Trong các loài thú hoang dã nuôi nhốt, có lẽ hổ là loài khó tính, khó nuôi và tốn kém nhất. Để hổ cái và hổ đực phối giống với nhau, sinh đẻ, nuôi dưỡng… là cả một quá trình vô cùng vất vả.
Vườn thú Hà Nội, nơi đã từng thành công với các ca sinh sản của hổ, song phần lớn số hổ con sinh ra đều chết vì rất nhiều nguyên nhân, chỉ có số ít là sống được đến lúc trưởng thành.
Câu chuyện về Lâm Nhi – con hổ nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ trước đến nay, in đậm trong dấu ấn người Việt, là một trong những con hổ sinh sản thành công nhất ở Vườn thú Hà Nội.
Lâm Nhi vốn là một chú hổ con, nặng 30kg, bị trúng bẫy của đám thợ săn khi đi kiếm ăn cùng mẹ trong rừng ở vùng Thừa Thiên Huế. Lâm Nhi được các đồng chí kiểm lâm cứu thoát vào năm 1998, khi bắt giữ một vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Hổ cái chỉ đồng ý phối giống với con hổ mà nó thích
Khi đó, Lâm Nhi bị thương rất nặng ở chân do sập bẫy. Sau nhiều ngày chăm sóc, cứu chữa, Lâm Nhi mới hồi phục hoàn toàn. Do lớn lên trong sự nuôi dưỡng của con người, nên Lâm Nhi mất khả năng kiếm ăn ngoài thiên nhiên, do đó, Lâm Nhi được chuyển về Vườn thú Hà Nội để nuôi dưỡng.
Đã có cả ngàn bài báo, phim ảnh nói về Lâm Nhi. Thậm chí, đã có một cuộc phát động đặt tên cho Lâm Nhi. Hổ Lâm Nhi lại càng nổi tiếng hơn, khi vào ngày 20/4/2003, đã sinh hạ được tới 4 hổ con.
Cha của những hổ con này là một chú hổ tên Đông, có tuổi thơ đau buồn không kém gì hổ Lâm Nhi. Đông vốn là một chú hổ con, nặng 9kg, bị trúng bẫy, được bán về Hà Nội vào năm 1997. Do không chịu ăn uống, bị suy dinh dưỡng nặng, đang ngấp ngoải chờ chết nên ông chủ đem nó ra lề đường rao bán cho người có nhu cầu nấu cao, những mong gỡ gạc lại chút vốn.
Hổ Lâm Nhi đã mất khi lên chức bà.
Người dân đã báo cho Vườn thú Hà Nội và ngay lập tức lãnh đạo Vườn thú đã mua con hổ này về. Do có đầy đủ thuốc men và kinh nghiệm chăm sóc thú dữ, nên chú hổ được cứu sống.
Cả “khu tập thể” của hổ khi đó chỉ có Lâm Nhi là hổ cái, còn lại toàn là giai. Anh em công nhân vườn thú đã ghép đôi Lâm Nhi với các anh hổ, song Lâm Nhi đều lắc đầu. Thậm chí, cô nàng đỏng đảnh xứ Huế còn làm ngơ trước hai chàng hổ giống Amur đến từ vùng Siberia. Hai anh chàng với dáng vóc lừng lững, nặng 250kg, dài tới 2,7m, với bộ lông dày, cùng đường vằn lớn rất đẹp cũng không quyến rũ nổi Lâm Nhi.
Anh chàng cuối cùng được đưa lại bên Lâm Nhi là Đông, một chàng hổ Đông Dương cùng loài, có dáng vóc khiêm tốn với cân nặng 150kg. Không ngờ, khi tách ra, cả hai cùng biếng ăn, lười ngủ, cứ gầm gừ suốt đêm. Anh Nguyễn Khắc Thọ nói vui: “Chắc do có chung hoàn cảnh, nên chúng cảm mến nhau từ bé”.
Cuộc phối giống diễn ra thành công, cuộc vượt cạn cũng diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, chỉ có hai hổ con tên My và Điên sống được đến hôm nay.
Hổ My...
...và hổ Điên, vừa là anh em, lại là vợ chồng...
...Đã cho ra đời chú hổ Lô đáng yêu.
Năm 2005, Lâm Nhi lại mang bầu với Đông, đẻ tiếp 4 con. Thế nhưng, vừa đẻ xong, thì Lâm Nhi qua đời vì hậu sản. 4 hổ con này cũng đi theo mẹ, để lại hổ Đông cô đơn một mình.
Xin kể thêm về hai người con của Lâm Nhi. Cô bé My sở dĩ có cái tên đẹp như vậy, là vì My rất hiền lành, đáng yêu. Ai cũng muốn chơi đùa, chăm sóc, nên cứ nhận nó là con của mình. Mọi người đặt cái tên My (tiếng Anh là “của tôi”), để khẳng định sự sở hữu tình cảm với My.
Ngược lại, Điên là một con hổ hung dữ, kỳ quặc. Mỗi khi có điều gì không hài lòng, nó gầm lên dữ dội, thậm chí lao đầu vào hàng rào khiến mặt mũi xước sát, máu me bê bết.
Hôm tôi đến, các bác sĩ dùng xơ-ranh đứng từ ngoài bơm thuốc sát trùng vào vết thương ở chân nó. Chả có chuyện gì quan trọng, nó cũng nổi sung, hất đầy thuốc vào mặt tôi và bác sĩ.
Năm tháng qua đi, hổ My trở thành “thiếu nữ”, rồi những cơn động dục cứ đều đặn đến. Anh em công nhân lại trở thành bà mối đi tìm giai cho nàng.
Giao phối cận huyết có thể để lại hậu quả nặng nề cho thế hệ sau (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng).
Cuộc tuyển chồng diễn ra khá vất vả. Anh em công nhân phải dụ từng chàng vào lồng, rồi khiêng đến chuồng cạnh để My chấm. Hổ đực mà My chọn lại là anh ruột, cùng cha, cùng mẹ của mình, đó là Điên. Chẳng có cách nào khác, đành phải cưới chồng cho My.
Năm 2006, My đẻ được 4 con, nhưng chỉ có Mặt Xám và Sứt Tai sống được đến ngày hôm nay. Cả hai đều đã trưởng thành như những mãnh chúa của rừng xanh.
Năm 2008, cuộc giao phối giữa hai anh em My và Điên tiếp tục thành công, và My lại lần nữa sinh 4. Tuy nhiên, 3 hổ con vừa sinh ra đã chết, chỉ còn lại một con. Có thể, hôn nhân cận huyết là nguyên nhân khiến 3 hổ con chết ngay từ lúc lọt lòng.
Không hiểu vì lý do gì, sau khi 3 hổ con chết, hổ mẹ không cho hổ con còn lại
Anh Nguyễn Khắc Thọ:Trước đây, Vườn thú có đôi sư tử, đẻ được đàn con. Không có giống khác, nên để anh chị em phối giống với nhau, bố con, mẹ con cũng phối giống lộn xộn. Kết quả, Vườn thú có một đàn sư tử bị thần kinh, cứ nghênh nghênh, ngoẹo ngoẹo, ngơ ngẩn cả ngày. Có con mới được 40kg đã có bờm, lông lá lù xù như trưởng thành. Cứ nuôi chúng được 50-70kg, tự dưng lại lăn đùng ra chết. Mới đây, cặp sư tử già chết nốt, thế là hết giống. |
bú nữa. Cán bộ, công nhân vườn thú phải tách hổ con khỏi hổ mẹ để nuôi bộ. Tuy nhiên, hổ con nhất định không chịu bú sữa bột mà cứ đòi mẹ. Tình hình rất căng thẳng, chỉ vài tiếng nữa, nếu không chịu ăn, nó sẽ chết.
Đúng lúc đó, một sáng kiến được đưa ra: tìm mẹ chó cho hổ. Lập tức, anh em được chia đi khắp ngả tìm mua chó đẻ. Rồi ngày cũng như đêm, anh em thay nhau nhét mồm hổ vào vú chó. Không ngờ, chàng hổ ta bú chùn chụt.
Hổ lớn nhanh như thổi, các mẹ chó cũng liên tục được thay mới đủ lượng sữa cho hổ con bú. Chừng tháng sau, hổ ta mới chịu bú sữa bột. Chú hổ này được đặt tên là Lô. Lô lớn lên thần kỳ bằng sữa bột.
Hổ Lô hiện đã ở tuổi trưởng thành, ăn khỏe, lớn nhanh. Anh em kỹ sư, công nhân theo dõi rất tỉ mỉ, song vẫn chưa thấy hổ Lô – kết quả của cuộc tình loạn luân có biểu hiện gì đặc biệt.