Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tiếng vuốt nhẹ cần đàn trong gió heo may !

Vũ Từ Trang
Thứ tư ngày 8 tháng 10 năm 2014 10:16 AM


1. Tôi quen ông đã mấy chục năm. Những năm 1973-1974, học Trường viết văn Quảng Bá, bạn bè và tôi cùng khóa thường kéo nhau về thăm ông. Ngôi nhà ba tầng ở phố Hàng Chiếu, sát Ô Quan Chưởng độ ấy đã phơi dấu hiệu của sự sa sút. Cầu thang ẩm mốc và tối. Hễ cứ leo lên tầng ba, là thường gặp giọng nói oang oang và giọng đọc thơ vang khỏe của ông. Dạo đó, bạn bè viết lách, hễ gặp nhau, là đọc ngay cho nhau nghe những gì mới viết. Một bài thơ, một truyện ngắn, hoặc chương của tiểu thuyết. Căn gác cũ càng, tuyềnh toàng của ông dạo đó thường xuyên là chỗ tụ bạ, gặp gỡ của anh em viết tại Hà Nội.
             Giọng điệu thơ Tạ Vũ ngày đó, hồ hởi phản ánh một thế hệ trẻ hăng hái bước vào vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Và thơ ông đã sớm định hình phong cách riêng. Những câu chữ ngàng tàng, thoải mái dài ngắn, không vần điệu, câu thơ kéo dài và buông lửng bất thần, tạo ra phong cách thơ Tạ Vũ. Chiến tranh, bom đạn ùng oàng đó đây, nhưng Tạ Vụ vẫn có góc riêng của mình thể hiện với thơ. Đấy là người thợ bốc vác đi làm mà chiếc khăn như bình minh vắt vai; hoặc trong cái thành phố buổi trưa phòng thủ, vẫn nghe tiếng kéo người thợ đi cắt tỉa lá cây ở vườn hoa lách ca lách cách; hoặc tình cảm hồ hởi, tin yêu của người thợ xây dựng khi Mùa khô đến rồi, hanh tươi…
Tạ Vũ làm thơ, in thơ rất sớm. Ông từng qua nhiều nghề. Dạy học, thợ đặt đường sắt, thợ kích kéo bắc cầu, thợ quét vôi...Thơ ông đã in rõ từng mảng đời, mảng nghề mà ông và bạn bè đã trải qua.Thơ ông thường thiên  về mô tả công việc (có lẽ cũng tương tự như anh em sáng tác độ ấy, đa phần viết phản ánh, theo cách nói bây giờ, là thơ hướng ngoại) nhưng đọc vẫn thấy đáng yêu, bởi tình cảm hồ hởi, sôi động và chân tình với cuộc sống. Bấy giờ, anh vừa hoàn thành mấy trường ca: “Trên thềm sông cổ”,        “Thác Bà”, “Vừng sen Hàm Rồng”…
Những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, thời kì in ấn còn rất khó khăn      (không phải tự in sách thơ như bây giờ), mà Tạ Vũ được xuất bản hai tập thơ liền. Cả hai tập thơ đều  chung đề tài lao động. Rồi thơ ông được tặng thưởng Văn học công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Tôi nghĩ, nếu nói đến “thơ công nhân”, là không thể không nói đến Tạ Vũ. Tuy nhiên, thời đó, hầu như thơ ông vẫn một vẻ ồn ào, sảng khoái, tung hoành, mà thiếu vẻ ưu tư, ngẫm nghĩ, lắng đọng. Đọc tập thơ “Lá cỏ” của ông xuất bản (NXB Hà Nội, 2001), thấy có chút gì bù lại sợ thiếu hụt trước ấy. Hình ảnh người mẹ thân thuộc:
                              Góc bếp kia, bóng mẹ ngồi
sân thượng mẹ hong tóc
suối tóc dài chấm gót
dài bằng thương đau.
                              (Mẹ tôi)
Hình ảnh người mẹ ngồi trong bóng tối, cứ nhai trầu suốt năm, chìm giữa khung cảnh gia đình:
                               Nhà tôi ba tầng
đứng cô đơn trong dãy phố
nhà tôi mười người
sống cô đơn cùng nhau
          Có lẽ cái bối cảnh gia đình ngột ngạt như thế, ông đã giã từ, đi theo tiếng gọi của bạn bè, động đội… Những ngả đường, những kích kéo, cần cẩu, đà giáo…đã vẫy gọi ông, để rồi đến tuổi tóc ngả sương lại thèm về quê hương Vượt tuổi sáu mươi vẫn thèm quê.
Mảng thơ về quê hương, về gia đình, về bè bạn là những bài thơ hay trong tập thơ “Lá cỏ”. Có cái gì đấy mong manh, run rẩy, như bù lại cái thô ráp, vỡ vạc, ồn ào trong thơ anh trước kia. Những câu thơ mơ hồ, giầu chất thi sĩ, rất đáng yêu.
            Anh ra góc vườn vỗ vỗ vào thân cây gầy guộc
 Tim tím ơi, tim tím lên, làn khói của tôi ơi.
(Bài thơ gọi hoa xoan nở)
   *
*     *

 Vốn là người đi đây đi đó nhiều, khi tuổi tác đã ngả sương, ông vẫn ham đi. Hễ có điều kiện, là ông lại xê dịch. Hình như, sự xê dịch là thú vui của ông. Tôi nhớ, một đêm hè 1975, Tạ Vũ kéo tôi lang thang cuốc bộ dọc phố phường cổ. Rồi thế nào chúng tôi ra ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ). Nghe tiếng còi tàu réo lên, ông kéo tôi ào vào sân ga. Tôi hỏi: “Đi đâu?”, ông bảo “Cứ đi”. Tình cờ chuyến tàu ngược Thái Nguyên kéo còi sắp rời ga. Tạ Vũ và tôi chợt nhớ tới Vũ Duy Thông và Chu Hồng Hải đang ở trên ấy. Thế là đêm ấy, hai chúng tôi ngồi vạ vật trong toa tàu chợ sặc sụa mùi khoai sắn ẩm mốc cùng mùi tanh tưởi của gà vịt để lên khu gang thép. Vũ Duy Thông ngày đó là phóng viên  thường trú của TTXVN  tại Thái Nguyên, còn Chu Hồng Hải là thợ máy đốt than đầu tầu kéo quặng sắt. Buổi ấy, gặp nhau, ôm nhau mừng rỡ, rồi đọc thơ, đọc văn cho nhau nghe trắng đêm. Về Hà Nội, Tạ Vũ viết được chùm thơ hay về khu công nghiệp gang thép.
 Một bữa khác, tôi được Tòa soạn cử đi viết bài về một hợp tác xã thủ công nghiệp ở Thái Bình. Tôi tới rủ nhà thơ Võ Văn Trực và Tạ Vũ, hai ông đi liền. Sau buổi làm việc rất nghiêm túc với Ban chủ nhiệm Hợp tác xã, ông chủ nhiệm thân tình mới chúng tôi về nhà dùng bữa cơm do chính vợ con ông nấu nướng. Bữa ấy,  rượu vào, Tạ Vũ đọc thơ, rồi say , rồi khóc, rồi múa hát ầm ĩ giữa nhà làm cho vợ con ông chủ nhiệm xanh xám mặt mày. Aí ngại trước tình thế đó, tôi khuyên ông đừng uống rươụ nữa, dìu ông vào phòng trong năm nghi, nhưng ông không nghe. Ông lại bốc lên ngâm thơ như khóc. Võ Văn Tực khi ấy bực quá, phải gằn giọng quát lên, nhưng Tạ Vũ vẫn không nghe. Ông vẫn rót rượu uống tiếp. Ông chủ nhiệm vốn là người lịch thiệp, từng trải, thông cảm cá tính của nhà thơ, ông gạt mấy người nhà vào phòng trong để nhà thơ Tạ Vũ tự nhiên. Sau bữa ấy, khi tỉnh ượu, Tạ Vũ ân hận vô cùng. Về Hà Nội, khi tập thơ “Những cánh chim trời” được xuất bản, ông nhờ tôi chuyển biếu ông chủ nhiệm ấy tập thơ và xin lỗi về bữa rượu quá chén của mình.
 Cái tật uống rượu của Tạ Vũ, đôi lúc làm bạn bè bực mình. Nhưng cũng nhiều người quý và cưu mang ông. Một thời, báo “An Ninh Thủ Đô” bán rất chạy, ông Trần Đức hồi đó là Tổng biên tập đã bàn với Ban biên tập thống nhất mỗi kì báo dành cho Tạ Vũ một trăm số báo phát hành, để thêm tiền gia đình rau dưa. Nhưng chả biết tiền phát hành, Tạ Vũ có đem về cho vợ con “thêm tiền rau dưa” không, hay là lại ném vào rượu?
           Tạ Vũ có thói quen hay xin tiền bè bạn để uống rượu. Nhưng khi có tiền, ông lại phóng khoáng cho người khác. Có cái tết vợ con ông về quê, ở nhà một mình buồn, gần giao thừa, ông lang thang ra chợ Mơ kéo ba ông hành khất cơ nhỡ đang tá túc ở lều chợ, về nhà mình ăn tết. Giao thừa, Tạ Vũ chuốc rượu ba người hành khất say ngất ngư. Ông còn đọc thơ cho họ nghe đến rạng sáng mồng một tết. Lúc chia tay, ông lại cho mỗi người một cặp bánh chưng và sẻ cả nồi thịt kho đông, làm ba ông hành khất ra tận đầu ngõ vẫn trợn tròn mắt ngạc nhiên và líu ríu “Chào ông nhà thơ ạ!”
          Câu chuyện trên xảy ra vào cái tết đầu tiên ông xa ngôi nhà ba tầng phố cổ. Ở nếp nhà tuyềnh toàng trong ngõ nhỏ phố Minh Khai chẳng được bao lâu, ông lại chuyển vào ở ngôi nhà nghách sâu trong làng Hoàng Mai. Trong  cuộc cải tổ kinh tế, đời sống các nhà thơ hầu như khá lên, riêng với Tạ Vũ thì ngược lại. Mà như ông cũng không quan tâm lắm đến việc này. Bạn bè nói vui, hình như Thơ đã kéo ông đi, nâng ông lên và xô đẩy ông. Rồi ông lao vào rượu. Bạn bè chuốc rượu ông. Ông uống và say, đến mức bạn bè  ngại gặp ông. Và thơ ông cũng có lúc lảng ông. May thay, trong sự buồn cô đơn, thì ông lại viết được những câu thơ thật lòng. Bài thơ “ Quê” có hai lần thốt lên Tôi trắng tay. Trong bài thơ khác, ông lại viết Trong cuộc đua này, tôi chiến bại.
           Bài thơ tặng nhà thơ Pơ Sáo Mìn, khi bạn thấy ông vắng mặt ở Đại hội Nhà văn, ông viết:
                              Ấy, tôi chưa chết
tôi tự nguyện đứng sau
tự nguyện ngồi trong ngỡ nhỏ trong ngôi nhà lợp giấy.
           Chính sự lặng lẽ này, tôi thấy ngọn lửa thơ âm ỉ, bập bùng trong tâm hồn ông. Sau vỏ ngoài xộc xệch, xù xì, là tâm hồn tinh tế, non tơ chỗi  dậy.
                             Tôi nghe tiếng vuốt nhẹ cần đàn trong gió heo may
            Và như thế, tôi tin ông vẫn còn Thơ. Thơ vẫn còn trong ông.Có nghĩa là, nhà thơ Tạ Vũ ơi, ông vẫn chưa phải là trắng tay.

 

          2.   Ba cốc bia bọt đổ xuống tay
             ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực
             đêm nay, ba con tàu phụt khói, sải cánh trên đường ray...

           Khổ thơ quen thuộc, một thời gian dài, hễ gặp bạn bè ở chỗ vui vẻ quán xá, nhà thơ Tạ Vũ thường đọc cho mọi người nghe. Ông đọc đi đọc lại. Đọc nhiều lần đến nỗi có người bạn ông phải gắt bẳn lên, rằng chả nhẽ cả đời Tạ Vũ chỉ có mấy câu thơ ấy vậy sao? Nhưng không phải thế. Ông đọc, vì ông nhớ lại thời trai trẻ của mình. Đấy là thời cởi phanh ngực áo, theo chuyến tàu đầu máy hơi nước chạy kình kịch kình kịch ngược Yên Bái, Lào Cai. Những chàng trai mang trong mình phẩm chất Pa-ven (nhân vật trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy) hăm hở đi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chàng trai Hà Nội gốc Tạ Vũ theo các bạn mình, trong đó có Đỗ Thịnh và Phượng Vũ hăm hở lên các công trường xây dựng. Họ muốn được đi làm thợ, rồi vẽ, rồi làm thơ. Khổ thơ mà ông hay đọc cho mọi người nghe, ra đời trong bối cảnh háo hức đó. Phượng Vũ rồi trở thành nhà văn với nhiều tập truyện ngắn và bộ tiểu thuyết Hoa hậu xứ mường nổi tiếng. Đỗ Thịnh thành họa sỹ và tác giả tập thơ Đất rộng trời xanh. Cả hai, nay đã thành người thiên cổ. Tạ Vũ thành nhà thơ, được kết nạp Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1983. Chàng trai sống ồn ào, ngang tàng một thưở, nay là một ông già bảy mươi tám tuổi.
           Vốn là chàng trai Hà Nội gốc, bỏ đời sống tiểu tư sản, ném mình vào đời sống công trường, ông thành nhà thơ công nhân, viết nhiều thơ về đề tài công nhân. Ông cũng là một nhà thơ có quá nhiều giai thoại về quanh chuyện rượu. Ông không phải là người uống rượu khỏe, mà là người ham uống rượu. Một dạo, Hà Nội có nhiều cây bút mê rượu. Đấy là các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Phùng Quán, Trúc Cương, Trần Vũ Mai, Định Nguyễn... và Tạ Vũ! Tạ Vũ có thể ngồi quán từ sáng đến tối. Chỉ cần một chén rượu, ông có thể lai rai một ngày. Có người uống rượu kiệm lời, lặng lẽ uống. Với Tạ Vũ thì ngược lại. Chỉ cần ngửi hơi rượu, là ông đã ồn ào. Có rượu, ông bốc lên đọc thơ. Khi đọc thơ, ông có thói quen chân tay múa may như lên đồng. Rượu đã đem lại không ít phiền lụy cho ông. Tập thơ đầu tiên của ông Những cánh chim trời khi đang nằm ở nhà in, Ban giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên súyt phải đình lại, vì có ý kiến phản ánh là tác giả này suốt ngày say rượu. Nhà thơ Võ Văn Trực, biên tập viên của Nhà xuất bản khi ấy, phải đứng ra bảo lãnh, Ban giám đốc mới cho in. Năm 1973, trường ca Trên thềm sông cổ của ông được xét trao giải của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Ban biên tập phải cử hai nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh và Văn Thảo Nguyên đi xác minh lại tư cách tác giả, để đảm bảo uy tín của giải thưởng.
             Bạn bè viết ở Hà Nội yêu quý ông mà xếp ông vào nhóm nhà thơ chân đất. Một dạo, quán chè chén, rượu cóc ở phố Nguyễn Đình Chiểu, sáng sáng thường thấy Tạ Vũ có mặt. Lâm Huy Nhuận cùng mấy bạn thơ thường hay tá túc tại quán cóc này. Một độ, có cả nhà thơ Phạm Tiến Duật và Trịnh Thanh Sơn. Quán rượu cóc này giải tán, khi hai nhà thơ nổi tiếng ra đi. Tạ Vũ lại rạt về quán rượu cóc ở phố Đại La. Bạn bè thường thấy ông ngồi sau một tay sâu rượu phóng chiếc véc-pa cổ  nổ ầm ĩ đi về quán cóc ấy. Cách đây đã khá lâu, một bận ông phải vào bệnh viện cấp cứu mổ thoát vị. Trong khi chờ lên bàn mổ, vẫn nguyên quần áo bệnh viện, ông nhảy phóc qua tường rào, ra quán vỉa hè làm chén rượu rồi chuồn thẳng về nhà. Vợ con ông tái dại vì khiếp sợ. Không mổ, ấy rồi bệnh ông cũng tự khỏi. Cuối năm 2011, ông cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, bác sỹ xét nghiệm nghi ông ung thư gan, bạn bè mới toáng lên, là người ông ngâm tẩm rượu mấy chục năm rồi, sao vi trùng còn sống được?!
            Từ đấy, những quán rượu cóc, những hội nghị hội thảo văn chương ở Hà Nội thấy vắng bóng Tạ Vũ. Sự ồn ào của Tạ Vũ, đôi khi làm anh em ngần ngại. Nhưng thiếu vắng không khí đó, anh em đâm nhớ ông. Hầu hết bạn bè viết ở Hà Nội đều quý ông.
          Ngôi nhà cấp bốn nằm trong ngách nhỏ, ngõ nhỏ của làng Hoàng Mai vốn đã cô quạnh, nay lại cô quạnh hơn. Chủ nhân ngôi nhà đó, nhà thơ liêu xiêu men rượu Tạ Vũ đã nằm bệt giường hơn hai năm trời.. Những cuốn sách, tờ báo lộn xộn, bừa bãi trên chiếc bàn cũ kê sát gường. Khuôn mặt bừng bừng rượu bia thưở nào, nay nhàu nhĩ, vô cảm. Ông tỉnh trong sự mê man. Biết ông chịu nằm liệt giường rồi, tôi mời đùa: Đi uống rượu, nhà thơ ơi! Ông nằm lơ mơ trả lời: Đang uống rượu đây! Uống với ai, nhà thơ Tạ Vũ? Uống với tiên tửu thi sỹ họ Hoàng (ông muốn nhắc đến nhà thơ Hoàng Trung Thông, người từng làm Viện trưởng Viện văn học, rất quý Tạ Vũ). Có nhớ nhóm anh em viết lách một thưở bên Hồ Gươm không? Nhớ quá đi chứ. Nhớ Hoài Anh, Tô Hà, Băng Sơn, Lưu Quang Vũ... Vũ chết trẻ, thương quá! Ông kể một loạt tên các nhà văn nhà thơ một thời sinh hoạt văn chương cùng nhau, nay họ ra đi gần hết cả rồi. Như chạm vào bộ nhớ, ông cứ mê man nói: Vũ là một tài năng đặc biệt. Thơ hay và viết kịch thật tài. Nhiều cô mê lắm. Nhớ Trần Nguyên Đào nữa. Đào làm báo Thể thao và viết thơ. Ở gian nhà tập thể, viết được câu thơ nào thường ngâm ầm ĩ, làm cả khu nhà khó chịu. Cô bé gác xép tầng trên mê thơ Đào, thường dấu bố mẹ trộm củ khoai luộc cho vào ống bơ buộc dây thả xuống tặng Đào. Chả biết câu thơ nào của Đào được ân hưởng tình cảm đặc biệt đó?.. Nhà thơ vẫn mê man nói. Ông nói với tôi, hay ông độc thoại với chính ông? Người nổi tiếng như Lưu Quang Vũ thì ai chả biết. Còn Trần Nguyên Đào, tôi ngờ nhiều người không biết đâu. Tôi thì biết nhà thơ Trần Nguyên Đào. Ông là em trai họa sỹ Trần Hữu Chất- người có làm thơ ký tên Hồng Chinh Hiền. Đương thời, Trần Nguyên Đào có câu thơ mà nhà thơ Chế Lan Viên thường nhắc động viên Đôi đũa thừa trong rổ/ nhắc nhở người đi xa. Câu thơ viết trong thời chiến, để nhớ người ra trận. Người viết câu thơ này cũng đi xa rồi. Anh mất đột ngột trong gian nhà có mối tình thơm thảo khoai luộc đó. Bây giờ còn mấy người nhớ về anh. Thời gian ghê gớm vậy thay. Tạ Vũ miên man kể chuyện cũ, người cũ. Hình như ông cảm nhận thấy mọi việc đang trôi, đang quên, đã cận kề với ông.
              Bỗng ông muốn chồm dậy. Nhưng thể lực không cho phép ông làm theo ý muốn. Ông lại bệt nằm trên giường, lại mơ hồ nhắc  tên những người bạn văn nghệ một thưở hay ghé thăm ngôi nhà phố Hàng Chiếu của ông. Ông đi khỏi ngôi nhà ấy đã hơn bốn mươi năm. Chả biết ngôi nhà ấy đã thay mấy chủ. Cũng chả rõ bạn bè ông ai còn nhớ về ngôi nhà ký ức ấy nữa? Nào Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Tuân Nguyễn. Nào Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Vân Long. Nào Cao Việt Bách, Nguyễn Việt. Nào một lô một lốc anh em viết lách thưở còn ở tỉnh xa ghé về tá túc, như Đào Cảng, Thọ Vân, Thanh Tùng, Kim Ngọc Diệu, Đào Ngọc Vĩnh, Chu Hồng Hải... Chao ôi, mới ngày nào, ngôi nhà ấy là nơi gặp gỡ bao khuôn mặt văn nghệ sỹ, mà đã xa quá, đã bao người khuất lấp.
            Ông chợt kêu tên Tuân Nguyễn. Sau câu thơ “Cuộc đời vui quá không buồn được”, Tuân Nguyễn phải dính lao lý hơn chín năm trời. Ngày ra tù, Tuân Nguyễn đeo cặp kính dày như đít cốc lò dò về nhà Tạ Vũ, ăn bữa trưa mỳ sợi nấu cà chua cùng vợ chồng Tạ Vũ, rồi lại lò dò đi. Ông tưởng tôi không biết, mà kêu lên, Tuân Nguyễn chết ba mươi năm rồi đấy!
          Ông lại kể, có mấy người con gái từng đến ngôi nhà phố cổ của gia đình ông ngày đó. Dù chỉ một đôi lần, nhưng ông không quên được. Thì ra tình cảm người cầm bút nó thường sâu đậm. Tôi biết, rượu thì ông mê, chứ còn tính lơ mơ em út, thì Tạ Vũ không màng. Nhưng ông rất quý các nhà thơ nhà văn nữ. Nỗi nhớ cứ ào ra, ông cứ mê man kể. Chả biết kể cho tôi nghe, hay ông lẩm nhẩm kể cho chính ông. Rằng bữa ấy, Nguyễn Thị Hồng Ngát đi cái xe máy mô-bi-lét cá-xám(xe gắn máy, loại nhỏ, có từ hồi mới giải phóng miền Nam) lên gác đọc cho ông nghe những vần thơ mới viết. Hồng Ngát ngày ấy tươi trẻ, đọc thơ dễ nghe, mà ông cứ thấp thỏm, vì sợ kẻ gian vào nẫng cái xe cá-xám của Ngát để gầm cầu thang nhà ông. Ông quý bạn thơ mà lo vậy thôi, chứ ngày ấy, tệ nạn trộm cắp đâu đã hoành hành như ngày nay. Ông lại kể, bữa Lê Minh Khuê cùng tôi lên thăm, ông cứ ngẩn người nhìn Khuê. Ông không lý giải được cô bé có phần ngơ ngác, sao viết được những truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ vừa lãng mạn, vừa sâu sắc vậy.Thực ra, ngày ấy vừa ở chiến trường ra, Khuê còn ngơ ngác với đời sống  thị thành, chứ Khuê là người có nhiều ý nghĩ sâu sắc lắm. Một người con gái khai tăng tuổi để được ra trận, đã áp mặt bao cái chết của đồng đội, làm sao Khuê ngơ ngác được. Mà không biết Lê Minh Khuê còn nhớ cái cầu thang gỗ vừa tối, vừa rệu rạo, vừa ẩm thấp dẫn lên sân gác nhà thơ Tạ Vũ, để mắt mình choáng váng với vòm trời đầy sao và dáng vóc vừa mơ màng, vừa trầm mặc của Ô Quan Chưởng rêu phong cổ kính? Đã ba lần tôi đưa Khuê lên thăm nhà thơ Tạ Vũ với cầu thang dốc ngược ấy. Đấy là thời Khuê cùng tôi học lớp viết văn Quảng Bá, năm 1973. Có thể Khuê từng khâm phục những người chiến sỹ hy sinh dũng cảm trước hòn tên mũi đạn kẻ thù và Khuê mê cái chất lãng mạn hào phóng của những chàng trai hăm hở xây dưng tổ quốc Ba chiếc vé cựa mình trong túi ngực. Đêm nay, ba con tàu phụt khói...chăng? 
           Nhà thơ mê man kể chuyện tới mức ho sặc sụa. Bà Điều, vợ nhà thơ, chạy lại đưa cốc nước và vốc thuốc bắt ông uống. Tôi nhận được cảm xúc còn ào ạt trên khuôn mặt bơ phờ râu tóc của ông. Bà Điều nói rằng, chả biết có phải đốc chứng không, chứ dạo này ông toàn thích kể chuyện ngày xưa. Mà đã thành ngày xưa rồi ư? Sao tôi vẫn nhớ hình tượng chàng trai thủ đô phanh ngực áo theo chuyến tàu chợ đi mở đường Tây Bắc, Việt Bắc ngày nào. Rồi bao đêm cùng đội kích kéo, vác sắt thép bắc lại cầu Hàm Rồng ngay sau trận bom giặc đánh đổ sập. Trường ca Vừng sen Hàm Rồng ông viết với hừng hực khí thế lao động khi đang độ tuổi tráng kiện. Rồi những ngày ông về Hà Nội ngạo nghễ bắc nối những chiếc thang tre cao lênh khênh quét vôi cho đẹp những ngôi nhà mới xây. Trường ca Mùa khô rồi, nắng hanh tươi ông từng tâm huyết, bây giờ ở đâu? Những vần thơ ông viết, xứng đáng được vinh danh cùng những nhà thơ đề tài công nhân. Ông đã trả giá tới mức trắng tay để có thơ. Tôi đã từng viết, nhà thơ Tạ Vũ không trắng tay. Vì ông còn thơ. Nhưng bây giờ, nhìn ông nằm bệt trên chiếc giường kia, tôi cũng băn khoăn chưa biết lý giải gì nữa. Mọi thắng bại, còn mất, với ông, dường đang khép lại. Tôi chưa rõ ông mê rượu tự khi nào. Có phải khi sức trẻ trai trong ông đã giảm? Hay nỗi buồn trong ông thẳm sâu?
             Bây giờ, rượu bia thì ông cũng sợ rồi. Bia rượu trở thành xa lạ. Ngày ngày, ông vẫn mê man cùng bao ký ức. Ông không kiểm soát được mình trong mọi việc sinh hoạt. Ông đóng bỉm như trẻ thơ. Tâm hồn ông u mê và trôi dạt như tuổi thơ. Nhiều đêm ông gào kêu tên bạn văn chương, mà toàn kêu tên người đã chết. Ông đập chân đập tay xuống giường, đòi cho ông đi về. Ở giữa ngôi nhà của mình, mà ông đòi đi về đâu? Ôi chao, nghe mà não nề. Thì ra kiếp người khép nhanh một vòng tròn cô đơn nhỏ bé. Bà Điều còn kể, có đêm ông ấy  hân hoan như được trở về ngôi nhà cũ. Ông hét toáng lên, hỏi bức đại tự của tổ tiên để lại đâu? Qua bao thăng trầm, may mà gia đình còn lưu giữ được bức đại tự sơn then chữ thếp vàng, nhưng đã tróc đen mờ mịt không đọc được chữ gì.
            Ngày nào, ngôi nhà ông luôn ồn ã tiếng nói, tiếng cười, tiếng tranh luận cãi vã của nhóm người làm thơ viết văn, nhạc họa. Nay thì thưa thớt và vơi vắng dần. Âu cũng là quy luật đời sống. Tôi thấy một bà già ngồi góc nhà, như một cái bóng. Ngồi lặng thinh, vô định. Bà Điều nói rằng, bà lão người Yên Sở, về làm dâu ngót nghét sáu mươi năm với gia đình nhà bên, cả nhà mấy đời kém mắt, là khách thường nhật của gia đình. Ông Tạ Vũ khi khóc, khi cười, khi ngâm thơ như ngây dại, nay chỉ có bà Điều và bà lão ấy chia sẻ, hứng chịu.
            Tôi nhìn dáng nhà thơ nằm trên giường bệnh, lòng thật thương cảm. Và không hiểu sao, chợt vang lên trong tâm trí tôi câu thơ tài hoa Tạ Vũ viết như một hy vọng còn mãi:
          Tôi nghe tiếng vuốt nhẹ cần đàn trong gió heo may...
                                                                      Tháng 3/2001-
                                                                      tháng 11/2013
                                                                           V.T.T