TIẾNG GÀ
Sống và làm việc nhiều năm ở Thủ Đô, gã vẫn không sao bỏ được thói quen dậy sớm. Ba rưỡi, bốn giờ sáng, mắt gã đã mở chong chong mắt gã đã nhìn lên cái trần nhà thấp lè tè, nhờ nhờ tối và tai thì căng ra, cốt để chắt lọc trong thinh khôngmột tiếng gà gáy sáng. Âu cũng là một thói quen, bởi tiếng gà quê đã thấm đẫm tâm hồn gã ngay từ tuổi ấu thơ.
Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, gã đã từng nghe tiếng gà gáy sángcủa người Hmông, Êđê, Gia rai...vùng Tây Nguyên tự do nhưng bom đạn khốc liệt, hay tiếng gà bé bỏng, lạc lõng giữa đo thành Sài Gònphồn hoa mà chi chít những vết giầy của giặc ngoại xâm.
Hòa bình lập lại, trở về Hà Nội công tác, gã hòa mình cùng hàng vạn nhân dân Thủ Đô sôi nổi xây dựng lại đất nước. Cuộc sống nặng nề, vất vả nên phố phường rạng ngời, tươi đẹp là thế màgóc phố, hè đường, nơi nào có thể là màu xanh rau lang, rau muống lan ra. Nhà chung cư, ra đụng vào chạm cũng dành một góc nuoi thêm con gà, con lợn.
Gã bạc mặtvì đôn đáo kiếm miếng ănnhưng vẫn âm thầm ấp ủ một niềm vui là dù thế nào thì ở giữa Thủ đô, gã vẫn được nghe tiếng gà gáy sáng như thuở nào. Căn hộ của gã ở tận tầng năm nên sáng sáng gã nghe trọn vẹn tiếng gà gáy từ bốn phương, tám hướng. Dưới chân. Trên đầu, Bên phải. Bên trái. Lan tỏa, đầy ắp thinh không. Vì lẽ đó, một ngày, dù có vất vả mấy đi nữa, gã vẫn bình tâm đi tới.
Từ ngày đất nước mở cửa, phá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, hội nhập kinh tế toàn cầu, tiếng gà gáy sáng ngày càng thưa dần. Nhà nhà giầu lên nhanh chóng. Người xuống tầng. Người mua đất xây biệt thự riêng. Không ai nuôi gà nữa. Ngược lại, nhu cầu ăn thịt gà lại tăng lên gấp bội. Ăn gà công nghiệp, người ta kêu béo, nhạt nhéo, họ chuyển sang ăn thịt gà tơ. Chán gà tơ vì thịt không săn ngọt, họ lùng mua những con gà trống choai mới tập tọe gáy rồi dần dần chuyển sang lùng tìm những con gà quê đích thực nuôi ở vùng gò đồi. Chúng phải là những con gà biết tự kiếm sống bằng cái mỏ và đôi chân gầy ngày ngày đào bới cật lực mảnh đất cằn cỗi, xác xơ dưới chân chúng.
Gã nghĩ mà vui nhưng không khỏi buồn. Vui vì đời sống nhân dân ta từng giờ từng phút đổi thay, đi lên sung sướng. Buồn vì đổi lại, cứ mất dần đi tiếng gà thân thiết đối với gã từ thuở nào.
Đoàn Nhất Trí
LÁ RỤNG
Giữa đông, vài giọt nắng cuối ngày rơi lẫn trong đám lá vàng trải thảm trên vỉa hè. Thi thoảng một ngọn gió heo may thổi qua, những chiếc lá lại quẫy mình đuổi nhau chơi trò ú tim. Đôi ba chiếc quá đà, sà xuống mặt hồ, hóa thân thành những con thuyền vàng nhè nhẹ trôi đi, để lại sau nó những gợn nước lăn tăn thoáng chốc rồi lặn vào lãng đãng sương khói mặt hồ.
Nó làm gã nhớ về tuổi thơ xưa. Về một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ chìm trong nghèo đói. Chiều chiều (hồi ấy gã mới chừng năm hay sáu tuổi), gã cùng bà nội thường ra bờ tre quét lá khô mang về nấu cơm. Cái nồi cơm chỉ một phần gạo, ba phần khoai cùng rau muống khô thế rồi cũng chín bởi sức nóng của những chiếc lá tre mỏng manh, khô quắt.
Gã còn nhớ, có lần cầm chiếc que cời gẩy lá vào bếp, giọng bà trầm lại: “Bà giờ giống như chiếc lá này vậy!” Gã ngây ngô hỏi lại: “Thế cháu giống chiếc lá nào hở bà? ”Bà cười, phô hai hàm răng chỉ còn lợi: “Cháu là những chiếc lá đang nhú trên những cái cây ở ngoài vườn kia!” Nói rồi, bà lại cúi xuống thổi lửa. Ngọn lửa bùng lên. Những chiếc lá tre khô oằn mình, hóa thân tỏa ra sức nóng làm rạng ngời khuôn mặt già nua, nhăn nheo của bà...
Có tiếng trẻ rao báo đâu đây làm gã giật mình thoát ra khỏi những nghĩ ngợi miên man. Không, về hưu chưa phải là đã hết!
Gã lật đật đứng lên, đi về phía có tiếng rao báo. Hình như ở nơi ấy có một lớp học tình thương. Gã tự nhủ sẽ cháy hết mình cho cái phần đời còn lại của gã. Thế giới này còn cần biết bao nhiêu những đốm lửa như thế. Những đốm lửa cháy lên từ những chiếc lá rụng.
Đoàn Nhất Trí