Nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, tôi vào mạng đọc lại lịch sử. Lòng tôi tự hào về ông cha mình oai hùng dám đứng lên đánh trả quân Mãn Thanh xâm lược. Nhưng tôi cứ nghĩ mãi vì sao thời ấy nước ta dân số ít, làm nông là chính mà không sợ quân Tầu hùng mạnh mấy chục vạn tinh binh. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi bố tôi. Bố tôi ngồi thư thái bên chén trà đầu xuân, nhìn tôi, đôi mắt ánh lên vừa trìu mến vừa kiên nghị.
- Con học lịch sử con biết nước mình nhỏ, sức lực có hạn so với các cường quốc đều như châu chấu đá xe. Anh Tầu to vật vã, anh Pháp đồ sộ, anh Mỹ hùng cường nhưng đều “lấm lưng” vì chàng Thạch Sanh Việt Nam.
- Vâng, đúng như thế. Cái gì làm nên sức mạnh ấy hả bố ?
- Ta có chính nghĩa, thuận lòng trời, ta có văn hóa Đại Việt và lòng yêu nước vô bờ bến. Bác Hồ khi kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vì Bác được dân tin yêu, tôn Bác là thủ lĩnh. Có người hỏi Bác ở đảng nào Bác trả lời Tôi là Đảng Việt Nam. Tức là chỉ có dân tộc, đất nước, xã tắc Việt mà thôi.
- Nhưng hồi vua Quang Trung thần tốc từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long đâu có thuận như thời Bác Hồ ?
- Mỗi thời có cái khó của nó. Vấn đề là lòng yêu nước sẵn sàng bùng lên nhưng cần một bàn tay nhóm lửa được tin yêu .
- Bố nói hay như một nhà tuyên giáo.
- Thì vưỡn, bố trên cả nhà nhà tuyên giáo “vẹt” ấy chứ.
Bố tôi vỗ vai tôi, giọng trầm xuống như rút ruột nói từng lời:
- Vấn đề là thủ lĩnh đừng hèn. Run tay lẩy bẩy thì nhóm sao được lửa. Vua Quang Trung là một thủ lĩnh không biết hèn, con hiểu chưa ?
- Con đã hiểu. Dân ta không hèn bố nhỉ…