Bộ phận không nhỏ nằm ở đâu?
Lam Giang
Thứ hai ngày 20 tháng 10 năm 2014 8:29 PM
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trăn trở như vậy trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận 4, TP.HCM hôm 15-10 vừa qua. “Dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ Trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này” - Chủ tịch nước cho hay.
Đây không phải là lần đầu tiên, lãnh đạo cao cấp đề cập cái gọi là “bộ phận không nhỏ”. Cụm từ này đã từng xuất hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về " Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" ban hành ngày 16/1/2012. Nghị quyết TW4 chỉ rõ "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kểcả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-4-Mot-so-van-de-cap-bach-ve-xay-dung-Dang-hien-nay/20121/125067.vgp)
Tại buổi tiếp xúc cử tri diễn ra vào sáng 1/12/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “một phận không nhỏ” đó có thể nằm ngay trong mỗi con người chúng ta, khi ông đề cập tới vấn đề có những cá nhân suy thoái trong Đảng.
Trở lại điều mà Chủ tịch nước trăn trở: “bộ phận không nhỏ” bây giờ nằm ở đâu? Quả thực, để chỉ mặt đặt tên hay là nắm được tay day được cánh thật không dễ chút nào nhưng không phải là không thấy. Chúng (xin gọi như thế vì nó đông lắm, một bộ phận là đã nhiều rồi, huống chi lại là bộ phận không nhỏ) vẫn đi lại, nói cười hàng ngày trước mắt mọi người bằng vẻ ngoài sang trọng, bằng ngôn từ chải chuốt, bằng chức danh đương nhiệm khiến thiên hạ phải kính nể. Bởi thế, nhìn bề ngoài không dễ gì nhận mặt được chúng.
Nhưng nhân dân thì biết chúng “núp” ở đâu.
Chúng núp ở những dự án đẻ ra bởi phần trăm được bỏ túi chứ không phải vì lợi ích của cộng đồng, cái phần trăm luật bất thành văn đứng trên luật pháp.
Chúng núp ở những công trình hàng ngàn tỉ chưa khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp hoặc lãng phí; ở những con tàu, những ụ nổi, những thiết bị máy móc được mua với giá hàng triệu đô nhưng rốt cuộc chỉ để làm sắt vụn hay đồ phế thải.
Chúng núp trong những biệt thự hoành tráng, những xe hơi sang trọng, những trang trại mênh mông mà chủ nhân của nó không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được.
Chúng núp sau những con số tuyệt đẹp kiểu như một triệu người kê khai tài sản chỉ phát hiện được một kẻ gian dối hay 1500 cuộc thanh tra chỉ phát hiện được một vụ buôn lậu, còn một thành phố lớn thì 5 năm liền không có tham nhũng trong khi đó công trình bờ kè hàng trăm tỉ vừa xây xong đã bị sập.
Chúng núp sau những quyết định bổ nhiệm hàng loạt trước khi thăng chức hay nghỉ hưu, khoảng thời gian “nhạy cảm” mà dư luận gọi là phút 89.
Chúng núp bất cứ ở đâu, từ rừng núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn.
Mỗi khi bị báo chí hay người dân phanh phui, lập tức chúng được che chắn bằng sự lươn lẹo miệng lưỡi, sự luồn lách luật pháp và bằng cả ô che dù chắn bên trên.
Đôi khi chúng còn táo tợn hiện hình, thách thức dư luận, coi thường luật pháp, ví như vị cựu quan chức nọ làm đơn buộc chính quyền phải nắn đường qua nhà mình hay như vị quan tòa kia vô tư gọi điện thoại trong khi đang ngồi chễm chệ trên ghế xử án.
Thế đấy, chúng đâu có phép tàng hình. Dù núp ở đâu, dù che đậy như thế nào chúng vẫn lộ gót chân “asin” hay là “lạy ông tôi ở bụi này” như các cụ ta ngày xưa đã dạy. Trò đời là thế, kẻ ăn vụng có bao giờ chùi sạch mép. Nhân dân trăm tai nghìn mắt nên thấy hết, biết hết.
Để lôi cái “bộ phận không nhỏ” ra ánh sáng, phải bằng hành động, bằng chế tài cụ thể chứ không thể cứ hô hào hay kêu ca mãi được. Chống tham nhũng, tiêu cực mà không làm đến nơi đến chốn thì khiến cho “bộ phận không nhỏ” như vi rút nhờn thuốc. Chúng càng nhởn nhơ, giỡn mặt, bởi chúng có lợi thế: có quyền, có tiền và quan trọng hơn, chúng đông lắm, cả một bầy sâu như Chủ tịch nước có lần đã nói.
Nhân dân đặt niềm tin vào Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go. Niềm tin ấy sẽ ra sao nếu các cấp các ngành từ Trung ương đến cơ sở cứ lúng túng mãi với câu hỏi của người dân: “bộ phận không nhỏ” bây giờ nằm đâu?
Lam Giang