Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mong manh chiếc lá cuối cùng

Đường Văn
Chủ nhật ngày 15 tháng 12 năm 2013 7:31 PM

(Đọc lại truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O’. Hen ri (Mỹ), Ngữ văn lớp 8 (2013)
            
    Trên đời, hiếm gì nghịch lý oái oăm! Có cái thật làm người ta đau đớn, héo mòn rồi chết rụi! Nhưng có cái giả lại an ủi, nâng đỡ tâm hồn như một liều thuốc thập toàn đại bổ!
    Chiếc lá cuối cùng, một trong những truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Hoa Kỳ O’Hen ri là một  ca độc chiêu đó.
    Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, hình ảnh chiếc lá trường xuân duy nhất và cuối cùng – một sáng tạo bất đắc dĩ của lão họa sỹ Bơmen – đã trở thành nhan đề cho 1 truyện ngắn bất tử của văn học Mỹ hiện đại. Quả thật, đó là một chi tiết – hình ảnh biểu tượng nghệ thuật bất ngờ, độc đáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

    Nhờ chiếc lá vẽ - lá giả, nhưng lại có thật trên tường, trước cửa sổ mà cô họa sỹ trẻ Giônxi dần dần vượt thoát khỏi bệnh hiểm nghèo do lão quỷ viêm phổi độc ác mang tới reo rắc lên cả khu phố nghèo. Họa sỹ già Bơmen đã cứu được cô gái trẻ đáng thương bằng tuyệt tác đầu tiên – và cũng là cuối cùng – của mình hay chính cô đã tự cứu lấy cô bởi niềm hi vọng cứ lớn dần, mạnh dần, ấm dần lên, khơi nguồn từ chiếc lá lạ lùng bất chấp nắng, mưa, ngày, đêm, cứ gan lì bám trụ, quyết không chịu lìa khỏi ngọn dây leo loằng ngoằng kia? Có lẽ Giôn- xi, cô gái yếu đuối, bệnh tật đã tự chữa bệnh cho chính mình rất kết quả bằng niềm tin vào một điều kỳ diệu do chính mình tưởng tượng ra? Niềm tin thật mong manh, ngây thơ, không khỏi có phần ngớ ngẩn! Nhưng kỳ diệu làm sao, càng ngày càng mạnh, mỗi ngày một thêm chắc chắn. Và cuối cùng, đã trở thành sức mạnh nội sinh đủ lực đánh bại tử thần!
    Tôi nghĩ rằng, không hẳn chiếc lá của cụ Bơmen đã cứu Giônxi khỏi tắt lịm cuộc đời như ngọn đèn mờ leo lét trước ngọn gió mùa đông Bắc Mỹ buốt tê. Bàn tay già nua, nhăn nheo của người hoạ sỹ láng giềng nghèo khổ, cô đơn, trong một đêm gió tuyết dữ dội, vẫn cố nhen lên niềm hi vọng, khơi bùng ngọn lửa tình yêu cuộc sống sắp sửa lụi tàn nơi trái tim người nữ đồng nghiệp trẻ không may.
    Con người có thể hồi sinh nhờ một tình yêu được đền đáp, có thể thoát khỏi ác bệnh bởi một xác tín mãnh liệt. Nhưng nếu chưa hoặc không thể sống và làm theo lời kinh Đại bát Niết bàn:
    Tự mình là ngọn đèn của chính mình. Tự mình là nơi nương tựa cho chính mình.*
    Thì càng cao quý biết bao nhiêu cái vai trò vô cùng quan trọng của người châm ngòi, khơi nguồn, làm rực lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống vĩnh cửu.
    Song, tất nhiên người nhóm lửa sẽ phí sức, hoài công vô ích nếu bệnh nhân không đủ nghị lực, niềm tin trong cuộc tranh đấu dai dẳng, bền bỉ để chiến thắng chính bản thân mình. Và có điều, trong cuộc đời có phải ai cũng được cái may mắn của Giônxi, có ngay lập tức kịp thời chiếc lá cuối cùng đúng lúc? Vì quỷ bệnh, đã bao nhiêu người phải vĩnh biệt thế giới này trong đớn đau và tuyệt vọng cùng cực?
    Bức tranh Lá cuối cùng của cụ Bơ men đã hồi sinh và thăng hoa nội lực tuổi trẻ vốn vẫn đang tiềm tàng trong cơ thể và tinh thần của cô gái Giônxi; nhưng đồng thời độc ác, oái oăm và oan nghiệt thay, cũng chính nó, bức tranh lá trên tường kỳ lạ ấy – lại đẩy nhanh người sáng tạo ra nó về cõi hư vô. Cụ Bơ -men qua đời trong bệnh viện mấy hôm sau đó vì tuổi già, sức yếu, lại bị cảm lạnh đột ngột, nặng nề do phải đứng vẽ suốt đêm ngoài trời tuyết cóng, cũng là cách kết thúc cuộc đời một cách bất hạnh…!
    Có ai băn khoăn, vì sao tác giả lại chọn cách kết truyện đau đớn, tựa hồ như bi kịch ấy, mà không viết những dòng cuối nhẹ nhàng, êm ái, ngọt ngào hơn? Chẳng hạn, cụ Bơmen, sau đêm ấy, ốm rất nặng, phải nằm viện điều trị dài dài. Nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Giônxi thì dần dần khỏi bệnh. Biết rõ sự thật, cô vô cùng cảm động và ân hận. Từ ấy, cô thường xuyên vào viện, ngày đêm hết mình chăm sóc ân nhân cứu mạng như chăm sóc cha đẻ của mình. Ngày tháng trôi qua, sức khỏe của cụ Bơmen dần dần hồi phục. Giônxi và Xiu đón cụ già đồng nghiệp thân yêu xuất viện với bó hoa hồng tươi thắm trong tay vào một chiều xuân ấm áp.
    Không dễ dãi và nhạt nhẽo như ta tưởng tượng, nhà văn Mỹ đã cố tình gia tăng chất muối cho gắt mặn hơn, ấn tượng hơn trong lòng người đọc, cho sức căng cuả nghịch cảnh càng căng, cho giọt nước mắt ăn năn, hối hận, biết ơn và nhớ tiếc cứ chảy dài, chảy hoài trên đôi má Giônxi, Xiu và cả mỗi chúng ta. Và nếu nghĩ sâu hơn, bạn sẽ thấy sự ra đi của cụ già họa sỹ là thanh thản trong vinh quang thành đạt mà Đức Chúa lòng lành, quảng đại đã kịp đền bù, ban thưởng cho một kiếp chúng sinh suốt cả cuộc đời đằng đẵng đeo đẳng nghề nghiệp như một ảo vọng nghiệp chướng, đến nỗi những năm tháng cuối phải dìm buồn chán, thất vọng vì tài năng và vận may không đến với mình trong say sưa rượu chè bê tha, vạ vật!
    Tôi cứ luôn bị ám ảnh về tính 2 mặt của hình tượng nghệ thuật chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá cứu người. Đó là mặt phải. Còn mặt trái? Chiếc lá gớm ghê, khủng khiếp nhân tạo lại vô tình phạm tội giết người! Nói thế, hình như cũng hơi quá. Nhưng làm  sao có thể không nghĩ, không chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh cao cả mà nghiệt ngã do nhà văn gợi ra từ hình ảnh chiếc lá trường xuân hết sức bình thường ấy?
    Cụ họa sỹ Bơmen đáng kính đã đi trọn cuộc đời dài trong cảnh nghèo túng và thất bại bằng thành công lóe sáng cuối cùng. Bức tranh lá: giả mà thật, sinh động, đẹp đến nỗi hai căp mắt chuyên môn của Giônxi và Xiu ngắm hoài, ngắm mãi mà vẫn không thể nhận ra sự thật là lá giả, lá vẽ! Họa sỹ già đã sinh ư nghệ, tử ư nghệ suốt mấy chục năm mãi miết, nhọc nhằn. Cụ đã rất vui, hài lòng đánh đổi kiệt tác bằng cả xác, hồn và tình yêu thương con người nồng nhiệt, quên mình, đam mê nghề quên tuổi già và sức khỏe vất vưởng của mình.
    Nhưng tôi lại cho rằng, khi đứng giữa trời đêm gió tuyết, tay run run, miệt mài đưa cành cọ lên mặt tường cao, cụ già Bơmen chắc không hề nghĩ mình đang làm nghệ thuật, đang thực hiện công trình có thể lưu danh hậu thế. Đơn giản, cụ chỉ nghĩ: đây là cách tốt nhất mà cụ có thể làm được, để may ra cứu sống cô bé đồng nghiệp đáng thương. Bức vẽ hoàn thành, buộc phải hoàn thành ngay trong đêm ấy. (Vì nếu không, sáng sớm mai Giônxi sẽ chết vì mệnh trời đã định thế!) Họa sỹ già yếu, cũng ngay sáng hôm sau phải vào viện, và chỉ vài ngày sau đã thanh thản trở về thế giới bên kia, trong niềm hi vọng Giônxi khỏi bệnh. Cụ già họa sỹ chẳng hề bận tâm đến bức tranh lá của  mình có thành kiệt tác hay không?!
    Một lần nữa, chân lý: Nghệ thuật vì cuộc sống con người. Cuộc đời con người cao quý hơn nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính, đích thực bao giờ cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo và có sức mạnh diệu kỳ… Những chân lý sáng ngời và nhọc nhằn ấy vang lên một cách giản dị, hồn nhiên và sâu thẳm khiến chúng ta kinh ngạc. Trải qua bao tháng năm miệt mài, đam mê và khao khát có được chút gì lưu lại trong lòng người xem tranh. Nhưng hi vọng càng ngày càng lùi xa như bóng ảnh nhạt nhòa. Lúc dường như cụ Bơmen đã cơ hồ hoàn toàn chán nản, không còn mảy may ý thức làm nghệ thuât cho chính mình, thì thành công đột xuất lại đến với cụ. Cho hay, nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là kết tinh của tình yêu thương khắc khoải, sâu nặng đối với con người và cuộc sống, là sự quên mình và vô tư tuyệt đối.
    Chiếc lá, trong mắt cụ Bơ men, có lẽ cũng chỉ là một trong hàng trăm, ngàn bức tranh chẳng mấy thành công cụ từng vẽ ròng rã mấy chục năm dài trong đói nghèo, hi vọng và thất vọng?
    Kiệt tác ư? Có lẽ phải hiểu theo nghĩa rộng của từ này. Còn nếu ta hiểu theo nghĩa hẹp của chuyên ngành lý luận phê bình văn nghệ thì: vẽ giống như truyền thần, chụp ảnh thì đâu còn là tranh nữa mà là tranh truyền thần, là bức ảnh chụp. (Tất nhiên 2 loại nghệ thuật ày có tiêu chí, vẻ đẹp đặc thù riêng). Họa sỹ Bơmen biết rõ điều đó. Nhưng, như đã nói ở trên, lần duy nhất này, cụ không làm nghệ thuật mà dùng nghệ thuật để cứu một mạng người. Bởi vậy, có thể nói đây là bức tranh kiệt tác cứu người độc nhất vô nhị mà tác giả là lão họa sỹ Bơ- men.
    Dưới mắt họa sỹ trẻ - người bệnh Giônxi, chiếc lá cuối cùng là vị cứu tinh, là Thiên sứ huyền vi, là niềm tin, niềm vui đang rụt rè, run rẩy và chậm rãi trở về mà cô càng cảm thấy vừa mơ hồ vừa rõ rệt trong máu thịt mình. Chiếc lá cuối cùng, sáng tạo một đêm, kết quả của tình yêu thương trĩu ặng, dồn qua nét bút xuất thần của họa sỹ già Bơmen. Chiếc lá nối dài một cuộc đời, đồng thời cướp đi một mạng sống, để lại trong bao thế hệ người đọc niềm xót xa, kính trọng và thương tiếc vô vàn đối với người họa sỹ nghèo giàu lòng trắc ẩn, bất hạnh, đồng thời làm ta xúc động và kinh ngạc vì sức mạnh huyền diệu của nghệ thuật – đem lại tình yêu, niềm tin và hi vọng cho con người.
    Dù phải đổi với giá cực đắt, nhưng hỏi có nghệ sỹ chân chính nào lại không vui lòng đánh đổi tất cả những gì mình có và có thể có để lấy một chiếc lá cuối cùng màu nhiệm!
    Còn nếu ở vị thế con người bình thường và nhỏ bé trong cuộc sống đời thường bằng lặng mà cũng lắm bất ngờ, thì chúng ta mong sao không phải cầu xin cho mình có được chiếc lá cuối cùng hộ mệnh chẳng bao giờ rụng, mong manh nhất, mơ hồ nhất, được tạo bởi những giờ phút bệnh tật, yếu đuối, chán chường.
    Bởi thế, chiếc lá cuối cùng, bức tranh lá mong manh nhân tạo trên bức tường cũ kỹ rêu phong đặc biệt ấy, không chỉ tạo nên hai lần tình huống đảo ngược tình thế bất ngờ, một biện pháp nghệ thuật độc đáo trong truyện ngắn của Henri mà về tư tưởng - nghệ thuật: nó chính là thông điệp nhắn gửi tình yêu, niềm tin và hi vọng của con người chiến thắng ốm đau, tật bệnh, chiến thắng sự cô đơn, nỗi yếu hèn, sợ hãi, bất lực của bản thân do bệnh tật gây nên.
    Chiếc lá là tình yêu bất diệt của tuổi trẻ hướng tương lai.
    Phải chăng cả hai mặt đối lập và thống nhất đó của chiếc lá cuối cùng đã góp phần quan trọng nhất, tạo nên thông điệp thẩm mỹ, chiều sâu nghệ thuật – tư tưởng, tạo nên vẻ đẹp thánh thiện và say người của truyện ngắn O’Henri hơn 1 thế kỷ qua?

10 – 2013, 12 – 12 – 2013. ĐV


* Chuyển dẫn từ bài nghiên cứu: Hai lần thay đổi mô hình thẩm mỹ. Sách Thái Bá Vân tiếp xúc với nghệ thuật. Viện Mỹ thuật Việt Nam XB, Hà Nội, 1997, tr. 27.