Tồn tại 113 năm, địa ngục trần gian Côn Đảo sụp đổ ngày Côn Đảo giải phóng, 1-5-1975. Trong thăm thẳm trời xanh biển biếc Côn Sơn, hãy còn vẳng trong gió sóng nơi đây lời chào từ biệt của những chiến sĩ cách mạng vọng qua cửa sắt các banh khám cấm cố nhà ngục Côn Lôn đến bãi bắn và huyệt mộ nghĩa địa Hàng Dương: Chào anh em ở lại! Chúng tôi đi Hàng Dương! Lời chào ấy gây xúc động sâu sắc với Trần Mạnh Thường, một nhà thơ công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau hai chuyến đi thực tế Côn Đảo 1975, 1978, trường ca Lời chào viết về nhà tù Côn Đảo gồm tám chương, hơn một nghìn câu thơ được tác giả hoàn thành năm 1987, nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1997 trong tập Thơ và Trường ca.
Sau khi đánh chiếm ba tỉnh miền đông Lục Tỉnh (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) ngày 28-11-1861, hải quân Pháp đánh chiếm quần đảo Côn Lôn (Côn Đảo). Lá cờ tam tài vừa mới trương lên trên bến Vũng Đầm, ngày 1-2-1862 viên đô đốc hải quân Bôna đã trình quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo, trước ngày Chính phủ Pháp ký Hiệp ước hữu nghị với triều đình Huế (hoà ước Nhâm Tuất, ký ngày 5-6-1862).
Hiện hình một nhà ngục đế quốc đầu tiên ở Đông Dương, cách Vũng Tàu gần 100 hải lý, hoàn toàn biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Nhà tù Côn Đảo Dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần giết mòn người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ...làm cho họ khi ra tù thì tinh thần bạc nhược, khiếp sợ, thân thể tàn phế không còn dám làm gì chống lại mẫu quốc và chế độ thống trị ở thuộc địa. *
Trong Lời tựa cuốn sách Nhà tù Côn Đảo, 1955-1975**, giáo sư Trần
Văn Giàu viết: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tôi đã phải trải qua nhiều nhà tù, trong số đó có ngục Côn Lôn. Tôi lại được đọc nhiều sách xưa nay nói về nhà tù của vua chúa, của tư sản thực dân, của bè lũ phát xít. Như vậy, tôi có khá nhiều tư liệu để so sánh các chế độ nhà tù tàn bạo...
Nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, đến thời Mỹ nguỵ là địa ngục trong địa ngục, và nói như vậy cũng chưa vừa .
Viết trường ca về nhà tù Côn Đảo, Trần Mạnh Thường dồn bút lực khai thác, tái hiện cuộc đấu tranh trực diện dai dẳng quyết liệt, khi âm thầm như ngọn lửa cháy trầm mình đối diện với chính mình, lúc bùng phát lẫm liệt, ngời lên phẩm cách của người chiến sĩ cách mạng giữa nhà tù đế quốc - nhân vật trữ tình trung tâm của trường ca. Trên nền trầm tích của tư liệu lịch sử 113 năm nhà tù Côn Đảo, tác giả thận trọng thâm nhập địa ngục trần gian, một mình xuôi ngược thác ghềnh vực thẳm các sự kiện, tiếp cận các cảnh huống, những thân phận tù nhân giữa mùi xú uế xích còng lưu cữu, mùi máu rệp, mùi chuồng cọp, chuồng bò; mùi sặc sụa tởm lợm miệng lưỡi nanh nọc bọn cai ngục, ma tà, bọn giám thị, tên chúa đảo, lũ quan thầy...
Côn Đảo bắt đầu từ thuở ban sơ khai thiên lập địa:...Hạc trắng bay giữa nước biếc non xanh/ Cửa hang mênh mông nắng gió thơm lành/Tiếng người lạ lùng như tình yêu thứ nhất/ Ngón chân cái choãi ra in dấu trên mặt đất/ Cho bàn tay hái quả ngọt bùi...
Một vùng đảo ngọc trời biển trong lành trở thành biển đục:
Hiện ra những bến bờ.../ Nơi bắt đầu và nơi kết thúc/Biển trút hơi thở cuối cùng trước ngưỡng cửa phòng anh/ Giữa đêm khuya chợt thức giấc một mình/ Và anh không tài nào ngủ lại/ Trong im lặng mênh mông có tiếng ai gặng hỏi:/ -Hỡi người bạn tù, giờ bạn ở nơi đâu ?/ Dấu chân in theo máu đọng Cầu Tàu / Mà thời gian vô tình đến thế/ Gió lật từng trang sách bể/
Buông neo xuống những kiếp đi đày.(Chương Một - Biển đục).
Một đảo tù tồn tại trên một thế kỷ bạo tàn! Thời gian hú hồn bao nhiêu tiếng còi tàu thét giọng roi song, củi chẻ, dùi cui giáng xuống tù nhân! Bao nhiêu con sóng dữ dằn dồn đuổi những người tù qua Cầu Tàu 914 đầm đìa máu vã. Tội ác của kẻ thống trị phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật:
Chúng tôi ra đảo tù đã thấm máu các anh/ Các anh đến giữa mùa gió chướng/ Đốt xương khô gió không thể cuốn/ Nằm phơi trên bãi cát mịt mù/
Đốt xương khô/ Lăn lóc đốt xương khô/ Những thế hệ bị thực dân săn đuổi.
(Biển đục). Xương cốt ba trăm người người tù khổ sai hoá thạch sừng sững hai mố cầu Ma Thiên Lãnh. Một Bãi Sọ Người, thực dân chôn sống hai mươi người đào huyệt cùng một trăm xác tù nhân khởi nghĩa cuối thế kỷ
XIX . Hai vạn mạng người bị đoạ đày thảm khốc, bị hành quyết, vùi thây từ nghĩa địa Hàng Keo sang Hàng Dương. Mùa gió chướng thổi dài, cào xơ xương cốt, gió gào qua tường đá thép gai mái tôn lộng óc. Những chuyến vượt ngục thành và bất thành hơn một thế kỷ lưu đày. Những tù nhân Côn Đảo lòng đầy phấn khích, ngực phanh trần, cột cây làm bè, ghép áo làm buồm, quần thảo với sóng lừng và đạn giặc, máu đổ oà vào biển xanh, hồn thơm về đất Tổ. Biển chết Côn Đảo bịt bùng quyết liệt:
Gió chướng rít đêm ngày/ Thổi dọc hai bờ địa ngục/ Tiếng Chúa đảo thách thức/ Xoáy vào từng lỗ thông hơi /-Ta không muốn những pháp trường máu chảy đầu rơi/ Cái cảnh ấy nhìn nhiều cũng chán/ Hỡi những tù Cộng sản/ Ta muốn các ngươi chết cái chết tinh thần/ Chết một lẽ sống/ Chết một niềm tin/ Chết trong cô đơn/ Chết vì tuyệt vọng/ Hết ý niệm về ngày mai chiến thắng/ Không có phút vinh quang kiêu hãnh cuối cùng...(Chương Ba- Quả dưa đỏ).
Đây khám biệt giam những nữ tù nhân kiên trinh,gan góc.Cuộc đối thoại
giữa tên cai ngục hiểm độc và người mẹ tù nhân bên cánh cửa sắt nhìn ra một mảnh sân tù, một đứa trẻ khát sữa:
- Tên Cộng sản tóc dài kia, con mày đang bò ngoài ngoài sân hãy nhìn cho rõ/ - Ôi con tôi, con đang ở đâu?/- Con mày đang bò ngoài sân phải nhìn cho rõ !/ - Ta là mẹ. Có người mẹ nào không nhận ra con?/ Nó đang bậm miệng vào rễ cây/ Đã hai hôm nay con ta không được bú/ - Mày chỉ nói hai tiếng thôi là tao mở cửa... (Chương Sáu- Đối thoại và lời ru).
Hai tiếng mà bọn ác ôn nhọc công dùng mọi cách tra tấn, mọi thủ đoạn lừa gạt, giăng bẫy để người tù nói ra ấy là hai tiếng ly khai- Ly khai tổ chức, ly khai lý tưởng sống, trở thành kẻ phản bội cách mạng, thành kẻ chiến bại hèn đớn ô danh, nửa đời nửa đoạn. Bao nhiêu người Cộng sản kiên trung cũng như người mẹ tù nhân trong trường ca Lời chào giữ vững khí tiết trước kẻ thù.
Một thằng ác ôn sắp sửa trình lên Chúa đảo trường hợp một người tù trúng kế điệu hổ ly sơn của nó, xin quan thầy cho nó được thăng chức. Nhưng bọn chúng đã lầm. Cuộc hồi tâm, phản tỉnh này mới thật giằng xé,
đau đớn và quyết liệt. Ngọn lửa sám hối làm ấm lại trái tim cơ hồ đã nguội,
người chiến thắng lại là anh:
Trả ta về lao Một/ Trả ta về Chuồng Cọp/ Thà máu ta phun kín mặt tường/ Thà áo quần tả tơi hơi lạnh buốt xương/ Thà thân ta làm mồi cho muỗi rệp/ Trả ta về Chuồng Cọp/ Thà cứt xối lên đầu/ Thà dòi bọ chui vào chân tóc/ A một tháng nay ta trốn đi đâu/ Côn Đảo chật máu xương đồng chí/ Sao bữa cơm ta có cá/ Anh em ơi tôi đang ở nơi nào/ Mà xa những trận đòn chết giấc/ Không được ngất trên cánh tay gầy guộc/ Mở mắt ra là thấy mặt anh em/ Thằng ác ôn mày cười gì sau làn khói thuốc thơm/ Ta đã quen nhìn mày nghiến răng tái mặt/ Đã quen nghe mày gầm lên như con thú hụt mồi.../Trả ta về Chuồng Cọp...(Chương Bảy - Quên lãng).
Côn Đảo chật máu xương đồng chí...những dòng thơ dồn nén đến nghẹt thở. Cuộc chiến đấu sinh tử của những đồng chí kiên trung trần trụi giữa bầy sói, đối đầu với kẻ thù nham hiểm giữa nhà ngục Côn Đảo toát lên phẩm cách anh hùng bất khuất. Trường ca Lời chào của Trần Mạnh Thường mang âm hưởng anh hùng ca. Người chiến sĩ cách mạng nhìn suốt dòng chảy lịch sử, vận mệnh của dân tộc; nhìn thấu tim đen bọn cướp nước và bè lũ tay sai, trong lòng bừng sáng niềm tin yêu nhân dân đất nước, thanh thản nói lời chào vĩnh biệt để Đi đến tận cùng cái chết sạch trong:
Chúng tôi đi Hàng Dương/ Sau cái hất hàm của thằng cai ngục.../Hàng Dương/ Quân thù gài mìn vào mộ huyệt/ Hài cốt nóng rực dưới mặt trời/ Hố
mắt đong đầy gió cát/ Đong đầy Đất Nước/ Tổ quốc là tình yêu không thể nói bằng lời... (Chương Bốn- Chúng tôi đi Hàng Dương).
Trong thời khắc lịch sử chuẩn bị giải phóng Côn Đảo, ngày 29-4-1975,
bọn chỉ huy Đặc khu Côn Sơn trước lúc tháo chạy, đã quyết định khoá chặt tất cả các phòng giam, bỏ đói và thủ tiêu 4.234 tù chính trị cấm cố bằng lựu đạn vào giờ chót (22:14). Nhưng cách mạng đã kịp chặn bàn tay khát máu, không để lũ quỉ dữ kịp gây tội ác cuối cùng.
Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, một Côn Đảo hồi sinh đến hôm nay còn bao thương tích, bao nỗi đau từ quá khứ kinh hoàng. Xin hãy nghe lời thầm thì của những người sống sót, những người ở lại:
Chào anh em ở lại, chúng tôi đi Hàng Dương !/ Em ơi, anh và em/
Chúng ta - Những người ở lại/ Vào vườn và hái trái / Những nấm mộ Hàng Dương chỉ gió với mây trời... (Chương Tám - Chào anh em ở lại)-
Tổ quốc là tình yêu không thể nói bằng lời..Tôi còn muốn trích dẫn thêm những câu thơ hàm súc, những khổ thơ hay trong trường ca Lời chào.
Qua cảm nhận của nhiều người, đây là tác phẩm thành công của nhà thơ Trần Mạnh Thường. Một kết cấu chặt chẽ, những trường đoạn trữ tình sâu lắng, những cuộc đấu trí, thi gan quyết liệt giữa chốn lao lung, đẩy tới những cao trào hào hùng, bi tráng. Lời chào vạch trần tội ác trời không dung, đất không tha của bọn đao phủ sát nhân thời hiện đại; khắc hoạ phẩm cách cao đẹp những chiến sĩ cách mạng - những tấm gương kiên trung vằng vặc dưới trời.
Côn Đảo hôm nay lồng lộng vươn mình với lời nhắn nhủ ân cần thiết tha, những dòng thơ cập bến vùng đảo ngọc:
Về đi, về với nắng mưa sóng gió/ Đảo Phù Luân mà chẳng lạc loài/
Đất chi lạ quanh năm sen nở/ Bốn mùa hương dành cả cho người.../Về đi, con đồi mồi đã về làm tổ/ Chiếc mai vân sắc biển sắc trời/ Ổ trứng trắng hồng đêm trăng mùa hạ/ Thật vì ta cuộc sinh nở nghìn đời..
.
Côn Đảo,tháng 4/ 2007- Nam Định, tháng3/2010
----------
* Nhà tù Côn Đảo, 1862-1945, Nguyễn Linh, Nguyễn Đình Thống, Hồ Sĩ Hành, NXB Lao Động, 2006, tr, 33. **Nhà tù Côn Đảo, 1955-1975, Nhà xuất bản Chính trị Quốc
gia, 1996, tr.7-8.
=============================================
Địa chỉ: Phạm Trọng Thanh. Số 6/22, Ngô Quyền, TP Nam Định. ĐT: 0350,3839 698
Email : phamtrong thanhnd @yahoo.com.vn