Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người đàn bà trong bài thơ Quê hương của Giang Nam

Hà Lâm Kỳ
Chủ nhật ngày 19 tháng 10 năm 2014 1:58 PM


    Một tối tháng 8 năm 1995 tôi và mấy anh em viết văn trẻ đến thăm gia đình nhà thơ Giang Nam tại nhà riêng đường Yen Sin thành phố Nha Trang.
Xích lô vừa dừng thì đã thấy ông lúi húi ở cổng. Được Hội văn nghệ Khánh Hòa báo trước, ông vui vẻ gọi bác gái là có khách văn chương từ xa đến thăm.
Sau lời thăm hỏi, tôi ngỏ ý muốn được nghe ông nói về bài thơ Quê Hương, bài thơ mà chúng tôi thuộc lòng bàn tay từ thủa học trò. Trầm ngâm một lát, ông đồng ý.
Năm 1959 trong khi tập kết trên đất Bắc, Giang Nam nghe tin người vợ trẻ của mình - chị Phạm Thị Thi, lúc đó đang mang thai bé Thu Trang - bị địch bắn chết trong nhà tù, tin còn nói rõ chị Thi là một du kích gan dạ nhiều lần dẫn đầu đội quân tóc dài đấu tranh chống Mỹ - Diệm, tổ chức trong nhà tù đang cố gắng tìm kiếm xác chị Thi mà vẫn chưa rõ tung tích. Anh em cán bộ tập kết được nghe tin này tới thăm và chia buồn với Giang Nam ngày một nhiều. Đêm đó nằm một mình, úp mặt xuống gối, Giang Nam khóc. Bài thơ “Quê hương” hình thành trong cái đêm xót thương ấy.
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi
Đau xé lòng anh chết nửa con người.
May sao, đó chỉ là một tin nhầm lẫn. Chị Thi bị giặc tra tấn, những người tù chính trị phản đối mạnh mẽ để bảo vệ chị. Bé Trang cất tiếng khóc chào đời bên những tiếng thét đấu tranh ấy. Bài thơ Quê Hương in trên các báo miền Bắc đã gây xúc động hàng chục triệu người. Cho đến cuối năm 1961 khi trở về đến đất Nam Bộ, Giang Nam mới chính thức biết mẹ con chị Thị còn sống nhưng không có điều kiện tiếp xúc. Tới năm 1964 chị Thi bị bắt lần thứ hai, lần này chị bị giam cùng buồng với chị Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Chị X trong truyện Sống như anh của Trần Đình Vân). Sau khi anh Trỗi hy sinh chị Thi mới được tổ chức bố trí cho chị ra vùng giải phóng.
Sau này Giang Nam có ý sửa lại đoạn cuối bài thơ Quê hương nhưng nhà thơ Bảo Định Giang góp ý là nên để nguyên như vậy vì bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh cho hàng triệu người, và đã có hàng ngàn người như chị Thi nằm xuống. Nhờ vậy, bài thơ Quê hương vẫn tròn vẹn tồn tại cho đến ngày hôm nay, nó càng được khẳng định là một trong những bài thơ hay nhất của thơ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tháng 10.1995