Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”

Trần Vân Hạc
Thứ tư ngày 8 tháng 10 năm 2014 7:13 AM

(Cảm nhận bài thơ: Tổ quốc ở Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến)


Tổ quốc ở Trường Sa

Tưởng nhớ những người con đã hy sinh
 vì biển đảo của Tổ quốc

Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa.


Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm.


Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương.


Anh đã hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa !


Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra


Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt


Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra


Việt Nam ơi! dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
Những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
Dầu là máu thắp trên thềm lục địa


Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

21.6.2011

Nguyễn Việt Chiến
(Rút trong tập: “Gần lắm Trường Sa”, NXB Văn học, năm 2013)

CẢM NHẬN CỦA TRẦN VÂN HẠC:

Hình ảnh “Anh” – những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ Quốc hiện lên như một tượng đài bất tử của tinh thần yêu nước của dân tộc và mỗi lần dòng máu anh hùng của các Anh đổ xuống là lại một lần “Tổ quốc được sinh ra”. Hình ảnh nghệ thuật độc đáo ấy xuyên suốt bài thơ như một dòng máu nóng hổi hổi sức trẻ tin yêu rồi chợt mở ra một bình minh mai sớm bình yên của Trường Sa, của Tổ quốc.

Chưa bao giờ Hoàng Sa, Trường Sa, mảnh đất bao đời ông cha ta khai phá, giữ gìn lại thu hút sự chú ý đặc biệt của những người yêu nước và thái độ với biển đảo được coi là là thước đo phẩm giá, ý thức công dân với sự tồn vong của dân tộc đến như vậy:
 Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa.
Sự: “Bồn chồn”, “thao thức” ấy không chỉ là sự chia sẻ với Trường Sa mà hơn thế chính là thể hiện lòng yêu nước của những người có: “Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt”. Nhà thơ đã xây dựng một tượng đài quyết tử bằng ngôn ngữ thơ cô đòng và hàm xúc. “Hồn người Việt” ấy phải chăng là tinh túy của tinh thần Việt ấy có được qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước:
Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Trong bài, câu thơ “… Tổ Quốc được sinh ra” được lặp lại tới năm lần với những cách diễn đạt khác nhau đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo ăn sâu vào tâm trí người đọc. “Anh” luôn gắn với hình ảnh: “… Tổ Quốc được sinh ra”  trong những hoàn cảnh cụ thể:
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Anh đã lấy ngực mình làm lá chắn
Vâng! Chúng ta mãi mãi không bao giờ được phép quên cuộc tàn sát 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma 1988 của bọn bành trướng tham tàn. Vũ khí của các anh là tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lồng ngực trẻ trung mang dòng máu Việt của các Anh là lá chắn khiến quân thù khiếp sợ. Câu thơ dồn nén, tích tụ rồi chợt sáng lên một chân lý oai hùng và giản dị mang tinh thần và cốt cách của người Việt:
Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra
Kẻ thù luôn tìm mọi cách xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta, bất chấp công ước quốc tế về luật biển và đạo lý con người, chính vì vậy bảo vệ chủ quyền biển đảo không chỉ là ngiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ mà còn của bao ngư dân anh dũng, kiên cường bám biển, giữ vững ngư trường. Máu đổ nhuộm nước biển xanh không chỉ một lần:
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Sức mạnh tổng hòa của dân tộc cứ ngân mãi “bài ca giữ nước” tự ngàn đời, truyền lửa cho những thế hệ mai sau.
Khổ thơ cuối mở ra một không gian tươi sáng đầy tinh thần lạc quan:
Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Đấy không chỉ là niềm tin mà là kết qủa tất yếu của sự hy sinh, phấn đấu của bao thế hệ.
Việt Nam ơi! dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
“Niềm tin” ấy thắp lửa trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Hình ảnh  những cánh chim bay về  từ biển tượng trưng cho anh linh của các liệt sỹ thật là gần gũi mà thiêng liêng, dù mất mát là sự thật, dù đau thương vô cùng to lớn. Các anh bất tử trong vòng tay Mẹ Tổ quốc yêu thương … Phép đối lập “Vạn người con quyết tử” với “Một lần tổ quốc được sinh ra” có sức lay động lòng người, khiến người đọc phải suy ngẫm cái giá của những gì đã có hôm nay!
Bài thơ không cầu kỳ trong cấu tứ và ngôn ngữ nhưng hàm xúc, tự nhiên như một chân lý. Chất anh hùng ca, tự sự hòa quyện nhuần nhuyễn với chất trữ tình tạo nên một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, để lại trong lòng người đọc bao suy nghĩ, day dứt, trăn trở về lương tâm và trách nhiệm. “Tổ quốc ở Trường Sa” đó, những ai không thờ ơ trước vận mệnh của dân tộc sẽ tìm thấy chỗ đứng của mình trong lòng Tổ quốc!


       
           Trần Vân Hạc