(Đọc tập thơ “Nơi gửi gắm yêu thương” của Hoàng Minh Luyện - NXB Hội Nhà văn)
“Nơi gửi gắm yêu thương” gồm 55 bài thơ của Hoàng Minh Luyện văng vẳng hồn thơ như ca từ của hát đúm hội xuân. Chất trữ tình đằm thắm chứa chan trong hầu hết các bài thơ. Chị rụt rè nói rằng: “Vụng về gửi cả vào thơ / Ngu ngơ gom nhặt ước mơ cuối mùa / Trăng ngà ẩn bóng mành thưa / Nghiêng nghiêng một khoảng vu vơ cuối trời”. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thủy Nguyên, sông núi hữu tình, nổi tiếng về hát đúm và chơi đu mỗi độ xuân về. Kìa trong tấm khăn mỏ quạ là những “cô Tấm” líu ríu bước chân đến với hội làng: “Hội làng đã mở chưa em / Để anh gác mái thuyền săm trở về / Nắng chiều chênh chếch triền đê / Bóng khăn mỏ quạ bộn bề lòng anh”. Thấp thoáng một nét dịu hiền duyên dáng: “Bao mùa hát đúm hẹn lời / Chưa cầm vạt áo được người trao duyên / Khăn hồng một ảnh chung chiêng / Bơi trong ánh mắt ngả nghiêng sân đình” (Bao mùa hát đúm).
Viết chưa nhiều, xuất hiện không sớm. Nhưng Minh Luyện đã viết được những câu thơ đằm thắm, tài hoa: “Khéo tay buộc được buổi chiều / Nhẹ thôi anh lỡ tuột nhiều gió bay / Đã từng muối mặn gừng cay / Yêu thương bao đủ cho say chiều tà”. Đọc câu thơ tôi trộm nhớ đến câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu”,...
Nếu thi sĩ Đoàn Văn Cừ để lại cho chúng ta một phiên chợ Tết mang nét quê thanh bình, cổ kính “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,...” thời gian nhuộm mái tóc “trắng phau phau” thì Minh Luyện cũng cho chúng ta một phiên chợ quê như một bức tranh khổ lớn về màu sắc âm thanh: “Chợ Giá một tháng sáu phiên / Cô em xóm Trại có lên anh chờ / Mênh mang một dải sông thơ / Đò ngang gác mái ngẩn ngơ giọng hò / Chợ quê bán những ấm no / Gạo thơm, lợn giống, bánh gio, bánh dầy / Thuốc lào một góc chợ say / Vỏ đầng Trúc Động phiên này có chưa...”.
Minh Luyện xem ra cũng là một tín đồ của thơ lục bát. Trong giai thoại cuộc đời cụ Nguyễn Tuân có một chi tiết: Khi phải tiếp một ông đến gặp xưng danh là thi sĩ, Cụ Nguyễn bảo “Anh hãy đọc một bài thơ lục bát của anh để tôi xem anh là thi sĩ ở hạng nào,...” và ông kia chuồn. Tập thơ có 55 bài, Minh Luyện có tới 22 bài viết ở thể lục bát. Nhiều như thế nhưng không làm người đọc nản vì những gì gần gũi yêu thương chị dồn nén viết thành thơ. Minh Luyện rất khéo một thoáng ghen, một chút yêu thương chị đã rất nhẹ nhàng: “Buồn cười anh quá đi thôi / Bài thơ ai thả đánh rơi nhặt về / Trời đang nắng bỗng bộn bề / Cơn giông sắp nổi tái tê trong lòng / Thương nhau như lúa ấp đòng / Đừng làm đau ruột cánh đồng nghe anh”. Trộm nhớ tới câu thơ “Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen” của nhà thơ Vân Long. Một cái ghen thật đáng yêu. Minh Luyện có nhiều câu thơ đứng được, có một chút phát hiện như trong bài “Hà Nội trong tôi”: “Hà Nội trong tôi hình hài hai nửa / Chàng trai khổng lồ áo mặc chật thời gian”. Một nét tư duy: “Phố chật hẹp mà gặp nhau khó quá / Hình như phố phường cũng lặn lội tìm nhau”. Người tìm nhau ai chả nói được nhưng phố phường cũng “lặn lội” tìm nhau thì giỏi thật. Chợt nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”.
Minh Luyện có nhiều câu thơ mộc mạc, chân tình: “Má hồng đỏ lựng triền đê / Mắt em đựng cả chiều quê êm đềm / Vô tư em tuổi trăng thềm / Nấp sau lưng mẹ... chợt mềm lòng ai” (Bài “Tuổi mười lăm”) hoặc “Em sẽ giấu mùa thu đi mãi / Vít màu xanh nhuộm mái tóc mềm / ... Hình dáng em dịu dàng kì lạ / Anh vịn vào yên ả một trời giông” (Bài “Sắc thu”).
Minh Luyện thật “giàu có” khi chị viết được hai câu thơ: “Trong nhà cái gì cũng thiếu / Chỉ tiếng con cười hả hê”. Xin chia sẻ với chị, phải chăng đấy là hạnh phúc, tôi tin và hy vọng cô Tấm sẽ đi xa hơn nữa trên con thuyền mộc mạc từ dòng sông Giá thơ mộng tới được biển khơi.
Hải Phòng, ngày 08 tháng 10 năm 2014
Nhà thơ: Phạm Xuân Trường