã nhận ra vẻ đẹp giản dị của đời sống và thi ca. Trên đôi cánh của thi ca chúng ta có thể bay tới những chân trời mới./.

Hà Nội, tháng 8 năm 2016

B.V.T