Trang chủ » Tản văn

ĐI THĂM ÔNG NUÔI ONG LÀM THƠ

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 5 tháng 7 năm 2009 9:03 PM

 
Năm nhà văn già cỡ 60 làm một chuyến rong chơi rất oách. Oách có thể hơn cả các quan chức cỡ bự vì cái lẽ sau đây.. Chả là ngày thứ hai 29-6 năm anh già đi về Nam Sách tỉnh Đông gồm có Tô Đức Chiêu, Nam Ninh, Trần Nhương, Vũ Từ Trang và Hoàng Minh Tường. Lái xe là một nhà thơ có hạng, một doanh nhân thành đạt, đó là Vũ Từ Trang. Các quan chức làm quái gì có một lái xe là nhà thơ. Vậy thì bọn chúng tôi oách nhất nhì thế giới. Về Nam Sách ngay cạnh xã Quốc Tuấn của thần đồng Trần Đăng Khoa nhưng không thăm nhà Khoa vì gã này đang bận tối mặt vì cái phát thanh có hình. Hì hì, nghe cái phát thanh có hình nó cứ nửa nếp nửa tẻ thế nào ấy.
  Duyên do chuyến đi vì ở thôn An Đoài xã An Bình có ông nông dân nuôi ong, làm thơ, là bạn Tô Đức Chiêu từ hồi học cấp 2 và cấp 3. Ông ta mê Thời của thánh thần nên gọi điện cho Chiêu mời về chơi. Thế là chúng tôi ăn theo cả Chiêu lẫn Tường. Trước khi đi tỉnh Đông chúng tôi ghé thăm nhà mới của Tô Đức Chiêu và đón gã đi luôn. Chiêu nhảy qua cầu Chương Dương về làng Xuân Đỗ hạ mua đất xây một biệt thư mi ni rất đẹp. Đến nhà mới thấy không ngờ cái lão quê mùa này lại có óc thẩm mỹ thượng hạng như thế. Hỏi ra thì do ông con trai út làm cả. Ngôi nhà hai tầng rưỡi mang nét Phù Tang lại pha Tây cà lồ. Nội thất sang trọng, nhà thoáng mát, bố trí hợp lý. Mừng cho vợ chồng Tô Đức Chiêu. Có điều chị Xuân vợ anh sức khoẻ hồi này không được tốt.
  Gần 11 giờ chúng tôi đến thôn An Đoài xã An Bình. Đường vào nhà ông nông dân Nguyễn Văn Diệp ngoằn nghoèo khó đi, vòng toàn cua gấp gần 90 độ. Tay lái Vũ Từ Trang vào loại siêu nên lách vào được tận cổng nhà ông Diệp. Ông Diệp đón chúng tôi chân tình hồ hởi như vớ được quý nhân. Năm anh nhà văn về quê xem ra có giá hơn ở chốn thị thành. Ông Diệp quýnh quáng hết gọi cô con gái lại gọi thằng cháu. Con gái ông một sinh viên Đại học Xuân Hoà rất xinh, có cái răng khểnh duyên dáng, Lẽ ra cô sinh viên hôm nay lên trường lấy bằng tốt nghiệp nhưng vì bố có khách nên nán lại ngày mai mới đi,
Ông Diệp cứ ôm lấy Hoàng Minh Tường khen ngợi rối rít. Rồi ông lại chê viết thế chưa ăn nhằm gì. Tường choáng. Ngay lập tức Tường tặng ông cuốn Thời của thành thần có chữ ký, có triện đỏ chót. Tôi cũng tặng ông chủ nhà cuốn Cơm bụi chấm com. Tất cả chụp vài kiểu anh lưu niệm. Ông Diệp khoe những bài thơ ông viết. Thơ theo thể Đường luật của ông rất chỉnh. Ông kể chuyện đời ông cho chúng tôi nghe. Bố ông là chánh tổng sau cách mạng làm chủ tich Liên Việt xã. Năm 1956 bị quy là địa chủ và bị tử hình. Mẹ ông goá chồng ở tuổi 42, nuôi 7 đứa con. Nhà mất tám mẹ con làm cái lều ngoài bờ đê tá túc. Mẹ ông tần tảo nuôi 7 anh chị em ăn học. Ông được ăn học tử tế hơn cả. Năm 1961 ông đỗ khoa Hoá trường đại học Bách khoa. Ông Diệp theo học được một năm thì xã “rước” ông về địa phương với lý do con địa chủ cũ không được học hành. Thế là ông Diệp về làng trong tâm trạng buồn đau. Có lúc ông đã định tự tử. Rồi thương mẹ mà không dám. Bài thơ ông viết về Mẹ như sau:

Bốn mươi hai tuổi goá chồng
Tay gạt nước mắt tay bồng con thơ
Còn đâu của cải ngày xưa
Bạc tiền lột sạch để giờ tay không…
Đau thương dồn nén trong lòng
Một đàn con dại giữa dòng nước trôi
Cồng làm từ thiện giúp đời
Mà nay bị tội giết người... vì ai ?!
 
 Ông làm ruộng, cày thuê cuốc mướn, nuôi miệng, nuôi mẹ. Một hôm ông tha thẩn xem đàn ong của người hàng xóm và nghe ông ta kể chuyện về ong. Về mùa giao phối nàng ong chúa có cuộc chơi tình ái rất hay, nàng bay vút lên trời cao, các chàng ong đực hàng ngàn con lao theo. Bay cao lên mãi, nàng ông chúa đã loại ra ngoài cuộc chơi hàng ngàn chú đực không đủ sức khoẻ. Duy nhất chỉ một chú đực cường tráng bám được nàng. Và phút giao hoan giữa trời xanh tràn trề hạnh phúc. Cuộc ân ái ấy đã cho nàng ong chúa hàng triệu sinh linh mạnh khoẻ mang sức vóc của cha. Chàng ong đực hưởng trọn vẹn cuộc tình sung sướng tột đỉnh và như để giữ lại giây phút tuyệt vời ấy chàng đã lìa đời…Bài ca của tình yêu như loài ong đã làm ông nông dân Nguyễn Văn Diệp si mê. Ông bắt đầu nuôi ong từ những năm 70 của thế kỉ trước.
Còn bao nhiêu chuyện thời bao cấp có mật ong mà bán đâu có dễ.
   Hai năm nay vào mùa nhãn bao giờ ông Diệp cũng lấy mật dành cho bạn bè. Tôi ăn theo Tô Đức Chiêu nên cũng có phần 10 lít. Tôi uống mật ong ông Diệp quanh năm. Mật của ông thơm và đặc biệt để bao nhiêu năm cũng không đóng đường.
  Ông Diệp và Tô Đức Chiêu đã 70 tuổi nhưng vẫn gọi nhau là mày tao như ngày học cùng. Nghe hay hay như chúng tôi đang còn trẻ.
  Rồi nghe thơ ông nuôi ong. Xong rồi cơm rượu thịt gà quê, rau sạch ngoài vườn. Tôi thấy cô Hằng con gái ông Diệp vừa xinh vừa nết na nên bảo Tô Đức Chiêu sao không xin béng con bé này về cho hai ông bạn thành thông gia. Hằng đỏ mặt, cười mơ hồ…
  Cuối chiều chúng tôi chia tay ông Diệp. Ông hẹn hôm nào về mấy ngày còn nhiều chuyện kể cho mới đã…
  Nhân đây xin giới thiệu mấy bài thơ của người nuôi ong Nguyễn Văn Diệp.

Võ Tướng công
 

Nối dòng họ Võ xứng danh văn
Con cháu lạc hồng - một vĩ nhân
Trí cả dân trao cầm nỏ thánh
Tài cao nước cậy giữ gươm thần
Văn quan tứ trụ hàng Chu - Nguyễn
Võ tướng đặc sai bậc Lý - Trần
Thao lược nhẫn kiên - người dũng tướng
Toàn tài văn võ - đấng công huân…
(bài thơ đã được in vào bình gốm Chu Đậu kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
 
Cầu lông đánh đơn
 
Một đôi giai lão xính cầu lông
Chẳng lưới chẳng sân đến lạ lùng
Bà thủ vùng sâu giò cảnh giới
Ông công chỗ hiểm mắt dương trông
Tấn công mê mải đồ đầy nước
Thủ hứng liên hồi quả trụi lông
Chẳng được chẳng thua mai lại nữa
Cứ chơi cho thoả ước ao lòng…
 
Bù nhìn
 
Cũng cờ cũng biển cũng lô phôn
Thực chất trong toàn rạ với rơm
Gió giật dây rung cờ vẫy đại
Sấm vang sỏi đập mõ kêu dồn
Lừa đàn chim dại không còn vía
Doạ lũ chuột ngu sợ hết hồn
Quần mảnh áo manh tan lại dựng
Nắng mưa kiên định trụ càn khôn…

Ảnh: 1-Ông Diệp chăm sóc đàn ong 2- Cô con gái ông Diệp, cô giáo tương lai