Đỗ Tiến Bảng
Trong bài “Đôi điều về rối nước làng Gia”, tác giả Yên Giang dẫn cách giải thích của Lê Văn Lan và nêu ý kiến về tên gọi “Ổi Lỗi”: “Theo Lê Văn Lan ( bài “Thời điểm ra đời của múa rối nước Việt Nam”, Tạp chí sân khấu, tháng 5 năm 1977) tên cổ là ổi lỗi là biến dạng của tiếng nôm có nghĩa là ma quái ( ô lôi ). Đến những năm trước 1945 tên này cũng được gọi phường làng Gia nhưng là ổi dỗi chứ không phải ổi lỗi”( Tục tắt đèn đêm hội giã La, Nxb Thế giới, 2007, tr 134) . Do các tác giả không “chua’ chữ Hán, hoặc chữ Nôm, nên người đọc khó sở cứ để bàn và phân định.
Tạm thời phải làm mấy thao tác và nêu giả thiết.
Muốn tìm hiểu từ là Hán hay Nôm, đầu tiên phải tra Từ điển cổ Hán , Nôm; xem các từ (âm) cùng các biến thể. Sách Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa ( thế kỷ XVI- XVII) “là cuốn từ điển Hán Việt trong đó các mục từ chữ Hán được chú giải bằng tiếng Việt (thơ lục bát) viết bằng chữ Nôm”, mục Tạp hý bộ đệ tam thập có giải nghĩa: “Ổi Lỗi múa rối cầm tay rập rình”(Trần Ngọc Xuân Lan, phiên âm, chú giải, Nxb KHXH, Hà Nội, 1985, tr 189). Cuốn Đại Nam quốc ngữ của Hải Châu Tử Nguyễn Văn San ( 1808-1883) soạn năm 1887 ( khắc in 1899) cũng ở phần Tạp kĩ môn đệ tam thập nhất mục từ Hán, có giải thích và viết bằng chữ Nôm về tên gọi này, nguyên bản: 傀儡( tr 456, tờ 54 b); người biên soạn dịch: “Khổi lỗi múa rối” ( Lã Thị Minh Hằng, Khảo cứu từ điển song ngữ Hán – Việt Đại Nam quốc ngữ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2013,tr 232).
Như vậy, “ổi lỗi” hay “khổi lỗi” đều là từ Hán Việt; chữ “ổi”, “khổi” 傀 ( gồm chữ “nhân” và chữ “quỉ”) đọc là “khôi”( nghĩa: to lớn, quái lạ), còn đọc là âm “quỉ” trong quỷ lỗi 傀儡( nghĩa: tượng gỗ); chữ “lỗi” 儡 ( chữ “nhân” và ba chữ “điền”) trong kết hợp “quỷ” là “tượng gỗ”. Từ Hán “ổi lỗi” để chỉ “tượng gỗ quái lạ”. Việc đọc “ổi lỗi’ , “khổi lỗi”, “khôi lỗi” chỉ là cách phiên âm khác nhau.
Âm “ổi” : chữ Nôm có một chữ 椳 , nghĩa là “quả ổi”; tự dạng này ở chữ Hán (椳 ) là âm “ôi”, nghĩa là “cái chốt cửa”. Còn âm “lỗi”, chữ Nôm không có. Chữ Hán âm “lỗi” có các chữ: 耒 (bộ ‘lỗi’- cái cày); 磊 ( bộ ‘thạch’ - nhiều đá, cao lớn); 儡 ( bộ ‘nhân’ - trong từ “quỉ lỗi” 傀儡, là “tượng gỗ”). Từ các ý nghĩa trên có thể rút ra: “ổi lỗi” 椳儡 là từ Hán Việt, với nghĩa “chốt cửa- tượng gỗ”; chỉ các con rối ( bằng gỗ ) mà người “chốt sau cửa ( hoặc màn) điều khiển.
Vì vậy, ý kiến “tên cổ là ổi lỗi là biến dạng của tiếng nôm có nghĩa là ma quái ( ô lôi)” là một suy diễn thiếu cơ sở.