Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Gửi những người lấy khăn piêu làm khố

Trần Vân Hạc
Thứ bẩy ngày 18 tháng 10 năm 2014 3:37 PM


Trong đêm bán kết Nhân tố bí ẩn tối Chủ nhật (12/10) vừa qua, 4 chàng trai nhóm F Band khiến khán giả bất ngờ khi thể hiện chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sỹ Trần Tiến và Nguyễn Cường: “Ngọn lửa cao nguyên”, “Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột”, “Đôi mắt Pleiku”. Phần trình diễn này đã nhận được sự bình chọn cao của khán giả giúp F Band tiến thẳng vào chung kết. Tuy nhiên, ngay sau đêm bán kết, F Band bị chỉ trích dữ dội với trang phục phản cảm, động chạm đến giá trị vật chất và tinh thần thiêng liêng của dân tộc Thái, đấy là việc sử dụng khăn piêu làm khố. Đây là một hành vi thiếu văn hóa, chưa nói là dù vô tình hay thì cũng xúc phạm tới văn hóa của dân tộc Thái, một dân tộc có một nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Khăn piêu của thiếu nữ Thái làm bằng vải bông tự dệt nhuộm chàm, hai đầu được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết bằng các loại chỉ mầu rực rỡ. Thiên nhiên Tây Bắc được cách điệu hóa một cách tinh tế. Đây là những đóa hoa ban trắng ngần trên nền xanh mơn mởn mà người Thái gọi là: “Lái bók ban”, đây là những chùm hoa buông lơi như xà tích - “lái sỏi bók mạy”, các búp cây guột - “cút lo ngong”, hình mặt trời, lá cây… theo mô típ họa tiết lặp lại lại. Nếu những mầu nóng lạnh ngoài tạo cảm xúc thẩm mỹ, còn mang ý nghĩa tượng trưng cho âm dương, thì mỗi bông hoa trên piêu đều có hoa đực và hoa cái sóng đôi  như một ngôn ngữ không lời về sự trường tồn bất diệt của tình yêu. Nổi  bật trên khăn piêu còn những “cút piêu” và “sài peng”, cút piêu là những nút bằng vải mầu và sài peng là những tua vải mầu, mà khăn piêu cùng mỗi biểu tượng đều chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Truyện cổ dân tộc Thái kể rằng: “Ngày xưa, có một mường toàn con gái được gọi là Mường Mẹ, đàn ông ở bất kỳ nơi nào dù vô tình hay cố ý lạc vào đều bị xua đuổi, thậm chí bị sát hại. Một hôm có một chàng trai “lạc” vào Mường Mẹ và được một cô gái xinh đẹp yêu thương và che chở. Hai người quyết tâm vượt qua mọi qui định ngặt nghèo từ bao đời cùng nhau chung bếp lửa. Đôi người yêu nhau bàn bạc rồi chàng trai về thưa với Mường Bố. Mường Bố cho đây là duyên trời bèn cùng nhau sang thưa chuyện cùng Mường Mẹ. Mường Mẹ quyết giữ luật tục từ ngàn xưa để lại. Mường Bố đành dùng sức mạnh. Mường Mẹ đuối lý phải chấp nhận bỏ lệ cấm đàn ông và cho phép đôi trẻ xây dựng gia đình. Mường Mẹ cho các thiếu nữ xinh đẹp thêu chiếc khăn piêu rồi in dấu vân tay làm chứng - “cút piêu” và làm các tua vải mầu - “sài peng”, tượng trưng cho sự gắn kết thủy chung”. Từ đó chiếc khăn piêu là  tín vật không thể thiếu của mỗi cô gái Thái. Khăn piêu không chỉ là vật trang sức, không chỉ là sứ giả của tình yêu, mà còn gửi gắm bao điều về ước mơ, khát vọng một tình yêu tự do, trắng trong chung thủy. Piêu còn là một trong những thước đo sự khéo léo của người con gái Thái. Khi dệt vải thêu piêu, người con gái Thái gửi cả tâm tình vào đường kim mũi chỉ. Khăn piêu không chỉ để đội đầu mà còn gắn với nhiều sinh hoạt cộng đồng: Hội xòe, piêu là đạo cụ trong những điệu xòe tuyệt đẹp. Hội tung còn, piêu là phần thưởng cho chàng trai tài hoa khéo léo. Trong tình yêu, piêu là tín vật thay cho lời hứa sắt son. Mùa đông giá, piêu giữ ấm cố ngực người thương. Ngày cưới, cô dâu đội chiếc piêu đẹp nhất do chính mình tự tay thêu ấp ủ bao ngày, piêu như cánh bướm dịu dàng trên nhành xuân mơn mởn. Cô dâu còn tặng piêu do mình tự dệt cho người thân bên nhà chồng để tỏ lòng kính trọng, “piêu ba cút dành để tặng bà/  piêu năm cút dành để tặng thím” (tình ca Thái). Piêu tôn vẻ dịu dàng thuần khiêt như ánh ban mai của người con gái Thái.  Piêu trở thành một ẩn dụ về tình yêu và sự bền chặt của tình duyên - “đời piêu”… Chiếc khăn piêu đồng hành với người con gái Thái trong suốt cuộc đời, thân thiết như hơi thở mùa xuân với đất trời và tình người Tây Bắc.
 Trong quan niệm của người Thái Tây Bắc, con người có tới 80 hồn, ba mươi hồn đằng trước, năm mươi hồn đằng sau – (Sam síp khuôn mang nả, hả síp khuôn mang lăng), trong đó hồn chủ ngụ trên đỉnh đầu. Vì vậy khi vào nhà người Thái không nên xoa đầu trẻ em hoặc đánh vào đầu, vì đầu là nơi hồn chủ trú ngụ, làm như vậy là sai, là xúc phạm tới hồn chủ - (phít khuôn hua). Thậm chí ngay với người Thái, con trai không đi vào gầm sàn dành cho nữ giới – (chan) và không đi dưới dây phơi váy áo. Người Thái quan niệm nếu làm ngược lại sẽ yếu vía – (số lông bun lông). Song khi bắt buộc phải vào như đuổi gà, lợn.. thì sau đó phải dùng lá cúc tần (co nát) hoặc cây cà gai (mák quạnh)  chải ba lần từ trán về phía sau rồi vứt về phía mặt trời lặn hoặc xuống dòng nước chảy… để không làm phật ý hồn chủ. Còn ai dám lấy khăn piêu dù chỉ quấn thay váy hay quần sẽ bị cộng đồng coi là kẻ vô đạo đức và bị chê cười, khinh bỉ.
Tóm lại khăn piêu không chỉ không chỉ chuyên chở một lịch sử và huyền thoại, tâm linh mà còn là thước đo sự khéo tay của người con gái Thái, là tín vật trong tình yêu trong văn hóa từ ngàn đời của dân tộc Thái. Việc lấy khăn piêu làm khố chẳng khác nào lấy khăn đội đầu của bà, của mẹ làm khố vậy. Hiện nay khi bị dư luận “ném đá”, các bên tổ chức đều đổ trách nhiệm cho nhau, thậm chí còn cho rằng đó là: “Sự cố ngoài ý muốn”. Còn người dân chỉ xin hỏi những người đứng ra tổ chức và duyệt chương trình này tri thức và văn hóa ứng xử ở cấp độ nào và trách nhiệm trước một nền văn hóa dân tộc ra sao. “Nghìn năm bia đá thì mòn…”. Sai thì phải sửa nhưng sửa như thế nào và một lời xin lỗi liệu đã là thái độ thực sự cầu thị và tự tôn trọng mình và tôn trọng người hay chưa?

Hà Nội 10.2014

(Nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Thái)

          Trần Vân Hạc