Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Còn có một Boris Pasternak khác (tiếp)

Ilya Ehrenburg-Tô Hoàng dịch
Thứ sáu ngày 31 tháng 10 năm 2014 5:52 AM


( từ Hồi ký “ Con người, Năm tháng, Cuộc đời”


(tiếp theo và hết)


..Nghệ thuật hết sức muôn màu muôn vẻ. Trong những vần thơ trữ tình tác giả đã bộc lộ bản thân mình. Nếu nhà thơ là một con người đặc sắc, độc đáo thì xúc cảm của anh ta- nỗi xúc động trước một sáng mùa xuân, cảm giác về sự không tránh khỏi cái chết,niềm vui của tình yêu hoặc nỗi hoài nghi..nghĩa là tất cả những gì nhà thơ bộc lộ ra nhất thiết phải trở nên có thể hiểu được với hàng ngàn,hàng triệu người.Để viết được câu này: ” Pi, lúc đã tóc bạc da mồi chúng ta yêu nhau đầy dịu dàng và sùng tín.. ”nhà thơ Chutsev không cần phải quan sát những người già cả trải qua cái cảm xúc ấy. Bản thân ông đã đứng ở ngưỡng cửa của tuổi già khi gặp E.A Deniseva hãy còn rất trẻ. Trong truyện ngắn “ Câu chuyện buồn “ để thể hiện được tình bạn hữu giữa vị giáo sư cao niên và cô học trò trẻ tuổi của mình, nhà văn A.P Tsekhov dạo đó còn khá trẻ phải biết rất rõ con người, cảm xúc, thói quen, tính cách, thậm chí đến cả kiểu phục trang, cung cách ăn nói của cả hai nhân vật. Boris Pasternak –một trong số những nhà thơ trữ tình xuất sắc nhất của thời đại chúng ta- như bất kỳ nghệ sỹ nào khác đã bị hạn chế bởi chính cái chất người của riêng ông. Khi ông có ý định mô tả trong cuốn tiểu thuyết “ Docter Zhivago” hàng chục nhân vật, thời đại họ sống trải, bầu không khí của cuộc nội chiến, tái hiện lại những cuộc trò chuyện trên xe lửa…ông đã không thành công. Pasternak chỉ nhìn thấy và nghe được chính bản thân ông.

Pasternak luôn bị cuốn hút, luôn mê say- đặc biệt ở những năm tháng cuối đời- những gì còn chưa sáng tỏ, còn mù mờ trong số phận của những người khác. Trong một cuốn sách mang tính chất tự thuật, Pasternak mong hiểu được những điều mà Maiakovsky, Svetaieva, Fadeev đã sống trải vào những giây phút cuối cùng cuộc đời của họ ra sao. Khi đọc những lời đoán định về những điều muốn biết ở ông, tôi cảm thấy ngượng ngập. Boris Pasternak có một trái tim lớn, nhưng ông lại không có được cái chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của những người khác.

Tôi không có ý định phỏng đoán xem chính Pasternak đã trải qua những điều gì vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời ông.Tôi không gặp ông. Không, có thể đã gặp nhưng không hay biết gì cả: sông sâu nào có kẻ dò…Tôi không biết vì sao chính trong cuốn sách mang tính tự thuật kia Pasternak lại vỗ tuột tình bạn hữu lâu đời giữa ông và Maiakovsky. Còn tôi lại muốn kể về tình bạn ấy, bởi lẽ tôi là một chứng nhân.

Những lúc bông đùa chúng tôi thường nói Maiakovsky có một giọng nói dự trữ, giọng nói thứ hai dành cho phụ nữ. Với cái giọng nói thứ hai đó, thường là rất dịu dàng, âu yếm-trước sự chứng kiến của tôi-Maiakovsky chỉ nói với một người đàn ông duy nhất, đó là Pasternak!.Tôi còn nhớ, vào tháng 5 năm 1921 tại Nhà thông tin tuyên truyền có tổ chức một buổi tọa đàm về Boris Pasternak. Bản thân nhà thơ đã đọc thơ của mình. Sau đó một nữ diễn viên trẻ, chị V.V Alekseevna Maskhieva đọc những bài thơ khác của ông. Khi thảo luận, có người nào đó cất tiếng cười-như chúng ta thường nói-tiếng cười “ diễu cợt những chỗ yếu kém”.Ngay lúc ấy Maiakovsky đứng bật dậy và cao giọng bắt đầu ca ngợi thơ của Pasternak. Maiakovsky đã bênh vực Pasternak với sự nồng nhiệt của một tấm chân tình yêu mến người bạn mình.

Trong cuốn “ Chứng từ bảo hộ” (1930) Pasternak đã nói đến mối quan hệ của ông với Maiakovsky vào hôm trước Đại chiến I, vào những năm chiến tranh và những năm đầu tiên của cách mạng:” Tôi mê Maiakovsky như điếu đổ”.” Tôi sùng bái ông ta”.” Tôi hầu như quá vui sướng khi lần đầu được nói chuyện với một người còn xa lạ mà lại cảm thấy như đang nói chuyện với một người mà mình đã tương tư từ lâu rồi”.( sau một trong những lần xích mích giữa hai người ).” Tôi cảm giác được sự tồn tại của Maiakovsky với một sức mạnh nhân đôi. Sự hiện diện của ông đã mở ra trước tôi với toàn bộ sự tươi mới của buổi làm quen đầu tiên”.

Những lần xích mích, cãi cọ giữa hai người xẩy ra thường xuyên và rất ầm ĩ.Đôi khi Boris Pasternak kể cho tôi nghe về những lần bất hòa ấy.Tôi còn giữ được một số Tạp chí “ Người đương thời” ( 1922 ) với dòng chữ ghi như thế này của Pasternak:” Gửi người bạn, người chiến hữu lòng biết ơn và niềm vui vì cuốn “Khurennhito” anh tặng. Việc đánh giá cao cuốn sách của anh sẽ tập hợp lại Maiakovsky, Aseev và các bạn bè chiến đấu khác thường hiếm khi vai sát vai bên nhau vì hay phát tán mỗi người mỗi ngả “.

Sau một trong những lần xích mích như thế Maiakovsky và Pasternak gặp nhau ở Berlin. Cuộc hòa giải giữa hai người cũng lại hết sức ồn ã, nồng nhiệt như khi họ cãi cọ nhau. Tôi ở bên hai người suốt ngày hôm đó, cùng nhau ăn trưa, và rồi một lần nữa lại cùng nhau ngồi trong quán cả phê. Pasternak đọc những bài thơ mới của ông. Buổi tối Maiakovsky phát biểu tại Nhà Nghệ thuật. Khi Maiakovsky đọc bài thơ “ Ống sáo- đốt xương sống” của mình, ông quay mặt hướng về phía Pasternak.

Sau đó chặng đường đời của họ mỗi người mỗi ngả.Nhưng ngay vào năm 1926 khi Maiakovsky dẫn ra bài thơ tứ tuyệt của Pasternak “Trong ngày ấy, anh nhìn thấy em suốt từ cái lược trên đầu tới gót chân”, ông đã gọi Pasternak là “ một thiên tài”. Trước lời ban tặng đó của Maiakovsky, Pasternak đã viết: “ Tôi khóc rống lên như tôi muốn thế đã từ lâu”.

Tại sao, khi ngoảnh nhìn lại quá khứ của mình Pasternak lại định xóa bỏ đi nhiều điều ?

Có lẽ ở điểm này đã nói lên sự không bằng lòng của ông đối với chính bản thân ông? Tôi không biết nữa ! Đối với tôi, những bài thơ cuối cùng của ông liên quan chặt chẽ với “ Em gái cuộc đời tôi” , và ông, rõ ràng là đã linh cảm được sự đoạn tuyệt. Cách đây không lâu tôi đã đọc được bức thư Pasternak gửi cho một trong những dịch giả người Pháp đăng trên tờ tạp chí “ Espi ”. Pasternak cố thuyết phục dịch giả kia không nên cho công bố bản dịch một số tác phẩm cũ của nhà thơ.Mọi người kể lại rằng khi trò chuyện với Pasternak về những cuốn sách trước đây của ông, Pasternak cố làm cho người nghe tin rằng tất cả những gì đã được ông viết ra trước đây đều chỉ là bãi tập dượt để chuẩn bị phóng đến vạch đích duy nhất ông vừa kết thúc không lâu- cuốn tiểu thuyết “ Doctor Zhivago”.

Đọc hết bản thảo “ Doctor Zhivago” tôi thất vọng.

Trước đây Pasternak đã viết:” Không biết tìm ra và nói lên sự thật là một thiếu sót mà bất kỳ sự biết dối trá nào cũng không che lấp nổi”. Trong cuốn tiểu thuyết có những trang khiến ta sửng sốt về thiên nhiên, về tình yêu, nhưng lại có nhiều trang chứng tỏ rằng tác giả của nó không nhìn thấy, không nghe thấy gì. Cuốn sách kèm theo những bài thơ tuyệt tác. Những bài thơ ấy tựa như nhấn mạnh thêm sự không chính xác về tâm lý của văn xuôi.

Trước đây chưa bao giờ tôi chịu thất bại khi thuyết phục những người sành sỏi thơ ca ở nước ngoài rằng Pasternak là một nhà thơ lớn. ( Điều này tất nhiên không liên quan đến một số nhà thơ kiệt xuất biết tiếng Nga. Ngay từ năm 1926 Pinke đã nói một cách đầy phấn hứng về những bài thơ của Pasternak ). Vinh quang đã đến với ông bằng một con đường khác. Trước đây Pasternak đã viết:

Và mi đã thì thầm bên tai ta, tên lính hầu

Không phải là không có dụng tâm

Ở ngoài ngoại ô, nơi không có bóng dáng giống hai chân

Ta cũng thuộc giống ấy, ta đi khỏi nhánh đường

-Không phải cái thành phố ấy, không phải cái lúc nửa đêm ấy..

Tôi đã có mặt tại Stockholm khi bùng nổ cơn bão tố xung quanh Giải thưởng Nobel cho cuốn “ Doctor Zhivago”. Tôi bước ra phố và nhìn thấy những biển thông báo, trên những tấm biển ấy chỉ có một tên họ. Tôi cố hiểu một điều gì đó, tôi mở radio và cũng chỉ hiểu nổi một điều: “ Pasternak”…Đó là một trong những lớp lang của cuộc “ chiến tranh lạnh”.Không phải cái thành phố đó, không phải cái lúc nửa đêm ấy. Cũng không phải là cái vinh quang mà Pasternak đáng được hưởng…

Tôi quanh trở về với thơ ca. Trước đây những người tuyển chọn các tập thơ thường có thói quen hướng đến việc phân định theo đề tài. Nếu xử sự với Pasternak bằng cái thước đo ấy thì hình như phần lớn các bài thơ của ông đề cập tới Thiên nhiên và Tình yêu. Nhưng tôi lại nghĩ rằng đề tài thường trực, chủ đạo của Pasternak là Nghệ thuật, có nghĩa là cái đề tài đã sản sinh ra “ Bức chân dung” của Gogol, “ Kiệt tác chưa ai biết tới” của Balzac , “ Hải âu” của Tsekhov…

Ôi, dường như tôi đã biết thường vẫn như thế

Khi đưa ra trình làng

Những dòng chữ nóng hổi của mọi đề tài vừa bị giết

Bị bóp cố và mổ bụng..

Và ông đã kết thúc bài thơ về những bài thơ bằng sự thú nhận:

Và nghệ thuật sẽ chấm hết

Chỉ còn đất đai và con người vẫn thở mà thôi !

Pasternak không tự vẫn, ông không chết trẻ, nhưng ông nhận ra toàn bộ cái giá mà nghệ thuật phải trả -tức sức mạnh của những dòng chữ mà người ta đang giết đi một cách chậm rãi và kiên nhẫn.

Có một lần Paul Eluard đã nói: “ Nhà thơ phải là một cậu bé con cho dù mái tóc trên đầu đã ngả bạc và huyết mạch đã sơ vữa”. .Trong con người Pasternak có điều gì đó của trẻ con. Nếu coi ông có cái gì đó ấu trĩ, ngây thơ tức thì đã xác định ông là một nhà thơ. Ông đã viết về một tác giả:” Liệu anh ta có thể trở thành một nhà thơ giỏi được không khi anh ta là một kẻ đồi bại”.Lần đầu tiên nhìn thấy Paris, ông đã thốt lên: ”Đây không giống một thành phố, đây giống một phong cảnh hơn !”. Ông nói: “ Mô tả một buổi sáng mùa xuân dễ ợt. Sự mô tả đó chẳng cần cho ai cả.Nhưng để trở nên giản dị, rực rỡ và hoàn toàn bất ngờ như buổi sáng mùa xuân, hãy thử xem-cực khó đấy!”.

Về những năm tháng mà tôi đang kể bây giờ đây khi tôi bước đi đầy bối rối, âu lo, Boris Pasternak vừa là sự bảo đảm cho sức sống của Nghệ thuật, vừa là chiếc cầu nối đối với cuộc đời sinh động. Trẻ trung, vui tươi, đẹp đẽ ông giống như một người Ả rập đầy phấn hứng. Tôi lúc nào cũng ghi nhớ về ông như vậy, cho dù ngay cả khi tôi nhìn thấy ông đã già yếu, mái tóc trên đầu đã bạc trắng…

Đã một nửa thế kỷ rồi,đột nhiên tôi lại bắt đầu thì thầm ngâm nga những bài thơ của Boris Pasternak.

Đừng xua đuổi những bài thơ ấy khỏi thế giới này. Chúng vẫn đang sống…

TÔ HOÀNG

/Dịch qua tiếng Nga /