Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÒ CHUYỆN VỀ THƠ MÙA THU

Dương Kim Thoa thực hiện
Thứ sáu ngày 25 tháng 9 năm 2009 4:55 PM
 Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đêm Chủ nhật 20 tháng 9-2009 có buổi phỏng vấn nhà thơ Vân Long về thơ viết về mùa thu của các thi nhân từ trước đến nay. Chúng tôi sao lại  trên báo mạng (có sự giản lược) để giúp nhiều bạn không có điều kiện nghe Đài.                                                        
 
Phóng viên Dương Kim Thoa  (PV)
 Đứng trước sự biến chuyển của thiên nhiên, thời tiết, con người  luôn có những cảm xúc và thức nhận về sự luân chuyển của thời gian, vũ trụ. Nhưng tại sao, trước mùa thu con người lại có cảm thức về sự thay đổi thời gian sâu sắc hơn (như bồi hồi khi thu tới, lúc thu qua). Và sự lặp lại hàng năm đó, với nhà thơ làm công việc sáng tạo, như làm thơ về mùa thu, có e một sự sáo mòn?
Nhà thơ Vân Long (V.L.)                                                                         
 Mùa thu tới rồi mùa thu lại ra đi, là sự tuần hoàn của trời đất, ngỡ như chuyện bình thường, nhưng con người, nhất là các nhà thơ khi thu tới, thường bồi hồi xao động , ngẫm ngợi để có được những bài thơ hay, tứ thơ trác tuyệt. Theo tôi, trước hết, không thể không kể đến sự tác động của thời tiết, khí hậu. Cảnh sắc của mùa thu cũng đem lại sự dịu dàng cho con người cả cơ thể lẫn tâm hồn sau một mùa hè nóng bỏng. Mùa thu năm nay đến muộn với chúng ta là do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino hay do…sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, làm cho bức xúc kéo dài! Nhưng đến hôm nay thì cả hai nguyên cớ đó đã dịu đi. 
Nửa đêm về sáng đã thấy se se lạnh, có khi phải với tay lấy chiếc chăn đơn choàng lên nửa thân mình. Ban ngày thì giữa trưa bỗng không thấy nắng. Nhìn ra đường phố, mái nhà thì loang lổ, chỗ nắng, chỗ râm. Nhìn lên không trung mới thấy nguyên do: những đám mây mang hơi nước ngổn ngang đầy trời. Trong lòng mỗi người đa cảm cứ thấy nao nao hoài nhớ, như cũng có những đám mây nào trôi nổi ngổn ngang và xạc xào trong đó.
Những tín hiệu mùa thu cứ lãng đãng xa gần : Một gánh ổi thơm  vào phố - Chùm nhãn đung đưa tay trẻ nhỏ - Trái thị vàng một sắc dân gian...Đặc biệt, cái cảm giác se se lạnh, nắng nhạt nhoà. gió heo heo...lại chỉ có ở các tỉnh miền bắc nước mình. Khiến cho những người đi xa, nhất là những người đã chuyển cư vào phương nam quanh năm vàng nắng  không khỏi nhung nhớ cái tiết thu kỳ diệu này, còn nói gì đến những người tha phương ở mọi chân trời: Dẫu chưa làm một cuộc điều tra, nhưng tôi cam đoan những bài thơ hay về mùa thu của nền thơ Việt, các nhà thơ đều viết trong khí hậu thu miền bắc.
Mùa thu là sự tuần hoàn của đất trời, nhưng đời sống con người thì đâu có sự tuần hoàn. Một mùa xuân qua, là qua; mùa hè đến rồi đi, để một mùa thu mới lại vắt thời gian sang khoảng cuối một năm : Vàng bay mấy lá năm già nửa ( Gió thu, Tản Đà) báo hiệu trên đầu mình sắp thêm một năm qua, nhất là ở những người đã đứng tuổi, sự nghiệp còn lam nham, tình đời còn trắc trở. Hỏi làm sao nỗi lòng không ngổn ngang như những tảng mây trôi nổi mùa thu?
Mùa thu mỗi năm mỗi khác khi ta lớn dần lên, theo tâm lý lứa tuổi mà tiếp nhận mùa thu, người lớn thì lại tùy hoàn cảnh xã hội biến đổi mà vui lên hay buồn đi. Cho nên cùng chung một tiết trời, cảnh sắc nhưng ngay ở một con người, cảm thức cũng không có sự lặp lại mỗi độ thu về!    
Ta cũng có thể gọi Mùa thu là mùa của hoài nhớ. Những người trót mang tâm hồn nghệ sĩ càng thấy niềm nhớ mênh mang không xác định : Dọc những đường thu muôn nẻo ấy - Rất nhiều nghệ sĩ nhớ xa xôi (Một mùa thu tới, Quang Dũng). Tôi có chiếc hộp nhỏ, chỉ để đựng ảnh của những chuyến đi.  Thường cứ đến mùa thu mới hay giở ra xem, để nhớ xa xôi những nẻo đường, những con người mình từng gặp gỡ, yêu thương. Thỏa lòng hoài nhớ cũng là dằn lòng cho những khao khát giang hồ còn chưa thoả. Vì những lý do trên, mùa thu có vị trí đặc biệt trong cảm nhận của mọi người , nhất là của những thi nhân.
 P.V.
 Cùng với những cảm nhận về sự luân chuyển của thời gian, con người cũng đồng thời nhận thức được sự hữu hạn của đời người, sự mong manh của tình yêu. Có phải vì thế mà thơ hay về mùa thu thường mang âm hưởng buồn man mác?
V.L. 
 Có những câu thơ không nói trực tiếp đến mùa thu, sao ta lại thấy thu đến thế! Có lẽ vì sắc độ buồn: Bóng chiều không thắm không vàng vọt – Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong (Tống biệt hành, Thâm Tâm). Có lẽ sắc diện mùa thu là thế chăng? Không thắm cũng không vàng vọt, nửa thế này mà nửa đã thế kia!
Dường như các thi sĩ xưa chỉ chú ý có một nửa mùa thu, là cái nửa heo heo buồn, nửa của mùa thu lá rơi. Nhưng mùa thu cũng còn là mùa quả chín.Những trái na ngọt mát, những quả chuối trứng quốc, những quả thị vàng ươm...Đó là những thứ quả đã vượt bao thời tiết khắc nghiệt từ giá rét cuối đông đến trưa hè nắng lửa, qua cả mùa bão giông quăng quật cây trái đến kinh hoàng! Mùa thu 1945 đã chín bừng một cuộc Cách Mạng, khai sinh một nước Việt Nam mới. Nhạc sĩ Văn Cao sau khi viết bài hát Cờ in máu chiến thắng..., lại làm thơ: Máu bao người thấm đất - Để người ta mãi nhớ - Phố phường Hà nội – Lúc vào thu. (Mùa thu).
Tôi có người bạn thơ bị bệnh tim khá nặng, đã thẩm thu bằng cả nhịp đập trái tim đau của mình Trái tim đập suốt mùa mưa bão - Trời nối vào thu tự lúc nào! Anh vẫn thấy đời đang chín từng vụ quả, dẫu cuộc sống của anh lúc ấy leo lắt như chiếc lá sắp lìa cành Tiếng ve tắt lịm trong vườn quả - Trám bùi lúc lỉu tím cành cao (Một mình cuối mùa thu, Hoàng Hữu).
P.V.    
 Xin nhà thơ cho biết sự khác biệt trong cảm thức thời gian của các nhà thơ trung đại và hiện đại trong những bài thơ về mùa thu?
 V.L.
 Lịch sử thi ca của chúng ta ghi nhận nhiều bài thơ hay của ông cha viết về mùa thu. Nhìn chung, các nhà thơ trung đại thường vịnh thu ở trạng thái tĩnh và buồn, lặng lẽ …như bài Thu của bà Ngô Chi Lan đời Hậu Lê:     
                             Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
                             Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
                             Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
                             Rừng phong lá rụng tiếng như mưa
Bà Huyện Thanh Quan thì:
                                     Thánh thót tàu tiêu mấy giọt mưa
                             Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
                             Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
                             Trắng xoá Tràng Giang phẳng lặng tờ
                                                    (Trích Cảnh chiều thu )
Nguyễn Khuyến có chùm ba bài thơ về thu: Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh mà tuổi nhỏ chúng ta đã được học. Giữa cảnh ao thu, trời thu, rượu thu hiển hiện một nho sĩ tìm thơ trong sự nhàn du, tĩnh lặng: 
                              Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
                              Một chiếc thuyền con bé tẻo teo
                              Sóng biếc theo làn hơi gợn tý
                              Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo (Thu điếu)
 Gam màu xám nhạt bao phủ cảnh sắc mùa thu, như bao phủ cả hồn người: cảnh tiêu sơ, phẳng lặng tờ, ao thu lạnh lẽo, thuyền câu bé tẻo teo...
Đến giai đoạn tiếp giáp với Thơ Mới, thì ta có thi sĩ Tản Đà, như Hoài Thanh nhận định: ông như cái gạch nối giữa hai nền thơ Cũ- Mới “Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ  một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, khuôn sáo…” ta mới thấy nụ cười hé lộ trong thơ,  dẫu ông vẫn thú nhận:
                             Thế gian buồn lắm chị Hằng ơi!
                       Trần giới em nay chán nửa rồi
                       Cung quế đã ai ngồi đó chửa
                       Cành đa xin chị nhắc lên chơi
                       Có bầu có bạn can chi tủi
                       Cùng gió cùng mây thế mới vui!
                       Rồi cứ mỗi năm rằm tháng Tám
                      Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.
                                                         (Muốn làm thằng Cuội).
 Giai đoạn Thơ Mới với những bài thơ về thu đậm chất lãng mạn của một thời, tiêu biểu như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu…Tôi chỉ dám dẫn một bài thơ Thu ngắn nhất, nhưng là một trong số ít viên ngọc sáng nhất của thơ về mùa thu mà chưa nhiều người biết của thi sĩ Trần Huyền Trân, do sự xuất hiện quá thưa thoáng của ông về Thơ (ông hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu), ông chỉ được nhắc đến ở 2 trang cuối cùng trong Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh- Hoài Chân). Và cuối đời mới xuất bản tập thơ duy nhất Rau Tần (1986).
                                                     Thu
                                     Mưa bay trắng lá rau tần
                              Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
                                     Có người về khép song thưa
                              Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
                                                                         (1939)                
 Đây là sự cảm thụ thiên nhiên rất tinh tế tài hoa của tác giả, nhuần nhuyễn với vẻ đẹp ngôn ngữ Việt đã tới độ hoàn thiện!
Đầu Kháng chiến chống Pháp xuất hiện một bài thơ chữ Hán: Thu dạ (Đêm thu) của nhà thơ Hồ Chí Minh được dịch ra như sau:  
                                        Trù hoạch canh khuya việc tạm vơi
                                        Gió mưa thu báo lạnh thu rồi
                                        Còi thu bỗng rúc vang rừng núi
                                        Du kích về thôn, rượu chửa vơi!
Bài thơ có cái tráng khí của một nho tướng thức đêm trù liệu việc quân, bên chén rượu chống khí lạnh. Nói đến đêm thu lạnh mà không một nét buồn, vì Còi thu bỗng rúc vang rừng núi  báo đoàn quân ra trận mới trở về!
Các nhà thơ đương đại lấy tâm hồn phóng khoáng của thời đại mình mà soi vào trời đất, có những câu thơ thật hay về lúc giao mùa: Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu (Sang thu,  Hữu Thỉnh). Hai câu đó là cái đỉnh sáng tạo của bài thơ, còn cả bài thơ cũng trên một cái nền khá cao với những cảm nhận không đễ có:
                               Bỗng nhận ra hương ổi
                              Phả vào hương gió se
                              Gió chùng chình qua ngõ
                              Hình như thu đã về.
                              Sông được lúc dềnh dàng
                              Chim bắt đầu vội vã
                              Có đám mây mùa hạ
                              Vắt nửa mình sang thu.
                              Vẫn còn bao nhiêu nắng
                               Đã vơi dần cơn mưa
                               Sấm cũng bớt bất ngờ
                              Trên hàng cây đứng tuổi. 
Bài thơ ngay từ đầu, hoàn toàn tả thực, tác giả giấu ý ẩn của mình một cách kiên trì đến khi chỉ còn hai chữ đứng tuổi cuối cùng người đọc mới nhận ra: Đây cũng đồng thời là mùa thu cuộc đời của tác giả.  Anh đã đến cái tuổi dù sấm sét bão giông cỡ nào cũng…bớt làm anh ngạc nhiên!
Bài thơ hay nhất của đời thơ Ngô Quân Miện có lẽ là bài Cánh chim, ông viết về sự huyền diệu của trời đất bằng một giọng thơ thiền, thầm trách thế nhân vội vã mưu sinh, không thấy được lẽ trời biến ảo:
                              Mây vừa qua trăng đã thu
                       Tận cùng xa thẳm của hư vô
                       Cánh chim vội thế không hay biết
                       Trái đất sau lưng đã trở mùa!
Cảm nhận mùa thu với những tài thơ thật khác nhau, vì vậy, ít có sự trùng lặp!
Nhà thơ Nguyễn Duy thẩm thu qua tình mẹ lớn lao ở bài Mùa thu:                     
                         Gió mùa thu đẹp thêm rằm
                        Mẹ ru con, gió ru trăng sáng ngời …
Đôi câu kết bài đã làm chủ thể, khách thể của lời ru tan hoà vào nhau. Không phải chỉ đứa con nhận lời ru của mẹ mà chính mẹ cũng nhận được niềm vui, sự sống từ con:
                        Ru con, mẹ hát…trăng ơi
                        Con ru cho mẹ bằng hơi thở mình! 
 Quang Huy thì có tài dùng lục bát để chấm phá một cảnh hoang sơ mà rất gần gụi, người đọc dường như ai cũng ngỡ đã gặp cảnh này ở một làng quê nào đó:
                               Sông dài tiều tụy phù sa
                      Tiếng chim thảng thốt vụt qua gió gầy
                               Chuông chiều ai thỉnh sau cây
                       Bàng nghiêng lá đổ tím đầy bến thưa/
Bài thơ có nguy cơ chìm dần và mất hút nếu không có hai câu này làm người đọc sững sờ vì…lạ, chưa thấy ai viết thế:    
                            Trời hoang đè gẫy vai chùa    
                     Tóc em thả xuống một mùa heo may
Hai câu thơ rất vu vơ về ý nghĩa, nhưng lại không thể thiếu chúng để dựng đứng bài thơ vào tâm khảm người đọc.
P.V.
Với thi sĩ, tình yêu là một đề tài không bao giờ cũ, nhưng tình yêu được thể hiện trong cảnh sắc, khí hậu mùa thu dường như có gì đó bâng khuâng hơn, đã dịu dàng càng dịu dàng hơn. Có phải như vậy không, thưa nhà thơ?  
V.L.
Vâng quả có vậy! Nhưng còn xuất hiện cả những sắc thái khác. Tôi nhớ bài thơ của anh Bế Kiến Quốc. Dù bốn bề đã gió heo may, anh vẫn chưa chịu đó là mùa thu, còn thiếu một yếu tố quan trọng nữa:     
                                Đất trời hồi hộp cùng anh
                          Có em về nữa là thành mùa thu!
                                                                         (Đợi thu về)
Lớp nhà thơ thế hệ sau cũng lãng mạn, bâng khuâng mỗi độ thu về. Nhưng ở họ không còn bao nhiêu nỗi u hoài, heo hút…Họ mạnh mẽ cả trong thương nhớ: Ta thử nghe một đọan đầu bài Mùa thu xa của Trần Quang Quý:
                            Em đi xa mùa thu bỏ ngỏ
                            Lá rơi ngõ chiều bâng quơ
                            Bếp im lửa
                                        Que diêm buồn
                                                              im hộp
                             Anh một mình hoang dại
                                                            nỗi không em. 
                            Mùa thu xa nhau
                                                     mùa thu rất rộng
                            Rót bao nhiêu thương nhớ cũng không đầy…
Dẫu không rót đầy được mùa thu xa nhau, bởi nỗi xa nhau mênh mông lắm, ta vẫn thấy cái nội lực nhớ thương của nhà thơ thật là ghê gớm!   Sức mạnh bài thơ còn ở những chữ dùng rất mới: mùa thu bỏ ngỏ. Bếp im lửa/ que diêm buồn, im hộp. Bình thường thi không thể dùng chữ im hộp , nhưng đã có sự bắc cầu từ im lửa. Anh một mình hoang dại nỗi không em thì …hoang dã quá, nhưng cũng chính vì vậy mà tạo sức mạnh, không thật sự sống trong tâm trạng ấy và không bạo tay, không viết nổi! 
 Mùa thu của Trịnh Hoài Giang thì đưa ra một giả thiết:
                             Nếu như chỉ có lá vàng rơi
                             thì mùa thu đã chết
                             Và vòm trời cao xanh biền biệt
                             Sẽ heo may cho đến bao giờ. 
                                Xào xạc lá khô
                              Xao xác lá khô
                             Sen tàn hết cúc vàng cũng hết. 
                             Mùa thu chết
                              Nếu như
                              Không có em thơ thẩn
                              Không có em đợi chờ
                              Nhữngchiếc lá héo vì thương nhớ
                              Em một nửa và lá vàng một nửa
                                           Mùa thu!          
Những nét chấm phá cũng không kém quyết liệt khi tác giả không cần lý giải hoàn cảnh, nhà thơ viết như văng ra một khẳng định sau khi đã Nếu như…
Chính dòng thơ Việt từ sau Cách nạng tháng Tám,nhất là sau Đổi Mới đã đem đến sự đa dạng và sức mạnh thay đổi cả sắc thái u hoài của Mùa thu trong văn học! 
Mùa thu không chỉ có giai điệu buồn mờ xám mà để cân bằng lại, nó còn là vui sáng, niềm tin, hy vọng với một số người! ..
          Có lẽ mùa thu cũng như đời vậy, có vui, có buồn, có giận hờn, xa cách, có khổ đau, hạnh phúc...”Viên xúc xắc mùa thu” của Hoàng nhuận Cầm cũng bất lực để thể hiện mùa thu...
          Mùa thu như cô gái đẹp dịu dàng, dẫu đôi lúc còn đỏng đảnh bão giông, nhưng luôn gợi cho ta, cho các nhà thơ những mỹ cảm, những suy nghĩ sâu sắc về sự tựu thành của thiên nhiên, con người!..  
P.V.
 Thưa nhà thơ Vân Long, ông đã bình dẫn nhiều nhà thơ viết về mùa thu, mong ông đọc tặng thính giả nghe Đài bài thơ thu của ông mà ông tâm đắc.
V.L. 
 Vâng, cảm ơn MC Dương Kim Thoa! Tôi xin góp phần vào Hội thơ một trong mấy bài tôi ký thác tâm trạng thu  của riêng mình: bài thơ
                                       
                                         Vào thu
                    
                                 Nắng như sánh hơn
                           Lá cây trong hơn
                           Tưởng nghe được mùa thu nhẹ bước
                           Lao xao trên thảm cỏ mềm
                           Một gánh ổi thơm vào phố
                           Chùm nhãn đung  đưa tay trẻ nhỏ
                           Trái thị vàng một sắc dân gian
              
                                 Gặp mùa thu lòng mình
                           Nửa thế kỷ gánh trên vai cái tuổi
                           Mùa thu vầng trán trầm tư
                           Lượng trời rộng sao lòng mình hẹp
                            Thiên nhiên không biết cũ già
                            Lá biếc ngàn năm- vẫn biếc
                             Tàn nở ngàn năm - vẫn hoa
                           Trận mưa thu ào qua
                           Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt…
                                                Dương Kim Thoa thực hiện