Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người mẹ Anh hùng

Vũ Thị Thanh Nhàn
Thứ năm ngày 26 tháng 12 năm 2013 5:47 AM
 
Nhân kỷ niệm 117 năm ngày sinh bà Nguyễn Thị Quỳ(*) (1896 – 1956), thân mẫu của Liệt sỹ Đinh Thúc Dự và Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân - người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng “Đồng Tiền Vàng” và Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”; Quê hương ca ngợi bà là người phụ nữ “Kiên trung, Hiền lương, Thục đức, Trấn uy vũ”.
 

Bà Nguyễn Thị Quỳ sinh năm 1896 tại làng Hạ Miêu, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Quê bà có tục sau lễ cưới con gái phải mang họ và tên chồng, chỉ còn giữ lại cho mình chữ “Thị”. Vì vậy, sau khi kết hôn với lương y Đinh Đức Hợp bà được đổi tên là Đinh Thị Hợp; ông Hợp thi đỗ đầu tỉnh được gọi là ông Nhất Hợp nên bà còn có tên là bà Nhất Hợp.
Bà Quỳ là con út trong một gia đình hiếm con trai. Cha là cụ đồ Nghi một nhà nho uyên thâm, đức độ. Cụ đã dày công dạy dỗ cô Quỳ từ thuở mới lọt lòng. Các cụ kể rằng: lên năm tuổi cô đã thuộc lầu “Tam Tự Kinh”; sách có hơn 1000 chữ, cô đã nhớ tới 600 chữ trong dạ. Lên mười tuổi, cô có thể cắt nghĩa cho học trò về đạo lý: vì sao con người vốn "Nhân chi sơ, tính bản thiện", đến đạo làm người "Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý"… Ngày ấy, người Hạ Miêu gọi cô là “thần đồng giả gái”.
Nhưng không may, cuối năm Tân Hợi (1911), chị ruột cô là Nguyễn Thị Mộc đột ngột qua đời, để lại 5 đứa con thơ dại. Sợ cảnh “dì ghẻ con chồng”, đồng thời phải bảo toàn gia tộc, cô Quỳ đã phải dằn lòng tuân theo sự sắp đặt của cha, từ bỏ hết những ước mộng cao đẹp của mình chấp thuận lấy anh rể làm chồng để giữ trọn chữ hiếu với cha, thay chị gái quán xuyến gia đình, chăm sóc đàn cháu côi cút. Sự hy sinh tình riêng vì nghĩa ruột thịt của cô là phẩm hạnh thanh cao ở thời ấy, con nhà gia giáo cũng ít ai hành xử được như vậy.
Chưa đầy 16 tuổi, cô Quỳ bơ vơ, chân ướt chân ráo về nhà chồng bằng một đám cưới chạy tang, không hoa trắng cài đầu, không đêm tân hôn, chăn gối, ngỡ ngàng trước gia cảnh đất rộng, người đông; người làm thì ít, miệng ăn thì nhiều. Tiếng là nhà danh y, nhưng nếu không biết “tề gia nội trợ” thì sẽ thiếu đói ngay. Cô ngơ ngác trước cuộc đời mới, mà ở đây cô được mọi người kính nể gọi bằng “Mợ”, bằng “Bà”.
Buổi sáng đầu tiên sau tang lễ chị cả, bà Quỳ được các con chị khoanh tay bẩm “Mợ”. Mặc dù cảnh đời trớ trêu, cậu con trưởng chỉ kém bà chưa đầy 2 tuổi nhưng bà vẫn điềm tĩnh sắp đặt công việc trong nhà ai vào việc nấy, các con bảo nhau chuyên cần học hành, chăm sóc lẫn nhau để bà dành nhiều thời gian chăm bẵm cậu con trai út Đinh Thúc Dự mới 3 tháng tuổi, ốm yếu, gầy còm vì thiếu sữa mẹ.
Nhờ tính ôn hòa, cách khu xử nhu thuận nhưng cương quyết của bà nên cơ đồ nhà ông Nhất Hợp chẳng mấy chốc đã hồi sinh trở lại. Sáu năm sau, bà Quỳ sinh hạ con gái đầu lòng, đặt tên là Đinh Thị Mậu (là nữ anh hùng tình báo Đinh Thị Vân sau này). Út Mậu chưa đầy tháng tuổi thì ông Nhất Hợp qua đời, để lại người vợ trẻ và 6 đứa con thơ. Cũng may, bà Quỳ vẫn còn có chỗ dựa tinh thần là cụ Đinh Mẫn Cấp - Người cha chồng mực thước, bao dung, Ông là một nhà nho yêu nước của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Cụ Hương Cấp đã dành hết tâm trí vào việc nuôi dạy 6 đứa cháu nội mồ côi, góp phần làm nên nhân cách những chiến sỹ Cộng sản ưu tú của quê hương sau này.
Năm 1930, khi phong trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh vang dội đến Đông An, cũng là lúc các con của ông bà Đinh Nhất Hợp đã trưởng thành, đều có khí phách và chí hướng theo cách mạng, họ cùng một số thanh niên, bạn học trong làng giác ngộ Chủ nghĩa cộng sản, đọc những tài liệu về Chủ nghĩa Mác - Lênin… cùng nhau vận động trong họ, ngoài làng tham gia các hoạt động cách mạng, phong trào ngày một lan rộng và được củng cố vững mạnh. Vì vậy đầu năm 1933 chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên ở Đông An đã được thành lập (đây là một trong những chi bộ đầu tiên ở huyện Xuân Trường). Bà Quỳ vô cùng phấn khởi và tự hào vì người con trai Đinh Thúc Dự(**) mà bà tận tâm nuôi dưỡng, được ông nội rèn dũa công phu nay đã trưởng thành, được Đảng tín nhiệm cử làm Bí thư chi bộ Cộng Sản đầu tiên của quê hương.
Gia đình bà Quỳ là cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ cách mạng trong đó có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Thiều, Hoàng Văn Tiến, Đặng Quốc Bảo, Hà Kế Tấn…được trung ương cử về lãnh đạo phong trào hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Nhà bà Quỳ trở thành nơi hội họp, tập trung nghĩa binh, dựng cờ đỏ sao vàng tiến quân khởi nghĩa giành chính quyền ở Phủ Xuân Trường năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 04 tháng 09 năm 1945 chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuần lễ Vàng”, được đông đảo đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng. Huyện Xuân Trường tuy còn nghèo, nhưng nhiều gia đình đã đem hết những đồng tiền chắt chiu cả đời lao động vất vả, nhiều người còn đem nhẫn, vòng, khuyên tai vàng là những kỷ vật thiêng liêng của gia đình đem ủng hộ "Quỹ Độc lập". Tại xã Xuân Thành, bà Quỳ đã bán ngôi nhà cổ năm gian bằng gỗ lim để lấy tiền ủng hộ "Quỹ Độc lập". Đặc biệt, trong ngày đầu tiên quyên góp cho “Tuần lễ Vàng”, bà Quỳ cùng người em dâu là Đinh Thị Cáp đã tháo khuyên tai vàng ủng hộ tại chỗ để làm gương, khuyến khích bà con trong xã  hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ Hồ.
Trong kháng chiến chống Pháp, bà Quỳ còn động viên con cháu tham gia Vệ quốc đoàn, nhiều người đã hy sinh anh dũng, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị hai miền chia cắt. Đinh Thị Vân, con gái út của bà Quỳ lúc này đã là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định. Nhưng do yêu cầu công tác, đồng chí Vân được điều động sang quân đội và trở thành nữ chiến sỹ tình báo chiến lược, tình nguyện vào miền Nam hoạt động. Trước khi nhận nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí Vân gạt nước mắt, hy sinh đời tư, trở về quê thu xếp cưới vợ cho chồng, rồi âm thầm, lặng lẽ dấn thân vào tận sào huyệt của kẻ thù để hoạt động bí mật. Những ngày đồng chí Vân vừa đặt chân đến Sài Gòn, để hỗ trợ cho nhiệm vụ đặc biệt, cấp trên quyết định loan tin: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Vụ án chính trị này đã khiến nhiều anh em, con cháu ruột thịt của đồng chí Vân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị “vạ lây” nhưng đã đánh hoả mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo được vỏ bọc vững chắc giúp đồng chí Vân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cũng chính vì vậy mà năm 1956, bà Quỳ đã qua đời trong một hoàn cảnh rất đau lòng. Để bảo vệ bí mật quân sự “sống để bụng, chết mang theo” cho đến ngày cuối đời bà mẹ chiến sỹ đành phải cầm lòng ôm nỗi nhục, mang tiếng xấu với quê hương là có con phản Đảng, phản cách mạng. Đây là sự hy sinh cuối cùng của người mẹ dành cho con để góp phần làm nên chiến công huyền thoại của nữ Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân.
Do có nhiều công lao cống hiến cho cách mạng, bà Nguyễn Thị Quỳ (Đinh Thị Hợp) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Tổng bộ Việt Minh tặng “Đồng Tiền Vàng”; Chính phủ truy tặng Bằng “Có công với nước”. Quê hương ca ngợi Bà là người phụ nữ “Kiên trung, Hiền lương, Thục đức, Trấn uy vũ”.

Vũ Thị Thanh Nhàn
(Tạp Chí Cộng Sản)

(*) Cụ bà Nguyễn Thị Quỳ và liệt sỹ Đinh Thúc Dự là bà nội và thân phụ của họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh)