Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIỖ ĐẦU THÀY DƯƠNG THIỆU TỐNG - 22/9

Đoàn Nam Sinh
Thứ hai ngày 21 tháng 9 năm 2009 8:15 AM
 
Trong một Hội đồng khoa học, Gs Trần Quốc Vượng là người được Bộ quyết định làm “chủ xị”. Nhưng ông đã nghiêm cẩn đứng lên xin mời một thành viên Hội đồng ngồi vào ghế Chủ tịch. Rồi ông kính thưa với mọi người, rằng “thày Dương Thiệu Tống đây là thày dạy tôi những tiếng Anh đầu tiên từ trước ngày… cách mạng mùa Thu”. Đó cũng là câu chuyện ngoài ba mươi năm trước.
Quả thật, từ 1942 thày Tống đã dạy l’Anglais vivant ở trường trung học. Thày là bạn cố tri của Gs Đinh Xuân Lâm, cùng dạy học ở trường Hà Tĩnh sau ngày Độc lập. Có lần tôi được nghe lõm chuyện về thời trai trẻ của hai người: Ngày ấy, cô Thận- vợ của thày Tống sau này và một người chị đều là…học trò ngoan và xinh đẹp của cả hai ông giáo- còn quá trẻ và rất đỗi tài hoa.
Qua thày Lâm, tôi được biết Gs Tống yêu thích âm nhạc. Ông đặt lời tiếng Anh cho khá nhiều ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác trong giai đoạn non trẻ ‘30-‘40. Có lần vui người đã xướng lên một vài đoạn ưng ý với lời và giọng khá hay, dù chỉ còn độc… một chiếc răng cửa hàm dưới ở lớp tuổi “cổ lai hy”.
Lần nọ tôi xin vô phép được hỏi thày về năng khiếu âm nhạc, thày thoáng cười rồi nghiêm nghị nói chắc là tôi có di truyền từ cụ nghè Dương Lâm nhà tôi. Nhân thể thày giải thích lời bài hát ca trù nổi tiếng “Hồng hồng Tuyết tuyết”. Rằng cụ Nghè vừa đỗ đạt đã nhận ra dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nên có lời tấu với vua Tự Đức không thể nhún nhường với Tây, phải chống lại mới khỏi mất đất. Vua xem xong bèn châu phê bên cạnh: bất thức thời vụ tức là …mới ngày nào chửa biết cái chi chi, và cho về quê ngồi chơi xơi nước chứ không phải chờ hậu bổ. Mười lăm năm liền cụ đau đáu dõi theo việc mất đất, chuộc đất,… và các cuộc nỗi dậy ở Nam kỳ / …mười lăm năm thấm thoắt có sá gì. Đến lúc đó, hệ thống bảo hộ của Pháp đã chuẩn bị hình thành, thì vua Tự Đức mới vời cụ Nghè vào cung bàn chuyện đối phó. Quan lại lúc này chỉ là bù nhìn, ví như bị gả đi để làm dâu cho Tây/…ngoãnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu. Bấy giờ vua mới thấy rõ giặc Pháp đã lợi dụng việc “nghị hòa” trước đây để thôn tính toàn bộ lãnh thổ./ …Ngã nẵng du thời quân thượng thiếu, quân kim hứa giá ngã thành ông ( lúc tôi đã biết đó đây rồi, vua hãy còn trẻ quá, nay vua hứa gả bán tôi thì tôi đã thành ông già). Vua tôi gặp nhau mà ngại ngùng /…cười cười nói nói thẹn thùng, mà bạch phát (tóc bạc) với hồng nhan ( vua trẻ) thêm ái ngại. Hồng và tuyết là vậy. Vua nhu nhược và lúng túng không kịp mưu sự gì nữa thì phải ký tiếp hiệp ước 1874., còn cụ Nghè cũng không thể làm gì khác hơn /…Thẹn một nẻo thanh sơn (cung vua) đi lại. Lòng yêu nước thương nòi ray rứt / …những ngây ngây dại dại vì tình. Chính lúc này cụ vẫn lắng nghe và ủng hộ công cuộc kháng chiến của nghĩa quân khắp nơi / …Đàn ai một tiếng dương tranh !
Thế mà đã có lúc ai đó hiểu theo cách Ngày xưa Tuyết muốn lấy Ông, Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì. Bây giờ Tuyết đã dậy thì, Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê Ông già. Chết không ?!
Thời ông Diệm, có lúc thày làm hiệu trưởng trường Quốc Học Huế. Nhiều học trò ngày đó đã thành đạt, hay tổ chức họp mặt, chúc thọ thày cô và tình cảm của thày cô cũng rất sâu đậm với trường cũ mỗi khi cùng ôn lại. Tôi biết thày có để dành một số tiền lớn, định mang về xây dựng thêm lớp học và trang bị thêm cho phòng thực tập của trường, và thày cô đã thực hiện được.
Thày luôn nghiêm túc trong việc dạy và học. Cho đến cuối đời thày vẫn ngồi bên máy tính biên soạn sách, nghiên cứu, học hỏi…Khi tôi hỏi sao thày không viết luôn tiếng Anh và xuất bản ở nước ngoài, thày mắng ngay rằng tôi nghiên cứu và viết lách cho học sinh nước mình học, không việc gì phải lo cho Tây Tàu.
Thày vẫn say sưa với các phương pháp đánh giá học lực của sinh viên, nhưng không theo “chủ nghĩa khoa bảng”. Thày nói các con tôi đều học hành đỗ đạt cả (tiến sĩ) nhưng tôi tôn trọng những người tự học và rất quý việc tự học.
Thày tự tìm hiểu rất sâu về Kinh Dịch, nhưng người luôn bảo rằng tôi chưa hiểu Dịch, tôi còn đang tìm hiểu Lạc thư. Thày cô hay nhắc tới Gs Lương kim Định một cách thân quý. Qua đó, tôi hiểu thêm rằng linh mục Kim Định chịu ảnh hưởng ít nhiều quan điểm của Edgar Cayce’s- một nhà tiên tri nổi tiếng ở Mỹ, nhất là về Miêu tộc (Mu &Muzuen) và tộc Việt cổ. Thày cũng quan tâm sâu sắc tới cội nguồn và tình tự dân tộc, vừa nghiêm khắc với học trò lại vừa cởi mở, luôn vạch ra đường hướng mới khuyến khích việc học hỏi và tự nghiên cứu…
Trong nhà, thày vẫn rất thương và chăm nom cô với cung cách có một phần là người học trò yêu. Thày trân trọng giới thiệu cho chúng tôi những bài thơ Đường mà cô mới sáng tác, lắng nghe và thưởng thức khi cô ngâm nga… Hãy đứng vào góc khuất mà nghe hai người xưng hô với nhau như thời rất trẻ. Ấy thế mà thày lại rất tôn trọng và lắng nghe cô, nhất là việc giữ gìn sức khỏe.
Chắc vì thế mà thày đi tháng 9 năm trước thì tháng 3 năm này cô cũng đi theo. Căn nhà nhỏ, đơn sơ với hàng chữ căn dặn đừng để vết bánh xe làm bẩn tường, đã mãi mãi không còn dáng gầy gò của thày cặm cụi trên máy tính và bóng cô ra hành lang nhỏ tưới cây.