Trang chủ » Tản văn

THÁI BÌNH LANG THANG KÝ (kỳ 5)

Trần Nhương
Thứ tư ngày 26 tháng 8 năm 2009 6:00 AM

Sáng 22-8 là sáng cuối cùng của chuyến đi Thái Bình lần này, chúng tôi đi thăm bạn bè văn chương. Thái Bình có câu ca Thái Bình có chuyện bất ngờ/nhà văn viết đứng nhà thơ viết nằm. Chúng tôi quyết định đi thăm nhà văn Trần Văn Thước ở xã Vũ Lăng huyện Tiền Hải. Đường về Vũ Lăng chừng hơn 20 cây số. Con đường rất đẹp. Đồng lúa xanh thì con gái. Gió Thái Bình lồng lộng hào phóng như người bạn chi âm. Không dùng máy lạnh trên xe, chúng tôi mở rộng cửa kính để đón gió. Đến thị trấn Tiền Hải, ngay trên đường xuyến bồng binh trước ủy ban nhân dân huyện là một tượng đài. Trên đó có ba nhân vật tiêu biểu cho cuộc nổi dậy năm 1930 là một người đánh trống, một người thổi tù và, một người thổi kèn. Cả nước ai chả nhớ bài hát của Thái Cơ về tiếng trống năm 30 còn vọng đến bây giờ. Câu hát như sấm trạng, có lẽ vậy, cần một tiếng trống để nông thôn Việt Nam thay đổi. Chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm nhưng thú thật khối tượng không đẹp. Tượng đài này có lúc lãnh đạo huyện đã định chuyển về dựng tại xã quê hương tiếng trống Tiền Hải, nghe đâu là  xã Vũ Lăng của Trần Văn Thước. Chả là hồi đó cán bộ huyện mất đoàn kết trầm trọng. Không biết có ai đó nói còn để tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì còn oánh nhau to. Đúng thật nhìn khối tượng thấy người đánh trống quay một phía người thổi kèn quay một phía thật. Ôi, toét mắt thì tại hướng đình, đâu phải thế, mất đoàn kết là căn bệnh thế kỷ do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Cái nước mình không đâu không mất đoàn kết vì họ không vì ai, chỉ vì chính họ. Bây giờ thì Tiền Hải êm rồi. Dù sao tượng đài ấy vẫn là dấu ấn cho người đến nơi đây.
  Xe men theo bờ kênh nhỏ để đến nhà Trần Văn Thước. Tôi nghe tên anh lâu nhưng chưa có dịp về thăm. Trong đoàn chúng tôi chỉ có Nguyễn Khoa Đăng là gặp Thước khi anh còn ở Thái Bình. Một gian nhà nhỏ trổ một cửa sổ làm chỗ bán hàng. Nhà văn kiêm chủ quán bán bim bim, thuốc lá, kẹo dồi và trăm thứ linh tinh khác. Cạnh đó là một cái giường, Bên trên mấy thùng hàng kê một hòm đạn bằng gỗ. Đó là bàn viết của nhà văn Trần Văn Thước. Thế giới của anh chỉ từ giường với ra mấy đồ hàng và cái hòm dùng đứng viết. Mặt bàn chỉ chừng 2 tờ A4 vậy mà con chữ lóng lánh của Thước vẫn hàng ngày tuôn chảy. Thi thoảng có người thò vào cái cửa sổ hỏi mua gì đấy, Thước với tay lấy hàng và nhận tiền. Thấy khách đến anh tháo bộ nẹp sắt ở chân ra để nửa nằm nửa ngồi trên giường tiếp khách. Phần chi dưới của anh từ ngang lưng xuống coi như chết rồi, còn phần trên vẫn tươi tốt, vẫn linh hoạt như một chàng trai. Cách đây hơn 20 năm Thước là công nhân khu gang thép Thái Nguyên, anh làm việc xây dựng bị một thanh sắt đổ chém vào ngang lưng. Thế là Trần Văn Thước thành người tàn phế với phụ cấp thương tật suốt đời.  Mỗi lần Trần Văn Thước viết văn, anh phải đóng bộ nẹp sắt vào chân để viết. Nơi hòm gỗ anh tỳ phần đầu gối vào đã mòn cả gỗ, bạc trắng qua bao năm tháng. Trên mặt hòm gỗ là bản thảo truyện ngắn Thước đang viết, chữ to như học sinh lớp 1 nhưng rất tròn trĩnh, phân miêng.
 Thước vui lắm khi chúng tôi đến, chưa gặp mặt nhau nhưng tên tuổi thì đã quen nhiều năm. Thước bảo em đọc bài Thiện Kế viết về bác trên Tiền phong hay lắm, chết bác đa tài quá. Tôi cười cũng nhăng nhít cho vui thôi. Thước còn mẹ già 90 tuổi. Tôi vào gian trong thăm cụ. Cụ còn minh mẫn, chỉ có hơi gày. Dạo này vợ Thước đi trông cháu nội trên Bắc Cạn, mọi việc ở nhà đều cậy vào người em trai ở cùng sân bên cạnh. Bây giờ Thước vẫn phải nhờ người giúp khi đi đại, tiểu tiện. Nhà anh như một câu lạc bộ, suốt ngày có khách đến chơi. Anh khoe có đến 2 bộ quân cờ, bộ này anh Đức Hậu cho đấy. Thời gian không nhiều vì trưa nay chúng tôi được Hội Văn nghệ Thái Bình mời cơm. Chia tay Trần văn Thước anh bảo tôi họ Trần nhà ta oách ra phết bác Nhương ạ.
 Cảm phục bạn văn Trần Văn Thước dù tật nguyền mà anh vẫn cày từng trang viết. Đôi khi mình lười nhác dù đầy đủ điều kiện hơn anh nhiều.
  Trên đường về thành phố Thái Bình, đến xã Vũ Chính thì phải, Minh Chuyên bảo dừng xe để thăm ông bạn thương binh. Người thương binh ấy chính là anh Nguyễn Đình Thúc, nhân vật trong bút ký Người không cô đơn mà Minh Chuyên viết năm 1984. Bút ký ấy nổi tiếng một thời đến bây giờ người ta còn nhắc. Nhưng quan trọng là sau bút ký ấy anh Thúc được hưởng chế độ thương binh nặng. Anh bị tâm thần nhưng khi thấy Minh Chuyên xuất hiện trước cửa anh Thúc đứng nghiêm giơ tay chào và nói tên Chuyên. Anh chỉ làm được thế rồi cười trước tác giả và cũng là ân nhân của mình. Sau bút ký anh Thúc lấy vợ và đẻ 3 cô con gái. Thấy khách đến các cháu tíu tít chào mời. Tôi hỏi: Bây giờ phụ cấp của bố cháu bao nhiêu. Cô con gái trả lời hai ông bà cháu được 3 triệu. À là vì anh Thúc thương binh nặng nên có suất lương phục vụ mà bà vợ ông được hưởng. Một nhà văn như Minh Chuyên cũng lạ, nhiều nhân vật của anh đều là bạn thân, thi thoảng anh ghé qua quà cáp thân tình. Nhân vật trong bài ký Thủ tục để làm người còn sống cũng vậy.
  Anh Thông, chủ tịch hội Văn nghệ và các anh trong cơ quan Hội Văn nghệ Thái Bình đã chờ đón chúng tôi. Với Nguyễn Khoa Đăng thì anh là người cũ ở đây. Năm 1977, Đăng tình nguyện vào tăng cường cho các tỉnh miền Nam. Anh là gia đình liệt sĩ không phải đi nhưng anh cho rằng coi như đi thực tế một chuyến. Chuyến đi ấy đến tận bây giờ anh đã thành người miền trong. Nhiều năm anh là phó chủ tịch Hội văn nghệ Kiên Giang. Bữa cơm hội ngộ rất vui, Tôi đặc biệt chú ý tới nhà thơ Xuân Đam. Anh đã có gần chục tập thơ xuất bản nhưng cái quan trọng là anh có tới 4 “sổ đỏ”. Các bạn đừng nghĩ sổ đỏ là đất cát, sổ đỏ đây là 4 bà vợ tươi tốt. Khoa Đang kể Xuân Đam được cái mẽ nhưng nghèo rớt mồng tơi. Một hôm đến bà ba, bà xin mấy ngàn, Đam chỉ có 5 ngàn đưa vợ nhưng xin lại 1 ngàn mua rau. Một lần Đăng tìm Xuân Đam hỏi bà cả thì bà bảo chắc bên bà hai. Bà cả còn chỉ đường để Khoa Đăng đi rất cặn kẽ. Các bà yêu Xuân Đam không vì tiền, Xuân Đam trên thơ dưới cát tút chả có gì đáng giá. Mê thơ là yêu. Ghê chứ lị thơ cũng đắc dụng như cái mồi câu khối em trồng cây si. Xuân Đam hay đi các huyện nói chuyện đọc thơ, ở đâu cũng có người mê. Cô vợ thứ tư dưới huyện mới độ 40 xuân. Xuân Đam tuổi con dê, Quý Mùi nên hình như cũng sát gái. Khi bữa tiệc dọn ra anh Xuân Đam bỏ ra một túi ni lông trong đó có 3 con cu ra. Con cu ra như con ghẹ nhưng bé hơn. Anh bảo câu được 6 con, vợ nó chén mất 3 con, còn đây mang lên đãi khách. Ngồi câu cu ra giữa mênh mông sông nước mà nghĩ ngợi làm thơ thì đến ông Lý Bạch cũng phải thèm…
  Trên đường về Hà Nội chúng tôi còn thăm nhà thơ viết nằm Đỗ Trọng Khơi. Tôi mới thăm anh tháng trước nên không viết gì thêm nữa.
  Tạm xa Thái Bình. Thái Bình để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Từ khi cùng Minh Chuyên về làm phim Trần Thủ Độ hóa mình yêu mảnh đất này nhiều lắm…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 




 


 
 
Ảnh:
        1- Thăm nhà Trần Văn Thước (Thước người thứ tư trái sang)
        2- Cơ ngơi nhà văn Trần Văn Thước
        3- Bàn viết của Trần Văn Thước
        4- Thương binh Người không cô đơn chào nhà văn tác giả
        5- Trần Nhương và Xuân Đam 4 sổ đỏ
        6- Các anh Hôi VN Thái Bình gặp bạn văn