Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Còn không, kỉ cương phép nước?

Y Nguyên
Thứ tư ngày 15 tháng 10 năm 2014 10:12 PM

“Thôi chay thày đi đất”. Câu nói ấy của người xưa dường như không còn đúng nữa trong bối cảnh hiện nay khi mà tham nhũng hoành hành, lợi ích nhóm tràn lan bất chấp kỉ cương phép nước.
Chuyện xảy ra ở Thanh Hóa mà báo chí vừa mới đưa tin là một minh chứng sinh động cho sự bất chấp kỉ cương phép nước ấy. Đó là việc thi công đường Dương Đình Nghệ kéo dài (đoạn từ nút giao với đường Lý Nhân Tông đến nút giao với QL1A cũ - đường Bà Triệu thuộc địa phận phường Đông Thọ, TP.Thanh Hoá) theo phê duyệt ngày 7.7.2005 và điều chỉnh ngày 29.6.2010 của UBND tỉnh Thanh Hoá.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như việc thi công con đường không “đụng” đến nhà ông Nguyễn Văn Thát, cựu phó chủ tịch tỉnh.
Theo bình đồ thi công điều chỉnh ngày 29.6.2010, lối ra đường Dương Đình Nghệ kéo dài của nhà ông Thát chỉ còn 2,5m. Do đó, ngày 30.9.2013, ông đã có đơn kiến nghị gửi “chủ tịch tỉnh cho xem xét điều chỉnh chi tiết đoạn này để tôi có cổng ra đường Dương Đình Nghệ ít nhất 6m”.
Ngày 4.10.2013, chỉ 5 ngày sau khi ông cựu PCT tỉnh kiến nghị, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đương nhiệm – gửi công văn số 8177/UBND-CN yêu cầu UBND TP.Thanh Hoá “nghiên cứu, giải quyết”.
Ngay sau đó, dường như cả “hệ thống chính trị” vào cuộc theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sở Xây dựng, Sở KHĐT, Sở GTVT, Viện Quy hoạch xây dựng Thanh Hoá và UBND TP.Thanh Hoá đều nhất trí “nắn” đường theo kiến nghị của ông cựu PCT và chỉ đạo của cấp trên, phủ nhận mọi QĐ trước kia của UBND tỉnh cũng như các cơ quan tham mưu này về qui hoạch chi tiết đường Dương Đình Nghệ nối dài.
Điều đáng bàn ở đây không phải là mấy mét đất có lợi cho nhà ông cựu PCT mà là ở sự thượng tôn pháp luật của các cấp chính quyền và ban ngành ở địa phương.
Tại sao ông cựu PCT tỉnh có thể “lái” cả bộ máy các cơ quan công quyền vận hành theo ý đồ cá nhân của ông? Tại sao các ban ngành răm rắp làm theo và đáp ứng cực nhanh cái yêu cầu phi lí ấy của một công dân? Đó là những câu hỏi lớn mà dư luận đang đặt ra ở đây.
Người dân tự hỏi, nếu ông Thát không phải là cựu PCT tỉnh mà là một thường dân thì liệu ông có dám kiến nghị và các cấp chính quyền có sốt sắng giải quyết vậy không? Câu trả lời như thế nào thì mọi người đều đã rõ.
Đằng sau sự việc này là cả một uẩn khúc - cái uẩn khúc không còn xa lạ của sự thiếu minh bạch trong quản lí nhà nước? Ông Thát dù đã nghỉ hưu, hết chức nhưng cái vòi “bạch tuộc” của ông xem ra vẫn còn uy lực lắm. Ông chỉ nghỉ hưu trên danh nghĩa thôi; còn cả một ê kíp lợi ích nhóm đương nhiệm do ông “cài cắm”, “lót ổ”, sẵn sàng hành động theo chỉ đạo từ xa của ông. Hoặc giả cũng có thể khi đương chức, cùng làm việc với nhau, ông nắm được gót chân “asin” của ai đó để bây giờ, khi cần mưu lợi cho cá nhân, ông sử dụng nó như một điều khoản ràng buộc kẻ khác phải đáp ứng yêu cầu phi lí của mình?
Hệ lụy của việc làm sai trái này thì đã rõ. Con đường đang đẹp bỗng trở nên méo mó, còn nhiều hộ dân hai bên đường thì “dở khóc dở mếu”. Và mất mát lớn lao hơn, ấy là trong con mắt họ - những người dân thấp cổ bé miệng ấy, hình ảnh của chính quyền địa phương ngày càng trở nên “xấu xí”.

Y Nguyên