Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người đi mời

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ bẩy ngày 18 tháng 10 năm 2014 3:57 PM


Không phải như mẹ Đốp đi rao mõ mời các bô lão ra đình ăn khoán Thị Mầu. Anh ta đi sang Hải Phòng, đặt nhà in Mai Lĩnh, in một số giấy mời đặc biệt, giấy dầy và cứng, mầu hồng. Mặt ngoài tờ thiếp, bên cạnh hai từ “Thiếp mời”, in cành mai thọ. Cả hoa và chữ đều mầu vàng kim. Mặt trong, tên người được mời và tên chủ nhân cũng in chữ vàng. Đặt in xong, anh đến hiệu chú Khách mua mấy chục gói chè “Chính thái”, để đem đi mời. Chả là, cụ Bá Chúc sắp mở tiệc khao lý trưởng cho ông Cả. Lợn đã có sẵn ở trong chuồng rồi. Chỉ có bò là phải mua. Mấy hôm nay cụ đã sai người đi tìm chỗ mua rồi.
Mấy ngày sau thiếp in xong. Hôm đi mời, anh đội mũ phớt, mặc áo dài the cổ cứng, quần chúc bâu trắng, là vuông hòm sớ, chân đi giày giôn, tay xách cặp giấy mời. Đi theo anh là hai cô gái trẻ, vai quẩy quang thúng. Họ mặc quần lụa thâm, áo cánh trắng, đầu đội khăn ga, nón chúp mới. Trông đẹp đẽ như đi trẩy hội.
Làng nào, xã nào có các vị chức sắc, từ hàng chánh phó tổng, chánh phó lý, bá hộ, tiên, thứ chỉ giầu có vào hàng nhất, nhì trong huyện, anh đã nắm chắc, đã thuộc làu làu, và tên tuổi của họ đã in cả ở trong thiếp mời rồi. Khi đến mỗi nhà, sau lời chào và tự giới thiệu mình, anh đều lễ phép thưa: “Cụ Bá Chúc nhà con sắp mở tiệc khao lý trưởng cho ông Cả. Cụ sai con đến kính mời cụ Bá (hoặc ông lý) bớt chút thì giờ vàng ngọc, hạ cố đên dự tiệc mừng. Cụ Bá nhà con rất hân hạnh được hầu tiếp”. Miệng nói, hai tay anh trân trọng nâng tấm thiếp (trên để gói chè đang phảng phất hương thơm) lên ngang tầm nhìn, rồi mới nhẹ nhàng để lên án thư.
Bữa tiệc thịnh soạn, linh đình mà không phải mất tiền này, vốn các vị chức sắc đã, chờ đợi và mong mỏi từ lâu. Rượu Phong ten nhắm với thịt bò tái, chấm tương Bần. Uống đến mềm môi, say khướt con cò bợ, say đến khố đái ra quần mà vẫn chưa muốn thôi. Miệng uống, tay gắp, răng nhai, tai lắng nghe cung đàn nhịp phách, của các đào nương xinh đẹp đang bổng trầm, thánh thót: “hồng hồng… tuyết tuyết…”. Thì ai giám bảo đó không phải là cõi tiên! Tiệc mặn tàn, lại tiếp đến tiệc ngọt. Tàn tiệc ngọt, rồi đến tiệc khói. Thần Lưu Linh kết duyên với Thần nha phiến, với nàng Tiên nâu ngất ngây thơm ngát, cuốn hút hồn người. Một mùi thơm đặc hữu, không lẫn với bất cứ mùi thơm của loài hoa nào. Thơm đến nỗi con thạch sùng nấp ở trong kẽ vách cũng phải bò ra đớp khói. Vị nào không thích dùng nàng Tiên nâu. Thì tổ tôm, xóc đĩa tuỳ lòng… Đó là niềm vui, là sự sung sướng của đời người, mà không phải ai cũng được hưởng thụ. Cho nên cụ Bá nào, ông Lý nào cũng rất vui vẻ nhận lời. Cụ Bá làng Đồng Mỹ còn dặn: “Anh cho ta gửi lời cảm ơn ông chủ anh, Ta với ông ấy là chỗ đồng liêu. Thế nào ta cũng đến uống chén rượu mừng cho cha con ông ấy, công thành danh toại”.
Thế là xong phần thứ nhất của cuộc đi mời. Còn phần thứ hai là, anh thay mặt cụ Bá Chúc, xin các vị chức sắc được mời, cho nhà đám mượn một số bát đĩa cho hôm tiệc. Các vị được mời trong lòng đang vui, vả lại bọn họ, phần lớn đều là chỗ quen biết, đồng liêu với nhau, cho nên chẳng ai từ chối. Thế là bao nhiêu nồi đồng, mâm thau, bát đĩa sứ cổ, các bộ đồ trà gia bảo, cả năm chỉ sử dụng vài ba lần, vào các dịp giỗ tết, hiếu hỷ, rồi lại cẩn thận cất vào hòm. vào tủ. Thì giờ đây được chủ nhân sẵn sàng tra chìa khoá vào hòm, vào tủ, lấy ra cho đám khao mượn. Rồi tất cả những đồ dùng quý giá ấy, đều được hai cô gái xếp vào quang thúng, gánh ra đường tỉnh lộ, thuê xe kéo chạy thẳng sang chợ Sất Hải Phòng, và trở thành hàng hoá. Bán cho nhà hàng nào? Giá cả mỗi loại bao nhiêu? Người anh của họ đã bàn định xong với người mua, từ hôm sang lấy thiếp mời rồi. Hai cô em chỉ việc giao hàng và nhận tiền thôi.
Đến đúng ngày lành thâng đẹp đã in trong thiếp mời, các vị thực khách, khăn áo tề chỉnh, lũ lượt qua đò sang làng Thiên Chúc. Đi đến bên ngoài luỹ tre nhà cụ Bá Chúc, mà chẳng nghe thấy tiếng ồn ào vốn có của một nhà đám. Khiến các vị thực khách sinh nghi, họ nghển cổ nhìn vào. Ôi thôi, hỏng rồi! Cái sân gạch rộng mênh mông vắng ngắt, không dựng rạp và cũng không một bóng người. Lúc bấy giờ các vị thực khách mới té ngửa ra, và mới hiểu cái cảnh ngộ thảm hại của mình!
Mẹ cha cái thằng khốn nạn ấy! Trông bề ngoài có vẻ con nhà lành, nho nhã nữa chứ! Thế mà lại hoá ra quân lừa đảo. Mày to gan nhớn mật thật! Mày điếc không sợ súng chắc? Mày giám vuốt râu cọp à? Bọn ông nhất định sẽ tóm được gáy mày, quẳng vào nhà đá, cho mảy tù một gông! Giận quá, vị nào cũng nghiến răng ken két chửi thầm mấy câu. Rồi sợ cái tiếng là “bọn xôi thịt”, tham ăn, vị nào cũng âm thầm, vội vã quay về. Nhưng cũng có vị xót của quá, bèn ném phăng cái tiếng tăm, danh dự đi, vào thẳng nhà cụ Bá Chúc hỏi cho ra nhẽ. Thế là cụ Bá Chúc bị ăn vạ, phải sai người đi mua rượu, bắt gà làm cơm đãi khách.
Rồi ngay ngày hôm ấy, các nhà chức trách đi ăn cỗ hụt về, liền sai bọn tay chân đi khắp nơi dò la tung tích tên gian tặc. Nhưng càng tìm càng mất!...
*
* *
Thế rồi cách mạng tháng Tám bùng lên. Chính quyền cũ tan rã. Hôm Vịêt Minh vào huyện đường, lão quan huyện nộp triện đồng, tay run như cầy sấy. Cha con cụ Bá Chúc sợ chính quyền mới, ở miết trong nhà, mấy tháng ròng không giám ló mặt ra ngoài ngõ.
Do có bằng “Sơ học yếu lược”, anh Gia được Uỷ Ban hành chính xã Đông Chúc giao cho làm giáo viên “Bình dân học vụ”. Thế là cả làng ai cũng gọi anh là “giáo Gia”. Lúc vui đùa, ban bè lại gọi anh là “gia giáo”! Anh vui tính và rất hăng hái, vào Đoàn thanh niên, rồi vào Đội du kích, ngày đêm đi canh gác, phòng gian bảo mật. Rồi một hôm vui chuyện, không biết là do vô tình, mà anh buột miệng nói ra. Hay anh hiểu rằng, lừa được bọn cường hào, ăn trên ngồi trốc, thì không phải là xấu, cho nên anh đã kể cho bạn bè nghe, chuyện ngày nào anh đóng vai người đi mời đám khao. Thế là cả làng ai cũng biết chuyện, và khen anh là người tài giỏi và can trường.
Nhưng đó là quan niệm của thời quá khứ, còn thời bây giờ, thưa các nhà luật pháp, hành vi đó của anh Gia, có bị coi là phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác không?./.

TP Uông Bí, ngày 12/ 4/ 2014
THĐ