Trang chủ » Tản văn

VĂN MÌNH, VĂN NGƯỜI

Trần Huy Quang
Thứ năm ngày 2 tháng 7 năm 2009 7:37 AM
 
Dân ta ai cũng biết câu “văn mình - vợ người”, câu ấy bị người ta giễu ở đâu tôi không biết nhưng với tôi nó rất chí lý ở vế đầu. Văn mình, mình phải tin là hay, ít ra là vậy. Cũng có người đã hùng hồn tuyên bố thơ mình hay nhất thế giới, nhưng cũng chỉ mạnh mồm ở quán bia, trên chiếu rượu, trước dăm bảy cự toạ là bạn bè. Còn ở diễn đàn lớn trong nước thì tôi chưa thấy. Người ta bảo đó là sự khiêm nhường nhưng tại sao lại có sự khiêm nhường lạ lùng thế nhỉ? Thơ văn mình hay mà không dám nói to lên là hay? Là một cá nhân không dám nói thơ văn minh hay thì cũng hiểu được, nhưng thơ văn của cả một dân tộc cũng thế, chưa dám nói hay. Tại sao hay mà chưa dám nói hay? Ừ nhỉ, nguyên nhân là gì chứ, tôi nghĩ có lẽ là do tâm lý thiếu tự tin, mặc cảm nhược tiểu. Mà nước mình đâu còn là nhược tiểu, tuy diện tích nhỏ nhưng số dân đã gần một trăm triệu. Có mấy chuyện nho nhỏ mà tôi không dám thổ lộ với ai thế này.  
1. Năm ấy, đoàn nhà văn VN có 4 người. Thời tiết Bắc Kinh hôm ấy hơi nóng nhưng bốn nhà văn vẫn com lê cà vạt thẳng đuỗn. Chủ nhà tiếp đoàn cũng 4 người, trong đó có chủ tịch Hội, vì nóng nên chỉ mặc ao sơ mi cộc tay, không cà vạt, có người còn mặc áo thun. Làm việc được độ vài chục phút, chắc thấy mấy nhà văn VN đóng bộ ngốt ngát quá nên chủ tịch Hội nhà văn TQ mới nói, hôm nay cắt điện để sửa chữa, nên nóng,  xin các đồng chí cứ thoải mái, cởi áo vét ra cho mát. Các nhà văn VN liền cởi áo.
 Đó, cứ sợ mình yếu kém, sợ người ta chê mình không biết “lễ” dân nhược tiểu, nên biến mình thành ma nơ canh, các nhà văn, kẻ sỹ, đi làm ngoại giao mà thiếu tự tin đến thảm hại.
2. Một nhà văn ham đọc nói với tôi, năm 2007 truyện dài TQ có từng ấy cuốn, nổi bật nhất là những cuốn này cuốn này, họ viết như thế như thế, cao siêu bát ngát không nói hết được, sau khi đọc bài dịch Truyện dài TQ năm 2007, in trên báo Văn nghệ. Cũng không phải một mình nhà văn ấy. Rất nhiều nhà văn, bạn đọc VN ta rất thuộc văn học TQ và Nhật bản, cũng như thanh thiếu niên ta thuộc sử Tàu vậy, nhưng hỏi đến văn học VN ta trong vài năm gần đây có gì hay không thì liền lắc đầu. Quả là độc giả và văn chương ta không gặp nhau, tất nhiên có nguyên nhân. Nhưng đánh giá, nhận diện một giai đoạn văn học, thậm chí một năm vài năm để cung cấp cái nhìn tổng quát cho người đọc, chúng ta cũng không có. Không ai làm việc đó. 
     Đây không phải là hậu quả của tâm lý thiếu tự tin là gì.      
 3. Nhân có cuộc ồn ào về bà Đào Kim Hoa đưa thơ người khác đi dự Fetival
Thơ ở Đài Loan, tôi vui mừng nhận ra một điều : Thơ VN như thế đấy và thế giới đã rất ngạc nhiên về thơ VN. Rất hay, hơn một triệu lượt truy cập vào một blog để được yêu 4 bài thơ ấy, người ta còn đưa vào sách giáo khoa. Bà Hoa có sai nhưng đồng thời bà cũng là người có công, ấy là đã làm cho thế giới biết cái hay của thơ VN. Hoá ra bao lâu nay chúng ta như múa trong bị, vì nhiều nguyên nhân nhưng nhất định trong đó có nguyên nhân là chúng ta đã rất thiếu tự tin. Nền thơ của ta nhất định không chỉ có bốn bài hay. Truyện ngắn tiểu thuyết của ta cũng vậy, dù không phải tất cả. Tôi đọc rất nhiều truyện ngắn của các đại văn hào thế giới, cả những Nobel văn chương, so với họ thì những Chí phèo, Khách ở quê ra, Muối của rừng, Năm ngày, Trăng nơi đáy giếng của ta không thua kém, thậm chí riêng tôi, tôi thấy thú vị hơn. Nhưng tại sao văn chương chúng ta không được thế giới biết đến. Cái này tôi nghĩ trước tiên ta hãy tự trách mình trước.
   Đáng trách thứ nhất là, chúng ta đã tự coi thường văn chương chúng ta. dẫn đến tình trạng này là do các nhà xuất bản đã hạ thấp tiêu chí giá trị xuất bản phẩm, nên sách dở nhiều hơn sách hay, làm mât lòng tin của người đọc. Bị ăn độn quá nhiều đến một lúc nào đó thì bạn đọc không đọc văn chương trong nước nữa, đến nỗi nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã phải kêu lên giữa Đại hội Nhà văn “ Có phải sách trong nước không đáng đọc?” Cũng như bạn đọc bình thường, các nhà văn nhà thơ cũng không đọc tác phẩm của nhau, thậm chí sách được tặng, được biếu cũng không đọc. Có một sự thật là hầu hết các nhà văn, kể cả người làm phê bình, không nắm được tình hình văn học nước ta.
   Điều đáng trách thư 2 là, ngược lại với tâm lý thiếu tự tin, tự coi thường mình, là rất sùng ngoại, từ vật chất cho đến tinh thần. Phải nói rõ ra đấy là biểu hiện của tinh thần nô lệ, cái này lâu quá đã thành cốt lõi, chữa được  phải mất rất nhiều thời gian. Cho nên người làm sách dịch in cả những cuốn như “Xin lỗi, tôi là con đĩ”, “Thiếu nữ đánh cờ vây” vân vân…Khi dịch in người ta chỉ nghĩ đến lợi nhuận nhưng không biết rằng có được mấy đồng lợi nhuận thì chính mình đã lọt xuống tầm văn hoá của lớp người chưa biết phân biệt hay dở. 
   Điều đáng  trách thư 3 là chúng ta đánh mất khát vọng về văn hoá. Ngày xưa thế hệ trước có khát vọng về độc lập tự do nhưng thế hệ hôm nay có khát vọng gì? Chịu. Không biết.
   Cá nhân hay một dân tộc nếu có một khát vọng gì đó thì đó là đòi hỏi nội tại, chứ không ai phổ biến hay truyền đạt được. Một khát vọng về một đỉnh cao văn hoá, một giải Nobel cho ngành nào đó chẳng hạn - cũng không phải. Vì chúng ta chưa nghĩ đến chuyện trả giá để đạt đến đó, chúng ta chưa muốn mất cái gì thì cũng sẽ không được cái gì chăng? Trước mắt chúng ta là một khoảng trống, khát vọng văn hoá bị thay thế.