Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chất lượng văn hóa trong cơn bão thông tin toàn cầu

Trần Mai Hạnh
Thứ ba ngày 5 tháng 11 năm 2013 4:20 PM



LTS: Ngày 2/11, tại Đà Nẵng, được sự uỷ quyền của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Công nghệ Thông tin đã tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý chất lượng sản phẩm văn hóa qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”. Báo Điện tử Tổ Quốc trích đăng một số tham luận.

Tại cuộc hội thảo về một đề tài quan trọng, rất rộng và rất đáng quan tâm: “Văn hoá và chất lượng các sản phẩm văn hóa” do Bộ VH,TT & DL tổ chức, tôi xin phát biểu ý kiến về chất lượng văn hoá trong bối cảnh cơn bão thông tin toàn cầu. Đó cũng là một trong những chủ đề mà Ban tổ chức hội thảo đề ra, đó là: “Đánh giá sự ảnh hưởng của chất lượng sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật trong đời sống văn hoá tinh thần hiện nay”.

1- Chúng ta đều biết, văn hóa có ý nghĩa như là nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Văn hóa và chất lượng các sản phẩm văn hóa đáp ứng cho nhu cầu tâm hồn con người về cả nhận thức, trí tuệ và cảm xúc thẩm mỹ. Nói như GS-TS Đình Quang thì “Chính nhờ văn hoá mà chúng ta đã tự tạo lại mình, từ một động vật sống theo bản năng thành một sinh vật có trí tuệ, từ “Con” mà thành “Người””; còn theo nhà lý luận - phê bình Ngô Thảo thì “Nói đến văn hóa là nói đến cái còn lại sau khi nhiều thứ khác mất đi”.

2- Chất lượng văn hoá định hình và tồn tại trong sản phẩm của mọi loại hình văn hóa - văn học - nghệ thuật, gồm: sách - âm nhạc - hội họa - điêu khắc - kịch nói, tuồng, chèo, cải lương (sấn khấu) - điện ảnh v.v.v… Nói đến văn hóa và chất lượng các sản phẩm văn hóa cũng tức là nói đến tác động của nó khi đến được với quảng đại quần chúng, đến với từng ngõ phố, làng quê, từng mái nhà và thẩm thấu trong tâm hồn người tiếp nhận. Nếu không truyền lan được như thế, mà sản phẩm văn hóa làm ra rồi đóng khung để đấy tự thưởng thức, tự sướng trong một nhóm người thì phỏng có ích gì? Số người trực tiếp xem biểu diễn nghệ thuật ở nhà hát, xem phim ở rạp hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật rất ít. Vì vậy, sản phẩm văn hóa phải đến với người dân thông qua các phương tiện truyền thông: truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử và các trang tin, các mạng xã hội trên Internet. Thế cũng có nghĩa, sản phẩm văn hóa dù chất lượng có tinh túy, có cao đến bao nhiêu cũng không thể một mình một ngựa, một mình một đường đến với người tiếp nhận. Kể từ ngày con người phát minh ra Internet, nó (tức sản phẩm văn hóa) phải chen chúc cất bước trong dòng thác sôi sục của không biết cơ man nào là thông tin trên xa lộ toàn cầu mà cả nhân loại đang cất bước.

 


Hội nhập toàn cầu cùng với cơ chế thị trường đã đụng chạm tới mọi quan niệm về sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa


3- Thời đại kỹ thuật số, với sự nâng bước của công nghệ thông tin hiện đại, toàn cầu hóa đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó diễn ra chóng mặt với tốc độ và quy mô nằm ngoài sức tưởng tượng của ngay cả các nhà nghiên cứu. Đó là sự thay đổi sâu sắc cách thức suy nghĩ, cách thức hành xử từ những vấn đề nhỏ nhất của không chỉ một cá nhân, một nhóm người, một lĩnh vực - Đương nhiên văn hóa (mà cốt lõi là phẩm chất văn hóa, chất lượng sản phẩm văn hóa) cũng không ngoại lệ. Thời mở cửa, hội nhập toàn cầu cùng với cơ chế thị trường đã đụng chạm tới mọi quan niệm về sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa. Và như thế, ở một góc độ nào đấy, thời toàn cầu hóa là thời mà nhiều thứ thuộc lĩnh vực văn hóa (sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa) được đưa ra thị trường và đều có nguy cơ trở thành hàng hóa và nó vượt qua mọi biên giới. Cùng một lúc nhân loại có thể cùng xúc động hay phẫn nộ về một thông tin, một hình ảnh được phóng ra trên xa lộ thông tin phẳng, không biên giới của hành tinh này. Không còn là luồng gió mới nữa, mà giờ đây đã là những cơn bão thông tin toàn cầu. Những biến loạn trong đời sống chính trị - xã hội do tác động của các phương tiện truyền thông mới, không còn là cảnh báo xa vời, mà đã là những sự thực nhãn tiền.

4- Quản lý lĩnh vực văn hóa, ứng xử với các sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa mà không đặt nó trong bối cảnh toàn cầu hóa và cơn bão thông tin toàn cầu như trình bày tóm lược ở trên, thì thật phiến diện, nếu không muốn nói là sai lầm. Bởi lẽ: 

     a/ Chúng ta đang sống ở thời đại, không chỉ những tuyên bố và thông điệp quan trọng, to tát, mà nhiều khi chỉ một câu nói, một hình ảnh ở một làng quê trên đất nước chúng ta cũng có thể lập tức được thế giới biết đến và lưu dấu lại. "Dân bức xúc nên phá nhà ông Vươn" - Câu trả lời của vị Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và bức ảnh chụp cảnh Phó chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cay cú, hùng hổ chỉ mặt đe dọa, xua đuổi phóng viên không cho vào khuôn viên ủy ban tiếp xúc với các nhân chứng trong vụ án Đoàn Văn Vươn đã lập tức được nhiều hãng thông tấn, báo, đài nước ngoài đưa lên như câu nói và hình ảnh nóng, phản cảm nhất trong thời điểm nóng bỏng của vụ án với những lời bình khó đỡ. Có muốn rút lại cũng không được nữa. Vạ mồm, vạ chữ trong thời đại Interrnet, nguy hiểm là vậy. Dù có hạ bài, hạ ảnh thì công cụ tìm kiếm trên Google vẫn chỉ ra. “Văn bia” Interrnet còn đó.

      b/ Bởi lẽ đó, sẽ là sai lầm khi chúng ta ứng xử với sản phẩm văn hóa và các hoạt động văn hóa mà không chú trọng đến tác động kể cả hai chiều xấu - tốt của thời toàn cầu hóa thông tin. Vì một hành xử, một lời nói, một đánh giá đưa ra công luận mà phản cảm, phản văn hóa thì tác hại của nó khó lường. Vụ việc du lịch Việt Nam sang Đức quảng bá hình ảnh của mình mà lại treo nhầm bức ảnh giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc làm ngỡ ngàng cả giới truyền thông là một ví dụ. Khi báo chí phát hiện, lên tiếng phê phán, lẽ ra thời toàn cầu hóa, tốc độ thông tin truyền lan chóng mặt, người đứng đầu ngành du lịch phải phản ứng thật nhanh, nhưng trái lại. Thay vì nhận lỗi, tức thời trả lời một cách minh bạch, lại dềnh dang nói rằng thông tin đã có trên trang web của Tổng cục Du lịch, đề nghị báo chí vào đó tìm hiểu. Vụ việc do đó không được dập đi ngay, mà kéo dài thêm và bị đẩy lên với những hệ lụy lẽ ra không đáng có.

      c/ Và cũng bởi lẽ đó, việc tận dụng mọi cơ hội, thời cơ để nâng tầm chất lượng các sản phẩm văn hóa cũng như kích hoạt, quảng bá các hoạt động văn hóa trong thời toàn cầu hóa cũng không thể xem nhẹ. Lại xin đơn cử một ví dụ của ngành du lịch. Chúng ta đều biết chàng "Running man" Vũ Xuân Tiến đã chạy bộ hơn 5 km để đuổi theo xe chở các cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Arsenal trong chuyến du đấu tại Việt Nam. Hình ảnh đó đã tạo nên sự ngưỡng mộ và cơn sốt trong cộng đồng tín đồ túc cầu giáo không chỉ ở Việt Nam. Đích thân huấn luyện viên trưởng CLB Arsenal đã mời Vũ Xuân Tiến sang Anh để giao lưu với khán giả sân vận động Emirates (Ê-mi-rết) trước trận Arsenal - Napoli khai mạc Emirates Cup 2013 trên sân nhà của Arsenal. Chàng "Running man" Vũ Xuân Tiến đã mang cờ tổ quốc chạy quanh sân vận động trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của hơn 60.000 khán giả trên sân vận động Ê-mi-rết và cả trăm triệu người trên nhiều vùng đất của hành tinh này đang háo hức theo dõi trận đấu truyền trực tiếp trên truyền hình. CLB Arsenal đã lập tức chộp lấy Vũ Xuân Tiến ngay từ khi anh sải bước chạy theo xe chở cầu thủ của họ để quảng bá cho hình ảnh câu lạc bộ, họ mời anh sang Anh, tổ chức phỏng vấn, giao lưu, làm phim về anh... Khi được hỏi tại sao lại bỏ qua cơ hội này để quảng bá cho du lịch Việt Nam, một quan chức ngành du lịch trả lời: “Cơ quan nhà nước làm sao kết hợp được với cá nhân trong thời gian ngắn vài ngày như thế”. Vậy thử hỏi, phải cần bao nhiêu thời gian, hay chỉ cần vài giờ là đã có thể gặp được Vũ Xuân Tiến, tiến hành những thỏa thuận cần thiết để anh cùng với lá cờ tổ quốc giơ cao biểu tượng chào đón du khách thế giới đến với Việt Nam - đất nước xinh đẹp, tin yêu và hy vọng - của du lịch Việt nam trên sân vận động Ê-mi-rết trước sự theo dõi cuồng nhiệt của hàng trăm triệu người qua màn hình trước một trận cầu đỉnh cao quốc tế? Cơ hội có một không hai đó đã vuột qua. Nó hiếm hoi như sao chổi, lâu lâu mới ghé thăm trái đất có một lần...

5- Đời sống văn hóa luôn nhiều biến động, diễn biến liên tục và phức tạp. Những cơn bão thiên nhiên dù có khủng khiếp đến mấy cũng lâu lâu mới diễn ra một lần. Còn bão thông tin, bão dư luận trong lĩnh vực văn hóa - nơi  có nhiều hoạt động nhạy cảm, hấp dẫn với những người nổi tiếng có, tai tiếng có, với sự nhảy múa của đồng tiền và đủ mọi chiêu trò - thì diễn ra liên tục. Thời công nghệ hiện đại, Internet và các mạng xã hội tương tác (mạng Facebook có tới 1,15 tỷ thành viên) đã phá vỡ mọi biên giới thông tin, tin tức hình ảnh truyền lan với tốc độ chóng mặt. Dòng thác thông tin với sự tham gia không kiểm soát được của các fan cuồng xối vào cuộc sống, có nguy cơ làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa, làm nhiễu loạn đời sống tinh thần của một bộ phận giới trẻ. Cơn lốc kiếm tiền bằng mọi giá của một bộ phận nhan sắc đã cuốn phăng lớp son hào nhoáng, làm rối loạn các chuẩn giá trị. Giới showbiz Việt bấn loạn trong nhất cử nhất động được cập nhật hàng giờ trên các trang mạng với đủ thứ phát ngôn và hành động phản cảm. Một giọng hát dân ca trời phú bất ngờ xuất hiện như một dòng suối trong lành của bé Phương Mỹ Chi đã lập tức đứng trước nguy cơ bị làm xấu đi bởi tràn ngập trên mạng những ồn ào không đáng có, những đồn đoán vô căn cứ của người lớn thị phi. Khi SuJu, Big Bang và Ban nhạc Hàn Quốc đến Việt Nam hàng ngàn fan sôi sục đón chào: nhịn ăn, trốn học chầu trực cả ngày để đón ở sân bay, khóc lóc gào thét khi thần tượng xuất hiện, chen chúc tới ngất xỉu để xin chữ ký, để được chạm vào thần tượng, chắp tay vái lạy, xúm vào hôn cái ghế mà thần tượng đã ngồi... Sự mê muội tới mức mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm và điên rồ trong hành vi... Lê Văn Luyện, kẻ giết hại dã man cả nhà chủ tiệm vàng Ngọc Bích - Bắc Giang vậy mà có thời điểm hình ảnh Luyện tràn lan trên không ít báo mạng, trên nhiều trang web như những đám mây đen tích điện trên bầu trời thông tin. Luyện được một bộ phận giới trẻ xem như "người hùng", làm thơ, viết nhạc ca ngợi tạo ra sự phản cảm ghê gớm... Lê Tuấn Anh, kẻ đã hiếp dâm, giết chết và vứt xác em Nguyễn Thị Bích Ngọc, đang là học sinh THPT, quê ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa xuống sông đã "hồn nhiên" trả lời các điều tra viên: "Cháu là họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì đấy giống anh ấy". Lê Tuấn Anh ở mãi tận vùng đất xa xôi (Thanh Hóa) cũng biết rõ "sát thủ máu lạnh" Lê Văn Luyện ở tận Bắc Giang. Thời Internet vươn tới ngõ xóm, bờ tre. Thông tin, hình ảnh vụ án tải về làm rúng động làng quê...

6- Chính những thời điểm sục sôi dư luận, tiếng nói khẳng định chất lượng của sản phẩm văn hóa, sự đúng - sai trong hành xử của người nghệ sĩ của cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật cần phải vang lên. Trong cơn bão toàn cầu về thông tin, chính sự minh bạch - kịp thời - trách nhiệm là ba trong số những thành tố quan trọng cấu thành nhịp thở yên bình cho xã hội. Còn nhớ khi hai nghệ sĩ hàng đầu Trọng Tấn và Anh Thơ tự ý bỏ về nước không tham gia Chương trình nghệ thuật chào mừng 60 năm quan hệ hữu nghị Việt - Lào khiến dư luận xốc và choáng váng. Bộ VH,TT& DL đã phản ứng tức khắc. Từ Viêng Chăn, thừa ủy quyền của Bộ trưởng, một công điện được gửi đi thông báo rõ sự việc, chỉ rõ sai phạm cũng như hình thức kỷ luật đối với hai nghệ sĩ. Thông tin chính thống, kịp thời trên như trận mưa tức khắc làm dịu mát mảnh đất thông tin đang sôi sục, nóng bỏng đồn đoán và cả những chiều kích không thiện chí. Đó có thể xem là một trường hợp thông tin điển hình, ấn tượng trên lĩnh vực văn hóa chứa đựng cả ba thành tố quan trọng: minh bạch - kịp thời - trách nhiệm. Nó xứng đáng là một "giọt ban mai" mát lành tham gia vào cuộc du ngoạn không mệt mỏi trong vũ trụ bao la thông tin của thời toàn cầu hóa.


Trong bài thơ "Bão" nổi tiếng của mình, nhà thơ Tế Hanh viết:

 "Cơn bão nghiêng đêm, cây gẫy cành, bay lá/ Ta nắm tay nhau cùng qua đường cho khỏi ngã... ”.

Tôi xin mượn hình ảnh hai câu thơ nổi tiếng ấy để kết thúc bài phát biểu của mình:

 "Cơn bão thông tin, dân ngã lòng trông đợi/ Những giọt ban mai trên phím bấm toàn cầu… ”. 


 

 

* Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.