Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lại nói về chuột

Trịnh Kim Thuấn
Thứ hai ngày 20 tháng 10 năm 2014 8:42 PM

>> Hiến kế diệt chuột - BVN

Cũng lạ, con chuột tuy nhỏ nhất nhưng lại đứng đầu 12 con giáp?. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, ông Đồ Chiểu có đoạn nói về Sư phụ của Lục Vân Tiên khi tiễn đồ đệ xuống núi đi thi, có nhắc đến con chuột:

…Hiềm vì ngựa chạy đường xa,
Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan.
Bao giờ cho tới Bắc phang,
Gặp CHUỘT ra đàng, con mới nên danh.

Cũng chả hiểu tại sao Sư phụ lại dặn Lục Vân Tiên như thế?...


Nước ta 70 - 80% dân sống nghề nông, chuột là nỗi sợ hãi đối với người nông dân vì một sự thất bát mùa màng do chúng phá hại. Cũng vì sợ, và hình như để “nịnh” cho lũ chuột khỏi phá hại, đứng trước thiên tai nầy, người nông dân gọi lũ chuột là “Ông Tý”?. Thời Pháp thuộc, nông dân bắt được chuột đem ra chợ bán được miễn nộp thuế hoa chi. Hằng năm, người ta đều tổ chức thi bắt chuột nhằm tiêu diệt bớt giống gây hại, có thưởng, bằng cách ai nộp nhiều đuôi chuột nhất…

Chuột có nhiều loại: Chuột nhắt, chuột bạch, chuột tàu, chuột cơm, chuột cống nhum, chuột cống lang, chuột xạ (chuột chù), bởi nó có mùi rất hôi rất khó chịu. Người bẩn có mùi hôi bị người đời chê: “hôi như chuột chù!”

Chỉ có giống chuột bạch là người ta nuôi để làm cảnh và làm vật thí nghiệm đối với việc nghiên cứu dược học. Con người đôi khi bất đắc dĩ hoặc tự giác làm chuột bạch: Thực phẩm biến đổi gen, người Việt biến thành chuột bạch - VNN; Học sinh không phải là chuột bạch thí nghiệm - Vnexpress; Sinh viên rủ nhau làm chuột bạch thử thuốc - Người đưa tin...

Nhưng đó là trong những lĩnh vực hẹp. Khi những chủ trương, đường lối của lãnh đạo đất nước cứ vừa làm vừa “mò”, hết thất bại này đến thất bại khác, khiến cho người dân lao đao, có người đã bức xúc: “đừng biến người dân chúng tôi thành những con chuột bạch” với hàm ý coi dân như vật thí nghiệm. Ví dụ, hết cải cách ruộng đất lại đến hợp tác hóa cấp thấp, cấp cao, xong rồi mới phát hiện tra “khoán hộ”…Rồi cải tạo công thương nghiệp, coi cơ chế thị trường là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản dưới chế độ người bóc lột người, cần phải tiêu trừ…Nhưng rồi lại phải quay ra áp dụng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế… Qua mỗi một “chặng” như thế, người dân trở thành những chú chuột bạch trong cái phòng thí nghiệm khổng lồ!...


Thịt chuột đồng (chuột ở ngoài đồng ruộng) là món ăn khoái khầu của dân nhậu: Người ta làm thành nhiều món: Chuột nướng, chuột rán, chuột xào lá lốt, chuột rô ti, chuột xào hành, xào khổ qua, thậm chí cả chuột nấu canh chua…

Tuy nhiên, loài chuột nói chung là rất đáng ghét. Cái đáng ghét nhất là bởi chúng thuộc loài gậm nhấm. Chúng phá hại mùa màng, đục khoét, gậm nhấm đồ dùng vật dụng của con người, thậm chí chúng cắn rách quần áo của bất kể ai, của đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ, quần áo mới hay cũ, kể cả đồ lót của chị em chúng cũng…không tha. Chúng khoét tường, đào ngạch, hai chòm râu vểnh lên, đôi mắt lấm lét chỉ sểnh ra một tí là chúng chôm chỉa cả thức ăn của con người, rồi chui rúc trong hang, trong cống… Nói đến đục khoét thì khó có loài nào sánh nổi loài chuột.

Ấy thế mà gần đây người ta phát hiện ra một loài được ví với chuột. Ấy là bọn quan tham nhũng!

Không nói thì ai cũng hình dung ra, tham nhũng là những con chuột, từ chuột nhắt đến chuột cống. Chúng đục khoét vào chân tường của Ngôi nhà Quốc gia, cái ngôi nhà mà người dân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt gây dựng nên.

Ở miền Nam nước ta, thời Việt Nam Cộng hòa, ông Phó Tổng thống Trần Văn Hương từng nói: “Đất nước nầy không mất về tay Cộng sản, mà sẽ mất nước vì tệ nạn tham nhũng” và “Nếu bài trừ tham nhũng thì sẽ lấy ai làm việc?”. Ngỡ cái sự tham nhũng, chuột bọ ấy chỉ xảy ra ở cái chế độ người bóc lột người, chế độ tư bản “giẫy chết”. Ấy thế mà dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa tươi đẹp”, “đỉnh cao của trí tuệ”, “nhân văn”, “dân chủ gấp triệu lần…”… của chúng ta với hơn nửa thế kỷ “xây dựng và trưởng thành”, bây giờ tham nhũng đứng vào top đầu thế giới!...

Gần đây, nhiều người cho rằng, nạn tham nhũng ở Việt nam đã trở thành căn bệnh ung thư ác tính. Đảng lo ngại phải ra ngay một Nghị quyết về xây dựng Đảng, gọi là Nghị quyết Trung ương 4 mà cốt lõi là chống tham nhũng. Các nhà lãnh đạo cho đó là yếu tố có nguy cơ tác động đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Điều này giống như ông Phó Tổng thống Trần Văn Hương xưa kia nói về cái chế độ của ông ấy. Nhưng, bây giờ tham nhũng ở VN có vẻ như càng chống, nó càng mạnh hơn, càng thách thức sự đổ vỡ của bức tường thành chế độ.

Năm ngoái, trên diễn đàn cơ quan quyền lực, ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch quốc hội bày tỏ: Nếu Kỷ luật hết thì sẽ bầu không kịp! Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước thì ví von tham nhũng là “bầy sâu”: “Trước đây có mấy con sâu, bây giờ là cả bầy sâu”. “Một con sâu đã bỏ rầu nồi canh” rồi, mà cả một bầy sâu thì nồi canh phải đổ đi là cái chắc. Xin lỗi, bố ai dám ăn nữa…

Nói sâu ghê quá, lại phải quay về chuột. Mới đây, đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng nói về tham nhũng, đồng chí ví là chuột. Đúng quá đi rồi. Nhưng có điều TBT cảnh báo rằng, đánh chuột thì đánh, nhưng không cẩn thận là vỡ mất cái bình quý. Mặc dù đã có hằng trăm bài báo “ca ngợi” đồng chí TBT về cái hình tượng con chuột và cái bình, nhưng trong bài này xin phép vẫn nhắc lại nguyên văn cụ Tổng nói thế này: "Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".

Khổ nỗi, đến căng ra mà đánh, bằng đủ các chiêu cũng chưa chắc đã hốt được hết chuột, bởi loài chuột mắn lắm, mỗi tháng chúng đẻ một lứa, mà mỗi lứa cả một đàn con chứ đâu phải độc đinh! Cái nạn tham nhũng của ta bây giờ chả khác gì sự sinh sản của loài chuột. Nhưng cụ Tổng lại sợ đánh nó mạnh quá, đau quá chẳng may vỡ mất cái bình quý thì cụ buồn.




Nhưng nói thật với cụ TBT: người dân chúng tôi thì ghét chuột lắm, cho rằng chính nó làm cho đất nước ngày càng nghèo nàn, tài nguyên ngày càng kiệt quệ, đời sống người dân ngày càng khốn khổ… Phải triệt để chúng, dù nó là chuột nhắt hay chuột cống, dù có vỡ bình cũng chẳng tiếc. Sợ vỡ bình mà nương tay thì chính lũ chuột kia chúng làm vỡ bình trước khi người dân làm vỡ. Thôi thì, vỡ cái bình này mua cái khác vậy, biết đâu còn tốt đẹp hơn nhiều. Tiếc gì!



13/10/2014 TRỊNH KIM THUẤN