Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁCH NHÀ TIỀN LÊ NGOẠI GIAO TRƯỚC SỰ NGÔNG NGHÊNH CỦA PHƯƠNG BẮC

Trần Đình Ba
Chủ nhật ngày 15 tháng 5 năm 2016 6:22 AM





Lời lẽ của vua Tống trong chế rất ngông nghênh, tự đắc. Nhưng Lê Hoàn cũng không vì thế mà khiếp nhờn vài câu khua môi. Vua nhận chế và làm lễ thết đãi sứ thần rất hậu hĩ.

Trong quan hệ bang giao xưa nay giữa nước Nam với các triều đại phong kiến phương Bắc, nước Nam ta, đất hẹp người thưa đã sử dụng chính sách bang giao hòa hiếu để giữ nền thái bình lâu dài. Nhưng cũng không quên sẵn sàng cứng rắn với hành động, âm mưu vượt quá giới hạn cho phép của láng giềng. Biện pháp vừa nhu vừa cương đó được sử dụng qua nhiều đời đế vương khác nhau. Như thời vua Lê Đại Hành là một chứng cứ.
Dù triều đại mới được tạo lập, nhưng bằng tài năng quân sự hơn người, năm Tân Tỵ (981), Lê Hoàn đập tan đạo quân xâm lược nhà Tống do Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng chỉ huy, làm cho giặc bạt vía, kinh hồn. Rồi sau đó, mùa xuân năm Quý Mùi (983) lại sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống, tỏ rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình của Đại Cồ Việt, từ đó mối thâm giao mới được nối lại. Nhưng, dù tiếng là một nước yếu hơn, không vì thế mà Đại Cồ Việt dưới thời Lê Hoàn để cho nhà Tống lấn lướt. Sử cũ chứng thực rằng, rất nhiều lần, Lê Hoàn đã làm cho sứ Tống phải nể vì nước Nam.

Kỳ I
Bang giao hòa nhã, nhún nhường

Tháng 10 năm Bính Tuất (986), nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc Tử Giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong cho Lê Hoàn làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kinh triệu quận hầu. Lời chế của vua Tống Thái Tông viết:
Đấng vương giả cả dựng ngôi cao, vỗ yên chư hầu. Dựng phủ đệ tại kinh sư, cho lễ hội đồng được long trọng; chia đất phong ở các nơi, để quyền tiết chế được nêu cao. Huống nay từ cõi đất diều rơi (khi Mã Viện vào nước ta thấy đất nhiều khí độc bốc lên, “ngẩng mặt nhìn thấy diều bay, lả tả rơi xuống trong nước”, từ đó mà có ý ấy – Người dẫn chú) đến dâng đồ cống lông chim trả. Lúc đang đổi tướng, lợi dịp phong hầu, lòng cũng không quên thỉnh mệnh, bèn ban ân điển thưởng công. Nay quyền tri tam ty lưu hậu là Lê mỗ, tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, được lòng người trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Vừa rồi Đinh Toàn đương tuổi trẻ thơ, không biết yên vỗ. Người là tâm phúc chỗ thân, giữ quyền coi quân lữ, hiệu lệnh ban phát, uy ái đều gồm. Họ Đinh bỏ quyền ba đời tiết sứ, chiều theo ý muốn mọi người. Người xa tỏ lòng thành, xin ban tiết việt. Phải như Sĩ Nhiếp cứng mạnh, sáng suốt, đổi tục Việt đều hay, Úy Đà cung kính, thuận tòng, vâng chiếu Hán chẳng trái. Nên xứng chức đứng đầu cõi xa, cùng dự hàng chư hầu tôn quý. Vỗ yên Man di bộ lạc, tuyên dương đức tốt vương triều”.
Lời chế trên rất ngông nghênh, tự đắc. Nhưng Lê Hoàn cũng không vì thế mà khiếp nhờn vài câu khua môi. Vua nhận chế và làm lễ thết đãi sứ thần rất hậu hĩ. Đồng thời, để tỏ ra nước Nam phong vật giàu có, phồn thịnh, Lê Hoàn hàng ngày sai quân hầu đem những thứ quý lạ bày chật cả sân điện Hoa Lư, để tỏ sự giàu có. Bọn tướng giặc Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân bị bắt năm Tân Tỵ (981) cũng được trả cho về. Lại giả vờ nói với Nhược Chuyết và Lý Giác rằng:
- Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?
Lý Giác đáp:
- Bản triều cõi bờ muôn dặm, các quận có đến bốn trăm, đất có chỗ bằng phẳng, cũng có chỗ hiểm trở, một phương này lấy gì làm xa.
Sau lần Nam tiến của bọn sứ thần nhà Tống này, việc thông sứ hai bên càng trở nên thường xuyên. Vua Lê lại nhân những dịp ấy để tỏ rõ cái uy thế của nước ta với bọn sứ bộ. Đến năm Đinh Hợi (987), nhà Tống lại sai Lý Giác sang nước Nam. Biết Lý Giác là một tên sứ hay thơ phú, Lê Hoàn dù quen với võ biền nhưng cũng rất tinh ý. Khi Lý Giác đến chùa Sách Giang (thuộc Nam Sách, Hải Dương nay), vua sai thiền sư Pháp Thuận (914 - 990) giả làm giang lệnh (người coi sông) ra đưa sứ qua sông. Sư Pháp Thuận họ Đỗ, trụ trì chùa Cổ Sơn thuộc thế hệ thứ 11 thiền phái Tì ni đa lưu chi. Sư học rộng, thơ hay, hiểu rõ việc nước, chuyên giúp vua việc soạn thảo văn thư. Đương lúc thuyền nhè nhẹ trôi, lúc ấy nhân có hai con ngỗng bơi lội trên mặt nước, Lý Giác mới vui ngâm rằng:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha
.
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,
Ngửa mặt nhìn chân trời).
Sư Pháp Thuận đang tay cầm chèo nhịp nhàng khua nước, nghe thấy thế thì cũng tức cảnh theo vần làm nối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
(Nước lục phô lông trắng,

Chèo hồng sóng xanh bơi).
Đọc xong, Lý Giác lấy làm lạ, bởi người chèo thuyền áo nâu thế kia mà có những vần thơ hay đến vậy. Khi về đến sứ quán, nghĩ lại chuyện đó, mới làm thơ gửi tặng cho Pháp Thuận tỏ lòng mến mộ. Thơ rằng:
Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu.
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.

(May gặp thời bình được giúp mưu,
Một mình hai lượt sứ Giao Châu.
Đông Đô mấy độ còn lưu luyến,
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.
Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm,
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài trời lại có trời soi nữa.
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu).


Nhận được bài thơ, Pháp Thuận đem dâng lên cho vua xem. Vua cho gọi sư Khuông Việt (933-1011), tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Ly, huyện Trường Lạc (nay là Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội), trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông đến xem. Khuông Việt là vị sư tài cao đức trọng, là vị thiền sư được phong Tăng thống đầu tiên của trong lịch sử Phật giáo Việt Nam vào năm Tân Mùi (971) thời nhà Đinh. Đọc bài thơ xong, Khuông Việt nói:
- Thơ này Lý Giác tôn bệ hạ không khác gì vua Tống.
Vua Lê lấy làm vui lắm, khen ý thơ, đặc biệt là là hai câu cuối “Ngoài trời lại có trời soi nữa/Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu”. Vì bài thơ đó, vua sai tặng lễ vật cho Lý Giác rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt ra về, vua lại sai Khuông Việt làm bài hát để tiễn, lời rằng:
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang,
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết, Đối ly trường,
Phan luyến sử tinh lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.

(Nắng tươi gió thuận cánh buồm giương,
Thần tiên lại đế hương.
Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương,
Về trời xa đường trường.
Tình thắm thiết, Chén lên đường,
Vin xe sứ vấn vương.
Xin đem thâm ý vì Nam cương,
Tâu vua tôi tỏ tường)
(Bản dịch của Hà Văn Tấn)
Với sự kiện này, nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét: “Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ nhà Tống, tình ý và văn thơ rất là chu đáo. Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể được thêm tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục. Sau này mỗi khi sứ Trung Quốc về nước đều có đưa thơ tiễn tống để khoa trương văn hóa, bắt đầu thực là từ đây”.

Kỳ sau: Uy hiếp sứ thần Tống
Trần Đình Ba

Ảnh: Đền thờ vua Lê Đại Hành