Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những quả đấm thép sao lại là con nợ lớn vậy ?

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Thứ sáu ngày 13 tháng 12 năm 2013 8:48 AM

 

   Vào những năm đầu của thế kỉ 21 khi Hệ thống Ngân hàng bắt đầu xiết chặt cơ chế cho doanh nghiệp nhà nứơc vay một cách dễ dãi. Người viết bài này đã chứng kiến những Tổng công ty xây dựng công trình giao thông ( Cienco) lừng lẫy một thời với những chíên tích xây dựng các công trình cầu và đường trải khắp ba miền như QL1A, QL5, QL 10, QL 183…Những chiếc cầu lớn như Lai Vu, Cốc Lếu, Kì Cùng…Và chiến tích này lan sang cả nứơc bạn như đường 13 bắc Lào, đường 6,7 Lào, đường 7 Căm Pu Chia .. đột nhiên hiện ra là những con nợ khổng lồ. Cienco 1, Cienco 8..Là hai anh cả đỏ đứng đầu ngành xây dựng GT có số nợ mỗi Cienco lên đến hàng vài nghìn tỉ. Cắt nghĩa sự nợ của các Cienco này dạo đó các nhà chuyên gia kinh tế đổ cho cơ chế cho vay quá dễ dãi của ngân hàng một thời. Sự cắt nghĩa này có phần đúng vì các Cienco hồi đó trong đấu thầu thi nhau hạ giá thấp để thắng thầu “lấy công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân”. Trong quá trình thực hiện dự án phát sinh, thiếu tiền lại được ngân hàng cho vay một cách thoái mái. Sau khi hoàn thành công trình, các chủ đầu tư chưa trả hết tiền, các Cienco lại tiếp tục vay tiền ngân hàng để thực hiện các công trình tiếp. Với cách làm này nên các Cienco của Bộ GTVT dần dần trở thành những con nợ hai mang ngày một chất chồng. Một đầu các chủ đầu tư nợ các Cienco, đầu kia các Cienco lại thành con nợ của ngân hàng. Sự quản lý tiền nhà nứơc tuỳ tiện cộng thêm sự tham nhũng trên mỗi bứơc đi thực hiện công trình( từ khâu hành chính, giải phóng mặt bằng, thủ tục vay ngân hàng, biếu xén lãnh đạo các cấp) cũng là một quá trình khiến các Cienco chẳng những là con nợ mà còn là những doanh nghiệp trong báo cáo thì viết chữ lãi, nhưng thực tế lại lỗ rất lớn. Các doanh nghiệp ở các ngành khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng bệnh thành tích đã bao phủ lên mọi mặt của xã hội ta trong đó có lĩnh vực kinh tế cùng với sự quản lý lỏng lẻo ngân sách nhà nứơc theo kiểu “tiền chùa “đã dần dần đẩy các doanh nghiệp nhà nứơc vốn làm ăn thiếu hiệu quả càng đi vào ngõ cụt…
         Những tưởng sau sự công bố những khoản nợ lớn mà các Tổng công ty doanh nghiệp lớn nhà nứơc mắc phải ở đầu thế kỉ 21 thì các nhà quản lý của ta rút ra nhiều kinh nghiệm quí báu để đưa khối doanh nghiệp nhà nứơc làm ăn khả quan hơn. Không ngờ theo báo cáo của Bộ trường Bộ tài Chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng kí ngày 25/11 vừa qua cho biết tình trạng công nợ của doanh nghiệp nhà nứơc giờ không chỉ khoanh ở các Cienco mà đã trở thành đại nạn ở tất cả 846 doanh nghiệp có vốn nhà nứơc 100%. Đặc biệt 127 Tập đoàn( TĐ), Tổng công ty( TCT)- Những đơn vị  được gọi là “quả đấm thép”,”trục xương sống” của nền kinh tế nứơc ta. Số nợ của các đơn vị này cũng theo đúng qui luật đã thể hiện trong các ngôn từ thường xuyên được dùng khi báo cáo thành tích hàng năm. Đó là số nợ năm nay cao hơn năm trước. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì tính đến hết năm 2012 tổng số nợ này không chỉ dừng ở con số một vài nghìn tỉ như những năm đầu của thế kỉ 21 mà đã lên đến con số đáng sợ là gần 1,35 triệu tỉ đồng, tương đương với 63 tỉ USD tức là bằng 50% GDP của Việt nam trong năm 2012(đây là con số chính thức theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thực tế còn hơn nhiều).Và kịch bản các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nứơc vừa là con nợ vừa là chủ nợ đồng thời là doanh nghiệp làm ăn luôn luôn thua lỗ từ đầu thế kỉ 21 đến nay đã ở mức độ trầm trọng hơn và đáng báo động.
Khi đóng vai là chủ nợ thì số nợ phải thu của các TĐ, TCT là gần 278 nghìn tỉ đồng. Trong đó nợ thu khó là 13.490 tỉ đồng. Tăng 24,5% so với 2011. Hàng loạt đơn vị nổi danh nợ nần từ 12 năm trước vẫn giữ nguyên bên cạnh các đơn vị khác mới nổi lên để tạo thành bản hợp xướng hoà đồng về công nợ như Cienco8 ( hơn 1000 tỉ), TCT xây dựng Thăng Long ( gần 800 tỉ), hai đơn vị kinh tế của Quốc phòng “nước sông công lính” như TCT Thành An( 840 tỉ), TCT xây dựng Trường Sơn( 800 tỉ)…
Còn khi giữ vị trí của con nợ thì hầu hết số nợ này của các TĐ, TCT có số nợ tính riêng năm 2012 lên đến gần 1349 tỉ đồng tăng 6 % so với năm 2011 chiếm tới 56% tổng nguồn vốn. Và cũng như khi là chủ nợ khi ở vị trí là con nợ vẫn là những con nợ cũ nổi tiếng bên cạnh các con nợ mới như Cienco 1 có số nợ gấp 18,41 lần, TCT xây dựng Bạch Đằng xấp xỉ 21 lần   vốn chủ sở hữu. Không chỉ là con nợ trong nứơc mà còn là con nợ nứơc ngoài. Tổng số nợ của các quả đấm thép, trục xương sống nền kinh tế nước ta nợ nứơc noài lên đến gần 316 nghìn tỉ đồng. Trong đó các quả đấm thép như TĐ điện lực nợ gần 113 nghìn tỉ đồng, TĐ hàng không Việt nam là gần 29 nghìn tỉ đồng, TĐ dầu khí là 16 nghìn tỉ đồng. 
Vẫn giữ nguyên tình trạng của kịch bản kinh tế 12 năm trước bất chấp mọi cải tiến, mọi thí điểm về TĐ, TCT 91, 90 của Chính Phủ song song với việc nợ hai chiều thì các doanh nghiệp nhà nứơc vẫn tiếp tục làm ăn thất bát, thông qua những con số lỗ quá lớn mà năm 2012 là một điển hình. Với 25 TĐ, TCT số tiền lỗ luỹ kế lên đến hơn 17 nghìn tỉ đồng trong đó TĐ  điện lực lỗ hơn 3100 tỉ, TCT xây dựng đường thuỷ ( Bộ GTVT) lỗ 710 tỉ. 16 công ty khác lỗ gần 12 nghìn tỉ…Tất nhiên khi nói về lỗ cũng cần tính đến sự ma giáo của không ít TĐ, TCT có thể làm ăn có lãi những vẫn khai lỗ và hay lãi ít để tăng giá mặt hàng kinh doanh và xin trợ cấp của nhà nứơc chia phúc lợi ngành. Đơn cử như TĐ Xăng dầu sau 9 tháng năm 2013 lãi 517 tỷ đồng, TCT hàng không lãi 290 tỉ đồng, TĐ tàu thuỷ lãi 2,9 đồng….Tôi còn nhớ trước tình hình báo cáo mập mờ này một đồng nghiệp đã kêu lên “cả một doanh nghiệp đồ sộ của nhà nứơc với đủ ban bệ, dưới đủ sự lãnh đão các cấp mà lãi một năm không bằng bà bán rau muống lẻ ngoài chợ”.
Nhưng dù muốn nói gì thì nói việc các TĐ, các TCT làm ăn thất bát, trở thành những con nợ khổng lồ, vít nặng cán cân nợ xấu của quốc gia ngày càng nguy hiểm là một tình trạng cần có sự mổ xẻ nghiêm khắc để từ đó có những biện pháp khẩn cấp khắc phục. Nếu không nền kinh tế nứơc ta khó mà có thể thoát khỏi sự suy thoái đã kéo dài quá lâu.
Nguyên nhân dẫn đến sự thất bát của các TĐ, TCT thì có nhiều nhưng có lẽ nổi lên đầu tiên phải tính đến sự quản lý ở cấp vĩ mô đối với lĩnh vực này vừa kém, vừa lỏng lẻo. Sự kém thể hiện rõ nhất trong việc coi các TTĐ, TCT này là trung tâm cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Từ sự xác định đó nên chẳng những ngân sách nhà nước mà ngay cả những vốn vay tín dụng nứoc ngoài được nhà nứoc bảo hộ cũng được dồn vào các TĐ, các TCT trong khi các đơn vị này chưa xác định được mục tiêu phát triển của mình, cũng như bộ máy quản lý chưa đủ sức quản lý một lượng vốn quá lớn đó. Hình ảnh một người vừa ốm dậy bị nhồi nhét thật nhiều mong chóng khoẻ để cáng đáng công việc nặng nhọc có thể xem là hình ảnh điển hình cho sự bất cập về quản lý vĩ mô đối với TĐ, TCT trong mục tiêu tăng trưởng nóng. Có những TĐ liên tiếp được nhồi số tiền vay nước ngoài phải tính đến hàng trăm nghìn tỷ trong khi trình độ quản lý, mục tiêu phát triển ngành chưa rõ rệt. Với số tiền quá lớn trong tay, TĐ này trong khi loay hoay chưa biết thực hiện nhiệm vụ chính ra sau thì số tiền đang nắm trong tay lập tức được tung vào kinh doanh ở các lĩnh vực khác để kiếm lời. Sẵn tiền các dự án ngoài nhiệm vụ chính bung ra, các mối liên kết xung quanh đồng tiền thừa thãi được mở rộng và tất nhiên sự làm ăn thất bát và sự lãng phí vốn đầu tư là kết quả không tránh khỏi.
Một nguyên nhân thứ hai là sự tham nhũng ở các TĐ, TCT khi người ta coi đồng tiền trong ngân sách, trong các loại vốn vay của nứơc ngoài như miếng thịt chín, các nhà quản lý thoái hoá biến chất luôn nghĩ ra cách để xẻo miếng thịt đó cành nhiều càng tốt. Không ít TĐ, TCT đang là con nợ khổng lồ những các vị lãnh đạo các TĐ, TCT đều lĩnh lương khủng và có những tài sản cực kì lớn. Hiện tượng Dương Chí Dũng tặng hai căn hộ cấp cao cho tình nhân không phải là hiếm trong các nhà quản lý các doanh nghiệp nhà nứơc. Đó chỉ là bề nổi bị phát hiện trong lượng tài sản, tiền bạc cực lớn ở các ngân hàng trong và ngoài nứơc của các vị này.
Trình độ quản lý vừa kém vừa tuỳ tiện cùng với việc ăn xổi ở thì, đặt lợi ích nhỏ, lợi ích ngành lên trên hết. Vô trách nhiệm với nền kinh tế chung với  cuộc sống người dân hôm nay và mai sau chính là những nguyên nhân khiến các quả đấm thép, trục xương sống nền kinh tế nứơc ta thành những con nợ khổng lồ là vậy.
     Nhà văn Nguyễn Hiếu