Một anh bạn nổi danh thơ phú, vừa đổi tay qua cầm cọ vẽ. Anh gửi e-mail cho xem một xê ri tranh sơn dầu “triển lãm trên mạng”. Tức thì nảy hai dòng “còm” lại cho anh: Phen này ông quyết đi buôn (vải) bố/Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.
Té ra, mình đã nhiễm cái “quy luật cung cầu” mang bản quyền Tú Xương từ lúc nảo lúc nào!
Thơ của Trần Tế Xương có bài Chúc Tết với cái điệp khúc mào đầu thật dễ thuộc: Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau… Toàn bài đẫm một chất trào lộng chua cay vốn thường đậm đặc trong thơ ông; song ở đây ta còn thấy vị tú tài Hán học này cũng rành rẽ chuyện cung với cầu, bán với mua “ra phết”. Này nhé: Khi nghe “nó” chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, nghĩa là sẽ có nhiều vị sống thọ đến đầu bạc răng long, ông Tú nghĩ ngay đến việc đi buôn cối giã trầu - thứ vật dụng dành cho người thích ăn trầu mà răng yếu không nhai được. Khi nghe “nó” chúc nhau đứa thì mua tước, đứa mua quan, ông tính liền một phen đi buôn lọng - thứ vật dụng dành cho kẻ làm sang, luôn phải có người đeo theo cầm lọng che đầu. Thú vị hơn nữa là qua mấy bận “phen này ông quyết” như thế, Tú Xương đoan chắc mình đi buôn (đi buôn hẳn hoi, không đi bán lẻ vài ba cái) là sẽ thắng. Và chuyến buôn sẽ thắng một cách… vẻ vang: vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng; bởi nương theo quy luật thị trường khi mức cầu vượt quá xa mức cung - kẻ mua tước mua quan nhiều vô kể, trong khi số lọng buôn về thì có hạn. Biết rằng tác giả cường điệu vụ đi buôn, nhưng người đọc vẫn… sướng tai nghe, không thấy vô lý.
Tác phẩm của Tú Xương chung quanh đề tài Tết nhất, còn có bài thơ Tết nghèo cũng nổi tiếng không kém: Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo/Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu/Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy/Chè sen mượn hỏi, giá còn kiêu… Giọng điệu này xui người đọc nhớ đến bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến: Ao sâu nước cả, khôn chài cá/Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà/Cải chửa ra cây, cà mới nụ/Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa... Cũng một bút pháp trào lộng như nhau, cả hai cùng khoe ra những món đều đang ở dạng “tiềm năng” chưa hoặc không thể thành hiện thực, nhưng ta thấy thơ cụ Yên Đổ dùng toàn những sản vật ruộng vườn kiểu tự sản tự tiêu; còn thơ Tú Xương lại kể đến các hoạt động thị dân, trong xã hội đã manh nha một thị trường hàng hóa sản phẩm thương mại và dịch vụ tài chính thời bấy giờ.
So với cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909), tú tài Trần Tế Xương sinh sau 35 năm và mất trước hai năm. Hai bậc thầy thơ trào phúng này cùng chung quê hương là vùng địa văn hóa Hà Nam - Nam Định, cùng sống trong một thực trạng xã hội Việt Nam thời cận đại. Thế nhưng có lẽ do Tú Xương cư ngụ ở nơi “phố phường tiếp giáp với bờ sông”, nhà lại có bà vợ đảm đang “quanh năm buôn bán… nuôi đủ năm con với một chồng” nên ông đem được nhiều chất thương mại thị thành, thậm chí cả cái giọng bốp chát, sắc sảo có phần hơi “chợ búa” vào trong thơ phú. Cũng thì xuất thân từ nền nho học vốn tuân theo trật tự thang bậc sĩ - nông - công - thương, vậy mà Tú Xương không hề coi nhẹ thương; ngược lại, ông luôn quan tâm và có cái nhìn nhạy cảm về nó. Cái ý thức đó thường trực cả trong thơ Tú Xương trữ tình, đến nỗi ngay khi nhận được món quà của người quen gửi cho, ông lập tức muốn… truy nguyên một sản phẩm hàng hóa: Em gửi cho anh mảnh lụa đào/Phất phơ tươi tốt, đẹp làm sao/Của này ý hẳn trong nhà có/Hay cậy người mua ở nước nào?... (trích bài Tặng người quen). Còn trong lĩnh vực thơ trào phúng, ta chẳng ngạc nhiên khi Tú Xương tự giễu bản thân mình: Hán tự chẳng biết Hán/Tây tự chẳng biết Tây/Quốc ngữ cũng mù tịt/Thôi thì về đi cày/Trồng ngô và trồng đậu/Cấy chiêm lại cấy mùa/Ăn không hết thì bán/Bán đã có Tây mua. Toan chuyện lui về làm nông mà vẫn không dứt được thương, cái thực tại thị thành bán mua đã ám ảnh nhà thơ như thế đó!
Những nhà nghiên cứu văn nghiệp Tú Xương chỉ ra một sự lạ, ấy là toàn bộ tác phẩm của ông khởi đầu chỉ lưu hành qua lối truyền miệng chứ không qua văn bản nào do chính tay nhà thơ chép để lại. Dù vậy, hồn vía chữ nghĩa của Tú Xương vẫn còn đó sức lan tỏa mãnh liệt và lâu dài. Cứ mỗi khi Tết đến xuân về, người lo lắng sắm Tết lại mỉm cười nhớ cảnh Tết nghèo trào phúng của vị tú tài nho học thời Tây hóa; và người quan tâm thế thái nhân tình lại lẳng lặng mà nghe văng vẳng những lời chúc Tết xưa, cho dù cái nguyên lý vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng không còn đúng nữa cho ông Tú đi buôn lọng. Thay vì mua tước mua quan, ngôn ngữ thời nay gọi là “chạy chức, chạy ghế, chạy bằng cấp”; mà oái oăm thay, các sự chạy này cũng cùng một dạng thức như Tú Xương thuở nào chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
Không chừng, sự oái oăm đó lại chính là nguyên do khiến anh bạn mình… hết hứng làm thơ, chuyển sang cầm cọ?