Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bà góa Solzhenitsyn :“Chồng tôi đã biết ông ấy thành nhà văn từ khi 8 tuổi..".

Tô Hoàng
Thứ tư ngày 11 tháng 12 năm 2013 8:10 PM
 NHÂN KỈ NIỆM 95 NĂM NGÀY SINH Aleksandr Sergeivich Solzhenitsyn.


    Hôm nay ngày 11 tháng 12 năm 2013, giới văn học nghệ thuật và toàn dân Nga long trọng hướng tới một ngày kỷ niệm lớn : sinh nhật lần thứ 95 của nhà văn, nhà hoạt động văn hóa , nhà tư tưởng xuất chúng của nước Nga- Aleksandr Sergeivich Solzhenitsyn.
 Báo “ Sự thật Thanh niên “ đã công bố bài phỏng vấn gần đây với bà Natalia Solzhenitsyn-vợ của nhà văn…
Vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của A.S Solzhenitsyn tại Viện Bảo tàng nghệ thuật tạo hình Pushkin ở Moskva đã khai mạc Triển lãm “ A.Slzhenitsyn: Dưới những tảng đá đè “.
Cần nói ngay rằng lưu trữ của nhà văn ( gần 100 hiện vật ) như chúng ta thấy ở đây là lần đầu tiên được trưng bày tại Nga. Hai năm trước tại Thụy điển đã có một cuộc triển lãm như vậy và việc này đã trở thành một sự kiện. Hiện vật duy nhất là bản sao- đó là lệnh bắt giam và biên bản thẩm vấn người bị bắt. Còn lại đều là hiện vật gốc. Bằng trao tặng Giải thưởng Nobel, huy chương và những trang văn xuôi khi A. Solzhenitsyn mới lên mười, tấm áo đuôi tôm, chiếc áo bông tù nhân với số tù màu đen, những mẩu bánh mì đen và những bức tranh khắc gỗ của Rembrandt.Hiện vật, dĩ nhiên còn cả những trang vở học sinh, những cuốn sổ tay tự đóng lấy, những dòng chữ viết li ti chen chúc nhau. Trong những dòng chữ ấy nhận ra ít nhiều những gì phân vân, lưỡng lự khi người tù tự bản năng của mình nhận ra cái “ ngày mai” là một thứ gì xa xỉ. Nhưng bây giờ thì mọi điều như đã hiển hiện như trên màn hình trong rạp chiếu phim…
Natalia Solzhenitsyn:  Trong suốt cuộc đời ông ấy không thích đứng hoặc ngồi cho ai chụp ảnh hoặc vẽ chân dung của mình, tuy rất nhiều người chân thành mong muốn làm việc ấy. Kể cả khi chúng tôi ở nước ngoài hay khi đã trở về Nga. Tôi rất lấy làm tiếc về điều này nhưng ông chồng tôi không chịu chiều theo ý tôi. Ông luôn luôn nói: “ Sao đây, tôi là một chú thiên nga lông trắng muốt a ?”
- Bày cạnh những mẩu bánh mì khô khốc là tấm áo bông mặc trong khám tù..Một sự sắp đặt ngẫu nhiên sao? Kiếm đâu ra những mẩu bánh mì khô cong đó? Chả lẽ ông nhà đã gom giữ chúng suốt từng ấy năm sao?
Natalia Solzhenitsyn:Đó là những mẩu bánh mì đúng là được làm bởi thứ lúa kiều mạch Nga. Còn vì sao ông không vứt đi thì không rõ. Ông bị bắt lần thứ hai vào năm 1974, bị tước quyền công dân. Trước khi bị giải tới nơi lưu đầy, bọn họ gọi ông ra khỏi khám giam ( Điều này xẩy ra tại Lephotorva) để nghe họ đọc lệnh. Việc xẩy ra đúng vào lúc ông và hai người bạn tù đang ăn bữa trưa. A.Solzhenitsyn không mang gì theo mà chỉ lấy khúc bánh mì đang ăn đở đút vội vào túi, dù ông hoàn toàn không biết họ sẽ giải ông đi đâu. Và tôi đã tìm ra mẩu bánh này trong túi áo của ông tại nơi ông bị lưu đầy, đâu đó chừng một năm sau.
-Ở đây có trưng bày những bản tranh khắc gỗ của họa sỹ Rembrandt. Bà có thể kể điều gì về chúng?
Natalia Solzhenitsyn: Ông nhà tôi rất yêu nhà danh họa Hà lan vĩ đại này. Còn những bức tranh bạn thấy kia là nguyên bản gốc tôi mượn lại từ Viện Bảo tàng thôi.
-Chúng tôi còn thấy cả bản thảo văn chương có thể nói là “ thuở ban đầu” của A.Solzhenitsyn…
Natalia Solzhenitsyn: Vâng, đó là những trang ông ấy viết từ thời niên thiếu và chính ông gọi chúng là “ những đọt mầm văn chương”. Ông cương quyết không cho phép tôi công bố những trang viết ấy. Tôi không đem in nhưng có thể trưng bày ra đây được, phải không? Bản thân A.Solzhenitsyn cũng ngạc nhiên tự hỏi không hiểu vì sao mới 8, 9 tuổi ông đã có cảm giác mình đang làm công việc của người viết văn. Ông bảo đó không phải là ước muốn mà là đúng là thứ linh cảm buộc ông nhất thiết phải trở thành một nhà văn. “Để làm gì à ? Để nói được điều gì đó quan trọng với mọi người sao? Trong lòng cậu bé là anh vào thời đó không nẩy sinh câu hỏi như vậy. Nhưng cậu bé ấy vẫn quyết chí phải trở thành nhà văn”-A.Solzhenitsy thường tâm sự với tôi như thế.
-Có thể ý nguyện ấy xuất hiện trong cậu bé Solzhenitsyn khi mới lên 10, cậu bé đã đọc hết tiểu thuyết “ Chiến tranh và Hòa bình”?   
Natalia Solzhenitsyn: Không , ý nguyện ấy xuất hiện ở cậu bé sớm hơn thế. Còn khi lên 10, đọc hết bộ “ Chiến tranh và Hòa bình “ chú bé cũng không thể hiểu nổi những vấn đề triết học Lev Tolstoy đề cập trong cuốn sách. Chú bé chỉ sửng sốt, ngạc nhiên chính bởi quy mô và tầm sử thi của tác phẩm. Ông thường ví bộ “ Chiến tranh và Hòa bình” giống như một loài chim lửa khi bay kéo theo sau mình cả một thời đại. Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, Solzhenitsyn không ví bộ tiểu thuyết như chú chim lửa kia nữa mà đã nói theo khác: “ Đọc bộ tiểu thuyết anh cảm thấy như bị kéo căng ra trên chuyến xe nặng nề, ậm ạch của Lịch sử- một thời kỳ phải bỏ cả cả hàng chục năm đành lịm ngất đi, đành bất tỉnh nhân sự, để cố làm sao nước Nga không đánh mất đi sự phong phú, giàu có của mình”.   
-A.Solzhenitsyn có thích tổ chức những dịp sinh nhật hay những ngày lễ tết hội hè không, thưa bà ?
Natalia Solzhenitsyn:Nói chung là ông không thích, không thể chịu đựng được sự ồn ào, hoan hỉ. Ông chỉ lưu tâm tới ngày sinh nhật của các con thôi. Không bao giờ ông quan tâm tới sinh nhật của bản thân và của tôi.Vào những dịp lễ tết, ai muốn làm gì, tụ họp, khiêu vũ, ca hát…ông để mọi người làm theo ý mình . Ông tìm lúc thuận tiện nói vài lời chúc tụng và coi là đã làm xong bổn phận của mình.
-Liệu có phải đấy là một trong những cái cớ khiến nhiều người bàn ra tán vào về tư cách nhà văn của ông?
Natalia Solzhenitsyn: Có cả một núi những giai thoại, huyền thoại gắn liền với A.Solzhenitsyn.Nói chung là không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đã quá nhiều năm ông bị xua đuổi, bị cấm đoán mà! Ví như có ý kiến cho rằng hai ông bà thân sinh của ông kết bạn với nhau tại trường trung học ở thành phố Pitergov, sau đó họ yêu nhau, cưới nhau. Sự thật không phải như vậy. Hai người làm quen với nhau ở Moskva, mẹ ông học tại trường trung học ở tỉnh Rotstov, còn cha ông tại Pitergov.Nhưng những giai thoại, những đoán định như vậy cũng chẳng độc hại gì. Còn nhiều chuyện bịa đặt khác mang tính chất vu khống, đầy sự đểu giả, gắp lửa bỏ tay người cơ. Ví như một số cho rằng A.Solzhenitsyn không hề trải qua trận mạc mà ngồi chốn lỳ ở hậu phương. Số khác cho rằng ông có trải qua lửa đạn nhưng đã cố ý đầu hàng bọn Đức.Lại có kẻ dựng lên, ông không đầu hàng mà viết một lá thư gửi cho một đồng đội, làm sao để lá thư đó lọt vào tay các cấp chỉ huy, để ông bị bắt giữ, tránh khỏi phải ra đương đầu với hòn tên mũi đạn…Cuối cùng là chuyện “ ông không hề bị ung thư”.Những điều vu khống, bịa đặt ấy đều do tổ chức mật vụ KGB tung ra cả. Bạn biết đây, vượt lên nhiều nhà văn thời Xô viết, có lẽ A.Solzhenitsyn đã công khai bày tỏ niềm nuối tiếc, nỗi ân hận về nhiều phương diên; những gì tự ông phán xét mình đã làm không đúng khi còn trẻ, khi còn quá mê cuồng với lý tưởng đã theo đuổi.v..v..Ông đã viết những xám hối như thế và cho xuất bản trong tác phẩm “ Quần đảo GULag”.Cũng như ông đã viết trong tác phẩm này người ta đã dụ dỗ ông ra sao khi ông ở trong trại cải tạo, người ta đã đặt cho ông những tên gọi xấu xa như thế nào, đã hành tội, đã sỉ nhục ông và Chúa đã cứu vớt ông ra sao ..Giả sử nếu ông không viết ra tất cả những điều đó liệu người đời có biết không và đến bao giờ mới biết? Rất nhiều kẻ đã từng bêu diếu, vu khống ông nay gọi ông là “của quý Trời ban ” , là “ người gõ cửa vĩ đại”. Họ trở nên danh giá, giàu sang nhờ vào những gì A.Solzhenitsyn đã ngộ ra, đã sám hối. Về lũ người này A.Solzhenitsyn thường nói: “ Họ đang hút máu, ăn thịt tôi . Như hút máu, ăn thịt một xác chết! “.
-Xưa kia có rất nhiều người sủng ái, tôn thờ A.Solzhenitsyn..Nhưng nay lại cũng đã có nhiều người thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận của mình về ông nhà …
Natalia Solzhenitsyn:  Quả là đã như thế! Nhưng có gì đáng ngạc nhiên, lạ lẫm đâu. Những người đã từng ngợi ca, đề cao chồng tôi rồi tự dằn vặt khổ đau vì sự dính lứu - đó cũng là quyền của họ. Lại có người muốn quên sự sủng mộ xưa kia đơn giản vì sợ mất chiếc ghế đang ngồi nơi nhiệm sở…
TÔ HOÀNG    
/ theo nguyên bản tiếng Nga /   
Ghi chú ảnh:   
Nhà văn Nga A.I Solzhenitsyn (1918-2008 )