Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hà Nội ơi không thể nào quên !

Nguyễn Khắc Phê
Thứ bẩy ngày 11 tháng 10 năm 2014 7:02 PM



Một sự trùng hợp tình cờ kể cũng thú vị, tròn 60 năm trước, tôi được “giải phóng” khỏi cuộc đấu tranh đang diễn ra khốc liệt ở một vùng quê Hà Tĩnh, lên đường ra Hà Nội vừa được giải phóng. Quả là thú vị, vì nếu lúc đó Hà Nội chưa được giải phóng thì không biết cuộc đời tôi sẽ đi đến đâu?... Và chính là tôi bắt đầu ôm mộng văn chương ngay trên những đường phố Hà Nội hồi đó, khi Thủ đô còn mấy tuyến tầu điện tỏa đi từ hồ Hoàn Kiếm với tiếng chuông leng keng rộn rã xen tiếng rao “phá xa” (lạc rang) trầm buồn của các lão Hoa kiều bựng bự.

Thoạt đầu thì đã “hơi đâu” mà mơ đến chuyện văn thơ. Tôi đặt chân đến Hà Nội vào khoảng cuối thu năm 1954 chỉ để kiếm đường sống! Ngày ngày, vai đeo chiếc xắc vải bạt đựng đầy sách, tôi đi bán dạo khắp phố phường Hà Nội. Sách lấy tại Nhà xuất bản Xây Dựng, Minh Đức - những cuốn sách viết về chiến thắng Điện Biên Phủ như “Người người lớp lớp” của Trần Dần…ngày đó được nhiều bạn đọc tìm mua. Với túi sách nặng trĩu đôi vai gầy, với đôi dép cao su lẹp xẹp, suốt từ sáng tới chiều, tôi nhảy từ đoàn tàu điện này sang đoàn khác, hoặc vào các cửa hàng tơ lụa ở Hàng Đào, Hàng Ngang… hay các phố Hàng Gai, Hàng Bạc, Hàng Bồ... san sát cửa hiệu buôn bán với các cô chủ, bà chủ mặt hoa da phấn xinh đẹp, năn nỉ mời chào họ mua sách. Có lẽ những người buôn bán, các nhà tư sản ở vùng đất “tạm chiếm” vừa được “giải phóng” cũng tò mò muốn biết sách báo cách mạng viết những gì, chứ không phải thương gì cậu bé bán sách dạo xấu trai, mặt lại bắt đầu mọc đầy trứng cá…

 Ngày bán sách, tối đọc sách và thế là không biết tự lúc nào, sức hấp dẫn từ những trang sách đó đã khiến tôi mơ đến chuyện văn chương. Mấy năm sau, khi đã vào học khóa 8 Trường Giao thông ở Cầu Giấy, trước “sự kiện bí mật” thời đó - mấy chục bạn học cùng lớp phải bỏ dở khóa học lên đường vào góp sức khai mở “Đường mòn Hồ Chí Minh” qua Vít-thù-lù, Làng Ho đầu năm 1959 - sẵn mộng văn chương, tôi đã viết bài ký “Những người đi tiên phong” đăng trên báo “Văn học” (tiền thân của báo “Văn nghệ” hiện nay). Đó là trang viết được đăng lần đầu của một chàng trai vừa tròn 20 tuổi…

Từ đó, tôi đi xa Hà Nội, nhưng Hà Nội vẫn là nơi tôi luôn hướng về, là nơi luôn tiếp sức cho tôi thực hiện mộng văn chương chớm hình thành trên những con đường Hà Nội khi mình còn là chú bán sách dạo 14 tuổi.

Còn nhớ, lần tôi trở lại Hà Nội trong không khí Thủ đô náo nức chuẩn bị cho Đại lễ 1000 Thăng Long-Hà Nội 5 năm trước. Trở lại Thủ đô, sau nửa thế kỷ vào đời cùng với trang viết đầu tay, dù mái tóc đã pha sương, mắt mờ, chân chậm, dù "Dấu xưa" chẳng còn bao nhiêu, nhưng những kỷ niệm cũ, những con đường cũ từng dẫn tôi đến ngưỡng cửa văn thơ vẫn sống mãi trong tâm hồn tôi. Làm sao quên được những lần từ các công trường xa xôi và nhất là những năm chiến đấu trên tuyến lưả Trường Sơn - Quảng Bình, có dịp về Hà Nội, tôi lại được khích lệ, được tiếp sức đi tiếp trên đường văn, được sống trong một không gian văn hoá phong phú, được sưởi ấm tâm hồn dưới những mái nhà thân thuộc. Đó là ngôi trường "Điện Biên" ở phố Quán Sứ với những giờ học văn thú vị với thầy Trần Lê Văn; rồi Nhà Hát Lớn và Nhà hát Nhân dân san sát những hàng ghế gỗ giữa “quảng trường” không mái che với những đêm diễn "Lu-ba", "Con nai đen"... và các rạp chiếu bóng Kinh Đô, Long Biên, Đại Đồng, Hòa Bình... thường đông nghịt người, trong đó, loại khán giả "khát phim" vì sống ở những nơi xa xôi như tôi thì có ngày xem tới 2-3 suất. Cũng không thể quên Nhà sách Tràng Tiền như là một điểm sáng của Thủ đô, người có học về Hà Nội hẳn đều ghé lại, dù không mua cũng để nhìn ngắm những tác phẩm mới - những giá trị văn hóa vừa được sáng tạo nên, trưng bày trang trọng trong các tủ kính. Lại còn những ngôi nhà của một số nhà văn tên tuổi như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh... mà tôi có dịp đến không chỉ một đôi lần, do các ông ưu ái một cây bút trẻ đang ở nơi đầu sóng ngọn gió, giúp đọc, hướng dẫn, sữa chữa những sáng tác đầu tay. Tôi đã hoàn thành cuốn sách đầu tay - tập ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh niên, 1968) tại Hà Nội. Như một duyên may, nhân chuyến ra Hà Nội công tác, nhờ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà viết kịch Học Phi nhiệt tình nói "vun vào", tôi được cơ quan "linh động" cho ở lại Hà Nội thêm một tháng để hoàn thành tập sách. Tình cờ, nơi tôi "tạm trú" để viết tập ký sự ở đối diện với căn phòng nhà phê bình Hòai Thanh trên phố Trần Quốc Toản; mỗi lần máy bay Mỹ gầm rú lao vào Hà Nội, tôi đều nhường ông trước căn hầm trú ẩn vừa đắp thành ụ giữa sân và nhìn "lén" ông với ánh mắt đầy ngưỡng mộ…

Cũng không thể quên, khi viết tiểu thuyết "Đường qua làng Hạ", các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Bùi Huy Phồn, Đoàn Giỏi, Tô Hoài đã nghe tôi đọc tác phẩm mấy buổi liền tại trụ sở Hội Nhà văn 65 phố Nguyễn Du; bác Nguyễn Công Hoan còn chỉ cho cả cách đặt dấu "phẩy"; tôi viết: "Xa nữa là Trường Sơn", bác chữa lại: "Xa nữa, Trường Sơn"; thay chữ “là” bằng dấu phẩy, câu văn ngắn gọn mà có sức gợi cảm hơn nhiều. Còn nhà văn Nguyễn Khải, khi đọc bản thảo tiểu thuyết "Đường giáp mặt trận", nghe tôi nói dự định sẽ "cho" nhân vật Loan hy sinh trong trận chiến đấu mở đầu tập tiếp theo (tiểu thuyết "Chỗ đứng người kỹ sư") đã bảo: "Dựng được một nhân vật như cô Loan không dễ đâu, đừng vội để cô ta chết"; quả nhiên, cô Loan đã thành một nhân vật sinh động đi tới trang cuối tiểu thuyết "Chỗ đứng người kỹ sư"...

Tất cả đã góp phần nuôi dưỡng, kích thích và gợi cảm hứng sáng tác cho tôi. Tuy chưa có tác phẩm nào viết riêng về Hà Nội, nhưng hình ảnh Hà Nội đã hiện ra sinh động trên nhiều trang sách đã xuất bản của tôi . Đó là tình cảm thiêng liêng của những chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân trên đường đèo Mụ Giạ giữa đêm khuya, bên những đoàn xe tiến ra mặt trận, lòng hướng về Hà Nội, nơi bác Hồ vừa bắt tay giao nhiệm vụ lịch sử giữ con đường huyết mạch của Tổ quốc cho đồng chí Bí thư Đảng ủy công trường 12A tại Đại hội "Bảo đảm giao thông" đầu tiên hồi năm 1966. Đó là hình ảnh những con người Hà Nội như kỹ sư Sơn, công trình sư Tâm, cô An giám sát viên, cô Loan y tá... giữa cuộc chiến đấu quyết liệt trước bom đạn kẻ thù và cả trước những kẻ cơ hội, giả dối, trước những phút yếu hèn của chính bản thân mình, đã trở nên "thép đã tôi", đã thành những nhân vật điển hình trong tiểu thuyết bộ đôi "Đường giáp mặt trận" và "Chỗ đứng người kỹ sư" (Tác phẩm đã được tặng Giả thưởng Nhà nước năm 2012, cùng với tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở”) Trong tiểu thuyết “Những cánh cửa đã mở” (1987) hay tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” (2010), những cuộc “đụng đầu” giữa các nhân vật có nhiều ý nghĩa, có sức nặng tư tưởng, phần lớn đều diễn ra tại Hà Nội, chính vì từ vị thế của Thủ đô, các nhân vật cũng như tác giả - cho dù ở “tỉnh lẻ” hoặc từ miền đất heo hút nào về - đều được “chạm” đến những vấn đề lớn của thời cuộc, những niềm vui và cả những nỗi buồn không phải của riêng ai... 

Phải! Hà Nội là Thủ đô của cả nước, “không phải của riêng ai”, nên đâu chỉ riêng tôi, có bao người đang nhớ về Hà Nội những ngày này với “niềm tin và hy vọng” như lời một bài hát hào hùng năm xưa…

(Nội dung ảnh: NKP bên hồ Hoàn Kiếm trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội)