Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGỌN LỬA LÊ VĂN TÁM CÒN SÁNG MÃI.

Nguyễn Văn Thịnh
Thứ ba ngày 22 tháng 9 năm 2009 6:34 AM
 
Bài báo Lê Văn Tám! Anh là ai? đăng trên Tuần báo Văn Nghệ TPHCM số 79, ngày 10 tháng 9 năm 2009 được sự tán đồng của nhiều bạn đọc gần xa ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt những vị từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ và đáng giá nhất là những vị lão thành từng có mặt tại mặt trận Sài Gòn – Gia Định ngay từ ngày đầu Sài Gòn nổ súng kháng chiến 23 tháng 9 năm 1945. Các vị đều tỏ ra bất bình trước những lời nói vô trách nhiệm của một người từng được giao trọng trách quốc gia và khẳng định việc đánh kho xăng xảy ra ngày 17 tháng 10 năm 1945 với tinh thần dũng cảm hy sinh của một thiếu niên yêu nước là có thật. Tinh thần vị quốc vong thân của một em bé đã là nguồn động viên khích lệ rất lớn với những chiến sỹ Vệ quốc quân lúc đó trong hoàn cảnh chiến đấu qúa chênh lệch về vũ khí. Các vị kể lại đơn vị của người anh hùng Nguyễn Đình Chính tổ chức cướp súng của lính Chà chóp (lính Ấn độ trong lực lượng Đồng minh của tướng Anh Gracey hậu thuẫn cho quân Pháp đánh chiếm Nam bộ) bằng cách giả bộ tới làm quen rồi thừa lúc sơ hở, ném bột tiêu ớt vào mắt nó và giật súng chạy biến đi… Bài hát Em bé tẩm dầu do nhạc sỹ Lê Minh Quốc sáng tác kịp thời, cho đến nay có người vẫn nhớ. Bà Trần Ngọc Hạnh – nguyên Giám đốc Thư viện khoa học tổng hợp TPHCM, đã nghỉ hưu, hồi đó là chiến sỹ của Chi đội Bảy tỉnh Bà Rịa, sau phiên chế thành Trung đoàn 307, nay tuổi đã cao nhưng vẫn còn hát được bài ca thuộc nằm lòng từ thời con gái: Cuộc kháng chiến Việt Nam có biết bao nhi đồng – Đã hiến thân liều mình vì nước – Gương em bé tẩm dầu – Đáng người đời soi chung… Em bé tẩm dầu xông vào – Kho xăng lửa bốc bùng lên – Làm cháy muôn thùng xăng – Hình hài em nát thiêu trong lửa hồng – Thiêu đốt quân thù chung – Và từ đây tên em nêu cao trên bảng vàng son… Một vị cựu chiến binh Nam tiến lão thanh hát luôn Bài ca Bát sắt từng phổ biến trong các Đội thiếu sinh quân thời đó: Anh Bát sắt ơi! Tinh thần anh cao qúy thay! Anh là một người anh hùng thiếu niên – Anh là một người anh hùng vô danh – Anh đặt Tổ quốc lên trên gia đình – Anh từ phương Bắc vô Nam giết giặc – Quản gì mưa nắng dãi dàu tấm thân – Anh ăn cơm bằng bát sắt – Anh hay hé môi ra cười – Không ai biết tên anh là gì – Hỏi tên húy anh thì anh cứ dấu – Anh là một người anh hùng thiếu niên – Anh đặt Tổ quốc lên trên gia đình… Dân tộc ta thời nào cũng thế, mỗi khi có giặc xâm lăng thì trẻ con, đàn bà, cụ già đều sẵn sàng đặt Tổ quốc lên trên gia đình, quên mình vì nước.
Tuy nhiên thời gian đã quá xa, những chứng nhân tứ tán và phần đông vắng bóng. Số ít vị còn lại như lá mùa thu thật khó tìm, lại đã bước xa ngưỡng tuổi cổ lai hy nên sự nhớ quên lẫn lộn. Dù sao các vị còn giúp cho được một số ý và tư liệu hiếm hoi. Đối chiếu với những lời kể của các chứng nhân thì thấy về địa điểm và quy mô điểm đánh cũng như cách tiến hành trận đánh dù có sự khác nhau nhưng không là điều quan trọng. Có vị nói địa điểm là Kho xăng bên Khánh Hội (nay thuộc Quận Tư) chớ không phải ở Thị Nghè (Bình Thạnh). Chỉ riêng Đại tá Võ Thành Kiết (mà trong bài trước chúng tôi ghi là Võ Thanh Khiết – xin được cáo lỗi Đại tá cùng bạn đọc) mô tả cụ thể địa điểm và sơ đồ trạm xăng. Thực ra Trạm xăng bị đốt cháy vào ban đêm và Kho đạn bị đánh nổ lúc ban ngày. Vụ đốt Trạm xăng Thị Nghè xảy ra cùng lúc với Mặt trận Thị Nghè đang xảy ra quyết liệt vào nửa sau tháng 10 năm 1945. Hai bên sống mái giành giật một chiếc cầu. Cho nên ngọn đuốc sống gây chấn động lòng người và mau chóng lan truyền ra cả nước. Dường như về sau này có sự lẫn lộn giữa vụ đốt Trạm xăng với trận đánh vào Kho đạn, hoặc như cùng một địa điểm mà đánh hai lần. Đấy là cái lý đe ngày nay một số người cho là hư cấu. Theo mô tả thì Kho đạn ở đường Docteur Angier (nay là Nguyễn Bỉnh Khiêm), cạnh Đài phát thanh (cũng gần Sở thú) là kho đạn lớn nhất nam Đông Dương lúc bấy giờ, mỗi bề dài vài trăm mét, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm và một đại đội Âu phi thường xuyên tuần tra canh gác nghiêm ngặt. Một nguồn tin tả: Đội viên cảm tử Lê Văn Tám, 13 tuổi được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ bên sông để quan sát… Thừa lúc địch sơ hở, Tám lọt được vào ẩn nấp ở bên trong với một chai xăng và bao diêm. Lúc mười giờ sáng, em tiếp cận, tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa đốt…  Một tiếng nổ long trời làm rung chuyển cả thành phố! Khắp người Tám bị dính xăng, bắt lửa, như cây đuốc sống! Em đã hy sinh anh dũng. Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn. Cả đại đội lính Âu phi bị tiêu diệt. Đành rằng trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng một chai xăng tưới ra có đủ làm mồi cho kho đạn nổ? Và ngọn đuốc cháy giữa ban ngày bên khối lửa bừng bừng là điều không dễ nhận ra.
Một nguồn tin khác tả: Chiến sỹ cảm tử đã đột nhập đốt cháy Kho đạn đường Docteur Angier cạnh Đài phát thanh… Mười giờ rưỡi, một tiếng nổ long trời phát ra từ kho đạn làm cả kho nổ đến chập tối ngày 11/4 mới chấm dứt. Đài phát thanh và nhiều phố xá kế cận bị sập. Trụ sở Bộ chỉ huy của tướng Le Clerc nát như cám(!). 600 tấn bom đạn, thuốc nổ và 40 tên lính Pháp thành mây khói. Phía ta những chiến sỹ đi phá kho bom không ai trở về! Quy luật chiến tranh, bên nào cũng thế, chiến tích của ta cũng như tổn thất của đối phương bao giờ cũng lớn. Không có điều chi cần bình. Nhưng tình tiết Phía ta những chiến sỹ đi phá kho bom không ai trở về trùng hợp với hồi ký của vị lão thành cách mạng Dương Quang Đông về trường hợp hy sinh của ba chiến sỹ Kakim, Kỷ và Ni bị mắc kẹt do nước thủy triều lên ngập cống làm cho chiếc ghe chở chất nổ sau khi đã cài đặt vào kho đạn, không thoát ra ngoài được.
Có lẽ vì tác động của vụ đánh Kho đạn lớn hơn và xảy ra sau trận đánh Trạm xăng nhưng không xa nhau mấy cả về thời gian và không gian, đồng thời hình ảnh về sự hy sinh của em Tám gây xúc động lòng người rất mạnh trong khi sự hy sinh của các chiến sỹ đánh Kho đạn thì âm thầm lặng lẽ, còn trong vòng bí mật, tới mấy mươi năm sau mới được làm rõ ra, cho nên lâu dần dư luận dễ nhầm.
Vị cách mạng lão thành Dương Đình Thảo hồi đó làm Chính trị viên tiểu đoàn 924 thuộc trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh (mà trong bài trước chúng tôi sơ xuất ghi là Tiểu đoàn, xin được đính chính), cung cấp một bản tin trên báo Cứu quốc số 74, ra ngày 23 tháng 10 năm 1945 đưa tin về cuộc họp báo của Hồ chủ tịch tại Hà Nội, Người nói: Đối với bọn thực dân Pháp cố tâm dùng võ lực lập lại chủ quyền của chúng ở đây, chúng ta nhất định chống chúng kỳ cùng và nhất định chúng ta sẽ phải thắng lợi. Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bực ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được.
Các nhà làm sử không thể quên rằng ngày 6 tháng 1 năm 1946 tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước, khi đó miền Nam đang trong tình trạng chiến tranh. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội khóa một họp phiên toàn thể đầu tiên và bầu ra Chính phủ Việt Nam kháng chiến do người đứng đầu của Việt Minh là Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thủ lĩnh của Việt Cách là Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch, thủ lĩnh của Việt Quốc là Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại giao, nhà cách mạng dân tộc nổi tiếng Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Thông tin – Tuyên truyền… Khi đó vụ đốt cháy kho xăng Thị Nghè với hình ảnh ngọn đuốc sống của một thiếu niên đã vang dội khắp cả nước rồi. Không rõ Bộ trưởng Trần viết bài vào lúc nào nhưng rõ ràng là ngay sau khi ngọn đuốc sống bừng sáng lên thì toàn dân đã biết. Xin lưu ý lời Hồ Chủ tịch: một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch có nghĩa là lúc ấy chưa xảy ra vụ đánh Kho đạn ngày 8/4/1946. Cụ Dương còn minh mẫn đọc mấy câu thơ của Tố Hữu: Anh đã chết,  anh chẳng còn thấy nữa – Lửa kêu lửa giữa miền Nam rực lửa – Như trái tim anh , ôi lửa nào bằng – Phút cuối cùng chói lọi khối sao băng (Tố Hữu), và cụ kết luận: Anh đây là Nguyễn Văn Trỗi, hay Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… tất cả đều xứng đáng!
Sự việc quá rõ rồi. Một vài tình tiết nhỏ không thể phủ nhận tinh thần dũng cảm của những chiến sỹ Việt Nam yêu nước được hun đúc từ ngàn năm lịch sử. Sở dĩ chúng tôi mất nhiều công tìm hiểu việc này là trách nhiệm của lớp người kế tiếp, được sống trong cảnh nước non độc lập, hòa bình hôm nay là thừa hưởng thành quả của những lớp người đi trước đã đổ bao mồ hôi, xương máu ra mới có. Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam trong số hàng hàng lớp lớp chiến sỹ của bao nhiêu thế hệ hy sinh âm thầm mà chúng ta cần phải trân trọng trong sự nghiệp giữ nước lâu dài và luôn đầy thử thách. Những tấm gương ấy còn sáng mãi trong lòng mọi thế hệ người Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử.
Trong khi những tấm gương anh hùng bất khuất sáng rỡ ràng như thế mà có những người mượn danh sử học làm lu mờ đi tinh thần yêu nước, đánh lạc hướng lớp hậu sinh! Nhưng lại cam tâm cầm bút ca ngợi những kẻ hèn nhát, đã qùy gối trước giặc lại còn trơ trẽn kêu gọi thuộc hạ dưới quyền hãy bẻ gãy giáo gươm, thành trì khỏi chống lại quân xâm lược, hô hào dựng tượng đồng bia đá, bỏ bùa mê vào dư luận!
Dân ta đã hiểu quá rõ dù giặc Tàu hay giặc Tây đô hộ thì chỉ những kẻ bán rẻ quyền lợi của tổ quốc và dân tộc mới được hưởng nhiều ưu ái phì gia phú qúy trong khi nhân dân bị đày đọa, tổ quốc bị xâu xé thế nào.
      NGUYỄN VĂN THỊNH
     Ngày 22 tháng 9 năm 2009