Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHỊCH LÍ TẬP CẬN BÌNH

Nguyễn Quang Dy
Thứ tư ngày 18 tháng 5 năm 2016 6:36 AM


The Paradox of Xi Jinping: Dr Jerkyll & Mr Hide?

 


Sau hơn ba năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã thâu tóm và tập trung quyền lực tuyệt đối như một nhà độc tài (hay bạo chúa) không kém gì Mao (hay Caesar). Tập vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư, vừa là chủ tịch quân ủy trung ương và tổng tư lệnh. Nhiều người ngỡ ngàng và thất vọng, vì Tập “ngày càng giống Mao chứ không giống Đặng Tiểu Bình”.

Thực ra Tập không giống Mao mà cũng chẳng giống Đặng. Trong khi Mao độc đoán, vô tổ chức và ham chơi, thì Tập rất kỷ luật và chuyên nghiệp. Trong khi Đặng thực dụng, chủ trương lãnh đạo tập thể và phân quyền, thì Tập lại giáo điều, chủ trương lãnh đạo cá nhân và chuyên quyền. Có người tưởng Tập sẽ giống Gorbachev (muốn thay đổi nguyên trạng) nhưng Tập làm ngược lại Gorbachev (muốn duy trì nguyên trạng). Có người ví Tập như bạo chúa Caesar hay hoàng đế Chu Lệ thời nhà Minh (với bộ máy thanh trừng “Đông Xưởng” đáng sợ). Tổng thống Nixon đã thừa nhận trước khi qua đời (1994), “Chúng ta có thể đã tạo ra con quái vật Frankenstein”. Phải chăng Tập Cận Bình là hiện thân của Frankenstein?

Vậy Tập Cận Bình thực sự là ai? Đó là câu hỏi của Andrew Nathan trong bài điểm sách (“Who Is Xi?”, Andrew Nathan, New York Review of Books, May 12, 2016 Issue). Dường như Tập Cận Bình đã trở thành một nhân vật bí hiểm đa nhân cách (như “Dr Jerkyll & Mr Hide”). Tác phẩm kinh điển này của Robert Louis Stevenson (1886) đã trở thành một hình tượng văn học hữu ích. Một bác sỹ khả kính (Dr Jerkyll) có thể biến thành một kẻ quỷ quái và độc ác (Mr Hide) nếu uống phải một liều thuốc cực đoan (như Maoism).


Andrew Nathan là một học giả hàng đầu về Trung Quốc, năm nay 73 tuổi, là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, chuyên nghiên cứu về chính trị và chính sách đối ngoại Trung Quốc. Cách đây gần 40 năm khi tôi bắt đầu nghiên cứu về Trung Quốc (ANU, 1977-78) Nathan là một học giả trẻ đầy ấn tượng, với tác phẩm đầu tay, “A factionalism model for CCP politics”, China quarterly, March 1973. Tôi nhớ lúc đó giáo sư Ian Wilson (1934-2011) đã dặn, “Hãy chú ý, nó là một ngôi sao đang lên!” (Watch out, he’s a rising star).

Gần hai thập kỷ sau, khi tôi đến Harvard (1992-1993), Nathan đã là một học giả nổi tiếng. Giáo sư của tôi về Nhật Bản (prof Eszra Vogel) thường nhắc đến Nathan mỗi khi chúng tôi bàn về Trung Quốc. Đến nay, Nathan là tác giả/đồng tác giả của 15 cuốn sách và rất nhiều bài nghiên cứu giá trị viết về Trung Quốc. Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là tác phẩm của Nathan phân tích mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc (từ sau Thiên An Môn) như là yếu tố chính đã đưa nền kinh tế này cất cánh “thần kỳ” với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong 3 thập kỷ, (“Authoritarian resilience”, Andrew Nathan, Journal of democracy, 2003).

Ngộ nhận và nhầm lẫn

Nhưng tại sao lúc này Nathan lại điểm một lúc 4 tác phẩm viết về Tập Cận Bình? (đặc biệt là cuốn “China’s Future”, David Shambaugh, Polity Press, March 2016). Không phải chỉ Nathan mà nhiều người khác cũng quan tâm đến nhân vật bí hiểm này. Nhưng đến bây giờ mới đặt câu hỏi “Tập Cận Bình là ai” liệu có muộn quá không? Có điều gì đó bất ổn về Tập Cận Bình làm người Mỹ lo lắng đến thế? Thứ nhất, có thể người Mỹ trước đây đã ngộ nhận và nhầm lẫn về Tâp Cận Bình. Thứ hai, có lẽ người Mỹ đang phải đối phó với Tập Cận Bình như đối với “Frankenstein” (mà Nixon đã cảnh tỉnh). Thứ ba, có thể qua việc điểm sách này, Nathan muốn khẳng định và ủng hộ quan điểm của David Shambough. Thật vậy, Nathan và Shambaugh là những học giả hàng đầu đã từng khen hoặc bênh Bắc Kinh, nay có lẽ đã tỉnh ngộ, thay đổi nhận thức và cách đánh giá về Trung quốc (và Tập Cận Bình).

Trong ba năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã “có công” làm nhiều học giả và chính khách hàng đầu của Mỹ hết ngây thơ (innocence) và ảo tưởng về Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise) và phải xem xét lại chủ trương “tham dự một cách xây dựng” (constructive engagement). Không phải chỉ có Gordon Chang và Minxin Pei, mà cả Paul Krugman, Andrew Nathan, David Shambaugh… đã thay đổi quan điểm và đánh giá về Trung Quốc. Nhiều học giả đã phê phán chính sách Trung Quốc của Henry Kissinger (hậu Shanghai Communique). Nhiều người cho rằng Kissinger đã “có công” tạo ra con quái vật Frankenstein này. Thế mà mới đây chính quyền Obama vẫn tặng Kissinger Giải thưởng Dịch vụ Công xuất sắc (Distinguished Public Service Award)” vì những gì ông ấy đã gây ra, mà chính tổng thống Nixon đã phần nào thừa nhận sai lầm. Đấy là chưa kể tội Kissinger ở Cambodia và Bangladesh.

Không phải chỉ có người Mỹ (từ chính giới đến học giả) đều ngộ nhận và bất ngờ, mà người Trung Quốc (từ quan đến dân) cũng nhầm lẫn và thất vọng về Tập Cận Bình. Nhiều người cứ tưởng Tập sẽ giống cha mình là ông Tập Trọng Huân (một nhà cải cách, bị đày đọa thời Cách mạng Văn hóa), nhưng Tập không theo cha, mà lại theo Mao. Phải chăng Tập Cận Bình là một “nghịch lý” đa nhân cách (như “Dr Jerkyll & Mr Hide”?)

Nhiều chuyên gia về Trung Quốc (cả ngoài nước và trong nước) tưởng rằng Tập Cận bình sẽ là một nhà cải cách cởi mở (liberal reformer) ủng hộ kinh tế thị trường và dân chủ hóa (vì gốc gác gia đình và kinh nghiệm sống của mình). Cha ông là Tập Trọng Huân (1913-2002) đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa Mao, bị thanh trừng 3 lần, nhưng vẫn kiên trì đường lối cải cách. Năm 1989, Tập Trọng Huân là người duy nhất trong Bộ Chính Trị đã phản đối thanh trừng Hồ Diệu Bang (tổng bí thư, chủ trương cải cách). Bản thân Tập Cận Bình trong Cách mạng Văn hóa cũng bị đày đọa xuống nông thôn, chịu nhiều cay đắng.

Nhưng ngược lại với dự đoán và mong muốn của nhiều người (cả trong và ngoài nước), Tập đã phục hồi và bắt chước những đặc thù cực đoan nguy hiểm nhất trong cách cai trị của Mao (như chế độ độc tài cá nhân, đòi hỏi tuân thủ ý thức hệ một cách mù quáng, tùy tiện bức hại những ai dám chống đối). Theo tác giả, Tập Cận Bình tôn thờ Mao không phải là sự lựa chọn cá nhân tùy hứng, mà dựa trên cơ sở tư duy có hệ thống.

Điều đó nghe có vẻ phi lý nhưng là một sự thực. Theo Nathan, phái “con ông cháu cha” (princelings) tin vào “thuyết huyết thống” (bloodline theory). Nó gần giống như thuyết định mệnh lưu truyền trong dân gian Việt Nam, “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Nhưng dường như các princelings cố lờ đi vế thứ hai trong thuyết đó là, “bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”. Tập Cận Bình tin vào sứ mệnh “thiên tử” của mình, nhưng vẫn phải tìm cách lý giải việc theo Mao. Vì sao?

Tại sao Tập lại theo Mao (mà không theo Đặng)? Trái ngược với sự đồng thuận của phương Tây cho rằng Đặng Tiểu Bình đã cứu chế độ Trung cộng sau khi bị Mao đánh tan tành, Tập Cận bình và nhiều princelings cho rằng Đặng đã hủy diệt di sản của Mao. Một nghịch lý nữa là tướng Lưu Nguyên, con trai của cựu chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ (người đã bị Mao trù dập cho đến chết) nay đang tích cực giúp Tập chống tham nhũng trong quân đội. Nathan lý giải rằng, Tập lên nắm quyền đúng vào lúc chế độ đang phải đối phó với một loạt thách thức gay gắt và cấp bách, đòi hỏi Tập phải thâu tóm nhiều quyền lực. Đúng lúc này, Maoim cung cấp cho Tập một mô hình quyền lực tuyệt đối mà Tập đang cần. Có phải vậy không?

Theo mô hình đó, Tập gạt các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ra ngoài lề, trừ hai cánh tay đắc lực là Vương Kỳ Sơn, đứng đầu Ủy Ban Kiểm tra Kỷ luật (CCDI), và Lưu Vân Sơn, đứng đầu Ủy Ban Tuyên truyền. Gần đây có nhiều dấu hiệu bất ổn giữa Lưu Vân Sơn và Tập, nên Lưu Vân Sơn có thể sẽ bị loại nốt. Có nhiều tin đồn là vai trò điều hành kinh tế của thủ tướng Lý Khắc Cường cũng bị vô hiệu hóa. Tập lãnh đạo và điều hành thông qua 22 tổ công tác lãnh đạo và một nhóm trợ lý thân cận và trung thành, như Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) là Chánh Văn phòng TƯ (Chief of Staff), Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) đứng đầu Ủy Ban An ninh Quốc gia, và Lý Thành (Cheng Li) một học giả được trọng dụng.

Trong một cuốn sách tuyên truyền, Tập Cận Bình nói rằng cha mình (ông Tập Trọng Huân) đã được Mao cứu mạng và bảo vệ (chứ không phải bức hại như nhiều người tưởng). Tập đổ lỗi thanh trừng cha mình cho Khang Sinh (trùm mật vụ của Mao). Ngay cả việc Chu Ân Lai bắt giam Tập Trọng Huân tại Bắc Kinh cũng là một cách để “bảo vệ”. Việc “điều chỉnh lịch sử” theo cách của mình là một sở trường của những người cộng sản (Tập cũng không ngoại lệ). Để lý giải quan hệ phức tạp đầy ân oán của gia đình mình với di sản của Mao (mà Tập muốn dùng làm mô hình quyền lực), Tập không ngần ngại khẳng định, “Nếu Mao không cứu cha tôi thì tôi không có mặt ở đây ngày hôm nay”. (Andrew Nathan)

Theo Lê Duẩn, Mao đã nói với lãnh đạo Việt Nam tại Vũ Hán (năm 1963), “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á…”. Chắc Mao không nói đùa vào ngày 1/4. Tuy ông ấy không còn sống để làm việc đó, nhưng tham vọng bành trướng bá quyền của ông ấy vẫn đang sống, với “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình. Hậu duệ của Mao đang dẫn hàng ngàn tàu đánh cá (hay “tàu lạ?”) xuống biển Đông, trong khi cấm ngư dân Việt Nam và các nước không được đánh cá (vì “đại cục?”). Rồi vì “đại cục” họ sẽ cấm bay và cấm tàu thuyền đi lại, và không lâu nữa Biển Đông sẽ trở thành cái ao của họ.

Siêu nhân Tập Cận Bình

Trong cuốn sách mới, David Shambaugh đã tóm tắt, “Hiện có một chiến dịch tiếp tục đàn áp tất cả các dạng bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội; Internet và các phương tiện truyền thông xã hội phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn; thánh giá và nhà thờ bị phá hủy; người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng bị bức hại ngày càng nhiều; hàng trăm luật sư nhân quyền đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử; tụ tập nơi công cộng bị hạn chế; nhiều loại ấn phẩm bị kiểm duyệt; sách giáo khoa nước ngoài chính thức bị cấm ở các khóa đại học; trí thức bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ; các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và trong nước chịu áp lực kiểm soát chưa từng có bởi chính phủ và nhiều tổ chức đã bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc; các cuộc tấn công vào các “thế lực thù địch nước ngoài” diễn ra thường xuyên; và bộ máy an ninh “duy trì sự ổn định” đã bao trùm toàn đất nước Trung Quốc, hiên nay hà khắc hơn bất cứ thời điểm nào kể từ sau gia đoạn Thiên An Môn, 1989-1992”. (China’s Future).

Tuy theo chủ nghĩa Mao (như một công cụ quyền lực), Tập không giống Mao. Tập làm việc có tổ chức và chuyên nghiệp hơn, sống có trật tự chứ không hỗn loạn như Mao. Tập không sa vào thói hư sắc dục (như Mao) và kín đáo hơn về tham nhũng (tuy Panama Papers có nhắc tới họ hàng của ông ấy). Tập không phải là một nhà cách mạng, vì không tìm cách làm đảo lộn xã hội để quay về thời công xã và kinh tế kế hoạch. Tập muốn kết hơp chủ nghĩa Mao với hiện đại hóa. Nhưng đối với Tập, cơ chế thị trường chỉ là công cụ để xây dựng chứ không phải để thay đổi thể chế cũ. Cải cách giáo dục không phải để tạo ra tự do học thuật kiểu phương Tây, mà để đưa các học giả và sinh viên vào vòng kiểm soát. Nghe quen thuộc?

Trước đây, Mao độc đoán, quyết định mọi vấn đề theo cách của mình, bất chấp ý kiến của các lãnh đạo khác, và ông ta chỉ chú ý đến một vài vấn đề chính. Khi Đặng lên cầm quyền, đã áp dụng mô hình “lãnh đạo tập thể” (committee). Tuy Đặng có vai trò quyết định cuối cùng, nhưng ông ta cố gắng tìm sự đồng thuận trong nhóm lãnh đạo cao nhất. Nay Tập trực tiếp điều hành một loạt vấn đề quan trọng mà không tham khảo ý kiến các lãnh đạo khác. Nhưng Tập lại bắt chước Mao, đòi hỏi các cấp phải tuân thủ ý thức hệ một cách tuyệt đối, đồng nghĩa với trung thành với mình một cách tuyệt đối. Tập đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải “thể hiện tính đảng và phục vụ như là miệng lưỡi của Đảng”. Nghe nói người ta đang biên soạn một cuốn sách tuyên truyền mới đặt Tập Cận Bình ngang hàng với Mao. Tuyệt!

Dù Tập là ai (hay là gì) thì ông ấy cũng đã rất thành công trong việc thâu tóm quyền lực (ít nhất là đến lúc này). Bạc Hy Lai đã từng coi thường Tập Cận Bình, liên kết với Chu Vĩnh Khang định làm chính biến để lên thay Tập. Nhưng vụ Vương Lập Quân bất ngờ chạy vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (2012) đã làm phá sản kế hoạch lớn của phe Chu Vĩnh Khang - Bạc Hy Lai (được Giang Trach Dân và Tăng Khánh Hồng chống lưng).

Dù sao thì vụ Vương Lập quân đã giúp Tập Cận Bình một cơ hội bất ngờ để ra tay xử lý quyết liệt một loạt “siêu hổ” như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng (thậm chí cả Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng). Nhưng Tập Cận Bình không thể thiếu sự cộng tác đắc lực của người Mỹ (như đồng minh?). Phó tổng thống Joe Biden đã trực tiếp trao cho phó chủ tịch Tập Cận Bình (trong chuyến thăm Mỹ năm 2012) những tài liệu tối mật mà Vương Lập Quân đã cung cấp. Ngoài “cái bẫy phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế” (economic co-dependency trap), vụ đổi chác (tradeoff) tài liệu mật đó tưởng sẽ gắn kết quan hệ Trung-Mỹ như “đồng minh”. Nhưng người Mỹ đã nhầm về Tập!

Không phải chỉ có người Mỹ đã nhầm mà cả người Trung Quốc đã nhầm về nhân vật bí hiểm này. Khác với những người tiền nhiệm (Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào) đã tuân theo “ý chỉ” của Đặng Tiểu Bình là “lãnh đạo tập thể” để tránh đường mòn cực đoan của Cách mạng Văn hóa, và “náu mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối) để tập trung hiện đại hóa đất nước, Tập chủ trương tập trung quyền lực cá nhân (centralized & personalized power), phục hồi “sùng bái cá nhân” (cult of personality), và công khai thách thức Mỹ.

Không chỉ làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quân Ủy Trung ương, Tổng tư lệnh quân đội (bốn vị trí quyền lực tối cao), Tập Cận Bình còn trực tiếp làm chủ tịch 7 “tổ lãnh đạo” quan trọng nhất trong 22 “tổ lãnh đạo” điều hành chính sách. Vì thế, người ta gọi Tập là “Chủ tịch của mọi thứ” (Chairman of everything). Có lẽ chỉ có siêu nhân (Superman) hay người biến thái (như “Frankenstein”) mới làm việc theo kiểu đó.

Cách cai trị bá đạo và cực đoan của Tập Cận Bình khác hẳn với Đặng Tiểu Bình. Hãy nghe Đặng thuyết giáo, “Quá chú tâm vào quyền lực có khả năng làm nảy ra quy tắc tùy ý cá nhân với cái giá phải trả cho lãnh đạo tập thể, và nó là một nguyên nhân quan trọng của bộ máy quan chức trong tình cảnh hiện tại… Kiến thức, kinh nghiệm và năng lượng của bất cứ ai cũng đều có hạn. Nếu một người nắm giữ quá nhiều vị trí cùng một lúc thì khó có thể hiểu thấu hết các vấn đề trong công việc của mình và quan trọng hơn, sẽ ngáng đường các đồng chí thích hợp hơn nắm các vị trí lãnh đạo” (Đặng Tiểu Bình, 18/8/1980).

Không thể phủ nhận Tập Cận Bình là một lãnh đạo tài ba và chuyên nghiệp, muốn thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” để đuổi kịp (hoặc vượt) Mỹ. Điều đó không có gì sai nếu Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” và cải cách thể chế, để trở thành một siêu cường văn minh. Tập đã có cơ hội biến “Giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực. Nếu làm được như vậy mà Mỹ bị thua cuộc để Trung Quốc vượt qua thì cũng xứng đáng (theo luật chơi công bằng).

Nhưng đáng tiếc là Tập đã không làm như vậy, mà chọn con đường cực đoan và bạo lực, phá luật chơi cũ để thay bằng luật rừng, coi trọng quyền lực cứng mà coi nhẹ quyền lưc mềm. Con đường ông ta chọn đang đưa Trung Quốc đến chỗ bế tắc và đổ vỡ. Điều đó nguy hiểm không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho nhân loại. Trước đây, phát xít Đức và Nhật đã theo chủ nghĩa quân phiệt cực đoan, nên bị diệt vong. Liệu Tập Cận Bình có muốn lặp lại thảm họa đó, bằng cách tập trung quyền lực tuyệt đối bằng mọi giá để giữ nguyên trạng (trong nước), và bành trướng thách thức Mỹ và đồng minh để thay đổi nguyên trạng (tại Biển Đông)?

Hệ quả không định trước

Vậy hệ quả của cách cai trị cực đoan đó là gì? Theo Nathan, Tập Cận Bình đang gắn sự sống còn của chế độ vào khả năng của ông ta trong việc điều hành một khối lượng công việc khổng lồ mà không phạm sai lầm lớn. Có nguy cơ Tập sẽ phá hủy “khả năng thích ứng và khả năng phục hồi” mà Đặng đã khó khăn lắm mới tạo ra được sau thảm họa do Mao để lại. Không phải vô cớ mà người Trung Quốc (bao gồm các quan chức và đại gia) đang ồ ạt gửi tiền và đưa gia đình ra nước ngoài như “bỏ phiếu bằng chân”. Một cảm giác sắp xảy ra khủng hoảng đang bao trùm khắp xã hội Trung Quốc. Cách hành xử cực đoan của Tập đang xô đẩy chế độ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị mà Tập tìm cách ngăn chặn.

Theo các chuyên gia về Trung Quốc, chính sách “Một Vành Đai, Một Con Đường” đầy tham vọng của Tập Cận bình để thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” tiêu phí dự trữ ngoại tệ một cách khủng khiếp mà chưa mang lại lợi ích nào đáng kể. Chính sách “đả hổ, diệt ruồi” tuy có hiệu quả mị dân, nhưng đã làm tê liệt hàng ngũ cán bộ vì ai cũng lo sợ sẽ tới lượt mình nên không ai muốn làm việc thực sự. Đến nay, CCDI đã kỷ luật 182.000 quan chức, trong đó có 36 thứ trưởng và cán bộ cao cấp. Kết quả là đồng tiền Nhân dân Tệ đã bị xụt giá liên tiếp, thị trường chứng khoán bị lao dốc, làm cho thị trường Thượng hải, Thẩm quyến và Hồng kông mất đến 3.600 tỷ USD (trong tháng 8/2015), tương đương với GDP của nước Đức. Khoảng 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối đã chạy ra nước ngoài (trong năm 2015).

Nhiều người ở Mỹ và phương Tây kỳ vọng Trung Quốc hiện đại hóa sẽ “tất yếu” trở nên cởi mở và dân chủ hơn, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Nhưng họ đã nhầm. Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo độc tài nhất kể từ sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn (1989). Chính sách đàn áp xã hội dân sự của Tập đã làm cả đất nước lạnh sống lưng, như thời Cách mạng Văn hóa. Bắt chước “cách mạng thường trực” của Mao, Tập đã xóa bỏ mô hình lãnh đạo tập thể mà Đặng đã dầy công xây dựng từ sau khi Mao qua đời (1976).

Để đối phó với tình hình bất ổn trong nước, Tập ráo riết quân sự hóa Biển Đông, làm gia tăng khả năng xung đột với Mỹ và đồng minh bằng chính sách “bên miếng hố chiến tranh”, làm quan hệ Trung-Nhật và Trung-Việt khủng hoảng. Với kinh tế ngày càng suy thoái, tốc độ tăng trưởng thực sự chỉ còn khoảng 2,2% (không phải 7%), Tập đầu độc tư tưởng người Trung Quốc bằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan nguy hiểm, với chính sách đối ngoại hung hãn, đẩy Trung Quốc vào tình thế cô lập và dễ đổ vỡ. Hầu hết người Trung Quốc đều thất vọng và bất bình, kể cả những người thân cận lâu nay ủng hộ Tập, vì ông ta bắt chước mô hình lãnh đạo cực đoan của Mao. Hình ảnh mị dân “Xi Dada” đã bị mọi người chế nhạo, đến mức bộ máy tuyên truyền phải “đột nhiên” rút nó khỏi hệ thống truyền thông chính thống, vì hình ảnh “Xi Dada” không hiệu quả như hình tượng “the Wizard of Oz” (Andrew Nathan). Thần kinh!

Mô hình tập trung quyền lực tuyệt đối thời Mao cầm quyền đã dẫn đến thảm họa “Đại Nhảy vọt” và “Cách mạng Văn hóa”. Nếu không có cải cách kinh tế của Đặng cứu vãn thì không biết số phận Trung Quốc sẽ ra sao. Trong khi mô hình dựa trên ý thức hệ của Mao đã dẫn đến thảm họa, thì mô hình cải cách thực dụng của Đặng đã làm cho kinh tế Trung Quốc cất cánh (tuy không bền vững vì thiếu đổi mới chính trị).

Nay Tập Cận Bình lại kêu gọi người Trung Quốc “quán triệt tinh thần Mao Trạch Đông” (embrace the spirit of Mao Zedong) dành ưu tiên cao nhất cho ý thức hệ. Có lẽ Tập Cận Bình sẽ được lịch sử ghi nhận là người đã khởi động quá trình sụp đổ của chế độ Trung Cộng. Bất chấp những lời hoa mỹ, chính sách cai trị cực đoan của Tập không giúp nền kinh tế khá hơn, mà còn ngược lại. Chơi với ý thức hệ nguy hiểm như chơi với lửa (dễ mất kiểm soát). Ý thức hệ có thể biến người chơi thành tù binh hay nạn nhân của nó. Có thể nói ý thức hệ là một hệ thống tín điều dễ bị những kẻ cực đoan lạm dụng, mà sức mạnh hủy diệt của nó đã được lịch sử chứng minh (như Hitlerism, Stalinism, Maoism). Hãy biết sợ!

Theo Gordon Chang, chiến dịch thanh trừng của Tập (đang tiếp diễn) mang đậm màu sắc “Cách mạng Thường trực” (continuous revolution). Những gì Tập nói và làm gây ấn tượng ông ta là người của “một thời đại nào khác” (from another era). Sự tương đồng kỳ quái giữa Mao và Tập làm nhiều người lo ngại về khả năng diễn lại “Cách mạng Văn hóa vòng 2” (Cultural Revolution 2.0). Nhiều người (cả những thế lực ủng hộ ông ta) nay công khai phản đối sự chuyên quyền độc đoán đó. Gần đây, trang mạng CCDI (Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ) đã đăng một bài nhan đề “Một ngàn kẻ chỉ biết vâng lời không bằng một người tư vấn trung thực” (A Thousand Yes-Men Cannot Equal One Honest Adviser). Tân Hoa Xã cũng đăng một bài gọi Tập là “lãnh đạo cuối cùng của Trung Quốc” (China’s last leader), trong khi đó một trang mạng bán chính thức khác đã đăng một bài công khai kêu gọi Tập phải từ chức…

Trước hết, chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Tập thực chất chủ yếu nhằm thanh trừng nội bộ, thanh toán các phe phái chống đối, để củng cố quyền lực tuyệt đối của mình. Thứ hai, hệ quả của chính sách này đang đẩy các phe phái khác co cụm lại và đoàn kết chống Tập (phe Thượng Hải của Giang trạch Dân đang bắt tay với phe Đoàn Thanh Niên của Hồ Cẩm Đào và Lý Khắc Cường). Thứ ba, chủ trương thanh trừng nội bộ làm trì trệ và tê liệt bộ máy điều hành kinh tế, gây hoang mạng lo sợ, không ai muốn làm việc. Thứ tư, chính sách chống tham nhũng tuy mị dân khá thành công, nhưng lại gây phản cảm và lo sợ vì phục hồi bóng ma Cách mạng Văn hóa. Thứ năm, Tập theo mô hình Mao và bỏ mô hình Đặng nên đã làm đảo lộn cân bằng quyền lực giữa các phe phái, làm chế độ suy yếu và dễ đổ vỡ.

Theo David Shambaugh, Trung Quốc đã bước vào “bẫy thu nhập trung bình”. Nó chỉ có thể thoát ra bằng cách “dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp”. Tập càng cực đoan, thì càng đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ (như hệ quả không định trước). Đây là giới hạn của quyền lực cứng (cái gậy và củ cà rốt) và phát triển không theo quy luật (cải cách kinh tế không đi đôi với đổi mới chính trị). Trung Quốc đứng trước 4 lựa chọn: (1) “Chuyên chế Cứng” (Hard Totalitarian path) như hiện nay, (2) “Chuyên chế Mềm” (Soft Totalitarian) như thời Hồ Cẩm Đào, (3) “Chuyên chế Kiểu mới” (Neo-Totalitarian) như thời Mao, (4) “Dân chủ Nửa vời” (Semi-Democratic) như Singapore, có dấu hiệu Tập đang chuyển từ “Chuyên chế Cứng” sang “Chuyên chế Kiểu mới”. Nếu Tập “quay lại tương lai” (back to the future) thì là một sai lầm chết người. Shambaugh tin rằng màn chót (end game) của chế độ Trung Cộng đang diễn ra. Theo tác giả, sự sụp đổ có thể đến trong một hai thập kỷ tới (the next decade or so).

Vài lời cuối (end notes)

Có thể nói, ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Tập Cận Bình đã mắc phải một chứng bệnh tâm thần chính trị với nhiều biểu hiện vĩ cuồng cực đoan (đa nhân cách). Lúc thì Tập muốn làm “Xi Dada” khả kính để thần dân ca tụng, nhưng nhìn kỹ lại thấy Tập giống Mao hoặc hoàng đế Chu Lệ (thời nhà Minh) với bộ máy trấn áp CCDI (cũng kinh hoàng như “Đông Xưởng”). Hay nói cách khác, Tập muốn làm Dr Jerkyll khả kính (nhưng đa nhân cách) uống phải lọ thuốc độc Maoism mà cứ tưởng là lọ thuốc thần (để có quyền lực tuyệt đối) nên Tập biến thành Mr Hide (một kiểu Frankenstein mang “bản sắc Trung Quốc”?)

Hãy lấy vài ví dụ để minh họa. Khi đến thăm chính thức Việt Nam và đọc diễn văn tại Quốc hội (7/11/2015) Tập đóng vai Dr Jerkyll khả kính, thuyết giảng về “đại cục” và “16 chữ vàng”, dỗ ngon dỗ ngọt như “huynh đệ đồng lòng…”, nhưng khi vừa tới Singapore (cùng ngày) thì ông Tập lại biến ngay thành Mr Hide (với bàn tay lông lá đang ráo riết quân sự hóa Biển Đông) và tuyên bố trắng trợn không thèm úp mở , “những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa…”. Đúng là đa nhân cách nên mới nói không ngượng mồm. Trong chuyến thăm Mỹ (9/2015) khi Tập đề cập đến vấn đề nữ quyền, muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cho các đệ nhất phu nhân tại Liên Hợp Quốc (trong khi bàn tay lông lá của Tập đang xiết cổ nữ quyền và nhân quyền tại Trung Quốc) Hilary Clinton đã không nhịn được (dù là một luật sư và chính khách lịch lãm) phải thốt lên rằng “đạo đức giả” và “thật đáng hổ thẹn”. Không hiểu nay mai nếu Hilary Clinton (hay Donald Trump) lên làm tổng thống Mỹ thì thiên hạ sẽ ra sao. Hình như thế giới này đang có đại dịch tâm thần?

Có lẽ bệnh tâm thần chính trị (đa nhân cách) có thể di truyền hoặc lây lan, không phải qua đường tình dục, mà “qua đường ý thức hệ”. Thời trước, người Việt đã uống phải thuốc độc Maoism, nên đã mắc căn bệnh tâm thần chính trị (cực đoan), dẫn đến thảm họa “Cải cách Ruộng đất” và “Cải tạo Tư sản”, rồi đàn áp “Nhân văn Giai phẩm” và “Xét lại Hiện đại, v.v.” Nay không khéo người Việt lại uống phải thuốc độc “Neo-Maoism” do Tập Cận Bình pha chế (như Dr Jerkyll), nên bị nhiễm căn bệnh tâm thần ý thức hệ “kiểu mới”.

Nếu sự kiện dàn khoan HD 981 (5/2014) là một bước ngoặt (turning point) trong quan hệ Trung-Việt, thì sự kiện hàng trăm tấn cá chết do nhiễm độc tại bờ biển 4 tỉnh miền Trung và biểu tình vì môi trường (5/2016) là một bước ngoặt về khủng hoảng môi trường (và chính trị) tại Việt Nam, tiếp theo Đại hội Đảng đầy kịch tính. Cách ứng xử như tâm thần của các quan chức chính phủ, và hành động trấn áp thô bạo những người biểu tình ôn hòa vì môi trường ngay trước chuyến thăm của tổng thống Obama và bầu cửa quốc hội, đã làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng tiếp tục bế tắc trong quan hệ tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Việt, trong khi Viet Nam tiếp tục trôi dạt (drifting) trong bàn cờ Biển Đông đầy nguy hiểm.

Các chuyên gia tâm thần nói rằng tại Mỹ có khoảng 30% dân số mắc bệnh tâm thần. Có lẽ tỷ lệ này tại Trung Quốc và Việt Nam còn cao hơn nhiều, vì xã hội chuyển đổi rủi ro cao và có nhiều áp lực bất thường. Một dấu hiệu đáng lo ngại là dòng người (và dòng tiền) rời bỏ Trung Quốc (và Việt Nam) đang tăng nhanh, như hệ quả tất yếu của khủng hoảng lòng tin. Khủng hoảng lòng tin là một dạng tâm thần. Nếu trong một hai năm tới không đổi mới thể chế, không cải thiện môi trường sống và cách ứng xử của chính quyền, thì dòng người (và dòng tiền) sẽ ra đi ổ ạt, như một hệ quả không định trước (unintended consequences).

Tham khảo

1. “Who Is Xi?”, Andrew Nathan, the New York Review of Books, May 12, 2016 Issue

2. “Crackdown in China Worse and Worse”, Orville Schell, the New York Review of Books, April 21, 2016 Issue

3. “The Great Fall of China”, Jeffrey Wasserstrom, Review of “China’s Future”), Wall Street Journal, March 28, 2016

4. “David Shambaugh’s China’s Future”, Andrew Browne’s Interview of David shambaugh, Wall Streeet Journal, March 14, 2016

5. “China’s Future”, David Shambaugh, Polity Press, March 2016

6. “Chinas Caesar: Xi Jinping and the Cultural Revolution”, Gordon Chang, Weekly Standard, April 25, 2016

7. “Chinas Political Culture Is Paralyzing Its Economy”, Paul Burgman & Andrew Friedle, National Interest, May 2, 2016

8. “How China Sees World Order”, Richard Fontaine & Mira Rapp-Hooper, National Interest, April 20, 2016

9. “Why Xi is Purging the Chinese Military”, Derek Grossman & Michael Chase, National Interest, April 15, 2016


10. “Xi Jinping flirts with danger in his turn to ideology”, Stein Ringen, South China Morning Post, April 11, 2016

11. “Big Daddy Xi no more”, Nathan Vanderklippe, Globe and Mail, May 7, 2016

12. “A survivor’s Tales: The rise and fall and rise of a career Maoist”, Henrik Bering, Weekly Standard Book Review, May 23, 2016 Issue,

13. “Authoritarian resilience”, Andrew Nathan, Journal of democracy, 2003

NQD. 17/5/2016