Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"NGƯỜI CÕI ÂM" THÀNH CÔNG MỚI CỦA TRẦN CHIỂU

Phạm Ngọc Chiểu-Nhà văn
Thứ hai ngày 21 tháng 9 năm 2009 8:12 PM

TNc: Nhà văn Trần Chiểu tặng tôi cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, chưa kịp đọc thì nhận được bài giới thiệu của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu. Vội đưa bài lên thay lời chúc mừng Trần Chiểu. Trong vài ngày tới Trannhuong.com sẽ đăng tải tiểu thuyết Người cõi âm trong chuyên mục Tràn Nhương giới thiệu. Xin mời các bạn đón đọc.

    
Thế là ông Ngô Đăng Tạ chết.Tai nạn giao thông thảm khốc tại cầu Đá Cháy do ngành Giao thông Vận tải đặt đèn hiệu không đúng chỗ khiến cho một xe công-ten-nơ mất phanh trồ đè lên chiếc xe con có Ngô Đăng Tạ ngồi trong,đã giết chết ông và những người đồng hành. Cái chết oan nghiệt của ông Tiến sĩ vừa bảo vệ thành công luận án và được lĩnh bằng đỏ trước đó có hai ngày là sự mở đầu cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Trần Chiểu, một cây bút đang nổi của Văn học Quảng Ninh trong mấy năm trở lại đây.Với cái “vào đề” như thế,dễ khiến người đọc nghĩ “Người Cõi Âm” đi sâu vào đề tài Giao thông Vận tải,một đề tài rất được xã hội quan tâm với bao nhiêu vấn nạn về cầu,về đường,nhất là những tai nạn giao thông được thông báo hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.Nhưng không, qua từng trang rồi từng chương sách,nhất là qua câu chuyện kể của mỗi nhân vật trong “Người Cõi Âm”,người đọc lại “ô`!” ra một vấn đề xã hội bức xúc mà tác giả Trần Chiểu gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết mới của mình.
     Vấn đề thứ nhất đã và đang gây nhiều nhức nhối trong xã hội ta lâu nay là việc lập và thực thi các dự án kinh tế.Các ngành,các địa phương đua nhau lập dự án,đua nhau mời đầu tư,đua nhau mời thầu, mở thầu.Để rồi sau đó là các đường dây chạy duyệt dự án,chạy cho được đầu tư,đươc dự thầu và thắng thầu.Và, hậu quả nhãn tiền là người dân bị mất đất va thành kẻ thất nghiệp.Chính Tiến sĩ Ngô Đăng Tạ chết bởi tai nạn giao thông,nhưng nguyên nhân dẫn đến cái chết ấy là vì ông ta đang trên đường đi Hà Nội thực hiện mệnh lệnh của sếp ông ta: Đem hai chục ngàn đô la Mỹ cống nạp mấy sếp cấp trên “không bới bèo ra bọ” chuyện đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Dự án Cảng cá Đầu Mối ở quê ông.
      Vấn đề thứ hai là vấn nạn mua quan,bán chức.Từ lâu rồi,ai cũng biết,ở ta,chức đi liền với quyền lực, và quyền lực đẻ ra tiền bạc.Dân gian kháo nhau rành rẽ giá mua mỗi chức vụ,cũng kháo nhau có được chức đó thì sau bao lâu có thể thu lại vốn,rồi sinh lời.Nghe mà phiền lòng.”Người Cõi Âm” của Trần Chiểu đã đụng đến vấn nạn này thật sâu sắc.
     Hai vấn nạn xã hội trên đây không phải là những thông điệp mới mẻ,cũng không phải kà những phát hiện của ngòi bút tiểu thuyết Trần Chiểu.Báo chí đã nói nhiều.Đúng vậy!Nhưng là nói theo nghiệp vụ thông tấn.Còn nói bằng văn học,bằng tiểu thuyết thì cũng đã có,nhưng chưa nhiều và quan trọng là nói thế nào,nói đến đâu?Hy vọng rằng,sau khi đọc “Người Cõi Âm” của Trần Chiểu,quý vị độc giả có cùng nhận xét trên của tôi.
      Nhưng cam đoan rằng, vấn nạn Thần quyền, “buôn thần bán thánh” được ngòi bút Trần chiểu phanh phui trong “Người Cõi Âm” thì quả là mới mẻ,và có sức hút người đọc.Câu chuyện một cán bộ cấp huyện bị kỷ luật vì tội tham nhũng  về đuổi gà cho vợ,vậy mà, thoắt cái trở thành “thầy pháp Son” nức tiếng, đầy quyền uy,nói một câu cả vạn người nghe và răm rắp làm theo,đến cả các doanh nhân,các sếp to, sếp nhỏ, nhất cử nhất động cũng phải đến xin “thầy phán”...là những trang bi hài hiếm có,nếu không muốn nói là chưa có trong văn học ta lâu nay.
      Vấn đề cần bàn đối với “Người Cõi Âm” là một nội dung ẩn chứa nhiều vấn nạn xã hội như thế,ngòi bút tiểu thuyết Trần Chiểu đã hiển thị ra sao?
      Là người đã viết và in 7 cuốn tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 2 tập bút ký, 2 tập thơ, quả thật Trần Chiểu đã là cây bút có nghề,thậm chí định hình một bút pháp rất riêng,nhưng cũng vì vậy,khi cầm “Người Cõi Âm” tôi không khỏi phấp phỏng vụt loé câu hỏi này,dù cái tên sách đã thấy lạ. Phấp phỏng, lại thấy lạ,tôi vội mở sách đọc và thế là tôi bị “Người Cõi Âm” cuốn đi miên man cho đến tận trang cuối sách. Điều gi`tạo lên sức cuốn hút ấy? Trước hết là thủ pháp hiện thực huyền ảo.Ngòi bút Trần Chiểu đã “ảo hoá” hiện thực xã hội bằng cách tạo ra “Cõi Âm”- một cõi tâm linh siêu hình của con người.“Cõi âm,” con người sống bình đẳng, không giàu nghèo, không thù hận, thanh thản, vô tư, và vì vậy, họ - thật ra là linh hồn con người - có dịp nhìn ngược về dương thế - tức xã hội loài người - chỉ ra mọi chuyện hay,dở của xã hội con người.Tạo được cái môi trường ảo này,Trần Chiểu mạnh tay cho nhân vật xuyên suốt tiểu thuyết là Tiến sĩ Ngô Đăng Tạ chết bởi tai nạn giao thông ngay trang đầu sách để về “Cõi Âm,”trở thành người dẫn chuyện.Ông ta - đúng ra là linh hồn ông ta-trong tâm thế là “Người Cõi Âm” đã bình tĩnh kể mọi chuyện về bản thân,về những người ruột thịt,về bạn bè,về những kẻ tốt người xấu,về những hiện thực xã hội...mà khi còn sống ông ta từng chứng kiến,từng chịu đựng,và ngay cả khi dã thành “Người Cõi Âm” ông ta vẫn nhìn ngược lên thế gian mà thấy được.Có được cái tình thế nhân vật và môi trường hoạt động lạ đó rồi,ngòi bút tiểu thuyết đậm chất phóng sự Trần Chiểu thả sức tung hoành,lôi đủ chuyện nhức nhối của hiện thực xã hội hiện tại vào tác phẩm.Người đọc, do vậy,đắm vào cái thế giới hư hư thực thực của thiên truyện,ảo đấy mà thực đấy-ảo bởi đang nghe “Người Cõi Âm” kể chuyện,mà thực bởi đấy là chuyện tham nhũng,chuyện mua dự án,làm giàu bởi buôn đất,cả chuyện xem bói toán đến chuyện làm các sân gôn,vân vân,khiến người đọc quên đi con số trang ,chữ.
     Xin chúc mừng thành công mới của Trần Chiểu và xin trân trọng giới thiệu “Người Cõi Âm” của ông cùng bạn đọc!
Hà Nội,13-07-2009