Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỰ NHẦM LẪN ĐÁNG KHEN

Vân Long
Thứ sáu ngày 25 tháng 9 năm 2009 6:00 AM
Câu chuyện chữ nghĩa

          Trong thơ, nhất là thơ phương Đông, đã có nhiều giai thoại  nhà thơ phải lao tâm khổ tứ vì một chữ, dùng sao cho tinh xác, linh diệu, khiến đã hạ bút rồi thì một nhà thơ tài đến mấy cũng khó mà thay nổi! Điển hình cho những giai thoại này là điển tích “thôi, xao”  từ đời nhà Đường mà một em học sinh trung học có lẽ cũng đã đọc ở đâu đó hoặc từng nghe thày giáo kể, chỉ xin nhắc qua làm đà câu chuyện:

Hàn Dũ đời Đường vì “tội” can vua nên bị dáng chức tại triều, trên đường  đi Triều Châu nhận chức thứ sử, ông ngạc nhiên bắt gặp một nhà sư đứng bên con lừa, giữa đêm trăng, mồm lẩm nhẩm, một bàn tay lúc xòe thì đẩy ra phía trước, lúc thu lại thì khum ngón gõ vào không khí, như người đang niệm chú, bắt quyết, hay chí ít cũng là người…dở hơi. Ông dừng lại hỏi han. Thì ra đó là nhà sư Giả Đảo là người hay thơ, ông này vừa làm xong bài thơ, đang phân vân về một chữ dùng trong hai câu thơ:

                              Điểu túc trì biên thụ

                              Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn           

               tạm dịch:

                               Chim đỗ cây bến nước

                               Sư đẩy (gõ) cửa dưới trăng

Giả Đảo dùng chữ thôi trước, đọc lại thấy chưa ưng ý, ông bèn thay bằng chữ xao, rồi chữ xao có vẻ cũng chưa hơn thôi, cứ thế, ông  đọc đi, đọc lại không biết đã mấy canh giờ!…

Hàn Dũ bật cười, ông góp ý nên dùng chữ xao!    

Làng thơ nước mình, xét ra cũng có nhiều đóng góp vào kho giai thoại

“thôi xao”:

Đầu tiên phải kể đến nhà thơ, tác giả trường ca Từ đêm mười chín

hồi đầu kháng chiến chống Pháp: Khương Hữu Dụng (đã quá cố). Nhà thơ Khương Hữu Dụng là người nổi tiếng kỹ tính, cụ viết bài thơ tứ tuyệt Lên Côn Sơn như sau :

                                         Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi

                                 Trên đầu xanh ngắt một bầu không

                                 Bàn cờ thế sự quân không động

                                 Mà thấy quanh mình nổi bão dông

Sau nhiều đêm suy nghĩ lao lung, nổi hay nỗi, nỗi hay nổi? cụ mới xoá chữ nổi (dấu hỏi), để xác quyết chữ nỗi (dấu ngã) là hay hơn. Vì thế, khi một tờ báo ở Hà nội in bài thơ đó sai đúng cái dấu đó, cụ đến tòa soạn, nghiêm giọng trách “Các ông làm ăn thế này thì chết tôi rồi!” – “Thưa cụ, chúng cháu làm gì mà đến nỗi…? Xin  cụ chỉ giáo!” – “Không chết à? Các ông in ấn thế này thì thơ nó chết ông ạ! Mà đối với tôi, thơ nó chết thì người còn sống làm gì! Cả bài tứ tuyệt của tôi, chỉ đáng giá chữ nỗi lại in thành nổi! Tức là nó “chết” cả bài thơ! Các ông có biết không?”

          Kỳ lạ là cũng ngay sau đó không lâu, mục Bút tài hoa  của tạp chí Tài

 hoa trẻ cũng in bài bình Lên Côn Sơn của nhà thơ Trinh Đường, cũng

trích dẫn, in sai đúng cái dấu đó. Trinh Đường phát âm giọng Quảng Ngãi  của ông thì còn có thể nhầm dấu hỏi, dấu ngã, ở đây là chữ in, lại cẩn thận mở ngoặc (…..) thì không còn sai vào đâu được: “ Câu 3, câu 4: Động sao được một bàn cờ bằng đá mà Ức Trai đã “đàm tâm” cách đây đã hơn nửa thiên niên kỷ! Chữ nổi (dấu hỏi) trong câu 4 đã làm nhiều bạn thơ đến khen ngợi già Khương”.

        Như vậy là nhà thơ Trinh Đường vẫn đinh ninh chữ nổi (dấu hỏi) là

đúng của tác giả.Vậy là lần này không phải cánh nhà in không hiểu thơ đã       “giết” tác giả, mà chính một nhà thơ uyên bác đã “mưu sát” già Khương!

        Tôi cho điều này có lý do của nó: Khi tác giả đã khổ công nghĩ ra một    

chữ, thường cho chữ này là nhất. Nhưng khi bài thơ vào quần chúng, có sự nghi vấn chữ,  người đọc buộc phải tự giải đáp: nên đọc (in) thế nào là hợp lý nhất, khi không có tác giả mà hỏi.

        Nhân việc này, tôi đã thử điện thoại hỏi ý một số nhà thơ xem họ  sẽ

“bỏ phiếu”  cho chữ nào, nếu là thơ của họ, thì ...nhà thơ Đông Trình ở Đà Nẵng: “...tôi thấy cái chữ nỗi mà cụ quyết liệt bảo vệ không hay hơn chữ nổi đã bị in  nhầm. Nỗi bão dông nó lặn vào bên trong làm câu thơ có chiều sâu, nhưng không sinh động, không hiện thực bằng nổi bão dông! Bởi lẽ: Dù bàn cờ thế sự quân không động, thì nỗi bão dông trong lòng vẫn có thể diễn ra! Không động mà nỗi là bình thường, không động mà nổi thì mới lạ, mới hay!”

Một nhà thơ khác, Hoàng Nhuận Cầm : Tôi thấy chữ nổi hay hơn, vì nó được  nhìn thấy ở quanh mình, và không phải nhà thơ thì không nhìn ra được! Nó là sự đối lập với hình ảnh Bàn cờ thế sự quân không động!

          Nếu tôi phải bỏ phiếu, có khi tôi lại đứng về phe già Khương!

Nhưng căn cứ vào cuộc tham khảo, kể cả Trinh Đường, không nhà thơ nào

cho nỗi hay hơn nổi, nhưng bài thơ là sản phẩm cá biệt của nhà thơ, không thể số đông “biểu quyết” mà tác giả phải sửa theo. Ở đây tôi chỉ muốn cãi nhẹ tội cho nhà thơ Trinh Đường, không đến tội ...giết người! Bài thơ Lên Côn Sơn lỡ in sai một cái dấu cũng không vì thế mà hòn ngọc thơ đó bớt sáng đẹp, thậm chí với một số người, nó còn sáng đẹp hơn !

       Trường hợp “thôi xao” thứ hai do nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm cung cấp:

 Trên tạp chí Thơ số 5-2006, Nguyễn Xuân Thâm kể lại thời điểm lần   

đầu tiếp xúc với thơ Hữu Loan, bài Đèo Cả lại in trên tạp chí Thế giới xuất

bản ở Sài gòn năm 1950, dưới hình thức bài báo trích dẫn mục Tiếng Thơ

của Xuân Diệu in ở tạp chí Văn Nghệ vùng kháng chiến Việt Bắc. Những

ngày đầu kháng chiến, người dân trong vùng địch thường mong ngóng hướng về bưng biền, khiến các tờ báo hiểu tâm lý ấy, nên hễ bộ máy kiểm duyệt lơi lỏng là độc giả được đọc những bài như trên. Bài này nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu và bình bài thơ Xuân của Đào Xuân Quý và Đèo Cả của Hữu Loan (mà tác giả chỉ ký mỗi chữ Hữu) Khi đọc Đèo Cả, Nguyễn Xuân Thâm cứ đinh ninh câu thơ của Hữu Loan Mây trời Ai Lao sâu đại dương (sâu không có dấu huyền) là đúng, có lẽ do tạp chí Văn Nghệ vùng kháng chiến in trên giấy thô làm bằng  tre nứa nên chữ dễ mất dấu. Báo Sài Gòn cứ thế in  lại. Nhưng nhóm Chân trời mới ở Sài Gòn (gồm Thiên Giang, Tam Ích, Thê Húc, Dương Tử Giang…) lại rất khen, cho là mới mẻ, sáng tạo nhất trong bài là câu Mây trời Ai Lao sâu đại dương.

Hai mươi năm sau, gặp nhà thơ Hữu Loan, Nguyễn Xuân Thâm nhắc

lại chuyện này. Hữu Loan ngẩn ra một lúc rồi thừa nhận: “Chữ sâu hay hơn

chữ sầu. Chữ sâu làm cho câu thơ hiện đại”. Vậy không phải nhà thơ nào

cũng chỉ chủ quan khăng khăng cho chữ của mình đã nghĩ ra là duy nhất đúng!  

          C ó nhà thơ còn “phục thiện” hẳn một câu…in sai, tự nguyện lấy làm

câu đúng. Tôi liên tưởng đến việc nhà in  nhầm hẳn một câu của nhà thơ Huy Cận:

                                     Cá nhụ, cá thu cùng cá đé

                                     Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

                                     Cá đuôi én quẫy trăng vàng choé

                                     Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long

                                                                   ( Đoàn thuyền đánh cá)

      Câu 3, báo Văn Học (tiền thân của báo Văn Nghệ) in thành : Cái đuôi

 em quẫy trăng vàng choé. Hẳn nhà thơ Huy Cận cũng choáng người khi bị in sai. Nhưng khi than phiền với mọi người, có người lại khen câu in nhầm này, bởi ...đã kể tên 4 thứ cá, có kể thêm cá đuôi én  cũng không vì thế mà người ta khen nhà thơ giầu thực tế hơn. Trong khi gọi cá song là em lại thêm phần ...tình cảm, lại phá thế “độc canh” của đoạn thơ.

Hẳn là nhà thơ Huy Cận cũng thấy thế, nên khi đưa in vào tuyển

thơ Việt Nam 1945-1985 (trang 111), ông chấp nhận câu in sai (do “cánh      

nhà in” biên tập) là câu đúng của mình: Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé!  

Một số trường hợp in sai trên đây không ảnh hưởng là bao đến cái

hay của toàn bài hay cả đoạn, chính vì cái hay nằm trong hình thế toàn bài,

toàn đoạn, chứ không tụ lại ở một vài chữ như những trường hợp khác, tôi

thiển nghĩ như vậy!

Những  trường hợp trên đây cũng  để chúng ta cùng rút kinh nghiệm:

Dù có  yêu chữ nghĩa của mình đến mấy, cũng nên để ngỏ một hướng

để tiếp nhận ý kiến của mọi người. “Mỗi ngày gặp một người, họ là một

mảnh của thiên tài nhân loại”.  Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết thế!
 

 (nguồn: Văn Nghệ Công An số 112 ngày 21/9/09)