Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XỬ ÁN BẰNG...THƠ

Ngô Minh Thuyên
Thứ tư ngày 23 tháng 9 năm 2009 8:24 PM
 
Xưa nay, nói đến công đường xử án, là nói đến chốn uy nghiêm nơi thực thi  luật vua, phép nước, ít ai nghĩ rằng thơ - ngôn ngữ của cảm xúc lại hiện hữu trong phán quyết nơi công đường. Thế nhưng, trong lịch sử xét xử của ngành tư pháp nước ta, có không ít vụ án đã được phán quyết bằng thơ, nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm phép công và đạo lý văn hoá truyền đời của con người Việt nam.  Xin lượm lặt chép ra đây vài chuyện hầu bạn đọc để hiểu thêm chốn công đường xưa nay cũng có nhiều chuyện thi vị lắm.
   Vụ khiếu kiện bằng thơ và phán quyết bằng thơ nổi tiếng còn truyền tụng đến ngày nay của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, giúp cho chúng ta có một cách nhìn nhận đánh giá toàn diện hơn về Nguyễn Huệ. Ông không chỉ là một thiên tài quân sự, mà còn thực sự là một nhà văn hóa. Sự thể là, sau khi quét sạch 20 vạn quân Thanh giải phóng Thăng Long, thống nhất đất nước lập nên kỳ tích hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Thế nhưng tầng lớp sỹ phu Bắc Hà lúc đó không mấy tâm phục, nhân thể do chiến tranh tàn phá Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu- Thăng Long bị hư hại nặng, bèn họp nhau lại giao cho danh sỹ Bùi Đăng Ngôn chấp bút, dâng sớ lên vua Quang Trung, trách móc đổ tội cho quân lính Tây Sơn tàn phá biểu tượng văn hoá tinh thần  của dân tộc.
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành
Bia thì đạp đổ tành hoanh
Nhà bia thì đốt tan tành ra tro.
.....
Kề cửa Khổng sân Trình gang tức
Đào tạo nên nhiều bậc anh tài
Một nền văn hiến lâu đời
Tiếc thay chưa được viếng ngài đón thăm...
 Nhận được tờ sớ, tuy không phải là một người hay thơ, nhưng với tấm lòng trong sáng của một minh quân, vua Quang Trung cầm bút phê ngay:  
“...Thôi thôi mọi sự đã rồi
Trăm nghìn lỗi, cứ trách bồi về ta
Nay mai dọn lại nước nhà
Bia nghè dựng lại trên toà muôn gian...”
Quả thật, với việc tự nhận lỗi về mình một cách thẳng thắn, cũng như hứa khắc phục hậu quả một cách công khai qua lối ứng xử bằng thơ rất văn hoá của  Hoàng đế Quang Trung đã góp phần làm thay đổi nhận thức của rất nhiều nho sỹ Bắc Hà. Nhờ vậy, mà về sau có rất nhiều danh sỹ nổi tiếng về phục vụ hết mình cho triều đại Tây Sơn-Nguyễn Huệ.
    Trên lĩnh vực hôn nhân gia đình, có lẽ nhiều người đã biết đến vụ xử án bằng thơ hết sức cảm động của Bà huyện Thanh Quan, giải phóng cho cô thôn nữ Nguyễn Thị Đào khỏi những ràng buộc vô lý của lễ giáo gia đình lạc hậu. Số là cô Nguyễn Thị Đào đã thủ tiết đủ thời hạn tang chế 3 năm sau khi chồng mất, có ý muốn đi bước nữa, nhưng bị gia đình, họ hàng nhà chồng ngăn cấm, đành phải đưa nhau lên quan huyện nhờ phân xử. Nhân lúc ông Huyện đi vắng, Bà Huyện nhận đơn thay chồng và tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Sẵn tâm hồn thi sỹ, đồng cảm từ duyên kiếp long đong của mình với thân phận người phụ nữ, lại  sẵn quyền lực trong tay, Nữ sỹ của chúng ta đã không ngần ngại bút phê:
“... Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng:Xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già...”
Được lời như cỡi tấm lòng, dân nữ Nguyễn Thị đào sau đó đã được giải phóng, tìm lại được thấy hạnh phúc của chính mình như mong muốn của nhà thơ.
     Và đặc biệt hơn, có một nhà thơ chưa bao giờ ngồi trên công đường xử án, nhưng lại có rất nhiều thơ kết án bọn tham quan ô lại khúc chiết manh mẽ, chứng lý đầy đủ không kém quan toà. Đó là Thi sỹ Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu. thời làm chủ bút An Nam Tạp Chí, Nghe tin ở Nghệ An, Tri phủ huyện Anh Sơn - Phan Tứ, chỉ mới nhậm chức mấy tháng đã đục khoét của nhân dân tới 3 ngàn đồng. Ông đã cho điều tra cặn kẻ và với tư cách chủ toạ phiên toà công luận kết án:
“...Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan 
Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An
Một phủ Anh Sơn vừa mấy tháng
Mà tay Phan Tứ lấy ba ngàn
Cũng phường dối nước, quân ăn cắp
Cũng lũ tàn dân, giống hại đàn...
   Trên đây chỉ là vài vụ xử án bằng thơ lưu truyền trong dân gian và văn học sử, xảy ra dưới chế độ phong kiến, nơi phép vua rất nghiêm, nhưng đôi khi phép vua cũng thua lệ làng. Còn trong thời hiện đại của chúng ta thì sao? Khi hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, người cầm cân nảy mực công lý được đào tạo chuyên nghiệp. Nên việc kết án bằng thơ rất khó xảy ra, mặc dù trong ngành toà án của chúng ta không thiếu những nhà thơ và người biết làm thơ. Thế nhưng, khi tìm tư liệu cho bài viết này, tôi đọc được một bài viết rất cảm động của nhà văn Hoàng Quốc Hải, kể về vụ án từ một bài thơ xảy ra cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. Nạn nhân của vụ án là Bà Đổ Thị Quế, tức Nữ sỹ Ngân Giang, chỉ vì bài thơ cảm hoài về thân phận của mình..
“...Đêm nay thôi đã mấy đêm rồi
Ai biết đâu rằng ai nhớ ai?
Lất phất hoa bay vào cửa vắng
Trăng soi đã hẳn soi hai ngã
Gió lạnh sao đành lạnh một nơi
Cầm bút toan đề thơ lại đặt...
Gối nào nước mắt có rơi rơi?...”
Nhưng chính Nữ sỹ cũng không ngờ, bài thơ lại trở thành chứng cứ duy nhất để chồng bà, ông Nguyễn Văn Hàm kiện bà về tội ngoại tình. Người xử lý vụ án là luật sư Nguyễn Thành Vĩnh-Phó chánh án Toà án nhân dân Hà Nội, đồng thời  cũng là một nhà thơ. Nghiên cứu hồ sơ và gặp gỡ cả nguyên đơn lẫn bị đơn, cảm thông với nỗi lòng oan trái của nữ sỹ, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh đã làm bài thơ họa lại và đọc cho Nữ sỹ nghe: 
“...  Đèn rong xem đã mấy đơn rồi
 Thao thức canh trường những xót ai
Tài nức tao đàn hoa gác phượng
Thân cam tù túng phận hiên ngoài
Tri kỷ tương phùng vẫn cách nơi
Giải phóng mai rồi vươn cánh rộng
Tiếng thơ dìu dặt ngọc vàng rơi...”
Có lẽ đây cũng chính là phán quyết của tác giả đối với trường hợp Nữ sỹ, bỡi sau đó trong phiên toà xử vụ án thơ hy hữu này, chủ toạ Nguyễn Thành Vĩnh đã xử thuận tình ly hôn để giải phóng cho Nữ sỹ Ngân Giang.
    Thế mới hay, trong nghề xử án lâu nay được coi là khô khan với những nguyên cáo, bị cáo, tội nặng, tội nhẹ... vẫn có những giây phút thăng hoa thi vị của tâm hồn. Điều cốt lõi của người cầm cân nảy mực công lý, ngoài kiến thức pháp luật sâu rộng, còn phải có một cái tâm trong sáng, một tấm lòng vì nước vì dân.
Ngô Minh Thuyên
(Khánh Mỹ-Thị trấn Phong Điền-TT-Huế)
 ĐT: 054.3751598