Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lịch sự “ đích thực” đang bị lãng quên?

Hoàng Bích Nga
Thứ năm ngày 16 tháng 10 năm 2014 7:43 AM


Lịch sự là những hình thức, lễ nghĩa xử thế hoàn hảo do con người trong xã hội thiết lập ra. Phép lịch sự dạy ta biết tôn trọng quyền lợi và nhân phẩm của người khác, là một thứ kỷ luật bản thân để khỏi xâm phạm quyền tự do của người khác. Con người hơn hẳn động vật khi có hành vi lịch sự.
Các nhà lý luận đã chỉ ra, nhân đức là nền tảng của lịch sự, trong đó sự công bằng, bác ái là chủ thể, chân thành là cái hồn của lịch sự. Nếu lịch sự chỉ là cái vỏ bên ngoài, thiếu sự chân thành- thiếu cái đẹp, cái tự giác bên trong thì

“ lịch sự là vua giả dối”.

Chính lịch sự giúp con người dẹp bỏ tính ích kỷ, chế ngự tính nóng nảy, ngôn từ thô tục, hành vi  thô thiển…để tạo không khí vui vẻ, hòa đồng. Có người nói “ lịch sự là đóa hoa của lòng bác ái”.
Người lịch sự là đối với mọi người, dù già, trẻ, nam, nữ, từ trong nhà đến ngoài xã hội đều tôn trọng yêu mến, giúp đỡ. Với chính mình cũng tề chỉnh, tự tôn và tự giác thực hiện những điều làm cho cá nhân hoàn thiện…Nói tóm lại, định nghĩa và lý luận về lịch sự có nhiều nhưng để có được nếp sống này đâu có dễ. Có nhiều người khi mới tiếp xúc, lời nói, cử chỉ rất lịch sự nhưng khi làm việc cùng, hoặc sống cùng lại không được mọi người cảm mến, vì đó chỉ là giao tiếp bề ngoài , thiếu chân thành, thực tâm.
 Khi gia đình, trường học, xã hội không bình yên thì thể hiện của lịch sự cũng “phong ba, bão táp”.
Trước đây, Việt Nam ta hay có câu “ phú quí sinh lễ nghĩa”, hiểu sâu xa thì cái “ quí ” và “ lễ nghĩa ” là cái “ lịch sự ”được thăng hoa khi đời sống con người khá lên, giàu có và no đủ. Giàu mà “sang” ( lịch sự ) khó lắm. Cho nên các cụ nhà ta mới có câu giễu những người giàu nhưng xấu tính- thiếu nếp ăn ở tình nghĩa, thiếu văn minh lịch thiệp là “trọc phú” hoặc “trưởng giả học làm sang”.
 Lịch sự, một nếp sống tốt đẹp phải được dạy, được học và thẩm thấu qua nhiều đời, qua gia đình, trường học, qua ý thức của cá nhân và giao tiếp xã hội mới thành truyền thống, có tính tự giác, thực hiện ở bất cứ môi trường nào, kể cả khi chỉ có một mình với các thể chế của xã hội và những hành vi, ngôn ngữ...bất thành văn.
Một tờ báo Úc đã viết về sự giàu lên của người Trung Quốc ngày nay nhưng cái lịch sự, cái“sang” của họ lại thiếu như sau :
-Tại Hồng Kông, Giám đốc một công ty du lịch than vãn về những du khách Trung Quốc như sau: “ Họ muốn chen nhau thay vì xếp hàng để mua cái túi xách LV hoặc lên xe lửa. Nhiều người ở Trung Quốc, sau một thời gian dài không đủ tiền đi du lịch ngoại quốc, đột nhiên họ giàu có nên kéo nhau đi du lịch. Đối với những người này, mọi thứ đều mới mẻ...Quả thật là họ mang lại rất nhiều đô la cho du lịch nên mọi người phải cắn răng mà chịu”.
Năm 2013 có tới 83 triệu người Hoa đại lục đi du lịch ngoại quốc, chi tiêu tổng cộng 102 tỷ USD, đem nguồn lợi rất lớn cho ngành du lịch nên các nước phải chấp nhận cách sống của họ.
Ngày nay có nhiều nghịch lý, của cải nhiều lên nhưng  phép lịch sự “ đích thực ”quả là khó tìm. Phần lớn, lịch sự được thể hiện qua phép xã giao- bề ngoài- nhiều hơn là trong nếp sống của các cá nhân và gia đình, có nghĩa là thiếu cái hồn- sự chân thành - và sự tự giác từ trong sâu thẳm tư duy và hành động của con người.
Chẳng hạn có những ông chồng ( hoặc bà vợ) ra ngoài đường mặc rất đẹp, nói rất hay, “ xin lỗi”, “ cám ơn”…rất đúng văn cảnh, nhưng ở nhà thì, quát mắng lẫn nhau, quần áo xộc xệch, quên hẳn “xin lỗi” khi làm phiền cha mẹ, quên hẳn “cám ơn ”khi con cái giúp đỡ. Hoặc khi đi đường, sẵn sàng xả rác ra đường, va chạm với người lạ là to tiếng, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”…
Xa xôi hơn, có những nhà nghiên cứu về lĩnh vực này đã khảo sát để có thực tiễn kết luận “ lịch sự đích thực” đang khủng hoảng.
Ví như nước Pháp, một nước được coi là điển hình khi thực hiện phép “lịch sự” thì nay cũng có sự hoài nghì về vấn đề này. Tờ báo khác ở Úc đăng tin:
-   Theo kết quả thăm dò của Aléas ( Pháp) phổ biến, 60% dân Pháp cho biết điều quan trọng hiện làm cho họ lo ngại và trở thành căng thẳng tinh thần, không phải do sự thiếu hụt tiền bạc, sự ồn ào của thành phố và thiếu thì giờ nghỉ ngơi, mà là sự thiếu lịch sự, thiếu lễ phép trong xã giao và nhất là sự dễ gây chuyện xảy ra hàng ngày ở khắp nơi… Ở thành phố, nhiều nhóm người sống chung với nhau nhưng thiếu nhân ái, không qui định được sự đồng thuận để chia sẻ không gian sống.
 Ký giả Clesment Pétreaurt (Le Point, 7/2014, Paris) ghi nhận có 85% trong dân chúng nói chuyện điện thoại lớn tiếng làm chói tai người ở gần. Thảm nạn này  thường do người Tàu, người châu Phi da đen, các bà Việt Nam cũng góp phần… gây ra rất tự nhiên trong tiệm ăn, trong xe lửa, xe bus; 79 % số người phóng lên xe bus, xe lửa, metro khi xe vừa mở cửa không kịp chờ người trên xe xuống, có người trốn vé; 70% số người ăn trên xe, hiện tượng vẽ bây, cố ý phá hoại các vật dụng trên xe xảy ra không hiếm…Hàng năm Paris phải tốn 400 triệu Erous để tu sửa. Trong trường học, hàng năm có 80 000 đơn của giáo viên đưa về cấp trên về việc học sinh vô lễ, hành hung giáo viên… Các nhân viên ở Bệnh viện, ngân hàng…hay bị người dân xỉ vả, chửi mắng thô tục.
Bài báo trên còn đưa tin, ông Tổng thống Pháp-  Sarcozy-  đang lúc tiếp kiến giáo hoàng Benoit XVI thản nhiên trả lời một SMS. Lần đầu gặp bà Merkel, Thủ tướng nước Cộng hòa Liên bang Đức, ông nhào tới ôm hôn làm bà ngượng vì bà chỉ muốn bắt tay thôi.
 Đàn ông hôn tay phụ nữ không chỉ là xã giao mà là một nghệ thuật. Khi đó phải cúi người xuống, đưa tay nâng nhẹ bàn tay phụ nữ lên làm như đặt  môi hôn mà môi phải không được chạm vào làn da bàn tay. Nếu người phụ nữ mang bao tay, môi người hôn cũng không được chạm vào bao tay. Cần quan sát thái độ người phụ nữ mình định hôn để có hành vi ứng xử lịch sự, phù hợp.
 Giáo sư Frédéric Rouvillois ở Đại học Paris đồng ý nhận xét cho rằng xã hội Pháp ngày nay kém lễ phép, lịch sự hơn trước đây rất nhiều.
Lễ phép là một giá trị văn hóa mà người Pháp đặc biệt quan tâm , gìn giữ. Đất nước khi bị khủng hoảng thì mọi phép tắc, lễ nghi, kỷ cương xã hội đều bị ảnh hưởng, ở Pháp lễ nghĩa bắt đầu xuống cấp sau đại chiến II. Biến cố tháng 5/ 1968 (biểu tình của sinh viên tả khuynh ở Pháp đòi cách tân đất nước vì họ không tin vào xã hội tư bản hiện tại, thất vọng với chủ nghĩa Mác) đã đào huyệt mai táng luôn những giá trị truyền thống của  dân tộc. Trong thập niên 70, chỉ còn 30% dân Pháp cho rằng lễ nghĩa là những giá trị truyền thống nên giữ gìn và lưu truyền.
Bài báo của tác giả Hoàng Hải Thủy( ở Mỹ đi du lịch sang Pháp viết) đăng ở báo Úc , “Paris mù sương và tôi cũng yêu em…”có viết “ Những cái nhất của Paris” như sau:
1/ Đường xá dơ nhất ( bẩn nhất);
2/ Nước Pháp nhiều kẻ móc túi, nhiều như rươi, Paris nhiều kẻ cắp nhất;
3/ Đường xá Paris đa số hẹp - Paris nhất về đường hẹp;
4/ Paris thiếu nước tắm.  Những Appartment ở Paris không có toilet và phòng tắm cho từng phòng, phải xài chung toilet ở dưới nhà, nên đa số lười. Đi tiểu trong bô dấu dưới giường. Paris nhất ở dơ ( bẩn). Paris nhất lười tắm. Nghe nói mùa đông đi metro có thể bị rận từ người khác, di cư sang quần áo của mình.
Qua con mắt của người nước ngoài thì thủ đô Pháp , nơi được ca ngợi nhiều về sự lịch thiệp trước đây, nay cũng xuống cấp.
Các nước khác thì sao, công dân của họ thẩm thấu và biểu hiện nếp sống văn minh, lịch sự như thế nào?
Một tờ báo Úc đưa tin, trong chuyến công du của Thủ tướng Canada tới các vùng Bắc cực 8/2014 đã cấm các ký giả của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc không được tháp tùng Thủ tướng. Phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng nói: “Vì trong thời gian qua, những ký giả này có thái độ hung hãn, thiếu lịch sự !”. Ông Andrew MacDougall, Giám đốc đặc trách truyền thông của Thủ tướng nói: “ Dù đồng ý hay không về diễn tiến cuộc họp báo, việc một ký giả Trung Quốc có hành vi xô đẩy nhân viên của chúng tôi là điều không thể chấp nhận”.
Nhà báo Gwynn Guildford viết trong trang mạng Quartz: tại viện bảo tàng Louvre- Pháp – có một bảng thông báo viết bằng tiếng Hoa “cấm không được tiểu tiện và đại tiện bừa bãi”.
Trên báo Der Spiegel của Đức, ký giả Stephen Vorte kể lại kinh nghiệm của ông với một đoàn du lịch người Hoa. Ông thuê phòng ở một khách sạn ở Bavaria, Đức, được phát thông báo: “ Ngày mai, khách sạn chúng tôi sẽ đón một đoàn du lịch người Trung Quốc. Chúng tôi hết sức xin lỗi nếu những tiếng gọi nhau ầm ỹ của họ làm phiền quí vị. Quí vị cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy họ dùng tay không sờ nắn bánh mì, bốc thử đồ ăn hay khạc nhổ bừa bãi cũng như ăn uống thô lậu. Nếu quí vị muốn thưởng thức bữa ăn sáng trong yên tĩnh, quí vị nên tới phòng ăn sau 8 giờ 30 sáng. Một lần nữa chúng tôi xin lỗi quí vị . Mong quí vị thông cảm vì đoàn du khách Trung Quốc đến từ một nơi có một nền văn hóa khác với chúng ta”.
Ký giả nghĩ, sao khách sạn có hành vi bất lịch sự với khách như vậy, nên tự mình tìm hiểu. Sáng hôm sau, 6 giờ ông xuống phòng ăn ngồi chờ đoàn khách Trung Quốc. Ông thuật lại: “ Hơn cả ngạc nhiên, tôi đã sững sờ. Họ dùng muỗng gõ vào từng ổ bánh mì rồi dùng tay ấn thử. Một cô gái còn cầm xúc xích lên rồi nhăn mặt vứt trả lại. Một người ở đầu phòng gọi bạn ở cuối phòng. Họ vừa đi lại vừa nhai nhồm nhoàm. Họ hạch sách nhân viên khách sạn bằng những câu chỉ có động từ, tôi cố để ý nhưng không thấy một từ “làm ơn”hay  “cảm ơn ”nào thốt ra từ miệng họ”. Ông hỏi chuyện ông quản lý khách sạn và được ông này giải thích: “ Tôi biết làm vậy là không được lịch sự nhưng nếu tôi không làm như thế thì nhiều khách sẽ sốc và giận giữ. Tôi hy vọng mình thông cảm trước thì khách sẽ thông cảm với khách sạn hơn”. Ký giả còn tìm gặp một vài nhân viên khách sạn để hỏi chuyện. Ông ghi lại lời một nhân viên phục vụ trong phòng ăn: “ Sau khi họ đi, chúng tôi phải giặt lại toàn bộ thảm trải phòng, họ khạc nhổ khắp nơi. Họ rời khỏi nơi đây là chúng tôi thở phào !”.
Một số khách sạn ở Thái Lan còn cho biết, du khách Trung Quốc thuê khách sạn cho 2 người nhưng kéo 4,5 người đến ở. Rồi việc xả rác bừa bãi, phơi quần áo trên ban công, không xả nước khi dùng nhà vệ sinh, khạc nhổ tứ tung, gây ồn ào vào lúc đêm khuya, để trẻ em đi vệ sinh nơi hồ bơi công cộng...rất phổ biến trong đoàn khách người Trung Quốc.
Ở Hồng Kông, một nữ du khách Trung Quốc để cho con đái vào một cái chai trước mặt các thực khách trong một nhà hàng. Được nhắc nhở, bà còn coi hành vi đó không có gì sai trái.
Rồi việc chụp ảnh nơi công cộng cũng làm cho nhiều du khách ở quốc gia khác phiền lòng vì họ bất chấp các bảng cấm, cứ thản nhiên chụp hình, xô đẩy cả những du khách đang đi để chụp hình những nơi họ thích.
Còn người Việt Nam trước con mắt du khách nước ngoài ra sao? Chỉ cần đánh vào Google “du khách Việt Nam” sẽ thấy được thảm cảnh về bất lịch sự của du khách Việt Nam. Trong báo Lao Động có ghi : “Khách nước ngoài họ rất có ý thức ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự, vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi tham quan du lịch, trong khi khách người Việt thì thường tùy tiện, bừa bãi. Du khách người Việt đi đâu là gây ồn ào ( ngay cả trong thang máy). Ở chỗ đông người cần xếp hàng, lại cứ chen ngang. Đi vệ sinh cũng chẳng khác gì người Trung Quốc. Người đi trước ra, khiến người đi sau phải nhăn mặt bởi những gì người đi trước để lại. Ở châu Âu đã có một du khách Việt bị nhốt trong toilet , bởi vì muốn mở cửa ra thì phải có động tác giật nước xả ”mà người ấy lại không biết tiếng Anh nên không làm động tác xả nước.
Một số thông tin, như,  ở Hà Nội một tiệm ăn Shusi của Nhật mở cửa đón khách ngày khai trương, dự trù khoảng hơn 300 khách. Thế mà khách thanh niên, ước tính gần 1000 người chen lấn, giành giật nhau các món ăn. Trước ngày tết Nguyên đán ở Hà Nội, Nhật Bản có mở Hội hoa anh đào. Hội đang tiếp diễn đã có cảnh thanh niên Hà Nội đi xem đã  giành giật nhau để lấy  hoa anh đào, bẻ cành, bê cả chậu hoa khiến cho hội hoa tan tác.
Có những việc tưởng là nhỏ như được mời đi dự tiệc, giấy mời chỉ mời một người, nhưng khách mời lại đưa cả chồng (hoặc vợ), con đi khiến chủ nhân bữa tiệc bị động, họ phải sắp xếp lại chỗ ngồi, bổ xung khẩu phần ăn... Khách mời, nhiều người mặc rất đẹp, trông bề ngoài sang trọng nhưng khi ngồi vào bàn tiệc, thực đơn theo kiểu Tây, cách ăn, uống, sử dụng dao ăn, thìa, dĩa…rất lúng túng, giao tiếp vụng về hoặc nói rất to.
 Lại nữa, gần đây,  có nạn ăn cắp hàng ở siêu thị Nhật của một số người Việt được người làm ở nghành cần lịch sự nhất là ngành Hàng không của Việt Nam đưa về Việt Nam tiêu thụ. Hệ thống Internet đưa tin khiến cho “ nhục quốc thể”.
Có lẽ, những người quan tâm đến văn hóa các dân tộc đều biết, chuẩn mực về lịch sự ở hầu hết các quốc gia đều giống nhau. Ví như, ở Pháp, nếu tìm hiểu kỹ thì các chuẩn mực này được thể hiện ở các lĩnh vực như trang phục,cử chỉ, điệu bộ, cách đi, cách đứng, cách ngồi, gương mặt, ánh mắt, giọng nói, cách chào hỏi, cách ăn, cách giúp đỡ người khác, cách tặng quà, nhận quà,  cách làm việc, ứng xử giữa sếp với nhân viên và ngược lại…cũng giống như ở Việt Nam, các cụ xưa, dạy con học thành người “sang” ( lịch sự )  là “ học ăn, học nói, học gói, học mở” . Cho nên chẳng thể ngụy biện “ cái văn hóa của mình khác họ”.
Ngày nay, sự giao lưu giữa người và người mở rộng, mang tính quốc tế, phương tiện thông tin lại phong phú nên mọi hiện tượng xảy ra không bình thường ở các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều đến người đọc qua mạng internet. Danh dự của một nước, nét đẹp của mỗi quốc gia đều được người ta trân trọng nhưng những cái xấu cũng được đưa ra và bình luận  rất sâu sắc. Đối với mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân, việc học cái hay và loại dần những cái dở trong nếp sống, phong tục là cần thiết. Vì thế, học hỏi và tự ý thức về những điều cần làm và cần biết về phép lịch sự sẽ đem lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân và giữ gìn danh dự cho Tổ quốc.
Một xã hội sẽ bình yên khi mỗi con người sống trong xã hội đó có được một nếp sống văn minh, lịch sự “đích thực”./.