Trang chủ » Tản văn

THÁI BÌNH LANG THANG KÝ (Kỳ 2)

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 23 tháng 8 năm 2009 5:58 PM

Phải kể thêm chuyện về nhà văn Nguyễn Khoa Đăng. Đến Thái Bình khi lấy hành lý để lên phòng ngủ, tôi thấy Nguyễn Khoa Đăng có một túi xách màu đỏ rất to. Ông mở ra thì có cái mũ bảo hiểm xe máy. Trời đất bố này mang mũ bảo hiểm từ Sài Gòn ra kia à. Tôi hỏi bây giờ đi máy bay cũng phải đội mũ bảo hiểm à. Khoa Đăng cười không nói gì...của mình. Khoa Đăng khoe vợ đưa cho mình con điện thoại cóc gặm, đồ cổ để dùng cho chuyến hồi Bắc của mình mới thật ôi riêu. Tôi vô cùng ngạc nhiên không biết vì sao vợ ông Đăng lại lột điện thoại tốt của chồng. Lê Thiếu Nhơn giải thích bả ấy sợ ông dùng cái sim đang dùng sẽ nhận thông tin của những đối tượng nghi vấn nên tốt nhất cầm lấy máy để ổng mua cái sim dùng tạm cho chuyến đi. Tôi cười vỡ bụng bảo Nhơn thế ông Khoa Đăng ngô ngọng gì mà không báo cho các đối tượng số máy dùng tạm này. Nhơn bảo năm nay ổng đã bị đập 4 con di động rồi. Ối trời, 70 tuổi mà bà vợ còn nghi, còn quản lý như thế thì Nguyễn Khoa Đăng hạnh phúc nhất trần đời. Ông Khoa Đăng công nhận có thế, ông cụ rồi mà bà ấy cứ tưởng mình đang trai. Thú thật là vẫn có những em nó cứ “thăm nom” mình nên bà ấy nghi. Tôi thấy với ông Đăng giống như mấy vị quản lý chuyên ngành hay nghi ngờ, hay hình sự hóa mấy gã văn nghệ sĩ hiền như đất. Nguyễn Khoa Đăng đọc cho tôi nghe bài thơ về điện thoại di động vào loại tuyệt chiêu. Có lẽ đây là tâm trạng của nhiều đầng mày râu thời hiện đại:

Nửa đêm nghe điện thoại reo
Giật mình ớn lạnh như mèo gặp mưa
Biết làm sao được bây giờ
Một bên là vợ đang vờ ngủ say
Đang như hổ đói lâu ngày
Chỉ chờ cơ hội để nhay con mồi   
Một bên chỉ một gang thôi
Nhấn phím là được nghe lời của em
Được nghe máu hát trong tim
Được nghe nhạc thở xuống lên phập phồng
Lòng đang rối mối bòng bong
Bỗng đâu vợ quát đừng hòng giấu tôi
Thế là tan hết cả rồi
Thế là còn lại mình tôi chịu đòn  
 
Sáng 21- 8 chúng tôi có cuộc tụ hội ăn sáng, cà phê. Alo cho Đức Hậu đến và một số bạn văn chương Thái Bình. Nhưng người đặc biệt mà chúng tôi gặp là anh Đào Viết Thoàn xã An Quý huyện Quỳnh Phụ phóng xe vượt hơn 20 km lên với chúng tôi. Anh Thoàn là thương binh ¼, anh bị bỏng nặng phải điều trị nhiều ngày qua nhiều viện. Trong thời gian điều trị anh đã học được cách điều trị bỏng. Nhờ Phật cho lộc, vị hòa thượng chù trì một chùa ở Hà Đông đã cho ông theo học 6 năm liền nghề chữa bỏng bí truyền. Sau đó Thoàn về chữa bệnh tại quê nhà. Bây giờ hàng tháng anh điều trị từ 2700 đến 3000 bệnh nhân bỏng. Anh chữa bệnh với tinh thần “Lương ý như từ mẫu” thật sự chứ không “Lương y như gì ghẻ” như một số thày thuốc bây giờ. Anh thu tiền nhẹ nhàng, có trường hợp miễn phí. Dùng thuốc của anh Thoàn không bị nhiễm trùng, không bị dính thịt, đó là hai ưu việt của thuốc bỏng anh Thoàn. Tôi hỏi chuyện anh và kịp xin anh một chân dung. Tôi gọi anh là “Thày lang nhân dân”.
  Chương trình hôm nay chúng tôi gặp bí thư thành ủy Đặng Trọng Thăng và chủ tịch tỉnh Nguyễn Hạnh Phúc. Đến với anh Thăng tại trụ sở vào lúc hơn 8 giờ. Chuyện tràn cung mây về đủ thứ lĩnh vực. Chúng tôi hỏi về thành phố. Anh Thăng cho biết một vài nét tiêu biểu: Thành phố có một doanh nghiệp vận tải Hoàng Hà đã có xe buýt đi 8 huyện trong tỉnh. Đó là một cố gắng của doanh nghiệp làm cho việc đi lại của nhân dân, học sinh dễ dàng. Thành phố Thái Bình có tới 3000 đối tượng chính sách chưa kể những người nhiễm chất độc da cam mà vừa rồi nhà nước có chính sách hỗ trợ. Tôi thấy việc lo cho bà con chính sách là nỗi trăn trở của những người lãnh đạo. Anh Thăng nói nếu tết nhất muốn tăng cho bà con 10 ngàn một người thôi cũng phải tính toán ghê lắm. Khi chia tay, anh Thăng nói bây giờ có địa chỉ hai trang web Trần Nhương và Lê Thiếu Nhơn thì tôi phải vào luôn để học các nhà văn. Sướng, có một ông bí thư như vậy là hay vô cùng. Anh mờ chúng tôi dùng cơm trưa cùng anh em thành ủy,
  Xe chạy sang trụ sở Ủy ban tỉnh. Choáng thật sự, trụ sở rất hoành tráng, to hơn cả Chủ tịch phủ. Dinh tỉnh tọa lạc ngay bên sườn tượng Nguyễn Đức Cảnh rất thoáng đãng. Rất hiện đại, có màn hình thông báo cho khách các phòng ban, có thang máy veo veo chạy lên chạy xuống. Chúng tôi vào phòng khách chờ đến giờ gặp chủ tịch tỉnh Nguyễn Hạnh Phúc. Phòng khách khá đẹp xứng đáng một cơ quan đầu tỉnh vùng lúa. Kể ra bây giờ khang trang thật, cũng phải thế mới đỡ xấu hổ với khách quốc tế. Ai bảo Việt Nam chúng tôi không sang trọng.
   Mấy chúng tôi ngồi vào ghế sang trọng làm một kiểu ảnh. Phía sau là biểu tượng chùa Keo Thái Bình đắp nổi mạ vàng rất đẹp. Tôi thấy Thái Bình đặt biểu tượng này ở phòng khách là quá hợp lý.
  Xin các bạn đón đọc kỳ 3

Ảnh: 1- Làm việc với thành ủy Thái Bình
        2- Một góc trụ sở UBND tỉnh Thái Bình
        3- Trần Nhương đóng thế Chủ tịch
        4- Minh Chuyên trong phòng khách ủy ban tỉnh