Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH CHỈ CÒN TRONG HOÀI NIỆM

Huyền Anh
Thứ hai ngày 22 tháng 6 năm 2015 8:40 AM

(PetroTimes) - Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến những hành vi “phản văn hóa” đã và đang tồn tại trong đời sống thường nhật của người dân Thủ đô, nhiều người phải thốt lên rằng: “Hà Nội thanh lịch không còn”.

Điều này chạm đúng vào “nỗi đau” của rất nhiều người vẫn “nặng lòng” với Hà Nội, trong đó có nhà văn Sương Nguyệt Minh. Trao đổi với Năng lượng Mới - PetroTimes, ông nói: "Hà Nội thanh lịch, chỉ còn trong văn chương".

>> Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội

>> Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý "nạn mất dạy ở Thủ đô"

>> PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Nhiều người dân Thủ đô đang "dẫm" lên văn hóa

>> Dân Thủ đô "nhờn luật" và trách nhiệm của người đứng đầu!

PV: Chưa khi nào những hành vi phi văn hóa ở Thủ đô lại trở nên đáng báo động như hiện tại. Những hành vi như nói tục, chửi bậy, chống đối người thi hành công vụ… không chỉ dừng lại ở giới trẻ mà xuất hiện ngay cả ở những người nổi tiếng. Điều này chứng tỏ, sự xuống cấp trong lối sống ngày càng trầm trọng. Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Theo tôi thì hiện nay vấn đề gia đình đang rất đáng báo động. Các cụ ngày xưa nói “nếp nhà ấy” là khen cái ứng xử văn hóa tốt đẹp của gia đình đó. Còn khi nói “thói nhà ấy” là có ý chê trách, khuyên răn con cháu tránh xa. Người ta bảo cái thói du côn, thói trộm cắp, thói chửi bậy... chứ không ai nói nếp du côn... Bây giờ, “nếp nhà” đang mất dần đi và “thói nhà” đang tăng dần lấn át “nếp nhà”.


Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Tôi tin rằng, các ông bố, bà mẹ tử tế, lương thiện thì con cái rất khó hư hỏng. Nhà dột từ nóc. Bố mẹ mà chửi tục, chửi bậy, thì con cái cũng học được bậc sinh thành từ trong bụng mẹ. Gia đình mà cứ suốt ngày có khách đến "luồn cúi", đút lót tiền bạc, bố mẹ điềm nhiên nhận của hối lộ... thì vô tình con cái được chứng kiến và cũng học người lớn, ra đời nó cũng thế thôi.

Vả lại, thời kinh tế thị trường, “văn hay chữ tốt không bằng đứa dốt lắm tiền”, bố mẹ cứ nhoai ra làm giàu bằng mọi giá, bỏ bê con cái, hoặc giao khoán hết cho nhà trường... thì con cái cũng khó mà ngoan, giỏi được. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy là vậy.

Vấn đề nhà trường càng báo động. Thời xưa có môn học đạo đức, bây giờ là môn giáo dục công dân. Giáo dục công dẫn cũng tốt, nhưng trước hết nhà trường phải giáo dục trẻ em yêu bố mẹ, người thân trước đã, rồi yêu đến những số phận bất hạnh, sau đó mới làm các điều lớn lao với đất nước, với nhân dân. Nhà trường chú ý nhồi nhét kiến thức mà ít quan tâm dạy làm người.

PV: Không chỉ có nói bậy, văng tục mà nhiều thanh niên còn có thái độ thách thức pháp luật… Một thực tế không thể phủ nhận là giới trẻ, thanh thiếu niên ở Thủ đô có nhiều biểu hiện "vô văn hóa" hơn hẳn so với giới trẻ ở các địa phương khác. Vì sao giữa Thủ đô lại có hiện tượng “nhờn luật” như vậy?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi chưa thấy tài liệu thống kê nào so sánh khẳng định: “Thanh thiếu niên ở Thủ đô có nhiều biểu hiện "vô văn hóa" hơn hẳn so với giới trẻ ở các địa phương khác, kể cả so với TP HCM”. Tôi nghĩ, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Còn “nhờn luật” là do người dân kém hiểu biết về luật, do luật không “thiêng” và còn do “tại anh tại ả, tại cả đôi đàng”, người dân chấp hành luật không nghiêm, mà cán bộ công quyền cũng không đủ uy, đủ tâm, đủ tài để thuyết phục người dân.

Bạn cũng đừng quá kì vọng về Hà Nội. Hà Nội bây giờ là một cái “làng khổng lồ” cái tốt cái xấu của cả nước dồn đến. Người “nhờn luật” thì ở đâu cũng “nhờn”.

PV: Như vậy là Hà Nội cũng có những “cái khó” riêng?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Hà Nội đang đứng trước áp lực di dân rất lớn. Trước đây, quá trình di dân từ nông thôn ra thành phố thường là chất lượng con người cao. Trí thức ở làng (người học trung cấp, đại học) không quay về, mà ở lại thành phố làm việc mới được nhập khẩu, còn thợ cày, thợ cấy, thợ xây, thợ thủ công... rất khó di dân ra phố phường vì không được cấp sổ gạo.

Bây giờ thì ai cũng có thể ở lại Hà Nội được. Con số tạm trú lao động phổ thông ở Hà Nội rất lớn. Người ta bảo: “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Ở quê, cái tốt người ta khoe, còn cái xấu người ta phải giấu diếm, không thì cả làng biết, rất dễ bị bài xích, cô lập. Một cô gái chửa hoang khó sống ở làng. Nhưng, Hà Nội thì toàn người tứ xứ, hàng xóm cả năm không nói chuyện, sống nhà nào biết nhà ấy, sống chẳng cần phải giữ gìn.

PV: Bằng đôi mắt của một nhà văn, ông có cảm thấy luyến tiếc điều gì ở Hà Nội không?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi tiếc những hàng cây xanh ở đường Nguyễn Trãi. Có được một đường tầu trên cao mà mất đi những hàng cây xanh thì cái giá đánh đổi kinh tế với môi trường quá lớn. Tôi tiếc những thảm cỏ xanh đã trồng thành bồn ở các ngã tư, ngã năm, ở giữa các con đường vừa làm giải phân cách vừa làm xanh đẹp, bây giờ phải phá đi để mở rộng đường. Cũng là cái giá đánh đổi môi trường với kinh tế.

Tôi cũng nuối tiếc hình ảnh Người Hà Nội thanh lịch, chỉ còn trong báo chí và văn học, nghệ thuật.

PV: Trước thực trạng những hành vi phản văn hóa ngày càng trở nên nhức nhối. Vậy theo ông trách nhiệm thuộc về ai? Và điều chúng ta phải hành động ngay ở đây là gì?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ai. Văn hóa, văn minh bao giờ cũng đi cùng với dân trí. Có người học ít mà văn hóa cao, có người học cao mà văn hóa thấp. Cho nên, nâng cao dân trí không chỉ là câu chuyện đến lớp học, mà học bằng nhiều cách để nâng cao chất lượng con người.

Theo tôi, cùng với cải cách phát triển kinh tế thì cần có một cuộc đại phục hưng văn hóa. Những giá trị văn hóa đặc sắc tốt đẹp của dân tộc đang mai một cần phải giữ gìn, phát huy. Trước hết phải làm một cuộc cách mạng về văn hóa ứng xử. Cần phát động một cuộc viết và nói thành một diễn đàn rộng lớn về tính tốt đẹp và cả tính xấu xí của người Việt, tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục, xây dựng trong phạm vi toàn quốc.

Huyền Anh

(Năng lượng Mới)

>> Báo động nạn “mất dạy” ở Hà Nội